HOA CÚC DẠI CUỐI MÙA

HOA CÚC DẠI CUỐI MÙA

Tháng năm, đầu mùa mưa. Hoa quỳ ở Tây Nguyên bắt đầu tàn lụi. Cả cánh rừng mới hôm nào vàng thăm thẳm bỗng trở thành đôm đốm nâu. Hoa càng tàn thì lá quỳ bỗng trở nên xanh ngăn ngắt, tựa hồ như rừng hoa níu kéo sự sống chờ tới mùa hoa sau. Từ bao đời nay, cúc quỳ cứ tự nhiên sống, tự nhiên sinh sôi. Loài hoa không đòi hỏi chăm bón, vuốt ve.

Ở đâu có rừng đất đỏ ở đó có cúc quỳ, vậy thôi. Tôi đã sống và chiến đấu ở Tây Nguyên, đã gắn bó với những tên Pờ Lây, I A này I A khác và bao đồng đội của tôi cũng vậy. Kí ức về Tây Nguyên luôn có trong lòng tình yêu với loài hoa dại, mang dáng nắng chiều của núi rừng đại ngàn Trường Sơn.

Hơn ba mươi năm sau chiến tranh, tôi mới trở về Tây Nguyên. Chuyến đi này phải mất mười năm hẹn hò, phải dứt ra khỏi những băn khoăn đời sống nhỏ nhoi nặng nề bon chen sao mà khó thế? Nhưng điều công phu nhất mà tôi làm được là đã vận động để cả bà vợ mới nghỉ hưu cùng đi về chiến trường xưa.

Hai ngày chạy xe cật lực, tối ngày 27 tháng tư vợ chồng tôi tới Pờ lây cu. Thành phố Núi mà suốt 4 năm chiến đấu tôi và sư đoàn 320 của tôi chưa tiến được vào tới nơi. Cái thị xã ngày xưa giờ đây hừng hực sức trẻ. Đường phố lên dốc xuống dốc cứ cuốn hút con người khám phá, cứ như thể tôi đi lạc vào một thành phố một đất nước Bắc Âu. Đêm đầu tiên ngủ ở Pờ lây cu, tôi như người mộng du. Giấc ngủ bồng bềnh như nằm võng năm nào.

Phía tây thành phố, chỉ cách đây một tầm pháo là cánh rừng mà tôi đã gửi lại trọn đời trai trẻ, và bao bạn tôi gửi lại cả thân thể mình. Đêm khuya, đứng ngoài ban công nhà khách binh đoàn Tây Nguyên nhìn về hướng Đức Cơ cứ thấy nghẹn ngào, thoảng đâu đây như có mùi vị quen thuộc lắm. Chợt nhận ra hương hoa Dã Quỳ ngoài hàng rào nhà khách, ngai ngái hăng hắc, hương hoa giống như vị cà phê đắng, hoà vào đêm, thứ hương vị không tan mà cứ như rắc bột vào kí ức con người.

Sáng sớm. Người bạn chiến đấu năm xưa, nay là cán bộ Binh đoàn Tây Nguyên đón tôi đi ăn sáng rồi cho tôi mượn chiếc địa bàn, tấm bản đồ địa, chai nước, áo mưa, tăng võng như người ra trận theo vợ chồng tôi lên xe, bạn tôi bảo: “Ngày xưa mày giỏi đi bản đồ thì bây giờ trổ tài mà khoe với mụ vợ già nhé”.

Trong lúc xe chạy xuôi hướng nam, vợ tôi còn đang tấm tắc khen đồ ăn tự chọn của “Hoàng Anh Gia Lai” thì chợt tôi nhận ra ngọn Hàm Rồng. Vậy là điểm đầu tiên: lên đỉnh Hàm Rồng. Ngọn núi này là nỗi ám ảnh của chúng tôi về những trận pháo tăng tốc ngày nào. Tôi nhớ thằng bạn sinh viên cùng khoa tên là Lương Lợi đã “ăn” pháo Hàm Rồng mà hy sinh, giờ đây không biết nó nằm ở đâu.

