SỰ TÍCH DỐC ĐẦU LÂU

SỰ TÍCH DỐC ĐẦU LÂU

                       Đại tá Phạm Văn Quyết

Ai đã từng đi qua trung tâm huyện Đắk Hà nằm trên đường 14 (nơi đây trước gọi là Võ Định) theo đường 14 đi về thị xã Kon Tum khoảng hơn l km là gặp đỉnh dốc Đầu Lâu. Bên phải có kỳ đài do nhân dân tỉnh Kon Tum xây dựng để kỷ niệm những chiến công oanh liệt của quân dân tỉnh Kon Tum, gần đó là điểm cao 601A bên trái đường 14 là điểm cao 601B.
Nhưng dốc Đầu Lâu có từ bao giờ, sự tích ra sao thì không nhiều người biết rõ. Người dân họ bảo: Chúng tôi nghe nói trên đường 14 đỉnh của dốc này có đầu lâu người lăn lóc thì gọi là dốc Đầu Lâu. Nơi đây gọi là dốc nhưng không dốc lắm vì dốc xuôi theo đường 14 từ bình độ 601 xuôi xuống dài khoảng lkm về hướng thị xã Kon Tum.
Dốc Đầu Lâu, phía bên phải cách khoảng 200 mét là cao điểm 601. Nơi đây địch còn gọi là căn cứ “Lam Sơn”. Nó là một vị trí rất quan trọng, là cánh cửa thép để bảo vệ thị xã Kon Tum.
Năm 1972 phối hợp với chiến trường toàn miền, quân và dân tỉnh Kon Tum đã chiến đấu và chiến thắng oanh liệt giải phóng một vùng rộng lớn phía tây và tây bắc tỉnh Kon Tum, tạo thế và lực mới trên chiến trường. Trước sức tấn công mạnh như vũ bão của quân và dân ta địch không đủ khả năng tái chiếm lại được, buộc chúng phải co cụm lập thành phòng tuyến, xây dựng căn cứ vững chắc có hàng rào kẽm gai, có hỏa lực chi viện kịp thời hòng ngăn chặn đà tiến công của quân và dân ta.
Căn cứ 601 của địch là một căn cứ được chúng bố phòng, xây dựng khá vững chắc, có công sự, hàng rào dây thép gai và hệ thống mìn các loại dày đặc, để bảo vệ và chi viện cho căn cứ phía bên còn có cụm chốt 601B. Phía đông có căn cứ 751. Căn cứ Bãi ủi, Đồi Tròn, phía nam có căn cứ Ngọc Bay cao điểm 674 và căn cứ Kon Trang Năng Loi tạo thành một hệ thống phòng tuyến hoàn chỉnh và khá vững chắc hòng ngăn chặn ta tiến công.
Quyết không cho địch thực hiện được ý đồ trên . Đầu tháng 12 năm 1972 lệnh của trên phải tiêu diệt và chiếm lĩnh bằng được cao điểm 601A của địch. Nhằm mở toang cánh cửa phía tây tỉnh Kon Tum, áp đảo quân địch, tạo thế tấn công khi thời cơ tới.
Trung đoàn 66 được Bộ Tư lệnh Sư đoàn 10 giao cho thực hiện trọng trách này. Tiểu đoàn 8 đảm nhiệm mở cửa từ hướng đông đánh vào. Tiểu đoàn 9 là hướng đột kích chủ yếu từ hướng bắc theo đường 14 đánh lên dưới sự chi viện đắc lực của hỏa lực pháo binh, cối, ĐKZ của cấp trên. Những ngày này mọi công tác chuẩn bị đánh địch được thực hiện khẩn trương, cả trung đoàn ngày không nghỉ, đêm đêm không ngủ, người nào việc ấy theo chức năng từng cá nhân, đơn vị, người tải đạn, gùi hàng, người khiêng vác pháo 105 ly, ĐKZ 106,7 ly, cối 120 ly cũng được tháo rời để khiêng vác đưa vào trận địa trên điểm cao cách căn cứ 601A có 900 mét, thật là một việc làm táo bạo, một sáng kiến mới của chiến trường. Mà chỉ có lính Sư 10 mới làm như vậy.
