THÁNG CHIẾN BINH

 THÁNG CHIẾN BINH

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân - Sư đoàn 320
Có những điều diễn ra mới đây thôi mà quên tịt thì lì. Có những điều đã qua gần nửa thế kỉ thì nhớ đau nhớ đớn. Tôi như một sự kí gửi vô duyên vào nghề thép sau này chứ thật ra tôi đã thuộc về một cuộc đời khác trước đó. Chả thế tôi không mấy nhớ gì về đoạn đời đi làm Thép là mấy. Kể cũng tiếc.
Gọi tháng 12 là “tháng chiến binh” bởi tinh thần của tháng này như ngày xưa đi học cấp 1 có chủ đề quân đội là thích đọc lắm. Ở đấy có chuyện chú bộ đội hùng dũng mũ sao súng ống và nụ cười thật tươi. Nói thật nhé, bộ đội ngày xưa khác bộ đội thời nay lắm. Sự trong sáng giảm mất nửa phần. Sự dũng cảm cũng mất gần nửa phần. Chỉ có sự đẹp thì tăng lên đôi phần. Dù gì gì thì tháng 12 cũng vẫn là tháng chiến binh và người lính thì đời nào cũng khổ ( chỉ lính thôi nhé) .
Tháng 12 năm 1973 những trận đánh ở chốt Chư rông Ràng , 784, Chư ga ra , chư gôi, phía tây Pờ lây cu diễn ra liền tù tì. Không có ngày nào là không đánh nhau. Không ngày nào là không dưới chục lần pháo từ Thanh An , đồn Tầm, Hàm Rồng , Phú Mỹ bắn về. Những ngọn núi lúc nào cũng có khói và cây đổ. Sau này khi trở lại Tây Nguyên nhìn những xe gỗ dài hơn chục mét lại nhớ đến những cây gỗ rừng cao to trên 784 trên chư rông rang cắm nát thân cây vì mảnh bom mảnh pháo. Những tháng cuối năm mùa khô mùa hoa dã quy là tháng đánh nhau và chết chóc. Thằng Lương Lợi đại học Cơ Điện, thằng Huấn Cơ điện Hoàng Văn Thụ cũng chết vào dạo ấy... Mỗi trận đánh nghe thấy tên bạn quen hi sinh là buồn ngao ngán. Nhiều thằng lẩm bẩm chả biết lúc đéo nào đến lượt mình. Tháng 12 hoa vàng rưng rưng khắp những triền đồi trước trận địa . Lúc ấy nhìn những cánh hoa dã quỳ như tang tóc.
Tháng 12 năm 1974 cũng thế. Mùa khô là mùa chiến dịch. Mùa khô kéo dài đến tận hết tháng tư năm sau. Thế là mới tháng 10 là địch đã hành quân và quân ta thì tháng 10 cũng ngừng mọi hoạt động râu ria mà giành cho đánh nhau. Tôi nhớ tháng 12 năm ấy trung đoàn 53 của sư 23 ngụy hành quân ra vùng hành lang Lang Dịt ở đường 19 . Tiểu đoàn 9 và tiểu đoàn 7 đón đánh vào đầu tháng 12. Ngày 9/12 năm ấy ta bám địch không chắc đánh không thành công. Tiểu đoàn trưởng d9 là anh Nghiêm lúc ấy vừa được lên TMP trung đoàn đi chỉ huy ở sở chỉ huy trung đoàn thấy trận đánh căng thẳng liền bỏ sở chỉ huy xông lên trận địa chỉ huy. Anh Nghiêm bị chính ủy phê bình kịch liệt và chịu hình thức khiển trách. Tháng 12 năm ấy lại mất vài đứa bạn nữa cùng đại đội huấn luyện ngoài bắc. Đó là thằng Bạn người Ý Yên kĩ thuật địa chất đoàn 12, thằng Dương phỉ thì bị thương nặng. Sau trận đánh ấy là đến dịp 22/12 trung đoàn cho phép mổ lợn tăng gia ăn tết quân đội. Bữa cơm có thịt của lính ở chiến trường vừa nụ cười và nước mắt trộn lẫn. Thương những thằng chết mồ chưa cỏ mọc , chết trong lúc đói cơm , nửa năm không có miếng thịt . Chết chưa biết cái kẹo điếu thuốc lá quăn queo miền Bắc gửi vào.
Rồi những tháng 12 năm sau và những năm sau đến tận bây giờ tháng chiến binh là những rượu bia và chém gió. Những người đã chết những người thương tật chả thể chém gió được nữa. Chiến tranh lùi xa và như một bộ phim hay mà mỗi người bình luận một kiểu. Những người lính như chúng tôi thì cứ tháng 12 là nhớ rừng Tây Nguyên , ở đó có những cành hoa dã quì khô quắt trên những nấm mồ không bia hứng đầy nắng và gió bụi.