PHÍA SAU KỶ VẬT LIỆT SỸ

                                           PHÍA SAU KỶ VẬT LIỆT SỸ

Hoàng Kim Hậu - Trung đoàn 66
Với chiếc xe đạp cà tàng, tôi đến xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ tìm gia đình liệt sỹ. Loanh quanh hỏi thăm, hết xóm này sang xóm khác, người ta chỉ cho tôi ngôi nhà lá ba gian nằm im lìm dưới bóng cây mít cổ thụ. Trên mảnh sân được láng xi măng nham nhở, có một thiếu phụ đang miệt mài thái sắn. Thấy tôi hỏi thăm nhà ông Phạm Văn Hành, chị ta quay ra bảo:
-Vâng ạ! Đúng rồi đấy ạ. Thanh ơi! Em lên đồi gọi mẹ về, nhà có khách!
Ngôi nhà ba gian lợp lá cọ, nền đất, một gian buồng với hai gian ngoài kê chiếc tủ chè và bộ bàn ghế ba nan cong cũ. Gian bên cạnh là một chiếc giường rẻ quạt để một đống chăn bông. Chị chủ nhà vẫn mải mê thái sắn. Nhìn kỹ thấy gương mặt hốc hác khắc khổ nhưng vẫn còn vương một nét trẻ trung. Cái bụng to đùng chắc cũng đang chờ ngày ở cữ. Có lẽ bụng to quá nên ngượng với khách không muốn đứng dậy chăng! Em lên đồi gọi mẹ về… vậy chắc là con dâu rồi, tôi tự nhủ như vậy và ra sân hỏi chuyện:
- Ông cụ nhà mình đi làm gần hay xa hả em? Mấy giờ thì cụ về?
Tay vẫn mải mê thái sắn, cô ta trả lời không mấy mặn mà:
- Bố em tầm trưa mới về! Anh chờ một chút thôi! Mẹ em về ngay bây giờ đấy mà!
Gần hai giờ đồng hồ từ nhà lên đến đây, vừa đi vừa hỏi thăm. Sớm hay muộn gì thì cũng phải chờ ông cụ về. Tôi hỏi:
- Em ơi, nhà chị Liên có gần đây hay không?
- Liên nào ạ?
- Liên người yêu cũ của Quân ấy!
- Thế anh cũng biết chị ấy à?
Tôi ậm ờ:
- Hồi mới nhập ngũ cũng gặp đôi ba lần!
Nét mặt người con gái ấy trùng xuống:
- Dạ, cũng gần đây thôi anh ạ!
Cùng lúc ấy mẹ Quân tấp tả gánh sắn chạy về. Tôi nhận ngay ra bởi vì người mẹ ngoài đời không khác bao nhiêu với bức chân dung mà tôi đang giữ. Biết tôi ở cùng đơn vị với Quân từ chiến trường mới ra, mẹ hỏi thăm sức khoẻ gia đình tôi, rồi tôi đã có vợ chưa?
Rồi mẹ ngập ngừng:
- Thế em nó hy sinh, anh đã biết chưa!?
- Con biết rồi ạ! Chính vì vậy mà hôm kia về đến nhà, hôm nay con đến thăm gia đình mình luôn!
- Thế thì anh phải chờ ông nhà tôi về! Thanh ơi, nấu cơm đi con!
Dứt lời, bà tong tả đi bắt gà để mổ. Biết không thể từ chối được, tôi bảo:
-Thôi được, con ăn cơm ở đây! Bây giờ bà chỉ đường, con đến nhà Liên thăm ông bà bên ấy!
- Liên nào vậy??
- Liên người yêu cũ của Quân ấy mà!
- À…Thì em nó ngồi thái sắn kia kìa! Anh không nhận ra em nó à?
Tôi vừa ngượng vừa xấu hổ. Thật vô duyên, nói dối không phải đường. Người trong ảnh khác với người ngoài đời làm tôi không thể nhận ra được. Người con gái trẻ trung, tươi tắn trong ảnh mà hàng ngày tôi luôn để trong túi ngực là đây ư!? Sau hai năm Quân hy sinh mà em khác quá xa như vậy? !Tại sao lại gọi là bố mẹ? Vậy chồng của Liên bây giờ là ai??
