KỶ NIỆM VỀ MỘT CHUYẾN ĐI MAI TÁNG LIỆT SỸ

 Nhà văn Dương Thanh Biểu là lính Trung đoàn 28 - Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3, anh vào chiến trường chiến đấu suốt từ năm 1968 tới năm 1973. Năm 1973, trong một trận đánh trên cương vị đại đội trưởng, anh bị thương nặng sau đó được chuyển ra Bắc điều trị. Khi dời quân ngũ với bao khó khăn anh gặp phải: bố, mẹ mất, người yêu mất do bom của giặc Mỹ, nhà cửa không còn, các em mỗi người một nơi, những khó khăn chồng chất như muốn quật ngã anh. Nhưng mang ý chí, quyết tâm của người lính anh đã không ngừng học tập, rèn luyện vươn lên rồi trở thành một cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước với chức danh Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Mặc dù công việc chuyên môn rất bận nhưng anh vẫn miệt mài viết, ghi lại những năm tháng sống, chiến đấu ở chiến trường. Đến nay anh đã có 6 tác phẩm ra đời đó là các tác phẩm: Một thời trận mạc ( nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2010 ), Theo dòng công lý ( Nhà xuất bản Hội nhà văn 2011), Tạ Định Đề những góc khuất của cuộc đời ( Nhà xuất bản QĐND năm 2013 ). Từ cuộc chiến đến cuộc chiến ( Nhà xuất bản QĐND 2016 ), Miền sáng tối ( nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2017 ), Nỗi niềm người lính ( nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2020 )

Nhân kỷ niệm 76 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam, trang Lính Tây Nguyên xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài : KỶ NIỆM MỘT CHUYẾN ĐI MAI TÁNG LIỆT SỸ của nhà văn Dương Thanh Biểu
KỶ NIỆM VỀ MỘT CHUYẾN ĐI MAI TÁNG LIỆT SỸ
Dương Thanh Biểu – CCB e28/fBB10
Nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao



... Mặt trận Đường 9 - Quảng Trị, tôi còn nhớ mãi. Hôm ấy gần tối, đói bụng, tôi bẻ nắm cơm vỏ ngoài đã khô như vỏ dừa ra ăn.. Đang ăn thì Tiểu đội trưởng Vương Tử Hoàng gọi sang hầm bên. Anh rít một hơi thuốc dài, vừa nhả ra làn khói xanh vừa thân mật nói:
- Cậu chuẩn bị cùng tớ đi làm nhiệm vụ đặc biệt của Tiểu đoàn. Nhớ chuẩn bị mang theo dao găm, cuốc, xẻng. Ngay bây giờ nhé!
Tiểu đội trưởng Hoàng có đôi mắt sâu hoắm, mặt mày lem luốc, bước đi nhanh nhẹn. Anh là người chỉ huy dũng cảm, linh hoạt nhưng rất thương anh em. Đêm đêm trước giờ ngủ, anh đều đi kiểm tra chiến sĩ có mắc màn chống muỗi và ngủ đúng giờ hay không. Tiếp đó, lại đi một vòng kiểm tra việc gác xách của lính thế nào. Có lần anh nói với tôi: “Trong chiến trường, vốn quý nhất của con người, nhất là đối với bộ đội là sức khỏe. Một đồng chí ốm là mất một tay súng. Mất một tay súng là kẻ địch có lợi hơn mình. Do vậy, chăm lo sức khỏe của chiến sĩ là nhiệm vụ hàng đầu của người chỉ huy”.
Tôi lao nhanh về hầm và chuẩn bị các dụng cụ cần thiết. Lúc này tôi cũng chưa hiểu đi làm nhiệm vụ đặc biệt là nhiệm vụ gì. Chập choạng tối, chúng tôi đến Ban chỉ huy Đại đội mới biết nhiệm vụ đặc biệt đó là đi mai táng, chôn cất liệt sĩ.