Ngọn núi là một rừng thông non. Thông xanh chen với cỏ Mỹ. Loài cỏ bông trắng như lau, nhìn ngoài vào thì kín, mà nhìn trong ra thì quang. Văn hóa Mỹ lan ra đến cả cây cỏ dại là thế. Bây giờ ngọn Hàm Rồng loang lổ xanh, bàng bạc và đôm đốm vàng. Rừng cúc dại ở đây còn loang loáng hoa vàng lẫn trong lau sậy. Xe tôi leo lên đỉnh núi. Dưới kia là thành phố. Mây trắng bông trên những cánh rừng cao su cà phê. Con đường cong, triền núi cong, cánh rừng cà phê xanh cũng cong, những đường cong nở nang chỉ có ở cao nguyên.

Ngày xưa nào tôi có thấy cao nguyên này đẹp thế. Kia là ngọn Chưkrôngkrang, kia là ngọn Chưgara, cao điểm 784, đồn Tầm, chốt Mỹ. Con đường đỏ như son chạy qua Thanh Bình, Thanh An rõ như trong lòng bàn tay. Khoảng rừng màu xanh dưới kia, đứng đây nhìn gọn gàng xinh xắn mà sư đoàn tôi từng lăn lộn bao năm giành đi giành lại. Máu của đồng đội tôi thấm trên từng ô bản đồ, từng tấc đất bây giờ ngun ngút xanh tươi cây trái.

Chiến trường Tây Nguyên nổi tiếng sốt rét và đói. Cả sư đoàn gan góc lật đi lật lại từ nam sang bắc đường 19, lăn lóc sống bằng củ mì, bằng rau rừng bám dân đánh địch, mà làm nên chiến thắng Đức Cơ, Phượng Hoàng, Lệ Minh, Lệ Ngọc.Trước mắt tôi con đường 19 kéo dài thân thương nhường nào. Ở đó, trung đoàn 64 của tôi đã để lại bốn trăm trai trẻ trong bốn năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Từ ngã ba đường 14 dưới chân Hàm Rồng, xe chúng tôi qua Bàu Cạn. Một màu xanh ngàn ngạt của chè. Đây rồi, cái địa danh mà ngày xưa lính trinh sát rất thích được mò tới, để được gặp người Kinh, để quơ vội nắm chè xanh mang về ca cóng. Cái đồn điền Pháp này có từ lâu lăm rồi. Bây giờ đã thành nông trường chè nổi tiếng của cả nước.

Ngày ấy, người chủ Pháp ở đây chẳng rõ vì sợ hay không muốn phiền hà mà mỗi khi phát hiện ra dấu chân lính trinh sát 320 là sai người xoá ngay và không bao giờ báo cho tụi lính cộng hoà biết. Nhấp nhô những cái nón trắng xoá của các cô hái chè trên một thảm xanh, triền miên hút mắt. Trong miên man chè xanh ấy, không biết Hà “y khoa” nằm đâu, đại đội trưởng Hải của C20 nằm đâu, và bao người bạn tôi nằm đâu dưới bát ngát hương chè này. Biết bao liệt sĩ giải phóng được công nhân chè Bàu Cạn chôn cất che chở bấy nay.

Xe chạy theo hướng Tây, qua Bàu cạn nhìn sang bên phải, dãy Chư grônrang, Chưgara lở lói nhưng vẫn sừng sững như ngày nào. Tôi vẫn đọc ra những cao điểm mà mấy năm liền tiểu đoàn 8 trung đoàn 64 chấn giữ. Ngọn 784 còn đó, thi thể những người bạn tôi trên hang đá, trên ngọn suối đã về tập hợp dưới thị xã kia chưa. Từ đồn Tầm, trải dài những vạt cà phê sang bắc đường vẫn le lói hoa cúc quỳ.