Mọi công tác chuẩn bị khẩn trương của trên dưới đã hoàn tất. Lệnh của trên phát ra, ngày nổ súng tiêu diệt căn cứ 601A đã đến. Tôi nhớ ngày đó là ngày 12-13 tháng 12 năm 1972. Đêm ngày 12 chúng tôi được lệnh bí mật mang vác đầy đủ các trang thiết bị vượt đường 14 từ phía bắc sang bí mật ém quân theo dọc sườn núi 601A và cách cửa mở khoảng 200 mét. Sáng ra máy bay trinh sát địch lượn lờ nhòm ngó, có thể địch đã phát hiện hoặc nghi ngờ nên pháo cối của chúng bắn ra tới tấp xung quanh căn cứ, pháo binh của địch từ các căn cứ xung quanh cũng bắn tới làm một số anh em ta thương vong. Nhưng trên cho biết, đây chỉ là địch bắn vu vơ hoảng loạn, chúng chưa phát hiện được ý đồ của ta, nên chúng tôi yên tâm phần nào và động viên anh em giữ vững tinh thần chiến đấu.
Đến 10 giờ 30 lệnh đơn vị lên phá rào chiếm cửa mỏ bắt đầu. Dưới sự chế áp của hỏa lực cấp trên chi viện cửa mở , anh Tạ Ngọc Oanh đại đội trưởng cùng đồng chí Lăng trung đội trưởng 2cùng lúc điểm hỏa hai giá mìn định hướng để phá rào. Tôi (Phạm Văn Quyết) chính trị viên đại đội dẫn đội mở cửa lên dùng bộc phá ống phá nốt các hàng rào còn lại. Nhưng do anh em cơ động chạy vào theo sườn đồi rất khó đi, lại mang vác nặng, bộc phá, súng trang bị tổng số mỗi đồng chí mang hơn 30kg trên người, đến cửa mở, anh em mệt phờ, có đồng chí ngã quỵ, không lên được. Nếu lúc này chậm trễ sẽ mất thời cơ, chỉ cần hai ba tên địch trên giao thông hào, lô cốt phát hiện ta đang từ dưới chân dốc lên thì sự việc nguy hiểm diễn ra không thể lường hết được.
Bài học này đã xảy ra tại cửa mở Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 tại cao điểm Ngọc Bờ Biêng (lính gọi vui là Nhọc Mà Khiêng) và cửa mở Tiểu đoàn 8 đánh Plei Kần đợt một 1972 hoặc cửa mở Đại đội 11 Tiểu đoàn 9 đánh Đắk Xiêng... Không thể để chậm chễ, chần chừ, ý nghĩ thoáng trong đầu, tôi nói chiến sĩ bộc phá: "Đưa bộc phá của cậu đây". Nói rồi tôi ôm bộc phá lao lên phá hàng rào, lần lượt 6 quả liền phá nốt 4 hàng rào dây thép gai của địch, cùng anh em xông lên chiếm lô cốt đầu cầu. Bọn địch hoang mang sợ sệt vì tiếng bộc phá, tiếng mìn nổ. Khi chiếm lĩnh được lô cốt đầu cầu vẫn còn năm sáu tên địch đang nằm nép dưới giao thông hào giơ tay xin hàng.
Phát huy thắng lợi, tôi tiếp tục chỉ huy đại đội đánh theo các hướng đã định. Lúc này pháo lớn của ta tạm dừng, địch lợi dụng giao thông hào, công sự vững chắc chống trả ta quyết liệt. Nhưng được Đại đội 9 và Đại đội 10 cùng hỏa lực của tiểu đoàn đã cơ động đến chi viện kịp thời. Mũi chỉ huy của anh Hoàng đại đội phó chỉ huy anh em đánh vòng về phía đông hướng cửa mở của Tiểu đoàn 8, tạo điều kiện Tiểu đoàn 8 phá nốt hàng rào cùng xông lên đánh địch.
