CHIẾN DỊCH ĐẮC TÔ NĂM 1967

NHỮNG CHIẾN DỊCH LỚN TẠI CHIẾN TRƯỜNG TÂY NGUYÊN TRONG NHỮNG NĂM ĐÁNH MỸ

Trong các chiến dịch diễn ra ở Tây Nguyên cũng như trên toàn miền Nam tính đến thời điểm tháng 11/1967 thì Chiến dịch ĐẮC TÔ năm 1967 là một chiến dịch ta tiêu diệt được nhiều lính Mỹ nhất . Trang Lính Tây Nguyên xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Chiến dịch vẻ vang này.

CHIẾN DỊCH ĐẮC TÔ NĂM 1967

Thực hiện nhiệm vụ của Quân ủy Trung ương và Quân khu 5 giao cho lực lượng vũ trang Tây Nguyên trong đông xuân 1967-1968. Ngày 10-9 - 1967 , Đảng ủy , Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở chiến dịch Đắc Tô . Mục đích của ta là : Nhử địch vào thế trận ta đã chuẩn bị sẵn, tiêu diệt từng tiểu đoàn Mỹ phản kích, phản đột kích ứng chiến bằng đường bộ và đổ bộ đường không, tiến tới đánh thiệt hại nặng đơn vị lớn hơn của chúng; thực hiện tiến công liên tục đánh vào toàn bộ đội hình chiến dịch của địch, bao vây chia cắt chiến dịch, đánh cả phía trước và phía sau, đánh vào các căn cứ hành quân chiến dịch của địch, vận dụng chiến thuật linh hoạt, kiên quyết bám trụ, vận dụng cách đánh gần, đánh chồng, đánh bồi của các binh chủng; bố trí đội hình chiến dịch có chiều sâu, có đội dự bị mạnh, có chốt chiến dịch vây hãm và uy hiếp địch buộc chúng phải ra khu quyết chiến để ta đánh tiêu diệt. Phối hợp chặt chẽ giữa quân sự, chính trị, tác chiến và địch vận".
KẾ HOẠCH TÁC CHIẾN CỦA TA CỤ THỂ NHƯ SAU
Trước hết là, sử dụng Đại đội 1 của Trung đoàn 40 pháo binh cùng với Tiểu đoàn 6 - Trung đoàn 24 bộ binh đưa pháo lên chốt ở Ngọc Bờ Biêng , biến đây thành nơi thu hút quân địch , buộc quân Mỹ phải ra giải tỏa để ta tiêu diệt . Đồng thời bố trí lực lượng ở khu vực Cao điểm 875 biến nơi đây thành điểm quyết chiến của chiến dịch vì đây là nơi có dải địa hình và các điểm cao nằm ở trung tâm không gian chiến dịch, mà Cao điểm 875 lại là một trong những điểm cao tương đối đột xuất, khống chế các vùng xung quanh; đồng thời cũng là cao điểm xa các trận địa pháo binh Đắk Mót - Plei Cần của Mỹ. Theo kế hoạch điểm cao 875 được ta xây dựng thành một trận địa phòng thủ kiên cố có hệ thống hầm hào vững chắc sâu tới hàng chục m ,tránh được bom pháo địch . Ta dự kiến khi quân Mỹ đổ quân vào sâu, phải lần lên đánh điểm cao, sẽ tạo được thời cơ để ta tiêu diệt.
Khu vực tiến công chủ yếu ở tây nam Đắc Tô (phía nam sông Pô Kô và đường 18) từ Ngọc Bơ Biêng, Ngọc Kom Liệt đến nam điểm cao 875, do sư đoàn bộ binh 1 đảm nhiệm .