Thị trấn Thanh Bình, Thanh An, nay dàn dạt những dẫy nhà và hàng quán, biển hiệu bằng tiếng Anh sành điệu, lịch lãm, thanh bình như không hề qua một ngày chiến tranh. Những nam thanh nữ tú và những thực khách trong các nhà hàng kia nào có thể nghĩ rằng nơi này vào ngày 27/1/1973 hàng trăm chiến sĩ ngã xuống ngay giờ phút ngừng bắn, trước giao thừa năm ấy. Con đường 19 ngày xưa gan góc đầy những sự tích anh hùng bây giờ đẹp như đường cao tốc ngoài bắc. Vẫn những dặng mít, xoài và cây Sabuchiê sai lúc lỉu ven đường. Khúc quanh dốc lên đồn Tầm tìm mãi không thấy. Chiến tranh lùi xa quá rồi, còn kí ức về chiến tranh thì vẫn tươi nguyên, nhớ thương đến mỏi mòn trong lòng người lính.

Từ Thanh Bình, xe rẽ về phía nam đường 19. Chúng tôi đang đi về hướng làng DITROONG, DITFANG. Đây chính là vùng giáp gianh giữa ta và địch những năm sau hiệp định Pari. Nơi này tiểu đoàn 7 của chúng tôi suốt 3 năm liền chốt giữ.

Họ vừa trồng sắn, trỉa lúa, nuôi lợn, tự túc lương thực, vừa đánh giặc lấn chiếm, lại vừa giúp đồng bào tăng gia, lập làng chiến đấu. Chúng tôi có các tổ công tác ở cùng dân, cùng làm rẫy, cùng ăn cùng đánh giặc. Bộ đội và dân thương nhau “như đồng bào thương con chó con” vậy.

Các cô gái Tây Nguyên bảo rằng: bộ đội vất vả như đuôi con heo, mình thương chớ. Cách mạng là bằng nhau cả mà. Bây giờ tôi để ý tìm mà chả thấy một cô gái nào ăn vận như ngày xưa, cái ngày nhìn các cô ở trần tắm suối đến nao lòng lính trẻ. Chúng tôi đi về trận địa cũ mà xe cứ miên man chạy trong rừng cà phê, cao su mươn mướt.

Tìm đâu thấy những làng cũ người Bình Định, Quy Nhơn ngày xưa kẹt lại vì đạn bom. Ngày ấy, lính 64 chúng tôi mỗi lần qua làng DIT chỉ muốn nán lại ngắm các cô gái người Bình Định mặc đồ dân tộc làm rẫy. Có cái gì đó khó nói lắm. Vì họ là người của phía địch, nhưng sao con mắt họ chẳng xa lạ mà lại thân tình đến thế. Họ không lập làng riêng mà ở lại cùng đồng bào dân tộc.

Bộ quần áo được thay bằng váy khố như người Giarai, Ê đê, lầm lũi cặm cụi làm nương làm rẫy. Nỗi buồn vì nhớ chồng, chia lìa quê hương nặng trĩu trong con mắt họ. Có điều lạ, họ không kết hôn trong những ngày li tán, họ tin rằng rồi có ngày họ lại trở về quê hương với gia đình họ, với chồng vợ của họ. Điều này thì có lẽ họ sáng suốt hơn cả những người lính trong cuộc như chúng tôi. Hồi ấy chúng tôi được lưu ý rằng phải đề phòng những ngôi làng như vậy. Tôi ngoái sang vợ và… nhớ về bài thơ “Nương chiều” viết từ hồi 1973

….Trách sao chỉ một con đường

Để sang đây, để vấn vương nương chiều.

Dạo đó tôi sợ lắm vì chuyện viết bài thơ hữu khuynh này.

