TÔI BỊ GÕ ĐẦU

TÔI BỊ GÕ ĐẦU
Đại tá NGUYỄN TĂNG THƯỜNG - nguyên cán bộ Phòng trinh sát Mặt trận Tây Nguyên


Hồi đó, ở với anh Vũ Lăng, tôi là cán bộ cấp thấp, là trợ lý của Phòng Trinh sát quân đoàn , gốc gác nghề chuyên môn của tôi là trinh sát kỹ thuật.
Tôi ở đơn vị làm trợ lý từ năm 1970. Đến thời kỳ tôi về Mặt trận Tây Nguyên , anh Vũ Lăng từ Cục tác chiến vào mới biết người thật, chứ tiếng tăm anh thì được nghe từ lâu . Trong thời gian làm việc với anh , tôi hai lần trực tiếp bị anh Vũ Lăng khiển trách. Đây hoàn toàn sự thật đời thường , nó cũng là những kỷ niệm đẹp đối với tôi .
Lần thứ nhất cũng chung quanh chiến dịch Buôn Ma Thuột, khi mà chỉ huy chiến dịch từ phía tây đất Cam-pu-chia di chuyển về Thuần Mẫn thuộc Đắk Lắk, ranh giới giữa hai tỉnh Gia Lai - Đắk Lắk. Vùng này địa hình rất phức tạp, núi rừng sâu thăm thẳm hiểm trở, được chọn để đặt Sở chỉ huy cho trận đánh Buôn Ma Thuột.
Một bộ phận đi trước để triển khai lực lượng ở hướng chiến dịch Buôn Ma Thuột, đồng thời chỉ đạo toàn bộ lực lượng nghi binh ở phía bắc, phía Plei Ku và Kon Tum. Việc nắm địch ở đây phải toàn diện. Từ tháng 9 năm 1974, trinh sát chúng tôi đã từng vào đó rồi, nhưng lúc đó chưa hiểu ý đồ gì cả. Trinh sát kỹ thuật cũng có một bộ phận đi phục vụ việc này. Nghi binh phía bắc thì làm cầu qua sông Pô Cô, cầu giả công binh làm ban đêm, ban ngày nó đánh, ban đêm lại làm tiếp. Pháo binh căn cứ của ta thỉnh thoảng rót đại bác 105mm vào một số mục tiêu ở Kon Tum, Plei Ku. Địch tưởng ta chuẩn bị tiến công phía đó, nhưng không ngờ mình đang âm thầm chuẩn bị trong này.
Tháng 2 năm 1975, khi chuẩn bị chiến trường đã chín muồi, các đơn vị tập kết đến tuyến xuất phát hết rồi, kể cả xe tăng, thì toàn bộ chiến trường miền Nam thời kỳ đó rất yên ắng, không có một động tĩnh gì cả. Địch tập trung ở phía bắc, ta thì hết sức bí mật, địch thì không biết gì, thậm chí công binh cưa sẵn hai phần ba cây để xe tăng khi đi vào là cây đổ hết. Làm đến sát Buôn Ma Thuột mà địch không biết.
Một ấn tượng hết sức mạnh mẽ với tôi là trước ngày nổ súng chừng ba mươi sáu tiếng đồng hồ, vào khoảng 3 giờ chiều yên tĩnh như vậy bỗng có hai tiếng nổ. Tôi lúc đó là trực ban trinh sát. Khi nghe tiếng nổ, anh Vũ Lăng ở Sở chỉ huy lúc đó là Tư lệnh phó với tư cách là Tham mưu trưởng, gọi điện thoại xuống hỏi anh Nguyễn Minh Thông - Trưởng phòng 2, anh Thông đâu có biết gì nên hỏi tôi:
⁃ Cậu có nghe hai tiếng súng không ? Tiếng súng này đặc biệt lắm, trong tình hình mình hết sức gần như nín thở lại có hai tiếng súng đó !
