MÙA MƯA NĂM ẤY

 MÙA MƯA NĂM ẤY

Bác sỹ Hoàng Bá Quế
Sau thời gian làm quen của "lính mới " tại Khoa 23 của bác sĩ Minh (xin lỗi thầy vì không còn nhớ được họ của thầy - em xin được viết theo chức danh). Khoa 23 là khoa chuyên về mắt, khoa mắt nhưng rất nhiều thương binh đa vết thương khác. Trong chiến dịch Xuân - Hè 1972, từ Đăk Tô, Tân Cảnh thương binh ứ dồn về tràn ngập, hầu như khoa nào cũng phải nhận thêm, phải triển khai phẫu thuật, không cứ là chuyên ngành về mổ xẻ.
Có những vết thương bị giòi đục, bơm nước muối vào, giòi lúc nhúc hàng chục con vãi ra bàn mổ không là chuyện hiếm. Lán trại, hầm âm, nhà lợp lồ ô, tăng võng, từng nhóm, từng nhóm đầy rừng, râm ran muôn chuyện mặt trận, chuyện chiến đấu... đa phần chỉ "oánh" chiếc quần cộc, băng cuốn đầy mình, miệng vắt vẻo điếu thuốc sâu kèn dính tận mép, hăng nhất là nhóm thương binh đã bớt đau, có người choi choi cái tay cụt vẫn hò hét sát phạt “tiến lên”, quẹt nhọ than vào mặt, vào trán… để ăn thua nhau. Góc này mấy ông 95, bãi kia mấy vị 66, quân địa phương Đăklak, lính nằm vùng Quảng Ngãi... hầu khắp các chiến trường, hầu khắp các mặt trận, từ bắc Kon Tum, đường 14, 19... đến trung đoàn 25 tận Cánh Nam... đủ các đơn vị, đủ các binh chủng, bộ binh, pháo, đặc công, trinh sát, thông tin... đều có mặt nơi đây, có thể nói Viện 211 là bệnh viện lớn nhất chiến trường Tây Nguyên - Khu Năm thời bấy giờ.
VỀ ĐƠN VỊ MỚI
Đầu tháng 8/1972, chúng tôi được điều động tăng cường cho Viện 1, nói là chúng tôi nhưng cũng chỉ có hai anh em, tôi và Nguyễn Xuân Luận, bác sĩ lớp 61A, còn Cao Văn Xuân cũng 61A, đã bổ sung về trung đoàn 26 từ trước. Chúng tôi theo chân Y sĩ Khang, nhân chuyến anh ấy đi lĩnh hóa chất xét nghiệm trở về Cánh Trung (Gia Lai). Tây Nguyên - mùa mưa, hành quân thật gian khổ, dốc cao, suối đỏ ngầu gầm thét, dép cao su có khi lộn ngược tận cổ chân, chênh vênh có đoạn phía âm toàn những vạt nứa nhọn nhoắt, ngang bụng. Ăn trong mưa, ngủ trong mưa, muỗi rừng, vắt xanh ngo ngoe, dừng vài bước đã bật tận ba lô. Đúng là lính mới chiến trường, nhớ mãi lần tôi tìm được chỗ mắc võng ưng mắt, làm xong giá ba lô hẳn hoi, cọc phụ chống mưa đầy đủ nhưng anh Khang bắt tôi dọn ngược mười mấy mét cách suối. Tôi hỏi chỗ nghỉ đêm tốt thế này, gần nước bắc gô, lại kín đáo bí mật, thám báo, biệt kích khó phát hiện... anh Khang giải thích cho tôi, ... nhìn vách suối mùa mưa năm trước rác lá, cành trôi, bám thành một dải trên đầu... à, thì ra, căn cứ vào đó mà biết, mùa mưa nước về, suối ngập cao đến mức đó, nằm đây, đêm – lũ suối mùa mưa Tây Nguyên về - không ai tìm được xác.