Dấu tích nhà Hoà Hợp cũng không còn. Sau tháng 1 năm 1973, các đơn vị ta và địch đối mặt trên chiến tuyến cùng chung sức lập ra Nhà Hoà hợp để hai bên gặp nhau, để cùng hợp tác thực hiện hiệp định. Chả biết cấp trên lo lắng ra sao chứ lính hai bên gặp nhau là chỉ kể chuyện về quê hương, cha mẹ vợ con. Ai chả thế, chả nhớ mẹ cha và vợ con. Có những cuộc gặp gỡ lính ta và lính nguỵ còn hát cho nhau nghe những bài dân ca của ba miền. Nhưng rồi nhà Hoà hợp tan vỡ. Cuộc chiến kéo dài tới hai năm sau.

Chiếc xe của quân đoàn thật tuyệt. Cứ chạy trong hàng cao su 10 tuổi, mặc kệ cành cây khô, đụn mối. Chỉ thương vợ tôi, gái Hà Nội lần đầu đi chiến trường với chồng mà chưa từng được tập luyện ngày nào. Chú lái xe hoan hỉ: Các anh thấy mát mắt chưa? Chả tìm đâu ra những thứ các anh kể đâu. Dân làng ra ven lộ 19 cả rồi. Những huyện 4 huyện 5 … bây giờ thành những Đức Cơ, Chưpả … rừng rú thành những lô cao su cà phê, to tiền lắm.Nhưng mà kì công, gian nan đến tận bây giờ anh ạ. Anh em tăng gia, chịu thương chịu khó lắm, vẫn thiếu thốn và sốt rét đấy. Được như bây giờ là công của Sư trưởng Xuân Hùng lớn lắm.

Ngày ấy các anh ấy lăn lộn hàng tháng ở đây, nào rừng rậm, bom mìn chông bẫy và đủ các thứ dịch bệnh. Thầy trò dẫn quân đi khai phá cứ đè lên gai góc mà đi, hàng tháng trời sư trưởng, sư phó mắc võng tại hiện trường kém gì hồi các anh ở kiềng Nhà Lá. Nhắc tới kiềng Nhà Lá, Tôi giở bản đồ. Ô, đâu còn xa, chỉ vài cây số nữa thôi. Nhưng chú lái xe bảo rằng, anh ơi, anh chỉ có thể ngắm cà phê thôi. Làng bản tập trung theo phân vùng kinh tế rồi. Cả cánh rừng khu tăng gia trồng cây, nuôi bò bây giờ cũng chính là một vùng chiến địa khi xưa của sư đoàn.

Lãnh đạo sư đoàn hẳn là muốn mỗi người lính giờ đây phải sống có ý nghĩa trên mảnh đất mà máu của cha anh mình đổ xuống cho màu xanh của cà phê, cây trái vươn lên nên mới chọn đất này làm khu tăng gia sản xuất. Trong những ngày làm nương rẫy, họ vẫn gặp những dấu tích của đơn vị mình khi xưa, vẫn thấy những bộ hài cốt, những kỉ vật còn mang dấu tích người lính Đồng Bằng. Họ gặp lại đồng đội, những tên làng, tên người yêu trên vỏ bi đông, trên chiếc hăng gô méo mó .

Tất cả chỉ còn lại có thế, còn thân xác chiến sĩ thì đã hoà vào màu đất Ba zan. Giọng chùng xuống, chú lái xe khe khẽ, có những lúc bổ hố cao su, gặp hài cốt. Sư trưởng Hùng, tham mưu Hoan lúc thì lặng lẽ, lúc lại thì thầm với nhau, rồi các ông ấy khóc, bỏ cơm, những lúc ấy chúng em buồn theo mấy buổi. Tôi lặng lẽ nhìn ra rừng cao su rợp mát, tưởng như đâu đây cả đại đội tôi, cả trung đoàn tôi trở về xếp hàng. Một rừng trai trẻ và bát ngát tiếng cười..

