MỘT ĐÁM CƯỚI ĐẶC BIỆT Ở VĂN CÔNG B3

 MỘT ĐÁM CƯỚI ĐẶC BIỆT Ở VĂN CÔNG B3

Mai Thị Hoà - Văn công Quân giải phóng Tây Nguyên
Từ xưa các cụ có câu “vợ chồng là cái duyên, cái số”. Câu nói này vận vào trường hợp của vợ chồng tôi có lẽ cũng không ngoại lệ. Tôi là quân y sỹ được chuyển từ Viện 211 về Đoàn Văn công xung kích B3. Còn anh Quý là sỹ quan pháo binh từ Trung đoàn 40 chuyển về Đoàn làm cán bộ sáng tác nhạc trước tôi một năm.
Trong các đơn vị chủ lực ở Tây Nguyên thời ấy, có lẽ chỉ Viện 211 và Văn công xung kích B3 là có con gái. Sự có mặt của con gái ở chiến trường tuy có làm dịu bớt đi sự căng thẳng, gian nan nhưng cũng nảy sinh muôn vàn phức tạp rắc rối. Có nam, có nữ nên tình yêu tuổi trẻ nam nữ nảy nở là chuyện khó tránh khỏi. Chính vì vậy, anh Nguyễn Liêu, chính trị viên của Đoàn thường nhắc đi, nhắc lại trong các cuộc họp chi bộ, đơn vị: "Hàng ngày, hàng giờ các chiến sỹ đơn vị chiến đấu vẫn phải đổ máu, hy sinh. Sau mỗi chiến công là dồn dập những cáng thương, bệnh binh chuyển về bệnh viện. Những ngôi mộ chiến sỹ giữa các cánh rừng lại nhiều thêm. Bộ đội đơn vị chiến đấu cũng phải ăn sắn thay cơm để đánh giặc. Các bệnh xá trung đoàn, sư đoàn, bệnh viện ngày nào cũng có chiến sỹ hy sinh vì sốt rét ác tính... vì vết thương. Vì vậy, chúng ta phải thực hiện nghiêm kỷ luật "tạm gác" chuyện yêu đương lại. Yêu đương lúc này là có tội với các chiến sỹ hy sinh ngoài mặt trận...”. Nói là "tạm gác" nhưng thực tế là "cấm ngặt" và bị kiểm soát theo dõi rất gắt gao. Dù vậy, những mối tình vụng trộm vẫn diễn ra. Nhiều cuộc họp tổ đảng, cấp ủy chi bộ, đơn vị căng thẳng, tiêu tốn nhiều thời gian về chuyện kiếm điểm người vi phạm. Có một số bị kỷ luật. Có cặp đôi phải "cách" ra, chuyển một người đi đơn vị khác khiến "tình chàng, nghĩa thiếp đôi đàng chia ly". Tôi được biết "Tháng 11/1972, ở Viện 211 đã có trường hợp một nữ y tá người dân tộc Tây Nguyên chẳng may có thai 3 tháng bị phát hiện đã khóc lóc, buồn tủi rồi trốn ra rừng tự sát bằng súng ngắn"(l). Một số trường hợp ở các đơn vị có con gái đã phải nạo phá thai "bí mật"...
Tình hình "căng thẳng" như vậy, khiến anh Duy Nhiệm đã phải thốt lên: "B3 có một thời/ yêu nhau là tội lỗi/ vì phía trước đồng đội/ chỉ với cây súng thôi".
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy, nhưng anh Quý vẫn "dám" thổ lộ tình yêu chân thành với tôi mà không sợ dư luận phản đối. Mặc dù lúc đó anh là đoàn phó, lại trong cấp ủy chi bộ. Tôi lo ngại liệu anh có giữ được danh dự, uy tín trước chi bộ và đơn vị? Nhưng anh Quý cũng đã mạnh dạn báo cáo với cấp ủy, chi bộ cùng Đoàn trưởng Nguyễn Phúc và chính trị viên Nguyễn Liêu, sau khi chúng tôi đã bàn bạc thống nhất. Tình yêu thời chiến ở Tây Nguyên đúng như chuyện cổ tích. Sự “công khai minh bạch” đã nói lên tình cảm mộc mạc, chân thành, tình yêu hai người lính ở chiến trường.
Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký ngày 27/1/1973. Nhưng lệnh "tạm gác" chuyện yêu đương trong Đoàn vẫn không hề được nới lỏng. Thế rồi, Đoàn cán bộ Trung ương do đồng chí Tố Hữu, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, cùng đồng chí Đinh Đức Thiện, chủ nhiệm Tổng cục hậu cần và đoàn cán bộ vào nghiên cứu thực tế ở Mặt trận B3. Sau những ngày Đoàn cán bộ làm việc với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận B3, Văn công B3 vinh dự được phục vụ đồng chí Tố Hữu và Đoàn cán bộ. Hôm sau, đồng chí Tố Hữu đến thăm Văn công B3. Ông bắt tay mọi người sau đó hỏi tôi: "Cháu tên là gì? Quê quán ở đâu? Chồng con thế nào?". Và tôi thưa lại: "Cháu tên là Mai Hòa, quê Hà Nội, năm nay cháu 27 tuổi, cháu chưa có chồng ạ". Ông Tố Hữu vẻ ngạc nhiên nói: "Sao 27, 28 tuổi mà chưa có chồng?".