Đường về là lối cũ, sau cả tháng trời, cây, cỏ um tùm nhiều khúc mất dấu. (Trạm 73 - khu vực Ngã ba 90, từ đây có đường về Quảng Ngãi, đi Ba Tơ, Sa Huỳnh... con đường mà "... hạt muối năm xưa, từng trông chờ đỏ mắt, anh về trong cái chết gần kề)... và chiến trường Khu Năm. Đường đi nội bộ Tây Nguyên thường gọi là đường dây Giải phóng. Mùa mưa, ít người qua lại, nghe anh Khang nói cả đi, cả về, nay đã hơn một tháng. Mùa mưa, cỏ cây giăng mắc, thấy anh cứ tới lui, nghiêng ngó mấy thân cây tìm cái gì đó. Nếu không thấy có cành lá nào dấp ngược, chẳng có đường dây hữu tuyến, có nghĩa là không được đi, hoặc đã hủy bỏ, nhiều nguy cơ, bị mìn gài, biệt kích, thám báo, hoặc đã lộ vị trí phải di chuyển..vv.
Gọn lỏn hai tiếng " đây rồi ", lại ba lô, súng lên vai, gậy chống tay, chúng tôi theo anh tiến về trước, dấu vạc một phần trên thân cây đã lên sẹo, anh khẳng định vẫn đúng đường 3 vạc - đường về Viện 1. " Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù ", Trường Sơn - Tây Nguyên thuở ấy bạt ngàn là cây, mịt mùng che lối, không có kinh nghiệm rất dễ bị lạc, lúc ấy biết hỏi ai giữa rừng không mênh mông, bởi vậy ban đêm, vài bước, học cách lính chiến trường cũ, bạn phải bẻ ngược những cành lá để khi trở lại, lần theo đó về đơn vị. Trên đường dây người ta dùng dao găm vạc vào vỏ cây một lát, hai lát, ba lát...nhưng, thường cũng chỉ vài ba lát thôi. Theo qui ước từng đơn vị, trên đường có thể rẽ về đường 2 vạc, 1 vạc... tùy nơi đóng quân hoặc nơi cần đến. Lính B3, món này rất thông thạo. ...Đến lúc thấy lối đi rộng hơn, nhiều dấu dày dấu dép hơn, bốc mùi đặc trưng - dẫu có lính ta có 2 lạng rưỡi lương thực mỗi ngày nhưng mùi vẫn khác mùi cứt thú..., đã tới gần khu vực đông người, thế là đã về đến Bệnh viện.
HAI NGƯỜI GIÁO VIÊN ẤY
Một là thầy Hoàng Văn Phái, có lẽ anh hơn tôi vài tuổi, anh quê Hải Phòng, cụt đến cánh tay khi đánh cắt đường 14, anh đã là giáo viên trước khi nhập ngũ, tôi và y sĩ Nghị, y sĩ Tài phụ trách 6 lán khinh thương và trung thương ở Q19, vị trí Viện 1 của thầy Hiếu (sau hòa bình thầy về HVQY) thời ấy. Tôi cứ nhớ và thương mãi, vết thương cụt tay, da xanh gầy vì đói gạo, sốt rét, thay băng cho anh, lần nào mắt cũng nhòe đi.
Hai là thầy Đại học Vinh. Hồi đó, cũng tại Q19, vệ binh đưa về lán tôi một thương binh, anh thuộc khu lán của tôi, vết thương anh không nặng lắm. Kiểm tra thương binh của mình, ngoài vết thương chưa tháo băng, anh còn bị ghẻ ngứa toàn thân, hai mắt bạc phếch, người tựa tàu lá. Anh bị bắt vì nhổ sắn non, mới tháng tám, ăn lá nhiều ngày đâu chịu được, đành là khí tiết dư giả, lại không phải sắn đồng bào, nhổ mấy củ sắn non, "ca, cóng" ngoài rừng, bị lộ... thế đó. Chẳng vậy mà lính B3 chúng tôi "Tây Nguyên ơi, ai một lần qua đó, Suốt một đời nghĩ lại vẫn thương nhau". Tôi hỏi và được biết, quê anh Hà Tĩnh, học Đại học Sư phạm Vinh, làm thầy rồi làm lính, tôi không nhớ tên anh, không nhớ đơn vị nào, bị thương trận nào. Từ ngày đó, tôi giữ anh lại phụ anh nuôi, kiếm thêm củi cho bếp, sức anh khá dần... Khi tôi đi nhận nhiệm vụ mới, thì anh vẫn ở lại. Cuộc chiến còn thêm mấy năm, không biết ngày thống nhất anh còn không?