Hướng và khu vực tiến công thứ yếu ở đông bắc Đắc Tô, gồm các điểm cao của dãy Ngọc Lan, Ngọc Sịa, điểm cao 1323, 1030 và quận lỵ Đắc Tô do trung đoàn 24 (thiếu tiểu đoàn 6), tiểu đoàn 304, 2 đại đội đặc công, 1 đại đội cối, 1 đại đội công binh (thiếu) của tỉnh đảm nhiệm. Có nhiệm vụ đánh vào sau đội hình địch, tiêu diệt từng tiểu đoàn VNCH, từng đại đội Mỹ, dùng lối đánh nhỏ uy hiếp Tân Cảnh, khống chế sân bay Đắc Tô, đường 14 (đoạn nam, bắc Tân Cảnh) nhằm phân tán địch, hỗ trợ cho hướng chủ yếu.
Các hướng nghi binh và phối hợp, ở Gia Lai, do trung đoàn 95, tiểu đoàn 101, 1 tiểu đoàn pháo cối hỗn hợp (6 ĐKZ 75mm, 4 cối 120mm, 4 cối 82mm) cùng lực lượng vũ trang địa phương đảm nhiệm; ở Đắc Lắc do trung đoàn 33 (thiếu), 1 tiểu đoàn bộ binh, 2 đại đội đặc công và 1 đại đội cối 82mm cùng các lực lượng vũ trang địa phương đảm nhiệm.
DIỄN BIẾN CHIẾN DỊCH
TỪ NGÀY 3 ĐẾN NGÀY 6/11
Sau khi phát hiện sự xuất hiện bộ đội chủ lực của ta ở Kon Tum . Ngày 2 tháng 11, Mỹ đổ quân lên Đắk Tô, thiết lập hai trận địa pháo ở Plei Cần và Đắk Mót. Trung đoàn 320 - Sư đoàn 1 được lệnh gấp rút chiếm Ngọc Dơ Lang. Khi Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 320) vừa hành quân tới Ngọc Dơ Lang thì một tiểu đoàn bộ binh Mỹ cũng đến Ngọc Rinh Rua. 2 bên tranh chấp muốn chiếm điểm cao nên đã diễn ra một trận chiến rất ác liệt . Chiều ngày 3 tháng 11, Mỹ dùng máy bay lên thẳng đổ tiếp một tiểu đoàn bộ binh xuống khu đồi tranh phía đông dãy Ngọc Bờ Biêng khoảng 500m và tiến lên trận địa chốt của Đại đội 11, Tiểu đoàn 6. Sư đoàn bộ binh số 4 Hoa Kỳ quyết định tấn công Sư đoàn 1 trước, dựa vào tin của một hàng binh từ Sư đoàn 1 cung cấp. Lúc này, Sư đoàn 1 đã bố trí trận địa sẵn sàng nhưng bị bất ngờ vì thời điểm đối phương tấn công tới nơi (theo kế hoạch thì Sư đoàn 1 sẽ nổ súng vào ngày 5 ). Bộ đội đang đào công sự lập tức chuyển sang chiến đấu. Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 320) lập tức cho 2 khẩu pháo 75mm bố trí ở Ngọc Bơ Biêng bắn vào sân bay Đắc Tô 2, để khêu ngòi. Phát hiện pháo của ta từ Ngọc Bờ Biêng bắn vào sân bay , quân Mỹ phản ứng tức khắc cho đổ 2 đại đội xuống điểm cao 882 , Ngọc Dơ Lang, 2 đại đội xuống Ngọc Non, đồng thời triển khai lực lượng pháo binh nhằm tiến công vào khu chốt của ta ở Ngọc Tăng, Ngọc Bơ Biêng. Qua trinh sát kỹ thuật ta phát hiện quân Mỹ dùng lữ đoàn 173 dù và lữ đoàn 1 thuộc sư đoàn 4 phản kích trên 2 hướng tây, tây nam Tân Cảnh và sẽ hợp vây tại khu vực điểm cao 875. Bộ tư lệnh lệnh Mặt trận lệnh cho các đơn vị khu chốt chiến dịch kiên quyết chặn địch, sư đoàn 1 giữ kín lực lượng, chờ địch vào khu chiến để tiêu diệt . 15 giờ 30 phút ngày 3 tháng 11, trên mỏm đồi yên ngựa dãy Ngọc Bờ Biêng, Tiểu đội 7, Đại đội 11, mở màn chiến dịch Đắk Tô bằng trận đánh quyết liệt với hai đại đội Mỹ trước chiến hào đơn vị. Các chiến sĩ nhảy lên chiến hào thu hai súng trường, một súng M79. Đây là những khẩu súng chiến lợi phẩm đầu tiên của chiến dịch.
