KON TUM THƯƠNG NHỚ

KON TUM THƯƠNG NHỚ 
Nguyễn Đình Thi - E24

Hẹn hò trở lại Tây Nguyên nhưng rồi cứ lấn bấn công việc mãi tới hôm nay tôi , Phong - Cục phó Cục thuế Yên Bái , bác sỹ Cao Độc Lập - Phó Giám đốc Bệnh viện tư nhân Hồng Ngọc và anh Lê Đức Phóng - Vụ trưởng Bộ Tài chính mới dứt việc ra đi được . Cũng như bao người lính chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên , việc trở lại thăm Tây Nguyên là một điều chắc ai cũng từng mong ước . Với tôi cũng vậy . Không hiểu sao tôi đã đi nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S và một số nơi trên thế giới , nhưng lần đi Tây Nguyên này tôi có một cảm xúc thật khác lạ . Nó giống cảm xúc của một người con xa quê lâu lắm rồi , mong được trở về quê . Nhớ năm ấy , đầu năm 1972 , chúng tôi đến Tây Nguyên , ai trong số mấy anh em chúng tôi cũng còn trai trẻ , thế mà hôm nay trở lại , nhìn ai tóc cũng pha sương cả rồi . Đời người kể cũng nhanh thật , ngoảnh đi , ngoảnh lại loáng một cái mà đã gần bốn chục năm .
9 giờ , máy bay chở chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột . Tôi nhận ra Tây Nguyên đầu tiên là khi máy bay đỗ xuống sân bay . Trời trong xanh cao vút . Gió lồng lộng thổi . Không khí mát mẻ , thật dễ chịu . Khác hẳn với thời tiết sáng nay chúng tôi ở Hà Nội , vừa lạnh , vừa mưa lép nhép do gió mùa đông Bắc tràn về . Có lẽ ở đất nước mình chả có nơi nào có cái nắng , cái gió lại dễ chịu như ở đây - Buôn Ma Thuột .
Anh Ngô Duy Chuyên - bạn tôi , đón chúng tôi ở ngay cửa nhà ga sân bay . Tôi không ngờ sân bay Buôn Ma Thuột giờ vừa đẹp , vừa rộng đến thế . Ngày trước sân bay này chủ yếu phục vụ cho quân sự , chỉ lèo tèo có mấy dãy nhà thế mà giờ đã trở thành nhà ga Quốc tế . Do đời sống người dân ở đây giờ khá giả nên việc đi lại bằng máy bay , kể cả với bà con dân tộc cũng hết sức bình thường . Sân bay luôn nhộn nhịp khách đi lại . Trong dòng người đi lại nhộn nhịp kia có ai biết rằng 37 năm trước tại sân bay này đã diễn ra một trận đánh rất khốc liệt , bi thương . Sáng 10/3/75 , sau khi ta chiếm được 2 phần 3 sân bay . Địch từ các hầm ngầm chui lên tổ chức phản kích . Chúng dùng xe bọc thép bịt kín cửa mở . Gần 100 cán bộ , chiến sỹ của Trung đoàn đặc công 198 đã bị thương và hy sinh tại đây . Một số bị địch bắt , có đồng chí bị chúng thiêu sống . 7 ngày , sau khi Buôn Ma Thuột được giải phóng ta mới chiếm được sân bay này .