Mấy hôm nay địch dùng sư đoàn “Kỵ binh bay” đổ bộ, chặn đường tiếp tế của ta cho mặt trận Khe Sanh. Đại đội tôi trong đội hình của Tiểu đoàn K8A đã tập trung đánh địch đổ bộ đường không nên rất ác liệt. Tiểu đoàn đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đánh bại cuộc đổ bộ đường không của chúng. Tuy nhiên, chúng ta cũng có nhiều thương vong. Đi làm nhiệm vụ đặc biệt lần này có nhiều đồng chí. Ngoài anh Hoàng ra còn có các anh Lê Xuân Trữ, Hoàng Ngọc Loan, Nguyễn Văn Lệ, Lê Văn Ngọ… Mới không nhìn thấy nhau có mấy ngày mà trông ai cũng hốc hác, đen sạm, mệt mỏi. Chúng tôi tay bắt mặt mừng nhưng nhìn ai cũng đượm vẻ buồn buồn. Để phá đi không khí căng thẳng ,Trữ vừa cười vừa nói với giọng khảng khái: “Sống chết cũng có số phận của nó các cậu ạ. Bom đạn tránh mình chứ mình làm sao mà tránh nó được. Chỉ có điều, sau này nhỡ ra có làm sao thì ai còn lại nhớ báo tin cho gia đình với nhé”.
Tôi nhìn Trữ và mọi người rồi liếc nhìn các liệt sĩ đã được gói ghém cẩn thận bằng ni lông được cho lên cáng và dựa thân cây. Nhìn các cáng tử sĩ mà lòng ái ngại, thông cảm cho các đồng đội. Anh em chúng tôi tập trung trước hầm Chính trị viên đại đội. Trực tiếp giao nhiệm vụ có anh Nguyễn Hữu Thu, Chính trị viên và anh Nguyễn Long Trọng, Đại đội trưởng. Anh Thu quê ở xã Dân Lực, Triệu Sơn; Anh Trọng quê ở xã Quảng Yên, Quảng Xương, cùng quê Thanh Hóa. Chúng tôi được bổ sung vào đơn vị hỏa lực của tiểu đoàn K8A, lại có các Thủ trưởng đại đội vừa đẹp trai, vừa tâm lý như anh Thu và anh Trọng thì thật là may mắn. Sau khi mọi người ổn định chỗ ngồi, anh Thu phổ biến nội dung của nhiệm vụ đặc biệt. Anh Thu trước đây là giáo viên cấp 2, nhập ngũ 1964. Anh có đôi mắt sáng với giọng nói sang sảng có sức thuyết phục. Anh Thu nhìn chúng tôi nói:
- Hôm nay các đồng chí được cử làm nhiệm vụ đặc biệt. Theo mệnh lệnh của Thủ trưởng Mặt trận, vị trí này là nơi tác chiến nên không an toàn vì vậy phải bằng mọi giá, khẩn trương chuyển các tử sĩ ra bờ bắc sông Bến Hải để mai táng. Đây không chỉ là nghĩa tử mà còn là tình cảm đồng đội, đồng chí, sống chết có nhau, là trách nhiệm của người quân nhân cách mạng đối với người đã hy sinh vì Tổ quốc… Rồi anh nhấn mạnh:
- … Do vậy, Đảng ủy Tiểu đoàn và Ban Chi ủy Đại đội rất tin tưởng và gửi trọn niềm tin vào các đồng chí và mong các đồng chí đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt này.
Anh Thu nói rất ngắn gọn và sau đó, anh Trọng, Đại đội trưởng phân công nhiệm vụ:
- Để đảm bảo hành quân an toàn, cứ 4 đồng chí đảm nhiệm một cáng tữ sĩ. Hôm nay trời mưa, đường đi đêm rất khó khăn. Các đồng chí bám sát với nhau, không được đi lạc, giữ bí mật, đề phòng thám báo, biệt kích mai phục. Trong trường hợp bị địch phục kích thì đánh địch, mở đường mà đi. Kiên quyết bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài liệt sĩ.
Anh Trọng nói tiếp:
- Tôi đề nghị các đồng chí đi làm nhiệm vụ đặc biệt lần này hãy vì tình thương yêu giai cấp, tình thương yêu đồng đội, các đồng chí không được khạc, nhổ trước anh linh đồng chí mình.