Sáng sớm ngày 4 tháng 11, quân Mỹ ném bom đào, bom napalm và chất độc hóa học làm nhiều đoạn chiến hào của đại đội 11 bị san phẳng. Quân Mỹ bắt đầu tiến công lên chốt, song mỗi lần tiến công chúng đều bị đánh bật trở lại, sau mỗi lần như vậy chúng lại gọi không quân giội bom xuống. Suốt ngày quân Mỹ đã tổ chức 8 đợt tiến công để chiếm chốt, Tiểu đội 7 có một số chiến sĩ bị thương vong, nhưng cuối cùng ta vẫn giữ được chốt.
Ngày 5 tháng 11, một đại đội bộ binh Mỹ bất ngờ ập đến trận địa chốt thứ hai của Đại đội 11 ở Ngọc Tang. 2 bên dùng lưỡi lê, báng súng, lựu đạn đánh giáp lá cà. Cùng với những trận đánh của bộ binh, đại đội pháo binh 1 đã dùng 2 khẩu sơn pháo 75mm bắn phá Đắk Tô. Trung đội ĐKZ ở Ngọc Tang cùng lúc vừa chặn quân Mỹ tràn xuống, vừa bắn vào sân bay đã gây thiệt hại lớn cho địch . Trung đoàn 320 và Trung đoàn 66 chặn đánh quân Mỹ ở Điểm cao 724, 823 và pháo kích vào Ngọc Rinh Rua, tiêu diệt và tiêu hao 3 đại đội Mỹ, bắn rơi 2 trực thăng.
Ngày 6 tháng 11, một số đại đội của Lữ đoàn 173 QĐHK chiến đấu với Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 66) . 13 giờ ngày 6/11, Mỹ đổ tiếp 2 đại đội thuộc tiểu đoàn 1 trung đoàn 503 lữ đoàn 173 xuống các điểm cao: 823, 845, 882 ở dãy Ngọc Kom Liệt, hình thành 2 mũi tiến đánh vào sườn Sư đoàn 1 .Các chốt chiến thuật của trung đoàn 66 ở khu vực này đánh thiệt hại nặng đại đội D (Delta), bắn rơi 2 máy bay lên thẳng, thu 4 súng và 1 máy vô tuyến. Liền sau đó 2 đại đội của tiểu đoàn 4, trung đoàn 503 Mỹ đổ bộ xuống chân điểm cao 823 và đánh chiếm điểm cao này bị lực lượng trinh sát của trung đoàn 66 diệt 60 . Trong 2 ngày (6, 7 tháng 11), trung đoàn 66 tổ chức tập kích và pháo kích vào điểm cao 823, buộc tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 503 Mỹ phải bỏ điểm cao này rút về dãy Ngọc Kom Liệt. Cùng thời gian trên, tại Ngọc Dơ Lang, ngày 6/11 , 2 đại đội Mỹ từ điểm cao 882 tiến công chốt của đại đội 9 (tiểu đoàn 6) ở điểm cao 843 . Cuộc chiến ở đây diễn ra rất quyết liệt , ta và địch giành giật với nhau từng m giao thông hào . Song do lực lượng mỏng lại bị bom , pháo địch . Cuối cùng chúng đã chiếm được điểm cao 843 . Ngày 7, lính Mỹ từ điểm cao 843 tiến về điểm cao 724 bị đại đội 9 thuộc tiểu đoàn 6, trung đoàn 320 vận động tiến công, diệt 10 lính, thu 6 súng của đại đội C (Charlie), tiểu đoàn 3, trung đoàn 8 Mỹ, số lính Mỹ còn lại co cụm ở điểm cao 724. Sau 3 ngày cho đến ngày 9, các đơn vị QĐHK đã chiếm được một số vị trí then chốt mà họ muốn ở khu vực có Sư đoàn 1 . Bộ tư lệnh Mặt trận nhận định cả hai cánh quân Mỹ đều bị chặn đánh, nhưng có khả năng lính Mỹ còn tiến sâu hơn nữa nên lệnh cho trung đoàn 174 hành quân ra khu vực tây nam Lăng Lố Kram chuẩn bị chiến đấu. Chỉ thị cho hướng thứ yếu đánh mạnh vào Đắc Tô - Tân Cảnh và đường 14.