Cuộc chiến đấu trong căn cứ diễn ra vô cùng ác liệt, hai bên tranh chấp nhau từng lô cốt, từng đoạn hào.
Biết khả năng căn cứ bị tiêu diệt, địch dùng cả pháo lớn bắn trùm lên trận địa, ta địch đều thương vong. Đã hơn một giờ quần nhau với địch cuối cùng mũi anh Hoàng đại đội phó cùng anh Thể vừa chỉ huy anh em đánh địch chi viện vừa xông lên cùng một lúc. Hai anh điểm hỏa hai quả bộc phá ống loại 6kg tông thẳng vào trong hầm chỉ huy của địch, toàn bộ quân địch trong hầm ngầm bị tiêu diệt. Nhưng cũng là lúc hai anh ngã xuống ngay cạnh hầm chỉ huy địch vừa bị các anh tiêu diệt. Địch bị hoảng loạn, các mũi các hướng xông lên hoàn thành các mục tiêu, địch lần lượt bị tiêu diệt, ta làm chủ hoàn toàn trận địa bắt tù binh thu vũ khí.
Với một trận đánh địch trong công sự vững chắc hơn 2 giờ đồng hồ, ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa, tiêu diệt toàn bộ một tiểu đoàn địch bắt hơn 70 tù binh, thu toàn bộ vũ khí, ta thương vong tổn thất thấp so với các trận chiến đấu khác. Đó là một trận đánh thắng với hiệu suất cao.
Phát huy thắng lợi chỉ bốn năm ngày sau Tiểu đoàn 9 có hỏa lực cấp trên chi viện đã đánh chiếm làm chủ hoàn toàn căn cứ Kon Trang Lăng Loi diệt 1 tiểu đoàn địch, bắt toàn bộ tù binh thu toàn bộ vũ khí trong đó có 5 khẩu pháo 155 ly.
Cuối tháng 12 năm 1972, Hiệp định Pa-ri được ký kết thời điểm có hiệu lực đã đến gần trước sự thất bại nặng nề. Địch ngày đêm tung quân, tung lực lượng dùng bom pháo oanh tạc dữ dội hòng giành lại điểm cao then chốt 601A và các khu vực khác đã mất, trong lúc này Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66 đảm nhiệm giữ cao điểm 601 này. Bao lần chúng dùng lực lượng máy bay, quân số đông với hỏa lực mạnh đánh chiếm lại nhưng đều bị các chiến sĩ Tiểu đoàn 8 đánh bật gây cho chúng thiệt hại nặng nề. Mặt khác chúng còn tung các toán biệt kích, thám báo, luồn sâu đánh vào phía sau hậu cứ của ta đó là khu vực Cống Ba Lỗ, vùng Đắk Uy, Võ Định, khu vực bản Ngô Thanh, Tà Rộp, điểm cao 674, Ngọc Bay... đi tới đâu cũng bị lực lượng Sư đoàn 10 đánh cho tan tác.
Ngày 28 tháng 1 năm 1973, là thời điểm Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, tiếng súng đạn, bom pháo, tiếng máy bay tạm thời yên ắng được một hai ngày đầu, các ngày tiếp theo địch cố tình không chấp hành hiệp định vẫn cho pháo bắn rải rác về phía chốt của chúng ta. Cảnh giác trước âm mưu của chúng, cán bộ, chiến sĩ ta ở các khu vực đặc biệt Tiểu đoàn 8 luôn luôn cảnh giác, tiếp tục củng cố hầm hào, bố trí lại trận địa bố phòng, tích trữ vũ khí, lương thực, sẵn sàng giáng trả quân địch nếu chúng liều lĩnh phá hoại hiệp định.
Thời gian đó khoảng ngày 3 hay ngày 5 tháng 2 năm 1973, khoảng 9 giờ sáng, trinh sát báo về có một đơn vị địch đang từ hướng Đắk Uy, Võ Định bắc đường 14 đang lén lút về Kon Tum đã đến gần khu vực chốt giữ 601.