Nghe đến đây tôi thấy rờn rợn, nổi gai ốc. Sau đó tôi được phân công cùng anh Hoàng, Trữ, Lệ khiêng một cáng tử sĩ. Trữ quê ở xã Hưng Hòa, thành phố Vinh; Lệ quê ở Nam Cát. Chúng tôi cùng nhập ngũ một ngày, vào chiến trường B5 lại cùng đơn vị. Mọi người khoác áo mưa. Anh Hoàng đeo khẩu súng AK đi trước. Tôi và Trữ khiêng tử sĩ đi sau. Sau cùng là Lệ. Tử sĩ là anh Nguyễn Hồng Sơn, quê ở Hưng Lợi, Hưng Nguyên, cùng nhập ngũ với chúng tôi. Anh Sơn bị mảnh pháo xuyên ngực cách đây 4 hôm. Tuy được bó bằng vải ni lông nhưng vẫn bốc mùi rất nặng. Mới gần 6 giờ chiều mà đường đi đã tối sẫm. Trời vẫn mưa ngày càng nặng hạt. Trữ người nhỏ hơn nên đi sau, tôi đi trước. Một tay tôi giữ cáng, tay kia chống gậy và đi theo anh Hoàng. Anh Hoàng vừa đi vừa dò dẫm. Có đoạn đi được một quãng nhầm đường phải quay lại. Những lúc xuống dốc, đường trơn, cáng tử sĩ khá nặng đè lên vai rất khó đi. Có lúc trượt chân, thế là cáng tử sĩ đè lên người. Những lúc đó phải có anh Hoàng và Lệ kéo lên mới đứng dậy được. Nước của xác tử sĩ theo cáng chảy vào người nhơn nhớt.
Khoảng 3 giờ sáng thì chúng tôi đến bờ sông Bến Hải. Lúc này trời mưa như trút nước, tối đen như mực. Nước sông dâng cao. Chúng tôi ai cũng mệt nhoài. Anh Hoàng cho anh em tạm nghỉ chờ nước rút mới khiêng tử sĩ sang sông được. Anh Hoàng vuốt nước mưa, nói:
- Bây giờ ta tạm nghỉ tại đây. Mưa thế này có thể sáng mai tạnh, mới vượt sông được. Chúng ta thay nhau thức canh tử sĩ. Phải đề phòng thú rừng, tuyệt đối không được để mất tử sĩ.
Tối đó, chúng tôi thay nhau đứng giữa trời mưa để canh gác cho tử sĩ ngủ. Tôi và Trữ được phân công gác trước. Chúng tôi đứng gác mà bụng đói cồn cào. Đứng dưới làn mưa bàng bạc, Trữ hỏi tôi:
- Đói bụng quá. Tớ còn cơm đây. Cậu ăn với mình nhé.
Vừa nói Trữ vừa móc nắm cơm trong túi ra đã ướt sũng. Trời tiếp tục mưa như trút. Tôi nhìn Trữ, nhìn mưa giăng giăng, nước sông chảy ầm ĩ mà lòng nặng trĩu tâm tư . Chưa bao giờ tôi lại nghĩ đời bộ đội sao mà lắm gian nguy thế này. Khi còn là cậu học sinh có ai kể cho mình về sự gian nan vất vả của bộ đội như thế này đâu. Bụng thì đói mà hai lỗ mũi lúc nào cũng phảng phất mùi tử sĩ thật buồn nôn. Tôi nhìn Trữ, chép miệng:
- Làm sao mà ăn nổi. Cậu ăn đi.
Tôi vừa nhìn vừa chỉ tay ra bờ sông đang ào ào thác đổ:
- Kiểu này có thể nước sông ngập lên đến đây chắc. Trữ vừa cố gắng nuốt trôi miếng cơm nắm, khoát tay nói:
- Mặc nó, ăn đi mà lấy sức. Nước sông có lên đến đây ta lại tiếp tục chuyển tử sĩ lên cao hơn nữa.
Vừa nói Trữ vừa ngoạm cả miếng cơm còn lại một cách ngon lành. Trời tiếp tục mưa, sấm chớp xen lẫn tiếng pháo cầm canh nổ ùng oàng. Anh Hoàng thức dậy từ lúc nào đến bên tôi, vỗ vai:
- Bây giờ để tớ gác cho. Các cậu tranh thủ ngồi ngủ một tẹo cho đỡ mệt.
Tôi thấy ánh sáng đã le lói phía đông, bèn nói với anh Hoàng:
- Trời gần sáng rồi anh ạ. Em cũng chẳng buồn ngủ nữa. Anh và Trữ cứ tranh thủ ngủ đi.