Cho xe dừng ở Thánh Giáo, nhìn ngước lên bắc đường nhớ làng Lú, Kiềng C24, nhớ đồi Mắt ngỗng, xa tít tắp là thao trường làng Á. Xoay lưng ngó về hướng nam đường nhớ làng Ngo Le, xuôi đằng tây nhớ bản Lung Bang, Lung Ấ, cao điểm 428 với trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến, Phạm Quang Bào, chính uỷ Đinh Thế Mỹ… Bây giờ các chỉ huy của chúng tôi ở đâu, có còn mạnh khỏe không? Bâng khuâng giở bản đồ giữa đường, hoá ra mình đang đứng ở trận địa Chi Bồ.

Tôi phải xuống xe ở đây để cố tìm toạ độ mà lính E64 vượt qua đường mỗi khi từ bắc đường sang nam đường hay ngược lại. Ngọn đồi cao phía nam Thánh Giáo là trận địa của đại đội pháo cao xạ đoàn 593. Một lần qua đây, thấy trên đỉnh đồi cây cối xanh tốt và lại có cả chuối tây nữa, tôi hỏi sao ở đây chuối nhiều vậy không lấy mà ca cóng. Nhũng người lính pháo bảo, để kệ họ. Sao lại kệ họ, họ là ai? Thì ra trên đỉnh đồi này rất nhiều người tử trận của cả ta và địch vào những ngày cuối năm 72. Lính nguỵ đã ủi tất cả xuống hố pháo đỉnh đồi rồi rút chạy. Chỗ ấy cây cối xanh tốt lạ thường. Bây giờ họ về đâu? Nằm đâu? Những nấm mồ vô danh nơi này và các vùng quê khác đâu chỉ riêng quân giải phóng?

Không thể quay về làng Ngolê, vì hai lí do: làng đã rời đi nơi khác và tên cũ cũng chẳng ai còn gọi nữa. Có thể nó được đổi thành Tân Tiến, hay Đồng Tiến gì đó cũng nên. Nhưng trong lòng chúng tôi, tên làng bản cũ vẫn thiêng liêng làm sao. Dân bản bây giờ không hút thuốc lá trồng trên nương ngày xưa mà họ hút thuốc đầu lọc. Những bộ áo váy nửa người Kinh nửa người dân tộc trông ngang ngang làm sao. Tìm đâu bây giờ một ngôi nhà rông lợp lá trung quân, cài bằng nan lồ ô dẻo quánh. Tìm đâu dáng em vịn tay đi nghiêng cầu thang ba bậc lên nhà sàn. Làng bản ra đường lớn rồi.

Để lại sau lưng xa ngái những mùa hoa Pơ lang ướp đỏ tháng ba, bỏ lại những thân tượng nhà mồ ngô nghê mà lại thâm trầm lưng chừng dốc cũ. Ba mươi năm sau, tôi vẫn chưa hiểu nổi tại sao những ngôi làng Tây Nguyên chỉ ở lưng chừng dốc, tại sao cổng làng bao giờ cũng là những cây muỗm cổ thụ, những cây Pơ lang cao vút, tại sao đi vào làng là sẽ phải qua nhà mồ. Xa lắm rồi, tiếng đàn goong bên bờ suối, bản sắc người Tây Nguyên cứ lơ lớ giống người dân tộc nói chung rồi sao. Tôi buồn, hay là tôi lạc hậu nhỉ các bạn chiến đấu của tôi?

Chiều hôm ấy, theo chân những đồng đội ở quân đoàn, chúng tôi vào thăm nhà tưởng niệm sư đoàn. Một vùng cây trái đẹp nổi tiếng của thành phố Pơlâycu, ngằn ngặt những cỏ và hoa. Đã qua mấy chục năm im tiếng súng, trên mọi miền quê, mọi nẻo đường đi qua, có biết bao nhà tưởng niệm liệt sĩ. Trang nghiêm, đẹp đẽ. Và bao giờ cũng vậy, nhà tưởng niệm nào cũng ở vị trí tốt nhất cho những linh hồn người nằm xuống còn mãi với đời sau.