Thực ra con gái thời ấy đến tuổi này mà chưa có chồng thì coi như "ế". Nhưng ông có biết đâu chiến sỹ gái ở Tây Nguyên không được lấy chồng ở thời điểm này, vì đang còn chiến tranh. Nhiều chị ở Viện 211 còn nhiều tuổi hơn tôi mà cũng vẫn phải “3 khoan" "cắm sào” đợi ngày giải phóng.
Thật bất ngờ, sau lần ông Tố Hữu hỏi thăm đó, tôi và anh Quý được thủ trưởng Năm Minh (tức Thiếu tướng Trần Thế Môn), chính ủy Mặt trận B3 gọi lên hỏi chuyện gia đình và nguyện vọng của hai người. Chúng tôi thành thật báo cáo, nếu được phép, chúng tôi xin được tổ chức đám cưới ở chiến trường. Thế rồi, đúng như trong mơ, chính thủ trưởng Năm Minh là người đã trực tiếp xem ngày cưới cho chúng tôi. Đó là ngày 20/5/1973, tức là ngày 18/4 năm Quý Sửu - ngày đại an. Và cũng chính đồng chí chính ủy Mặt trận đã đến dự và phát biểu chúc mừng vợ chồng tôi trong ngày cưới (bài phát biểu của thủ trưởng Năm Minh và giấy chứng nhận kết hôn của Phòng Chính trị QGP Tây Nguyên đến nay vợ chồng tôi vẫn lưu giữ làm kỷ niệm).
Tôi được biết, đồng chí Tố Hữu truyền đạt nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng của Trung ương với Mặt trận B3, trong đó có việc giải quyết chính sách cho một số nữ cán bộ, chiến sỹ đã ở chiến trường lâu năm, lớn tuổi. Thế rồi, khởi đầu là đám cưới của anh Nguyễn Đức Giá tham mưu phó Mặt trận với chị Nguyễn Thúy Liệu, quân y sỹ của cơ quan Bộ Tư lệnh Mặt trận B3. Tiếp sau đó, đầu năm 1973 là một đám cưới ở Viện 211 cũng được tổ chức cho dù còn nhiều bàn cãi, thậm chí rất căng thẳng trong lãnh đạo nhưng đám cưới vẫn được tổ chức tuy đơn sơ nhưng rất đông vui. Và có lẽ, đám cứới của chúng tôi là đám cưới thứ ba ở Mặt trận B3 nhưng là đám cưới đầu tiên của Văn công B3.
Sau những ngày tháng đó, thì tất cả chị em phụ nữ ở tuổi như tôi và hơn nữa được kết hôn hoặc cho ra Bắc để có điểu kiện, xây dựng gia đình. Ở trong Đoàn, sau đám cưới của vợ chồng tôi là đến đám cưới của anh Xuân Thọ và chị Tuyết Minh, rồi đám cưới của anh Xuân Cước và chị Thanh Lịch.
Tôi nói đám cưới của vợ chồng tôi thời bấy giờ là một đám cưới đặc biệt vì đây là một ân tình sâu sắc của gia đình lớn Văn công QGP Tây Nguyên đã lo cho chúng tôi một đám cưới rất chu đáo, tình cảm thấm đượm tình gia đình như bố mẹ lo cho vợ chồng chúng tôi. Anh Phú Tuấn chụp ảnh cưới từ lúc chuẩn bị đám cưới cho đến hôm tổ chức ở hội trường. Các anh họa sỹ: Mai Văn Kế, Ngô Bình Thiểm, Lương Xuân Đoàn lo trang trí hội trường của Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị B3, lại còn kỳ công mất mấy ngày liền tỉ mẩn, cắt, tỉa, uốn, dán cho cô dâu một bó hoa lay ơn trắng bằng giấy bóng mờ trắng để cô dâu ôm hoa khi ra phòng cưới. Chuyện thật như mơ. Ai cũng phải thốt lên vì trông như bó hoa lay ơn thật của người Hà Nội những ngày Tết đến xuân về. Các em: Lệ, Liên, Tuyên, Hòa, Vân, Duyên, Chiến, Thu,... cũng kỳ công thêu một đôi gối trắng rất đẹp bằng vải pô pơ lin Trung Quốc trắng muốt... Các Ban trong phòng Tham mứu, Chính trị, Hậu cần nấu kẹo lạc, kẹo vừng để làm quà tặng. Vì tiêu chuẩn mỗi đám cưới chỉ được 4kg kẹo, 1 kg chè và 1 cây thuốc lá Ara, cho nên các Ban, phòng tặng kẹo tự nấu để thêm phầ vui vẻ. Các thủ trưởng có điều kiện hơn thì tặng sổ sách. Tháng năm là đầu mùa mưa, nhưng hôm đó trời nắng mát, không một hạt mưa, đúng là ngày đại an, mà thủ trưởng Năm Minh đã chọn.