Rời sân bay , anh Chuyên cho xe đưa chúng tôi dạo quanh thành phố . Tôi không còn nhận ra cái thị xã Buôn Ma Thuột 37 năm trước mình đã chiến đấu ở đây . Rất nhiều nhà cao tầng , khách sạn , nhà hàng mọc lên . Khu sân bay trực thăng thị xã , trước kia là vùng đất trống , rộng mênh mông giờ thành cả một dãy phố lớn , nhà cửa san sát . Gần trưa xe đưa chúng tôi về thăm khu Sở chỉ huy Sư đoàn 23 của quân Ngụy Sài Gòn trước đây , nơi tôi và anh em trong Tiểu đoàn 4 đã chiến đấu trong 2 ngày 10 và 11/3/1975 . Thú thật nếu anh Chuyên không giới thiệu thì tôi hoàn toàn không nhận ra khu Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , vì nơi này khác trước quá , không còn một dấu tích gì để lại . Nơi đây giờ là Cơ quan Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắc Lắc , nhà cửa rất khang trang , đẹp đẽ . Theo đường Mai Hắc Đế chúng tôi đi về khu cửa mở năm xưa . Đường Mai Hắc Đế chính là đường 429 trước đây , giờ đường được mở rộng . Nhà cửa 2 bên đường giờ mọc lên kín mít , không còn những bãi đất trống như năm xưa . Đi trên con đường mà tôi cùng đồng đội tấn công vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 năm nào lòng tôi ngổn ngang bao nhiêu suy nghĩ , bao nhiêu khuôn mặt đồng đội tôi hy sinh trong trận đánh này lại lần lượt hiện lên , anh Trương Quang Oánh - Tiểu đoàn trưởng , anh Dương - đại đội trưởng , anh Tám - Chính trị viên , anh Trịnh Sơn Then - nhạc sỹ , em Hứa Kim Động , em Bùi Đức Chín ... Cũng trên con đường này có một câu chuyện đến giờ tôi vẫn còn day dứt . Sáng 11/3/75 , trong lúc trận chiến giữa ta và địch ở đây đang diễn ra ác liệt , bỗng tôi nghe thấy tiếng trẻ con khóc . Nhìn ra đường 429 , tôi thấy 2 cháu bé gái , một cháu chừng 3 tuổi , một cháu chừng 5 tuổi , vừa chạy , vừa khóc gọi mẹ . Đứa em còn nhỏ quá chạy không nổi , ngã liên tục . Tôi đoán có lẽ lúc chạy tránh đạn mẹ con các cháu lạc nhau . Cũng có thể mẹ các cháu đã chết . Tiếng khóc gọi mẹ của trẻ nhỏ giữa bom đạn nghe thê lương làm sao . Chưa bao giờ trong đời tôi lại chứng kiến cảnh đau lòng đến vậy . Tôi quyết định phải cứu các cháu . Rồi nói nhanh với Tân Khải Thanh - chiến sỹ đi cùng tôi lúc đó :
- Anh bắn yểm trợ , em chạy nhanh ra bế 2 cháu vào đây !
Nói rồi tôi bắn một loạt AK sang phía bên kia đường , Thanh nhào ra , 2 tay ôm 2 cháu chạy vào . Con lớn bị một viên đạn AR15 xuyên lòng bàn tay , con nhỏ cũng bị một viên đạn xuyên qua bắp thịt cánh tay . Băng bó vết thương cho 2 cháu xong , Thanh lấy kẹo cao su ở gùi ra cho mỗi đứa một chiếc . Vừa cho ăn , vừa dỗ . Con chị ăn biết nhả bã , con em nuốt cả . Các cháu ở với chúng tôi 2 ngày tại Sở chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy . Tối 12/3 , khi chúng tôi đi đánh quân phản kích , tôi đã bàn giao 2 cháu cho đơn vị bạn . Đã 37 năm qua tôi không biết tin tức gì về 2 cháu . Không biết 2 cháu sau này thế nào ? Các cháu có tìm gặp lại được cha mẹ cháu không ?
Ở Sư đoàn 320 được một tối . Sáng hôm sau chúng tôi chia tay các anh trong Bộ Chỉ huy Sư đoàn 320 , về Sư 10 - đơn vị cũ của chúng tôi đang đóng quân ở Kon Tum . Gia Lai và Kon Tum nối nhau bằng đường 14 . Đối với những người lính Tây Nguyên không ai là không nhớ con đường này . Thời chiến tranh đây là con đường máu lửa nhất . Đi trên con đường 14 năm nào lòng tôi bồi hồi bao nhiêu cảm xúc . Đây núi Chư Thoi , Chư Tút địa danh mới nghe tôi đã thấy nao lòng . Ngày mới vào chiến trường Trung đoàn tôi đã chiến đấu đánh cắt giao thông ở đây . Những ngày đánh cắt giao thông năm 1972 thật gian khổ , ác liệt . Bao nhiêu bạn bè tôi vừa vào tới chiến trường đã nằm lại ở đây . Xót xa làm sao !