Mái nhà cong vút lên như hình dáng ngôi đình miền bắc bộ. Trầm mặc, bề thế những hàng cột như chôn chặt với thời gian. Đây, điểm hội quân cuối cùng của sư đoàn tôi. Thắp nén hương trong ngôi nhà bốn bề tường đá khắc tới gần mười bốn ngàn liệt sĩ của sư đoàn. Trong rưng rức khói hương và nghẹn ngào, tưởng như trùng trùng điệp điệp các anh về, ồn ào cười nói trẻ trung. Tưởng như thấy lại hàng vạn cuộc chia li hẹn hò mấy chục năm về trước.

Về đây với các anh, bỗng sống dậy ngày xuất quân mỗi mùa chiến dịch. Mỗi sư đoàn tạc vào núi sông một đội hình như một khu công nghiệp lớn bây giờ. Biết bao nhiêu khu công nghiệp, khu đô thị ngày nay là hoá thân của những ngôi nhà tưởng niệm như thế. Bỗng nhận ra những cái tên mà hơn ba mươi năm nay mới gọi nên lời.

Vào đây bỗng chợt nhận ra lỗi lầm của mình thủa còn sống với các anh. Vào đây để đứng trước những thủ trưởng đã từng yêu thương mình và những người dám nhận phần hi sinh cho mình còn sống. Về đây gặp các anh mới lại thêm yêu tuổi trẻ của mình, yêu những bạn chiến sĩ trẻ măng, trẻ trung cả trong phút hi sinh, chợt nhận ra mình còn nợ nhiều với đồng đội, với cuộc đời.

Dẫu ngôi nhà tưởng niệm nào cũng còn thiếu thốn nhiều thứ. Nhưng tôi chỉ sợ trên bức tường kia nếu còn bỏ sót tên ai. Xương thịt dẫu hoá thành đất đai, sông núi, nhưng thiếu tên thì tủi lắm. Dù biết rằng hương khói vẫn chia khắp tới các anh. Chúng tôi mong, ngoài sân kia có thêm hàng cau giàn trầu, để bóng mẹ già mãi theo các anh và các anh vẫn bẻ cau hái trầu cho mẹ. Và... luỹ tre xanh vẫn thường bao bọc mỗi làng quê bắc bộ chùm mát ngôi nhà này, ngôi nhà nhìn về hướng bắc của đồng đội tôi.
*
* *
Sáng hôm sau chúng tôi đi Cheoreo.

Nắng tuyệt đẹp. Xe qua ngã ba Chư Sê rẽ về phía đông. Một vùng hồ tiêu khiến đất trời xanh tím lại. Thị trấn giàu có của cao nguyên này quyến rũ như gái vùng cao hầm hập sự sống. Tôi bâng khuâng nhớ những đứa bạn tôi ở trung đoàn 9 nằm lại đây những ngày đầu chiến dịch 75.

Đèo Chư Sê vẫn mênh mang gió như ngày nào. Đứng trên đỉnh đèo nhìn về phía đông, là thung lũng Cheoreo, ở đấy, trung đoàn “Dũng cảm đánh hăng” chiến đấu một trận để đời mà mãi sau này sử sách không quên, trận đánh phá tan một quân đoàn nguỵ rút chạy. Và rồi từ trận đánh này quân lực VNCH của tổng thống Thiệu không còn gượng nổi để tan rã hoàn toàn.