TỪ NGÀY 8 ĐẾN NGÀY 12/11
Ngày 8, Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 320) đột kích Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 1, Sư đoàn 4) QĐHK. Suốt các ngày 8 đến ngày 10 tháng 11, Quân Mỹ tấn công mạnh vào vị trí của Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 24) . Tối 8 tháng 11, tiểu đoàn 4 và đại đội 10 của tiểu đoàn 6, trung đoàn 320 tập kích lính Mỹ ở điềm cao 724 . Đang hành quân tiếp cận điểm cao 724 , Tiểu đoàn 4 gặp địch di chuyển ra phía tây lập tức tổ chức vận động tiến công, diệt 100 lính, đánh thiệt hại nặng đại đội A và đại đội B của tiểu đoàn 3, trung đoàn 8 lữ đoàn 1 Mỹ. Để chi viện cho trung đoàn 320 đánh địch, sư đoàn 1 đã tổ chức cối 120mm và ĐKZ 75mm pháo kích vào Ngọc Rinh Rua và điểm cao 823, phá hủy 2 khẩu pháo, 2 máy bay lên thẳng, diệt 50 tên lính Mỹ. Từ ngày 7 đến 10 tháng 11, tại Ngọc Kom Liệt, do bị tiến công dồn dập nên tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 503 Mỹ từ điểm cao 823 hành quân về phía tây. Tiểu đoàn 7 của trung đoàn 66 được các chốt trinh sát yểm hộ, vận động tiến công tiêu diệt gần hết tiểu đoàn Mỹ này. Một số ít còn lại bị tiểu đoàn 8 của trung đoàn 66 tiêu diệt.
Lữ đoàn 173 QĐHK sau khi lần lượt đổ quân xuống Cao điểm 823, 845, 882 trên dãy Ngọc Cam Liệt, bắt đầu tiến công vào sườn phải Sư đoàn 1 mục đích để tiến lên chiếm cao điểm 875. Bộ Tư lệnh Mặt trận lập tức chỉ đạo Trung đoàn 66 và Trung đoàn 320 đánh tiêu diệt địch trên khu quyết chiến Ngọc Cam Liệt và Ngọc Dơ Lang . Để cứu nguy, 12 giờ ngày 11 tháng 11, 2 đại đội A và B thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 503 Mỹ từ Ngọc Kom Liệt tiến xuống, nhưng bị tiểu đoàn 8 và đại đội 12,7mm của trung đoàn 66 chặn đánh và tiêu diệt. Tổng số lính Mỹ bị diệt khoảng 400 lính, ta thu 21 súng các loại, 6 vô tuyến điện; Mỹ phải dùng máy bay (cả B52) ném bom thiêu hủy và buổi chiều chúng đổ tiếp tiểu đoàn 2 của trung đoàn 503 xuống điểm cao 845. 14 giờ cùng ngày, tại Ngọc Dơ Lang, tiểu đoàn 3, trung đoàn 8 Mỹ cho 2 đại đội đánh ra phía tây để phối hợp với lực lượng Mỹ ở điểm cao 724, bị tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn 320 vận động tiến công diệt gọn đại đội B, tiêu hao nặng đại đội D, diệt 120 tên, số còn lại co về cụm ở điểm cao 724. Các trận đánh của 2 trung đoàn 66 và 320 thắng lợi đã chứng minh: với hình thức chiến thuật "chốt kết hợp vận động", ta có thể đánh liên tục dài ngày dưới phi pháo ác liệt của Mỹ để giành thắng lợi. Đây là trận then chốt đầu tiên của chiến dịch, làm cho quân Mỹ không thực hiện được ý đồ chia cắt chiến dịch. Diễn biến những ngày đầu chiến dịch chứng minh những phán đoán và dự kiến của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên là đúng, đã nhử được Lữ đoàn 173 và Sư đoàn 4 QĐHK vào "bẫy" ở Đắk Tô.