11 giờ, đoàn chúng tôi đến Sư 10. Chưa kịp cơm nước , chúng tôi đến nhà bia tưởng niệm của Sư đoàn thắp hương . Nhìn những cái tên bạn bè thân thuộc Trịnh Sơn Then , Phạm Đức Thành , Tống Hồng Điệp , Trương Quang Oánh , Nguyễn Văn Nhanh , Nguyễn Đức Kiên ...khắc trên bia đá tôi không sao kìm nổi nước mắt . Các anh khoát ba lô cùng tôi từ Đông Triều - Quảng Ninh vào đây . Bao năm tháng khó khăn , gian khổ luôn có nhau . Ngày toàn thắng tôi trở về các anh thì nằm lại . Nghĩ buồn thương quá . Tại nhà bia tưởng niệm này đã khắc tên tròn 1 vạn cán bộ , chiến sỹ của Sư đoàn hy sinh từ ngày thành lập . Thế là có một Sư đoàn 10 nữa nằm dưới lòng đất . Thế là có 1 vạn bà mẹ , người vợ lính Sư 10 mất con , mất chồng . Thật xót xa ! Chiến tranh là vậy . Dù là bên thắng hay bên thua , nghĩ cho cùng cũng đều thua cả .
13 giờ , cơm nước xong , chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình từ Kon Tum về Đắc Tô . Chúng tôi dừng xe ở đài tưởng niệm 601A để thắp hương cho đồng đội . 601A , 601B là đỉnh điểm đối đầu giữa ta và địch suốt từ tháng 4/1972 đến tận ngày giải phóng . Đứng trên đồi 601A tôi nhìn thấy cả Ngọc Bay , Ngô Trang , 751 , 674 , Đồi Tròn , Trung Nghĩa , Võ Định , Cống 3 lỗ , Bãi Ủi , Kông Trang Cò Lả .... Nơi đây giờ ngút ngàn màu xanh của càfe , chè , thật đẹp . Những năm chiến tranh đứng ở đây nhìn chỉ thấy một màu đất đỏ lòm do bom đạn địch cày xới . Mảnh đất này ngày ấy khốc liệt chẳng khác nào Quảng Trị . Bom chồng lên bom , pháo chồng lên pháo . Nhìn vào nơi nào ở đây tôi cũng thấy máu xương đồng đội .
Dời 601A , xe chúng tôi tiếp tục chạy về Tân Cảnh . Tôi để ý quan sát làng Diên Bình , đây là một ngôi làng nằm cạnh đường 14 , nhưng để ý mãi vẫn không thấy đâu , chỉ thấy mênh mông nước . Hỏi ra mới biết làng Diên Bình xưa , giờ đã chìm trong nước do việc xây dựng thủy điện . Nghe làng Diên Bình giờ chìm trong nước , không còn nữa tôi thấy lòng buồn buồn . Thật tiếc ! Thời chiến tranh , Diên Bình - làng giải phóng duy nhất của tỉnh Kon Tum là người Kinh . Đây là một ngôi làng rất đẹp , bằng phẳng , trải dài theo sông Đak Bla . Làng có rất nhiều cây ăn trái . Những năm chiến tranh lính chúng tôi thường gọi Diên Bình là Thủ đô . Mỗi lần có việc đi ra phía sau , được ghé qua làng Diên Bình là một điều mơ ước với lính . Bởi đến Diên Bình là được nhìn thấy phụ nữ , đấy là khát khao với những người lính ở Tây Nguyên lúc bấy giờ . Đặc biệt là được nghe chất giọng nhè nhẹ mà rất ngọt ngào của các cô gái ở đây . Không biết có đúng không , riêng tôi thì thấy chả có tiếng con gái ở đâu lại ngọt ngào , dễ thương như tiếng con gái miền Nam !
