SỐT RÉT Ở TÂY NGUYÊN

Những người Lính đã từng sống chiến đấu ở Tây Nguyên không ai có thể quên được những trận sốt rét . Nó thật khủng khiếp chẳng khác gì bom đạn địch . Nhớ Tây Nguyên , trang Lính Tây Nguyên xin giới thiệu với các bạn bài SỐT RÉT Ở TÂY NGUYÊN của nhà văn Nguyễn Trọng Luân.

SỐT RÉT Ở TÂY NGUYÊN
Nguyễn Trọng Luân

Vài chục năm rồi mà vẫn không quên được sốt rét. Sốt rét là nỗi nhớ rừng. Nhớ cay đắng nhớ khốn khổ cái không gian cái màu sắc cái hoang mang và lơ mơ hụt hẫng của mình trong trận sốt. Chả biết các đồng đội khi sốt nhìn xung quanh màu gì chứ còn tôi tôi thấy toàn màu vàng. Trời vàng ểnh, nước vàng tái, cây cối vàng thiu thiu. Còn đồng đội xung quanh, tôi nhìn thấy ai cũng vàng nhun nhủn. Lạ thế, khi sốt màu sắc tôi cảm nhận được đều có mùi và mềm oằn oặt. Người sốt rét nhiều quá nước tiểu vàng, mắt vàng da dẻ vàng đến cái lưỡi cũng vàng khè. Đến khi bị ác tính thì da không vàng được nữa mà chuyển sang trắng ngai ngái như sáp ong, đôi mắt đờ dại, đi đái không ra nước tiểu mà lẫn máu tươi thế rồi chết cứ mở mắt trừng trừng .
Nhiều kiểu sốt lắm. Sốt liên miên ngày này qua ngày khác. Sốt cách nhật cứ ngày sốt ngày không. Sốt có khi chỉ về đêm, có người chỉ sốt ban ngày. Riêng tôi cứ 1 giờ chiều là sốt.
Có người sốt là nôn. Nôn váng cả rừng mà cứ phải oẹ ầm ầm lên nó mới đỡ. Nhưng cũng có anh li bì nằm không một tiếng động. Có anh rên hừ hừ từ lúc sốt đến lúc cắt cơn. Rên đến mức võng đung đưa, giường kêu cọt kẹt, rên to đến nỗi muỗi không đốt được. Hay thật .
Tháng nào cũng phải một lần. Cơn sốt cứ đúng chu kì như gái hành kinh. Chịu không hiểu sao lại thế. Chuẩn bị sốt là biết. Người ăn khoẻ hơn , bụng đói hơn mà ăn cái gì cũng ngon. Anh nào sốt cũng thèm của chua y hệt gái ăn dở. KHốn nỗi người ngoài nhìn mấy anh sắp sốt cứ như người giả vờ, nó ngoặt ngoẹo lử khử lừ khừ, mắt thì cứ vằn lên nhưng chân tay thì lười động đậy .
Có anh hễ đã sốt là tới 40 độ, 40 độ 5 và mồ hôi như tắm rồi cắt sốt rất nhanh. Cũng có anh chỉ 38, 39 độ liên miên vài ngày. Cắt sốt là ăn khoẻ như trâu. Nhưng ở Tây Nguyên lấy gì mà ăn cơ chứ. Thế là sốt xong mò mẫm đi tìm cái mà ăn. Quanh viện của trung đoàn , sư đoàn vật vờ đầy những cái bóng lính tráng run chân , run tay đi đào măng , tát suối ...
Sợ nhất là cơn sốt đầu tiên. Đang khoẻ mạnh xụp xuống rất nhanh. Càng to , cao sốt càng dễ gục . Càng những anh người thành phố sốt rét càng dễ ác tính chứ còn mấy anh nhà quê nó chịu khổ nhiều , nó lam lũ nhiều thì có đỡ hơn về cái sự chống trả. Sợ nhất của sốt là đau đầu. Cắt sốt rồi là vài ngày đau đầu. Đau đến có cảm giác đầu mình nó lỏng lẻo. Khi di chuyển óc va vào vỏ sọ buốt nhói. Thế là đi đứng không mạnh bạo người cứ co ro như con cuốc. Ấy thế nhưng khi gần sốt là biết là cố gắng vượt qua đè cơn sốt xuống. Cán bộ biết xắp sốt cán bộ cho đào hầm ngay. Đào cái hầm xong mồ hôi túa ra khiến nhiều anh quên sốt. Nghĩ lại mà thương cho mình cho đồng đội .
Những năm tôi ở Tây Nguyên không đếm lại bao nhiêu lần sốt rét.Đã uống bao nhiêu liều thuốc quuynine, đã chịu tiêm bao nhiêu ống thuốc vào mông đít và nhìn thấy đồng đội mình bị sốt rét ác tính ra đi. Nhìn thấy bao nhiêu thằng bạn bị áp se đít vì phóng bế Qui nin. Có một điều tôi thấy lạ và nhớ mãi là những đồng đội mình bị sốt rét ác tính lúc chết rồi cái khẩu súng của quí ấy nó cứ thẳng đơ và phóng đạn . Họ bảo bản năng đàn ông của người lính trẻ nó thế . không biết có đúng không ?
Vùng chiến địa xưa hai mùa khô , mùa mưa có một khoảng giao mùa sinh bệnh. Nước độc , muỗi rừng , ở ăn trong hang trong hố lại thêm cái đói , cái suy kiệt dinh dưỡng áo quần không đủ khiến sốt rét Tây Nguyên trở thành nỗi ám ảnh của người lính mới vào chiến trường. Lâu rồi thành quen. Lính ta bảo đến cái chết còn quen nữa là sốt rét. Quen tất.
Sốt rét, môi thâm, rụng tóc, gầy gò là thương hiệu của lính B3. Dọc đường Trường sơn nhìn lính đi trở ra là nhận biết được lính ở chiến trường nào. Nhận ra lính nào là anh lính chiến đấu, anh nào hậu cần phục vụ, thậm chí rất dễ nhận ra những anh tụt tạt. Thành quen hễ thấy quần áo rách rưới gầy gò , da sám , môi thâm là lính B3 . Da dẻ trơn , trắng áo sita võng nilon , hút thuốc thơm là lính B2 ....
Tôi trở về miền bắc một hai năm sau vẫn sốt, bạn bè học cùng lớp nhìn chúng tôi sốt mà sợ . Vài năm sau hết hẳn, con vi trùng sốt rét chả biết rút lui hay nằm im chờ thời cơ vùng lên trong mỗi người lính rừng. Chiến tranh tắt rồi Tây nguyên bây giờ cũng ít sổt rét hơn. Mỗi lần trở lại Tây nguyên nghe thấy bà con trong vùng xa cũng không bị sốt như ngày xưa mà mừng. Chuyện sốt rét của lính đã xa nhưng vẫn nhớ . Rất nhớ. Không thể quên.