Càng gần tới thị xã Cheoreo tôi càng bồi hồi. Con đường rẽ về Adunhạ chen giữa cánh đồng lúa nước ba vụ đẹp như lối vào trang trại, hay một làng sinh thái nào đó ngoài bắc. Tôi nhoài hẳn ra cửa xe ngước lên ngọn Chưpa hiểm trở xám ngắt. Đêm 17/3/75 tiểu đoàn tôi chèo tắt qua núi, chạy bộ suốt 8 cây số để kịp chặn đánh địch đang cụm lại trong thị xã. Chỉ lo không đến kịp, cả cán bộ và chiến sĩ như lửa đốt trong người khi nghe tiểu đoàn 9 đã bắn cháy nhiều xe tăng trên đường 7.

Từ trên núi nhìn xuống thị xã lửa đỏ rực trời. Cả một khối lửa di động, hỗn loạn. Đây rồi, xe chạy chậm lại và dừng ngay trên đầu cầu Cây Sung. Nắng ở đây vẫn như tháng ba năm ấy. Thưa thớt vài ngôi nhà vắng người, cây cầu dẫn con đường số 7 chạy tới đèo Tu Na, ra biển Tuy Hoà. Đầu cầu phía bắc là trận địa của đại đội tôi khi xưa.

Hai cây me vẫn còn đó, một ngôi nhà vắng hoe, nó mọc lên ở chỗ tôi nằm bắn ra đường. Tôi cứ như người bị thôi miên, lững thững đi xuống suối. Tôi cứ như đang nhìn thấy những người bị thương cố bò xuống uống nước năm nào. Cây cầu đổ gục và hàng đống xe tăng, xe bọc thép, ô tô đè lên nhau. Phía sau tôi là cánh rừng thưa suối đá cạn khô, chỉ có cây khộp và cỏ dại. Ở đấy hàng chục ngàn người dân tỵ nạn và tù binh được bộ đội tập trung lại cho họ uống nước, nấu ăn.

Ở cánh rừng ấy lính 64 đỡ đẻ cho dân, chữa bệnh và làm đủ mọi thứ việc mà nghĩ lại vẫn thấy sao mà hồi ấy mình giỏi thế. Tôi đặt chân lên thảm cát vàng mùa nước cạn. Giống hệt như ngày 18/3 năm ấy, người người bồng bế nhau chạy theo cả một quân đoàn thất trận. Và rồi chiến tranh để lại những vết sẹo trong chúng tôi và cả những lúc tưởng như vui vẻ nhất vẫn mân mẩn ngứa.

Trong cánh rừng kia, ít nhất trong 2 ngày 18 và 19/3 có đến chục ca đỡ đẻ của đại đội 24 quân y. “Các quý ông giải phóng” giỏi quá... Những người già trong cơn hoảng loạn rối rít cảm ơn mấy chú y tá. Mấy chú chỉ đun nước suối, mài dao găm mà... Mẹ tròn con vuông mới lạ. Những đứa trẻ ra đời ngày ấy bây giờ ở đâu, họ đã trưởng thành và đang là những công dân có ích cho công cuộc đổi mới đất nước mình. Có ai gọi họ là những Người tháng 3 đường 7 hay không nhỉ?

Tôi không thể đi tiếp về phía Củng Sơn, Phú Túc, Tuy Hòa. Con đường số 7 mà trung đoàn 64 đuổi địch năm 75 thật sự là con đường hãi hùng. Giá như kẻ địch không cưỡng ép dân chúng bỏ Kôn Tum, bỏ Pơlâycu mà chạy... Giá như chúng tôi có thể ngăn được dân chúng trước trận trận đánh cheoreo, thì con đường 7 là một trận đánh thắng trọn vẹn tuyệt vời.

Chúng tôi trở lại thị xã Cheoreo. Nắng vàng ong ong khu tưởng niệm liêt sĩ. Vắng vẻ. Bia tưởng niệm lặng lẽ, giản dị, bình thản nhìn ra đường. Xe cộ, người qua lại cũng bình thản nhìn chúng tôi. 89 người có tên và 35 người chưa thấy tên tuổi của sư đoàn 320 hi sinh trong trận chiến đấu tại thị xã Cheoreo ngày ấy.