15 giờ , xe chúng tôi tới thị trấn Tân Cảnh . Dừng xe ở ngã ba thị trấn , tôi lang thang đi bộ ngắm nhìn thị trấn . Tôi nhớ . Cuối năm 1972 khi chúng tôi đến đây , thị trấn này thật hoang tàn . Không một bóng người dân , nhà cửa không một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn . Nay thị trấn thật đẹp , phố xá nhộn nhịp , đông vui , rất nhiều cửa hàng , cửa hiệu . Có một câu chuyện ở thị trấn này đã 40 năm rồi nhưng tôi vẫn không quên . Ngày ấy sau giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh năm 1972 , bộ đội đã đói , dân còn đói hơn . Một hôm ra thị trấn Tân Cảnh kiếm rau về cải thiện bữa ăn của Ban chính trị . Đang lúi húi nhặt rau thì thấy một người phụ nữ ở đâu xuất hiện , trông chị gầy gò ốm yếu , nước da xanh mướt . Thấy tôi , chị tiến lại gần nói như van :
- Chú làm ơn , làm phúc có gạo hoặc thuốc ( thuốc chữa bệnh ) giúp mẹ con tôi một chút .
Rồi chị kể : chị quê ở Bình Định , đưa 2 con lên thăm chồng là lính đóng ở Căn cứ 42 , chẳng may gặp 2 bên đánh nhau , chẳng biết chồng còn sống hay chết , 3 mẹ con lúc đó sợ quá chạy vào rừng , giờ không về quê được . Suốt mấy tháng nay 3 mẹ con toàn đi mót sắn ăn , đứa bé hơn 2 tuổi do không có ăn , lại bị ốm do không có thuốc đã chết 2 tuần nay , đứa 4 tuổi cũng đang ốm nặng , chẳng biết có qua được không ! Nghe chị kể mà ái ngại làm sao . Tôi hiểu nỗi lòng người mẹ của chị nhưng lúc đó tôi cũng không có gì giúp chị . Thật buồn . Tôi chỉ đường cho chị đi đến Bệnh xá Trung đoàn cách đấy chừng 3 km để xem có thể giúp chị được gì . Nhìn cái dáng tiểu tụy của chị , tự nhiên tôi nhớ cảnh gia đình tôi hồi tôi còn bé . Năm ấy , năm cải cách ruộng đất , lúc đó tôi chừng 4 tuổi . Bố tôi , thời chống Pháp hoạt động công tác Thanh niên ở địa phương . Chẳng hiểu sao lúc cải cách ruộng đất , nhà ông bà nội tôi chỉ có 1 mẫu ruộng mà bị quy là địa chủ . Bà nội tôi bị đưa ra đấu tố mà bà tôi là một phụ nữ chăm chỉ làm ăn , chuyên giúp cho những người nghèo khó . Bố tôi thì bị quy là thanh niên chống Cộng và bị bắt . Nhà không có một thứ gì ăn . Mẹ tôi phải đi làm thuê để cuối ngày nhận được một lon gạo về nuôi 4 anh em . Ông chú gần nhà tôi , ban ngày không giám qua nhà tôi vì sợ cán bộ Đội cải cách phát hiện . Cán bộ Đội cải cách lúc đó như ông Vua , có quyền sinh , quyền sát , ai cũng sợ , thành thử buổi tối rất muộn chú tôi mới lẻn xuống nhà tôi , dúi cho anh em tôi bát cơm nhỏ độn ngô rồi vội vã về ngay . Mẹ tôi nhặt ngô ra cho 3 anh em tôi ăn , phần cơm không có ngô dành cho cô em gái tôi lúc đó chừng 1 tuổi . Nghĩ chuyện xưa của nhà mình tôi càng thấy thương chị . Chiến tranh là vậy . Nó đã gây nên biết bao chuyện bi thương .
Dời Tân Cảnh , xe chúng tôi tiếp tục chạy về hướng Play Cần . Mặc dù xe chạy rất nhanh nhưng tôi vẫn nhận ra Ngọc Rinh Rua , Ngọc Bờ Biêng , Ngọc Tụ , Chư Mon Ray , Ngọc Ko Tang , Ngọc Hồi ... Đi đến đâu trên mảnh đất Kon Tum này tôi cũng thấy bồi hồi xúc động , đi đến đâu tôi cũng thấy tuổi xuân mình hiện về , đồng đội tôi hiện lên . Tôi ao ước có nhiều sức khỏe để được nhiều lần trở lại Kon Tum , mảnh đất nặng tình , nặng nghĩa , cả đời tôi không bao giờ quên .
Kon Tum 10/2012