Nắm được tâm lý đang hoang mang dao động vì bị lực lượng ta giáng cho tơi tả. Hơn nữa chúng cũng ngỡ tưởng hiệp định ngừng bắn có hiệu lực rồi, không phải đi đánh nhau nữa, tính mạng chúng được bảo toàn nên được về sống cùng vợ con... các đồng chí chỉ huy Tiểu đoàn 8 và chỉ huy Đại đội 6 đã mưu trí, một mặt lệnh cho toàn chốt sẵn sàng chiến đấu, một mặt cử một tổ ra sát đường 14 kêu gọi binh sĩ ngụy trở về hòa hợp dân tộc. Tiếp đó có tên chỉ huy địch lên tiếng, hiệp định ký kết rồi, đã có hiệu lực hai bên không đánh nhau nữa, nên để cho chúng được đi lại trở về Kon Tum. Chính trị viên Đại đội 6 Bùi Viết Nhần nói luôn: “Đúng hiệp định đã có hiệu lực, bên nào phải ở yên bên đó, tại sao các anh lại đưa quân sang xâm phạm khu vực chúng tôi quản lý, chính vì hiệp định có hiệu lực nên chúng tôi không cho đơn vị nổ súng để tiêu diệt các anh. Toàn khu vực này chúng tôi đã bố trí sẵn hỏa lực và lực lượng, nếu không có sự đồng ý của chúng tôi các anh cứ liều lĩnh đi thì sẽ bị tiêu diệt hết. Nhất trí không đánh nhau không nổ súng nhưng trước mắt yêu cầu chỉ huy các anh vào làm việc với chỉ huy tôi để bàn bạc...”.
Trước những lời nói khôn ngoan và sự cảnh báo cho địch biết, không còn cách nào khác, một số tên sĩ quan ra lệnh cho lính của chúng theo anh em ta vào chỉ huy của đại đội. Bằng những lời lẽ thuyết phục và chính sách 14 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong tình thế này không còn cách nào khác, các sĩ quan địch phải nghe theo và chấp thuận các điều kiện của cán bộ chiến sĩ Đại đội 6 Tiểu đoàn 8.
Từ sự mưu trí khôn khéo đó của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6 Tiểu đoàn 8, toàn bộ 1 đại đội địch ngụy gồm hơn 100 tên đã bị ta bắt mà đơn vị không tốn một viên đạn. Trong số đó có 4 sĩ quan cấp úy ngụy, qua khai thác ta biết được cả tiểu đoàn địch đánh vào phía sau ta, đã bị tiêu diệt, số còn lại tìm cách trở về thị xã Kon Tum.
Đúng như dự kiến của ta, Hiệp định Pa-ri vừa ký kết chưa ráo mực, quân ngụy đã hò hét xua quân tái chiếm lãnh thổ, chiếm lại vùng đất, giành lại dân mà chúng đã mất. Cao điểm 601A là điểm then chốt nên là trọng điểm đánh phá hết sức ác liệt hòng chiếm lại nơi này. Nhưng chúng xông lên lần nào đều bị ta đánh bại phải bật ra xa. Tại chính dốc ở điểm cao 601 có 2 xác lính Nguỵ chết . Mưa nắng hàng ngày đã phân hủy 2 xác này , trơ lại 2 chiếc đầu lâu . Dốc “Đầu Lâu” cũng có tên từ hồi ấy (tháng 2-1973).
Cho đến nay tại địa điểm này cái tên: Dốc Đầu Lâu trên đường 14 xuôi về Kon Tum, đã trở nên quen thuộc với mọi người và cũng chính nơi đây một kỳ đài uy nghi, ghi lại những chiến công hào hùng của quân và dân Kon Tum nói chung và Trung đoàn 66 Sư đoàn 10 nói riêng mãi mãi trở nên bất diệt.

Đài tưởng niệm tại điểm cao 601 - Kon Tum