Trước tình thế Lữ đoàn 173 và Sư đoàn bộ binh số 4 Mỹ bị thiệt hại lớn, Bộ chỉ huy Mỹ phải tung lực lượng dự bị gồm: hai tiểu đoàn thuộc Sư đoàn Không Kỵ số 1 và Chiến đoàn Dù 3 VNCH sớm vào vòng chiến. Quân Mỹ tiếp tục đổ quân xuống khu vực Plei Cần và Ngọc Cam Liệt, với ý định chia cắt đội hình của ta và sẽ hợp vây chiến dịch ở khu vực Cao điểm 875. Ngày 12, quân Mỹ dùng B-52 và pháo đánh phá vị trí của các Trung đoàn 66 và 320 . Không quân Mỹ phải dùng mỗi ngày tới 700 lần chiếc máy bay B-52 và máy bay phản lực ném bom xuống Đắk Tô.
Sáng 12 tháng 11, sau khi không quân và pháo binh bắn phá, lữ đoàn dù 173 Mỹ đổ 2 đại đội thuộc tiểu đoàn 2 trung đoàn 503 xuống điểm cao 845. 10 giờ lính Mỹ phản kích lên điểm cao 882. Tiểu đoàn 3 của trung đoàn 174 xuất kích kết hợp chốt diệt 2 trung đội thuộc đại đội A. Lực lượng còn lại chạy về điểm cao 845. Theo tin trinh sát kỹ thuật của ta , ngày 12 tháng 11, tiểu đoàn 2 thuộc lữ đoàn 1 kỵ binh không vận và chiến đoàn dù 3 QLVNCH đã đến thị xã Kon Tum. Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 12 lữ đoàn 1 sư đoàn 4 tiến ra nam Ngọc Dơ Lang. Bộ tư lệnh Mặt trận nhận định: thế trận của địch đã rối loạn nên quyết định tổ chức lực lượng kiềm chế cánh quân của lữ đoàn 1 sư đoàn 4; diệt cánh quân của lữ đoàn dù 173; dùng ĐKZ và cối 82mm kiềm chế địch ở Ngọc Dơ Lang
TỪ NGÀY 13 ĐẾN NGÀY 16/11
Ngày 13, các đơn vị hai phía giáp chiến ở một số nơi, song hỏa lực chủ yếu là do B-52 dội xuống. Ta quyết định tổ chức một lực lượng giữ chốt , lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 6 Tây Ninh trên dãy Ngọc Bờ Biêng xuất kích đánh vào Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 1 Mỹ gây tổn thất khá lớn cho lực lượng này . Ngày 14 , ta sử dụng 3 Trung đoàn 66 , 174 và 320 đánh Lữ đoàn 173 , các đơn vị của Lữ đoàn 173 QĐHK bị thiệt hại nặng nên đã phải rút khỏi khu vực điểm cao 845. Vị trí này ta cố tình không đánh trước đó với mục tiêu thu hút đối phương về đó . Hai ngày 13 và 14 tháng 11, lính Mỹ tiếp tục đánh lên điểm cao 882, tiểu đoàn 8-trung đoàn 66 liền tổ chức đánh trả , loại khỏi vòng chiến đấu 100 tên Mỹ, thu 6 súng, làm chủ trận địa. Để chi viện cho trung đoàn 174, sư đoàn 1 dùng cối 120mm bắn vào điểm cao 823 tiêu hao nặng đại đội C thuộc tiểu đoàn 4 trung đoàn 503, chặn đứng hỏa lực Mỹ bắn vào điểm cao 882. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến thuật, trung đoàn 174 rút tiểu đoàn 3 và một bộ phận của tiểu đoàn 1 về hai bên sườn điểm cao 875.