⁃ Tôi là trực ban cũng nghe thấy ! Chưa trả lời được anh Thông đã thấy anh Vũ Lăng chống gậy xuống vì ba cơ quan giúp việc Bộ Tư lệnh là tác chiến, trinh sát, thông tin ở ngay sở chỉ huy. Anh Vũ Lăng bước sang cầm cái gậy hỏi
- Anh Thông, tiếng súng gì, ở đâu?
Anh Thông không trả lời được. Anh Thông chưa kịp hỏi lại tôi thì anh Vũ Lăng đi sang cái bàn bằng tre để máy điện thoại, gõ cái gậy cạch cạch vào bên:
⁃ Cậu trực ban, tiếng súng nổ ở đâu?
Trước đó tôi đã có ấn tượng về tướng Vũ Lăng rồi. Lúc đó tôi chỉ còn biết run vì biết anh ấy tính nóng lắm, trước một tình hình như vậy mà không trả lời được, anh ấy nóng là phải.
Tôi lúng túng:
- Báo cáo thủ trưởng cho tôi được phép hỏi đài quan sát. Tôi yêu cầu tất cả các đài quan sát báo cáo. Sau đó tôi nhận định sơ bộ:
- Thưa thủ trưởng, đây là hai tiếng trên không, nổ của cao xạ chứ không phải dưới đất.
Anh Vũ Lăng bảo:
- Có lý, nhưng mà nổ đó ở chỗ nào, tọa độ là bao nhiêu?
- Thưa thủ trưởng, mười lăm phút nữa tôi sẽ báo cáo.
Lúc đó, anh không gõ lên bàn nữa, mà gõ lên đầu tôi, mặt mày đỏ bừng:
- Nắm địch thế hả?
Tôi hãi nhưng cũng nóng (là nóng cấp dưới), tôi nói:
- Tôi cũng là mình trần mắt thịt như thủ trưởng, thủ trưởng cứ bình tĩnh cho tôi mười phút nữa, tôi sẽ báo cáo đầy đủ.
Thấy anh dịu lại, tôi tiếp tục nắm tình hình qua các đài quan sát rồi trả lời:
- Ở tọa độ đó xuất hiện một chiếc trực thăng của bọn biệt kích hoạt động. Nó bay len vào sườn núi, mình không nghe tiếng máy bay, đâu đó anh em ở dưới bắn lên, trực thăng chuồn mất.
Thế là giải tỏa được câu hỏi.
Thời kỳ chuẩn bị cho nổ súng là hoàn toàn giữ được bí mật. Địch không có phát hiện gì về hướng tiến công này của ta.
Lần thứ hai: Lúc này anh Vũ Lăng cũng ở vị trí thủ trưởng, tôi vẫn là trợ lý trinh sát.
Vào một ngày sau khi ta giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, tháng 3 năm 1975, có một tin của anh em trinh sát kỳ thuật báo cáo về - một mẩu rất ngắn là: Bọn dân vệ kháo nhau, thằng nọ bảo thằng kia đem vợ con chạy về Plei Ku, mà rất khớp là ở Kon Tum cũng vậy. Tất cả làn sóng trên không trung của chúng, anh em không chế hết, chúng nó nói gi ta biết hết. Nhưng ở ngoài Bộ chưa có nhận định là địch sẽ rút ở Plei Ku- Kon Tum, trong chiến trường một mẩu tin rất nhỏ, nếu không có nghiệp vụ thì không hiểu giá trị của nó. Với ý thức đó, chúng tôi mở rộng họp với anh Thông - Trưởng phòng, anh Tức - Phó phòng và anh em trợ lý là Lê Toàn, Lê Viết Thụ, tôi và anh Hiền (nay là đại tá, công tác ở Khoa Trinh sát, Học viện Quốc phòng) mới nhận định: Bọn địch nó kháo nhau như thế này là có ý định rồi, nhưng rất tiếc là tin này phát ra từ những thằng lính rất lèm nhèm, lính nghĩa quân, dân vệ nên chưa đáng tin cậy. Có nên báo cáo không? Tôi đề nghị anh Thông báo cáo ngay với Tư lệnh, sau đó anh Thông lên báo cáo, nghe xong anh Vũ Lăng hỏi lại, anh Thông không biết trả lời thế nào. Anh Vũ Lăng bảo:
- Căn cứ nào để các anh khẳng định việc này khi chi dựa vào thông tin của một thằng dân vệ. Thông qua một làn sóng trên trời nghe cũng chưa chắc chính xác. Nếu là cái bức điện có mật mã lại khác.