Mang theo nỗi niềm thắc mắc, tôi ra sân và ngồi xuống cạnh Liên:
- Thành thực xin lỗi em! Anh đã giữ tấm hình của em hơn hai năm trời nhưng mà cũng không thể nhận ra được. Thôi em nghỉ tay đi, vào nhà anh nói chuyện.
***
Quân nhập ngũ sau tôi một năm. Sau thời gian huấn luyện, Quân được giữ lại làm cán bộ khung huấn luyện tân binh ngoài Bắc. Năm 1971, Lâm Thao bị vỡ đê, Quân đưa tân binh về Tứ Xã quê tôi làm công tác chống bão lụt. Năm 1973 đưa tân binh vào chiến trường và được bổ sung vào đơn vị c7/d8/e66/f10 Tây Nguyên.
Cùng một đại đội, lại cùng quê, tôi với Quân nhanh chóng thân nhau như hai anh em ruột. Những ngày luyện tập trên thao trường ngoài hậu cứ hay cùng nhau đi phát nương làm rẫy, tôi trao đổi kinh nghiệm của mình với Quân về cuộc sống chiến trường, về những trận đánh ác liệt mà mình đã trải qua. Những đêm mắc võng tòng teng trong hậu cứ, Quân tâm sự với tôi rất nhiều về hoàn cảnh gia đình nhất là mối tình đầu Quân đã giành hết cho Liên.
Tháng 11-1974 đơn vị tôi nhận nhiệm vụ thọc sâu đánh vào sở chỉ huy tiểu đoàn bảo an nguỵ. Đúng lúc ấy, Quân đang bị sốt do viêm hạch, Quân vẫn cố gắng theo đơn vị chiến đấu không chịu đi viện.
Đến vị trí tập kết, xét thấy Quân không đảm bảo sức khoẻ tham gia trận đánh và cũng phải có các đồng chí ở vị trí tập kết coi ba lô cho đơn vị xuất kích, tôi lên danh sách trình đại đội cho Quân ở lại.
Ngày 27-11-1974 chuẩn bị súng đạn và cưa gỗ làm hầm. Đến 5 giờ chiều xuất kích thì thấy Quân gầy gò, vai đeo khẩu AK và bó gỗ trên vai bám theo đơn vị. Tôi giữ Quân lại:
- Ông có danh sách ở lại coi ba lô kia mà!
- Có danh sách thì tôi cũng không ở nhà!
- Sao vậy!?
-Lão Bính (Trần Xuân Bính, Trùng Khánh-Cao Bằng tiểu đội trưởng cối 60 thay Khoản bị thương tháng 7-1973) đi giao ban về nói tôi không ra gì cả!!
- Ông ấy bảo sao?
-Lão ấy bảo: Cái lũ cán bộ khung ngoài Bắc mới vào, thằng nào cũng hèn nhát! Nghe đến xuất kích là chạy vội lên đại đội xin ở lại!
Tôi xuống giọng:
- Trận này ác liệt lắm, luồn sâu qua ba đại đội bảo an đánh vào chỉ huy sở của địch. Hành quân tiền nhập suốt đêm, ông ốm yếu như thế này vất vả cho cả đơn vị! Ông Bính tiểu đội trưởng, ông là tiểu đội phó, kể ra có ông cùng đi thì nhiệm vụ của tiểu đội cũng đỡ nặng nề hơn. Nhưng thôi, kệ lão!
- Cứ để tôi đi!
Tôi ngập ngừng.
- Nhưng mà trong chiến trường đã có người can ngăn, không nghe là dở lắm đấy!
- Không!
Dùng tình cảm không được thì đành phải lấy lý vậy. Cùng lúc ấy anh Nguyễn Huy Lợi (người ở Hoằng Hóa - Thanh Hóa) chính trị viên phó tiểu đoàn đi đến.
- Báo cáo thủ trưởng: Đồng chí Quân đang sốt do viêm hạch, chân đau không đủ điều kiện trực tiếp chiến đấu. Đơn vị đã lập danh sách ở lại vị trí tập kết nhưng đồng chí đó không chấp hành mệnh lệnh!