Nhân câu chuyện này, vợ chồng tôi rất chân thành cảm ơn tất cả các thủ trưởng, các anh, chị em, bạn bè đã chăm lo mọi việc rất đầy đủ, chu đáo cho chúng tôi. Trong đám cưới này, bố mẹ, gia đình hai bên không có mặt ở đây. Chỉ có Văn công B3 chính là gia đình lớn đã lo cho chúng tôi có “ngôi nhà hạnh phúc". Đó là ngôi nhà nhỏ xinh, 3 gian, làm toàn bằng tre, nứa, mái lợp âm dương (cứ 2 nửa thanh ngửa lại 1 nửa thanh úp giữa khe của 2 thanh) do anh Minh Thắng và anh Thanh Phát tặng cho vợ chồng tôi. Anh Thắng, anh Phát và anh Quý cùng ở tổ sáng các. Ngôi nhà của tổ sáng tác nằm trên sườn núi cao, có một hệ thống nước máng lần rất trong, sạch và mát. Ngôi nhà nhỏ xinh do bàn tay các anh tự làm, chúng tôi tháy rất ấm cúng, hạnh phúc. Văn công B3 đã thay mặt cho bố mẹ của hai họ nhà trai, nhà gái lo cho đám cưới thật là chu đáo từ "ngôi nhà hạnh phúc" đến mời các thủ trưởng, anh, chị em các phòng ban tới dự. Giữa chiến trường gian khổ vẫn có bó hoa lay ơn cho cô dâu...
Và kỷ niệm sâu sắc nhất là hình ảnh Siu Glin và anh Trần Bách đưa tôi đi Bệnh viện 211 sinh cháu, trong khi anh Quý đi công tác dưới đơn vị chưa về kịp. Cảnh SiuGlin người dân tộc Gia Rai, diễn viên múa, nhạc công đàn tơ rưng đeo trên lưng một cái lồng to có 7 con gà do Đoàn tăng gia chăn nuôi ưu tiên dành cho mẹ con tôi. Trước ngực SiuGlin là một khẩu AK, ngang lưng đeo lựu đạn, dao găm và bi đông nước. Còn anh Trần Bách, tác giả bài hát "Cây sắn tấn công", đeo trên lưng một ba lô lỉnh kỉnh cồng kềnh đủ thứ xếp chồng lên, trước ngực cũng đeo khẩu AK, ngang lưng ngoài bi đông nước, lựu đạn còn phải quàng thêm một bao gạo nếp nương tăng gia của Đoàn to bự. Tôi mang bầu sắp đến ngày sinh đi không cũng đã mệt, nên chỉ độ 30 phút là lại phải giải lao. Vì vậy, suốt từ sáng sớm, mãi chiều tối ba anh em mới đến Viện 211...
Tôi mồ côi mẹ từ khi chưa đầy 1 tuổi. Mẹ tôi bị mất do trận càn của giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn tháng 10/1947. Hôm đó là ngày giỗ của hàng trăm người. Gia đình tôi bị bom, đạn giặc Pháp giết chết 5 người: Mẹ tôi, ông ngoại và 3 chị gái con bác ruột. Khi đó, tôi đã được Cục Quân y và bác sĩ Từ Giấy cho sữa, chăm lo để nuôi tôi trong hoàn cảnh bố tôi gà trống nuôi con. Vì vậy, khi ở chiến trường B3, xa nhà đằng đẵng hơn 7 năm thì tôi càng thấm thìa những tình cảm sâu nặng mà Đoàn Văn công B3 đã dành cho vợ chồng tôi. Vì thế, đám cưới đặc biệt của vợ chồng tôi ở Mặt trận B3 làm tôi liên tưởng tới ký ức thời kỳ ở Bắc Kạn, Cục Quân y đã cho sữa và chăm lo nuôi tôi khi tôi chưa đầy 1 tuổi.
Năm 2018, chúng tôi sẽ kỷ niệm 45 năm ngày cưới. Chúng tôi đã có mốc gia đình hạnh phúc, đã lo cho các con có gia đình riêng: 2 con trai, 1 con gái và có 6 cháu nội, ngoại. Năm nay anh Quý 75 tuổi, tôi cũng đã 72 tuổi rồi. Nhưng đám cưới của chúng tôi luôn được kể lại cho con cháu nghe về một đám cưới đặc biệt ở Mặt trận B3 thời đánh Mỹ.
Hình ảnh có thể có: 5 người
Thi Nguyễn Đình, Đoàn Viện và 93 người khác
17 bình luận
7 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