VỀ BÀI THƠ VÀ BÀI HÁT - GỬI NẮNG CHO EM
Bùi Văn Dung - Nguyên chiến sĩ Trung đoàn 40, quê tỉnh Vĩnh Phúc
Sài Gòn tháng 12 năm 1975 , vừa tròn tám tháng sau ngày giải phóng miềm Nam, thống nhất đất nước. Những chàng lính Bắc chúng tôi, phần lớn chưa được về phép. Ngày chủ nhật thường gặp nhau "cải thiện" bữa ăn và nói với nhau những dự định khi được ra Bắc về thăm gia đình . Trưa hôm đó , sau khi cơm nước xong , mấy anh em chúng tôi ngồi nghe bản tin thời sự lúc 12 giờ . Ngoài trời nắng chói chang giữa mùa đông phương Nam. Cuối bản tin là dự báo thời tiết.
Chúng tôi không ngờ là cùng một dải đất hình chữ S mà mùa đông xứ Bắc lạnh cắt da, cắt thịt, còn ở đây là mùa đông ấm áp lạ thường.
Một ai đó bỗng nói, ở đây thì thừa nắng mà ngoài mình thì lạnh đến dưới không độ, giá gửi được ít nắng ra ngoài ấy nhỉ?...
Chộp được cái tứ "Gửi nắng" thế là tôi ngồi vào bàn, chỉ sau 15 phút , bài thơ "Gửi nắng cho em" được viết xong. Tôi gọi anh em lại, đọc cho mọi người cùng nghe . Mấy cậu có vợ rồi thì nhảy cẩng lên tán thưởng, mọi người đều giục tôi gửi ngay cho báo "Sài Gòn giải phóng" tờ nhật báo lớn nhất miền Nam lúc đó. Ngay sáng hôm sau bài thơ "Gửi nắng cho em" được đăng trên trang 3 báo "Sài Gòn giải phóng".
Bẵng đi một thời gian tôi cũng không để ý gì đến bài thơ đó nữa. Vì tôi là cộng tác viên ruột của tờ báo, nên tuần nào cũng có thơ được đăng.
Mãi đến năm 1976, bài thơ "Gửi nắng cho em" được Nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc, được phát trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam, tôi và nhạc sĩ cũng chưa hề gặp nhau. Đến thư từ cũng không có liên lạc vì chẳng ai biết địa chỉ của nhau cả . Cuối năm 1976, qua báo Tuổi trẻ tôi nhận được thư và bản nhạc chép tay của Nhạc sĩ Phạm Tuyên gửi tặng. Từ đó tôi và nhạc sỹ Phạm Tuyên thường xuyên có thư trao đổi. Và sau này lần lượt các bài thơ của tôi được Nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc như "Con kênh ta đào”, "Giá em đừng yêu anh". Tuy nhiên bài hát "Gửi nắng cho em" sau đó không được phát trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam. Phải mãi đến năm 1981, khi ra Bắc về học chương trình chính trị cao cấp ở Học viện Chính trị, ra nhà Nhạc sĩ Phạm Tuyên ở Khương Thượng tôi mới được biết lý do. Nhạc sĩ đưa cho tôi xem một số ý kiến phê phán nội dung phần lời của bài hát. Bằng một lối suy diễn rất "ấu trĩ" cho rằng: Miền Bắc xã hội chủ nghĩa tươi đẹp, thiếu gì nắng mà phải gửi nắng của miền Nam, trải qua mấy chục năm chủ nghĩa tư bản xấu xa . Dầu sao, cho đến nay bài hát "Gửi nắng cho em" vẫn được dư luận xã hội chấp nhận.
Mới đây Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã tổ chức một đêm nhạc Gửi nắng cho em cùng những tác phẩm chọn lọc của ông tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội . Tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ này
GỬI NẮNG CHO EM
Anh ở trong này chưa thấy mùa đông
Nắng vẫn đỏ - mận hồng đào cuối vụ
Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ
Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam.
Muốn gửi ra em một ít nắng vàng
Nghe đài báo rét kéo dài ngoài ấy
Mùa đã xong, còn chiêm - xuân cày cấy
Bà con mình sẽ xoay sở ra sao?
Anh hiểu sức vươn của những cành đào
Qua giá rét vẫn đỏ hoa ngày Tết
Như cây thông vững vàng trong giá rét
Em hãy làm cây thông xanh, nghe em.
Khi hai miền cùng vào một vụ chiêm
Hai vựa thóc cùng nặng tình của đất
Cùng vào mùa một ngày vui Thống nhất
Hơn lúc nào, anh hiểu thấu lòng em.
Ở trong này anh chưa thấy mùa đông
Thương cái rét của thợ cày, thợ cấy
Nên cứ muốn chia nắng đều ra ngoài ấy
Có tình thương tha thiết của trong này
Gửi nắng về sưởi sấm những bàn tay.
12-1975
BÙI VĂN DUNG