Cùng thời gian, từ ngày 12 đến 16 tháng 1, đại đội sơn pháo 75mm của ta tập kích 4 trận bằng hỏa lực (16 giờ ngày 12, 8 giờ và 15 giờ ngày 15, 8 giờ ngày 16) vào căn cứ tiền phương của sư đoàn 4 Mỹ ở Tân Cảnh, sân bay Đắc Tô diệt khoảng 350 tên, phá hủy 3 máy bay C130, 4 xe quân sự, 2 kho xăng, 1 kho đạn. Ở hướng đông bắc Đắc Tô, trung đoàn 24 cùng bộ đội tỉnh tiến công quận lỵ Đắc Tô và Tân Cảnh, chặn đánh các toán quân ứng cứu giải tỏa của Mỹ. Điển hình là các trận của trung đoàn 24 ở Ngọc Sịa ngày 14 tháng 11, ở Tân Cảnh ngày 16 tháng 11, trận phục kích của công binh, trinh sát chiến dịch ở Plây Cần (đường 18), của tiểu đoàn 304 ở Võ Định trên đường 14 ngày 14 tháng 11.
Trên hướng Đường 18 và đông bắc Đắk Tô, Trung đoàn 24 chủ lực tại chỗ cùng công binh và bộ đội địa phương Kon Tum đã tiến công vào quận lỵ Đắk Tô, thị trấn Tân Cảnh, chặn đánh đoàn xe vận tải chở quân ứng cứu của Mỹ, buộc quân Mỹ phải phân tán đối phó cả ở phía sau. Nổi bật nhất là trận đánh của trung đoàn 24 ở Ngọc Xia (14 tháng 11), Tân Cảnh (16 tháng 11), Cao điểm 1030, 1423 và Ngọc Van (17, 19 tháng 11) đánh thiệt hại nặng hai tiểu đoàn Mỹ, phá hủy nhiều xe quân sự. Vào đêm 12 tháng 11, đồng thời lúc này ta dùng pháo tấn công sân bay Đắk Tô. Ngày 15 tháng 11, ta tiếp tục dùng súng cối phá hủy 2 chiếc C-130 Hercules trên đường băng. Đêm 15/11 ta tiếp tục bắn pháo vào sân bay trúng một container chất nổ, các vụ nổ dây chuyền đã phá hủy hơn 1.100 tấn đạn dược của Mỹ tại đây.
Sau những cố gắng tiến công chia cắt đội hình đối phương ở khu vực Ngọc Cam Liệt và Ngọc Dơ Lang không thành công, Bộ chỉ huy Mỹ buộc phải tìm cách chiếm cho được Cao điểm 875 làm bàn đạp khống chế, thực hiện đòn đánh vu hồi vào sau lưng đội hình chiến dịch của ta .
TỪ NGÀY 17 ĐẾN NGÀY 20/11
Ngày 17 tháng 11, hai Tiểu đoàn 1 và 2 thuộc Lữ đoàn 173 QĐHK bắt đầu tiến công để chiếm Cao điểm 875. Khi quân Mỹ chưa đến 875 đã bị Trung đoàn 66 chặn đánh, diệt từng bộ phận; Tiểu đoàn 2 QĐHK tiếp tục tiến lên 875. Nhưng tại đây, Đại đội 7 thuộc Trung đoàn 174 của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã bí mật xây dựng cao điểm thành điểm chốt kiên cố. Khi quân Mỹ tiến lên, Đại đội 7 nổ súng chặn đứng được đội hình Mỹ trước chiến hào, một bộ phận xuất kích đánh tạt sườn đã tiêu diệt một số địch. Sư đoàn 1 tổ chức pháo kích trận địa hỏa lực của Mỹ ở nam Ngọc Dơ Lang, điểm cao 530, phá hủy 5 pháo 105mm, 3 cối 106,7mm. 13 giờ ngày 17 tháng 11, 1 trung đội của đại đội 11, tiểu đoàn 6 phòng ngự ở điểm cao 1338 đã đánh bại 10 đợt phản kích của QDDHK, diệt 100 lính Mỹ.