Lúc ấy, nó tạo ra cho người lãnh đạo một suy nghĩ là: Về phương diện kỹ thuật, chúng tôi khẳng định là có nguồn tin đó. Còn nguồn tin đó có giá trị thế nào, độ chính xác bao nhiêu, chúng tôi không lý giải được. Lập tức điện báo ra Cục 2. Thời gian đó anh Vũ Lăng là con người rất nhạy cảm với tình hình bên trinh sát đưa tin: địch có thể bỏ Tây Nguyên. Anh Vũ Lăng lệnh cho trinh sát hỏi ngoài Bộ. Bộ chưa trả lời được. Sau vài ngày có dấu hiệu, không phải một vài thằng nói với nhau mà những trung tâm truyền tin sóng cực ngắn, chính xác cái thông tin từ đó ra, anh em lại tiếp tục báo cáo, với Bộ và Tư lệnh chiến dịch. Sau đó tôi được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Sau này mới biết rõ quân ngụy có chủ trương từ tổng thông xuông là rút bỏ Plei Ku, Kon Tum, rồi từ tổng tư lệnh xuống quân khu 2, quân đoàn 2 ngụy mà mình không biết, không khai thác được. Người mã thám định hướng mới dịch ra mật mã của nó. Ngoài Bộ mới có nhận định nó rút Tây Nguyên. Nhưng nó rút ngày nào? ta chưa trả lời được?
Anh Vủ Lăng đến, nhưng lần này thân mật nhỏ nhẹ nói với anh Thông:
⁃ Theo cậu sao ?
⁃ Về phương tiện kỹ thuật, chúng tôi xác định đây là nguồn thông tin đáng tin cậy, đề nghị thủ trưởng có phương án tác chiến đánh địch rút chạy.
Lần này không khí làm việc rất thoải mái. Lần trước anh Vũ Lăng nóng bao nhiêu, còn tôi vừa sợ, vừa ấm ức vì đã có ấn tượng từ trước; lần này gặp lại hoàn toàn khác, anh rất nhỏ nhẹ, rất tình cảm, thân mật. Cái phẩm chất rất quý của một vị tư lệnh cấp cao đôi vối một sĩ quan cấp nhỏ.
Trinh sát mặt đất trên Plei Ku và Kon Tum báo cáo là lúc 9 giờ ngày... có những đụn khói to. Chính tôi nhận định nó phá hủy để rút. Đến một ngày trên tuyến đưòng 14 từ Kon Tum vào Plei Ku, tới Hàm Rồng thì xe dân sự dày đặc hết. Dân chạy trước lính. Thế là nó rút chạy khỏi Tây Nguyên, tưởng rút theo đường 19, không ngờ nó rút theo đường số 7. Anh Vũ Lăng biết đường 7 từ thời Pháp bỏ cầu Cổng Sập, vi nó biết đường 19 có Trung đoàn 95 đã phục ở đó, đưòng 7 là đường đá mòn mà.
Anh Vũ Lăng là tướng quân sự, không mểm dẻo như những tướng chính trị, nhưng nghĩ lại thấy lúc đó anh ấy gõ đầu mình cũng phải, không cách chức là may. Tôi thấm thìa và cảm phục.
Khi quân đoàn về Đồng Đế, tôi ra Hà Nội học. Anh Vũ Lăng biết sẽ đi Học viện liền đi thăm anh em, gặp tôi anh nói:
- Riêng cậu này có thể không thích tôi lắm, bỏ qua cho mình nhé!
Anh khuyên tôi nên về Đà Lạt mà học, đừng đi tăng cường cấp huyện. Anh quan tâm đến tương lai của tôi. Tôi rất cảm động.