Bó hương rừng rực cháy trên tay mà nước mắt nhoè đi trong nắng. Hầu như tôi quen gần hết những cái tên trên tấm bia này. Tôi khóc, vợ tôi cũng khóc. Muộn màng quá thể về chuyến thăm bè bạn này. Thưa các bạn, tha lỗi cho những người còn sống như tôi, cuộc đời bộn bề quá, bao nhiêu việc phải lo, phải làm. Cái lí của người còn sống là vậy các bạn ạ.

Phía ngoài cổng nhà tưởng niệm, vài người đàn ông đứng chờ chúng tôi. Đó là những cựu binh trung đoàn 64 nghe tin tôi từ Hà Nội vào đã tụ tập đón chúng tôi về nhà. Đại úy Thành người Thanh Hóa, đại uý Trung người Thái Bình, thiếu tá Hải người Thái Nguyên. Tất cả họ, lần đầu tiên tôi được gặp, vậy mà như người trong nhà đi xa trở về.

Chúng tôi nói chuyện trong bâng khuâng nước mắt về chiến tranh về cuộc sống và tràn trề hi vọng vào những đứa con của mình. Thế hệ con cái lính 320 nay đang học hành đỗ đạt đây đó. Chúng tôi lùi về phía sau để nhìn đội hình mới hành quân. Rưng rưng tự hào vì có dáng hình của mình trong đó, của ba mươi năm về trước, của đội hình người lính Đại đoàn Đồng Bằng anh hùng.

Lên xe rồi, còn nhận được điện thoại của một phụ nữ ở tận đèo Hocpờtó trên đường vào thị trấn Iapa. Rằng biết các anh lính 64 vào thăm, nhà làm cơm đợi, mời các anh vào. Các bạn tôi bảo đó là chị Cánh, người phụ nữ giỏi giang và yêu quí sư đoàn Đồng Bằng lắm. Không thể vào trong ấy với chị, mong gia đình thông cảm.

Chúng tôi hiểu ra máu của bạn bè tôi đổ xuống thung lũng này để có tình cảm của những người dân dù xa xôi hẻo lánh vẫn còn nguyên vẹn, thuỷ chung tốt lành. Mai tôi về. Còn đêm nay ngủ lại với cao nguyên. Nơi nhà khách binh đoàn kề bên nghĩa trang liệt sĩ Gia Lai. Đồng đội tôi đều xếp hàng nhìn về hướng nam. Tất cả các anh không kịp đi tới Sài Gòn ngày chiến thắng như tôi. Niềm mong mỏi ấy của các anh đau đáu cho tới khi nằm lại mảnh đất này.

Phía trước nơi các anh nằm, một doanh nghiệp trẻ của tỉnh vừa khởi công xây dựng một bệnh viện thật lớn. Rồi, những người dân từ các bản Lung Bang, Lung Ấp, từ làng Dit, làng Lú, làng Ngo Lê… sẽ có nơi chữa bệnh, dân bản chẳng còn lo con ma làm bệnh nữa. Hơn ba mươi năm trôi qua, Tây Nguyên ngày nay không còn là chiến trường mà đã trở thành một vùng kinh tế chiến lược của đất nước.

Là gì thì là, Tây Nguyên vẫn mãi trong tôi với đất đỏ và hoa cúc quì vàng rực mỗi bình minh. Nghĩ đến lúc từ biệt nơi này, nơi in dấu một thời trai trẻ của tôi mà thấy nao lòng, mắt nhoè đi. Lên đỉnh đèo Chưsê ngoái lại, thung lũng xanh như khói, nắng vẫn giót tiếng ve vào không trung, tít tắp là màu xanh và lốm đốm những bông hoa quỳ dại cuối mùa.

                                                                                                  NGUYỄN TRỌNG LUÂN
                                                                                                         Hà Nội 14/5/2008

Tác giả đưa vợ về thăm Tây Nguyên dưới chân núi Hàm Rồng