Sáng 18 tháng 11, hai tiểu đoàn 1 và 2 của trung đoàn 503 Mỹ chia làm 2 mũi tiến công về điểm cao 875; tiểu đoàn 1 Mỹ tiến theo sườn tây bắc điểm cao 882, đến 13 giờ 30 phút bị tiểu đoàn 8 và 1 đại đội của tiểu đoàn 9 thuộc trung đoàn 66 chặn đánh và ghìm chặt tại đây , diệt 90 tên, thu 6 súng. Tiểu đoàn 2 Mỹ từ cao điểm 845 tiến chiếm đồi "biệt kích" ở tây bắc điểm cao 875 khoảng 1 km để tạo bàn đạp đánh sang 875. Cùng thời gian, ở đông 875, hai đại đội biệt kích, thám báo từ bãi Le tổ chức tiến công vào điểm cao 875. Từ lúc 8 giờ 30 phút ngày 18 đến 11 giờ ngày 19, đại đội 7 của tiểu đoàn 2 đã chịu đựng hỏa lực phi pháo ác liệt của Mỹ (có cả B52), liên tục đẩy lùi các đợt tiến công của Mỹ, giữ vững 875. Trong lúc lính Mỹ đang tập trung lực lượng đánh lên 875, tiểu đoàn 2 (thiếu đại đội 7) và 1 đại đội của tiểu đoàn 1 trung đoàn 174 bí mật vận động tiếp cận đội hình Mỹ từ bên sườn và phía sau. 14 giờ ngày 11, sau khi bắn 30 quả đạn cối vào sở chỉ huy Mỹ, 4 mũi của ta đồng loạt xung phong vào đội hình lính Mỹ đang tập trung ở đồi Yên Ngựa, dưới chân điểm cao 875. Bị đánh bất ngờ, đội hình Mỹ rối loạn. Chớp thời cơ, đại đội 7 từ điểm cao 875 cũng xuất kích đánh xuống. Đến 17 giờ, phần lớn lính Mỹ bị tiêu diệt, số còn lại bỏ chạy bị trúng bom và đạn pháo của Mỹ chết một số. Trận đánh đã loại khỏi vòng chiến 300 tên Mỹ, ta thu 18 súng AR15 và 6 máy thông tin vô tuyến điện. Sau đó trung đoàn cho đại đội 7 chốt lại tại điểm cao 875, còn trung đoàn rút về phía sau củng cố.
Không chiếm được cao điểm, quân Mỹ lại cho từng tốp B-52 và phản lực liên tiếp giội bom gần như san phẳng ngọn đồi, rồi lại tiến lên, nhưng lại bị Đại đội 7 đánh bật xuống. Trước chiến hào, quân Mỹ bắn xối xả, lựu đạn Mỹ ném vào chiến hào, bộ đội nhặt ném trả lại. Giao tranh ác liệt gây thương vong lớn cho cả hai bên. Tổ chiến đấu 3 người gồm Phùng Quang Chí, Bùi Xuân Lộc và Đỗ Văn Chuyên (thuộc đại đội 7) đã đẩy lùi hàng chục đợt phản công chỉ bằng B-40, súng AK và lựu đạn, tiêu diệt được 102 tên Mỹ, lập kỷ lục về thành tích diệt địch của một tổ 3 người trong một trận chiến đấu
Trên hướng đông bắc Đắc Tô - Tân Cảnh, trung đoàn 24 và lực lượng vũ trang tỉnh Kom Tum đã đánh sâu vào thị xã Kon Tum và thị trấn Tân Cảnh, đường 14, tiêu diệt nhiều lính Mỹ, hoàn thành nhiệm vụ phối hợp chiến dịch. Trong các ngày 17, 18, 19 tháng 11, chiến sự xảy ra ác liệt tại Ngọc Lan: 7 giờ ngày 17, tiểu đoàn 3 dù VNCH tiến công vào chốt của đại đội 7 thuộc tiểu đoàn 5 trung đoàn 24 , bị đánh thiệt hại nặng, Mỹ liền đưa tiểu đoàn 2 vào tiến công, bị 2 đại đội của tiểu đoàn 5 đánh bật xuống chân đồi, diệt hơn 100 lính, số còn lại cụm tại chỗ không dám tiến công. 5 giờ ngày 19, tiểu đoàn 5 bất ngờ tập kích cụm quân Mỹ này, diệt 170 lính. 2 tiểu đoàn dù VNCH bị thiệt hại nặng, QLVNCH đưa tiểu đoàn 23 biệt động quân và tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 23 biệt động quân và tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 42 lên cứu nguy, nhưng tiểu đoàn 5 đã hoàn thành nhiệm vụ phối hợp chiến dịch và rời khỏi khu vực Ngọc Lan.