Tôi chưa nói dứt thì Trữ đã vén áo mưa, ghé mông vào gốc cây mục ngồi thụp xuống, trùm áo mưa và ngủ luôn. Còn anh Hoàng thì bật lửa hút thuốc. Tôi bồng súng đứng gác bên thi hài Sơn trong làn mưa, bàng bạc. Không hiểu nước mắt hay nước mưa mà cứ lăn dài trên gò má. Nhìn thi hài tử sĩ được gói cẩn thận bằng áo mưa, nằm ngay ngắn trên chiếc cáng được dựa vào hai thân cây, con tim tôi bỗng xốn xang. Cuộc đời lính trận đúng là sống nay chết mai. Trong mưa bom bão đạn này chẳng biết sao mà lần. Tôi nhìn trời vẫn mưa rơi trắng xóa, bắn vào cáng nghe lộp bộp. Càng nhìn bọc thi hài Sơn, càng thấy thương Sơn. Tôi thầm nghĩ: Sơn ơi! Chỉ mới cách đây mấy hôm, chúng mình đang cùng nhau hút chung điếu thuốc lá Sa Lem lấy được của bọn lính Mỹ trên đồi Cháy, mà bây giò Sơn đã ra đi để lại nỗi mất mát, đau thương cho tiểu đội, cho bọn mình. Mình vẫn nhớ câu nói của Sơn dặn mọi người: “Nếu trong chiến đấu có làm sao thì người còn lại phải báo ngay cho gia đình. Bây giờ người ra đi trước lại là Sơn. Thật đau xót trước cảnh mất mát đau thương này, Sơn ạ. Bọn mình đã vượt bao núi cao, dốc thẳm để đưa Sơn sang bờ bắc sông Bến Hải cho an toàn. Chúng mình sẽ làm mộ chí cẩn thận và sẽ báo cho gia đình biết, Sơn nhé! ... Sơn ơi. Hôm nay, tiễn biệt Sơn không hương, không nến cũng không hoa. Giữa mưa ngàn thác đổ, giữa trận địa đầy hiểm nguy này, tiễn Sơn về thế giới người hiền, với tấm lòng đồng đội thủy chung, luyến tiếc, sẻ chia. Sơn thông cảm cho bọn mình và ra đi thanh thản nhé. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, bọn mình sẽ đưa Sơn đến nơi yên giấc ngàn thu…”
Tôi đang nghĩ miên man về Sơn thân thương thì cơn mưa cũng ngớt dần. Mưa đầu nguồn có khác. Vừa mưa nước đã dâng cao; ngớt mưa nước cũng rút rất nhanh. Những hòn đá nhấp nhô ngày càng lộ dần lên mặt nước. Chúng tôi khẩn trương khênh cáng tử sĩ vượt sông Bến Hải. Sông chảy cuồn cuộn. Chúng tôi vừa khênh tử sĩ vừa bám vào dây thừng mà các chiến sĩ giao liên đã làm sẵn để vượt sông. Nếu không có dây thừng này thì dòng nước có thể cuốn chúng tôi đi bất cứ lúc nào. Chúng tôi vừa khênh xác tử sĩ qua sông thì cũng là lúc máy bay Mỹ bắn phá hai bên bờ sông Bến Hải. Thi hài Sơn được chúng tôi cáng đến xã Vĩnh Ô, Vĩnh Linh để mai táng. Mấy anh em hì hục đào huyệt chôn cất tử sĩ và ghi thẻ mộ chí cho Sơn. Mai táng tử sĩ xong, chúng tôi khẩn trương quay lại sông Bến Hải để về đơn vị. Trước lúc quay lại, anh Hoàng dặn mọi người:
- Bây giờ ta khẩn trương hành quân về đơn vị. Theo cấp trên cho biết, đoạn sông ta vừa qua, trưa nào máy bay cũng bắn phá ác liệt, cho nên yêu cầu các đồng chí ngụy trang cẩn thận, đi cách nhau 10 mét và hết sức khẩn trương để vượt sông trước 10 giờ sáng.
​Sau lời căn dặn của anh Hoàng, có thể nói là chúng tôi vừa đi vừa chạy để kịp vượt sông, tránh giờ cao điểm máy bay tới ném bom sông Bến Hải. Sau đợt công tác đặc biệt này, lỗ mũi tôi lúc nào cũng thoang thoảng mùi tử sĩ, mặc dù luôn xức dầu con hổ nhưng vẫn không hết cái mùi ấy. Bây giờ đã hơn 50 năm rồi nhưng chuyến đi công tác mai táng liệt sỹ đêm hôm đó tôi vẫn mãi mãi không thể nào quên cái mùi liệt sĩ ấy...
DTB