CA SỸ HOÀI THU

 CA SỸ HOÀI THU

Nguyễn Đình Thi
Trong những năm chiến tranh những người lính Tây Nguyên không ai không biết đến một cái tên rất nổi tiếng và được lính ta rất yêu mến , ngưỡng mộ , đó là Hoài Thu - ca sỹ của đoàn Văn công Quân giải phóng Tây Nguyên . Hoài Thu tên hoàn chỉnh là Nguyễn Hoài Thu , cô sinh năm 1954 , tại thành phố Tuyên Quang . Đúng như câu ca mà dân ta thường ca ngợi : chè Thái , gái Tuyên . Hoài Thu sở hữu một gương mặt thật xinh xắn , nước đã trắng hồng , thân hình thon thả và một giọng hát thiên bẩm rất trong trẻo , ngọt ngào . Năm 1972 , lúc vừa tròn 17 tuổi , Hoài Thu trúng tuyển vào Văn công Tuyên Quang . Công tác ở Văn công Tuyên Quang được khoảng 3 tháng thì Văn công Tây Nguyên ra Tuyên Quang tuyển diễn viên . Không đắn đo suy nghĩ , không sợ gian khổ ác liệt ngoài chiến trường , Hoài Thu viết đơn tình nguyện ra mặt trận , vào Văn công Tây Nguyên . Thân gái mảnh mai suốt 3 tháng trời trèo đèo lội suối , vượt qua bao khó khăn , tết năm 1973 , cô cùng 15 thành viên của các đoàn Văn Công các tỉnh kết nghĩa với Tây Nguyên gồm : Tuyên Quang , Bắc Thái , Cao Bằng , Lạng Sơn , Hà Giang đã vào tới Tây Nguyên . Mặc dù đã hình dung ra những gian khó ở chiến trường nhưng khi đến Tây Nguyên cô mới thực sự thấm thía , nó khó khăn , gian khổ gấp bội phần chứ không phải như cô tưởng tượng lúc còn ở miền Bắc . Sốt rét , bệnh tật , đói , khổ , bom đạn nhiều lúc như muốn quật ngã cô nhưng Hoài Thu vẫn luôn tự nhủ phải cố gắng vươn lên , phải sống xứng đáng với những người chiến sỹ đang chiến đấu ở phía trước . Đến bất kỳ đâu có bộ đội là Hoài Thu hát , cô hát khi phục vụ một đoàn quân ra trận , khi thì ở bệnh xá phục vụ anh em thương , bệnh binh , khi thì phục vụ nhân dân vùng giải phóng . Vừa trẻ trung , xinh xắn , vừa có giọng hát hay nên đến bất kỳ đơn vị nào biểu diễn Hoài Thu đều được lính ta rất yêu thích , cổ vũ một cách cuồng nhiệt , có những bài hát cô phải hát tới lần thứ 3 mà bộ đội vẫn yêu cầu hát lại . Tiếng hát của Hoài Thu cũng như của anh chị em nghệ sỹ Văn công Tây Nguyên những năm đó có một sức mạnh thật đặc biệt , cổ vũ bộ đội ta vượt qua khó khăn , gian khổ chiến thắng quân thù . Cho đến tận bây giờ gần 50 năm đã trôi qua nhưng những ai đã được nghe Hoài Thu hát : Người ơi , người ở đừng về , Đường cày đảm đang , Bài ca 5 tấn ... trong những năm tháng chiến tranh chắc hẳn vẫn không bao giờ quên cô gái Tuyên Quang nhỏ bé , xinh xắn này . Khi chiến tranh kết thúc , Quân đoàn 3 không còn biên chế đoàn Văn công nên tất cả anh chị em Văn công Tây Nguyên sát nhập vào Văn công Quân Khu 5 , Hoài Thu từ đó cũng về Văn công Quân khu 5 . Về cuộc sống riêng , Hoài Thu kết duyên với nhạc sỹ Phan Hồng Hà - nhạc sỹ của đoàn Văn công Tây Nguyên , con trai nhạc sỹ nổi tiếng Phan Huỳnh Điểu . Sau khi dời văn công Quân khu 5 cả 2 vợ chồng Hoài Thu chuyển về thành phố Hồ Chí Minh , Hoài Thu công tác ở công an thành phố Hố Chí Minh , vẫn làm công tác văn hoá , văn nghệ . Hoài Thu và nhạc sỹ Phan Hồng Hà có với nhau 2 con . Một gái , một trai . Tiếc rằng cả 2 con của chị đều không ai đi theo con đường nghệ thuật của bố , mẹ . Sau này Hoài Thu và Phan Hồng Hà chia tay nhau , Hoài Thu chuyển về quê Tuyên Quang sinh sống . Hiện chị ở thành phố Tuyên Quang . Mặc dù đã gần 50 năm không được nghe chị hát nhưng khi trò chuyện với chị , tôi nhận thấy giọng chị vẫn còn rất trẻ trung , trong trẻo hẻn nào khi tôi nhờ bạn tôi ở thành phố Tuyên Quang đến nhà chị xin tấm hình cho bài viết , bạn tôi bảo trông chị ấy vẫn còn rất duyên , vẫn còn rất nhiều những nét của một nghệ sỹ.

Ảnh ca sỹ Hoài Thu