Ngày 19 tháng 11, trong lúc quân Mỹ đang bị kìm chặt ở khu vực Cao điểm 875, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định dùng Trung đoàn 174 từ các hướng đã chuẩn bị sẵn, thực hành trận vận động tiến công vào Tiểu đoàn 2 của Mỹ , sau hơn 1 giờ chiến đấu Trung đoàn 174 đã đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn này . Ngày 20, Trung đoàn 174 phục kích diệt thêm một số tên Mỹ, bắn rơi 12 máy bay lên thẳng khi đến lấy xác lính Mỹ. Trong tổng số 570 lính Mỹ tham chiến ở đồi 875, 123 lính đã chết và 252 bị thương .
Ngày 20 tháng 11, tiểu đoàn 2 của trung đoàn 8, lữ đoàn 1 Mỹ đổ bộ xuống bãi Le và tổ chức 7 lần tiến công lên điểm cao 875 nhưng đều bị đại đội 7 đánh bật trở lại ; cho đến 12 giờ ngày 22 tháng 11, đại đội 7 vẫn giữ vững chốt. Chủ trương của Bộ tư lệnh chiến dịch là khi giải quyết xong thương binh, liệt sĩ sẽ bỏ chốt. Thực hiện ý định đó, 18 giờ 40 phút ngày 22, ta bỏ chốt 875, chỉ để 1 trung đội 12,7mm và 1 trung đội cối 82mm cơ động kiềm chế địch. Đến 24 giờ, lính Mỹ lên được 875 thì quân ta đã rút khỏi đây .
Đến ngày 27 tháng 11, tại Cao điểm 875 ta lại diệt gọn một đại đội dù Mỹ, kết thúc chiến dịch Đắk Tô. Bộ chỉ huy Mỹ cho máy bay ồ ạt lên ném bom napal trong một phạm vi rộng để tiêu hủy trận địa. Ngày 28, lực lượng dự bị của Lữ đoàn 173 cùng Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 12 QĐHK tới tham chiến, nhưng ta đã chủ động rút lui từ trước .
KẾT QUẢ
Như vậy sau hơn ngày diễn ra chiến dịch ( từ 3/11 đến 27/11/1967 ) ta đã loại khỏi vòng chiến 4.570 lính đối phương, có 4.030 lính Mỹ; phá hỏng 3 sân bay, bắn rơi và phá hủy 70 máy bay, phá hủy 18 khẩu pháo, 52 xe quân sự có 16 xe thiết giáp, 2 kho đạn, 3 kho xăng, thu 104 súng các loại và 17 máy vô tuyến điện; diệt gần hết 2 tiểu đoàn Mỹ, đánh thiệt hại nặng 6 tiểu đoàn (có 4 tiểu đoàn Mỹ) và 6 đại đội (có 2 đại đội Mỹ); đánh quỵ lữ đoàn 173 dù-VNCH, đánh thiệt hại nặng lữ đoàn 1 thuộc sư đoàn 4 Mỹ . Có thể nói đây là một chiến dịch đạt hiệu suất chiến đấu cao . Chưa có một chiến dịch nào từ trước tới nay ở Tây Nguyên lính Mỹ bị tiêu diệt nhiều như chiến dịch này . Sau chiến dịch này Quân và dân Tây Nguyên được tặng thưởng 2 Huân chương Quân công hạng 2 và hạng 3 .
( Nguồn Tư liệu )