- Vậy ai cùng với anh nuôi ở vị trí tập kết! Không chấp hành mệnh lệnh thì cho thu súng lại.!
Quân bảo:
- Thủ trưởng thu súng là quyền của thủ trưởng. Là người lính đi chiến đấu, tôi không có tội! Thấy Quân lý sự như vậy, người chính trị viên phó tiểu đoàn không nói gì thêm nữa.
Tôi nói nhỏ với Quân:
- Tao đã gàn mấy trường hợp đều hy sinh cả đấy! Mày về đi!
Nhưng rồi Quân vẫn lầm lũi vác gỗ lên vai, không nói gì cả. Trong chiến trường, an hem đã quyết tâm ra trận, thì thật là chả biết nói gì hơn…
****
Căn cứ của địch bố trí trên cao điểm 828, ở giữa đồi là SCH tiểu đoàn địch, có 3 đại đội bộ binh bảo vệ án ngữ xung quanh.
Nhiệm vụ của tiểu đoàn 8 chúng tôi là: Cùng đại đội 19 đặc công được tăng cường 3 khẩu cối 82 đánh vào thẳng vào SCH, bắt sống tiểu đoàn trưởng.
Đơn vị chia làm 3 hướng, dùng 2 trung đội cùng 1 trung đội đặc công đánh vào trung tâm, 1 trung đội dùng cối 60 ly và B41 áp sát đại đội địch vòng ngoài pháo kích không cho chúng ứng cứu lẫn nhau.
Hợp đồng trên sa bàn: Cối 82 bắn ứng dụng, 5 quả vào trung tâm căn cứ, sau đó chuyển làn 2 quả vào đại đội bên ngoài kiềm chân địch.
Tối hôm ấy, tôi đi theo trung đội 3 khoá đuôi do Trần Quốc Thăng, trung đội trưởng (nhà gần sân bay Gia Lâm, Hà Nội) nhận nhiệm vụ cắt đường rút chạy của địch về thị xã Kon Tum. Còn Quân trong đội hình của trung đội 2 tiến sát hàng rào kẽm gai của đại đội địch đánh nghi binh.
Năm giờ sáng ngày 28-11-1974, lệnh nổ súng, cối của ta đồng loạt bắn lên cửaa mở. Địch phản pháo, bắn trùm lên trận địa xuất phát tiến công. Đơn vị xung phong với lực lượng áp đảo và bất ngờ cùng hành động thọc sâu táo bạo, chúng tôi nhanh chóng làm chủ trận địa, bắt sống tên tiểu đoàn trưởng và ban tham mưu tiểu đoàn nguỵ. Hoàn thành nhiệm vụ, bộ đội khẩn trương dẫn tù binh rút ra trong tầm pháo của địch. Chúng tôi nhanh chóng lui về đến vị trí tập kết…
Đến nơi, tôi nghe tin sét đánh, Quân đã hy sinh!
Mũi Trung đội của Quân có 2 chiến sĩ hi sinh, Quân và Tròn. Nguyễn Văn Tròn chiến sỹ B41 (quê Vô Tranh, Hạ Hoà, Phú Thọ). Cả hai liệt sĩ hy sinh cùng vì một quả cối. Sức nổ của quả cối quét sát sàn sạt cây cỏ xung quanh, còn để lại cánh đạn cạnh liệt sỹ. Nhìn cánh đuôi quả cối, thì là loại cối 82 ly của ta. Vụ nổ bất ngờ là Tròn mất một bên mắt, Quân bị mảnh đạn găm lỗ chỗ đầy người, máu ra ướt đẫm ngực áo. Rất may khi khi đưa liệt sĩ ra phía sau, tôi còn kịp lấy lại tấm ảnh của Liên và gia đình được bọc trong giấy nhựa mềm nên không bị hỏng.
Chúng tôi đoán, có lẽ do cối của ta phải chuyển hướng liên tục, lại bắn ứng dụng nên quả cối đuối tầm rơi vào đội hình trung đội 2 bên ngoài chốt địch. Trong chiến trang chuyện quân ta chiến thắng quân mình không phải hiếm khi xảy ra.
****
Từ ấy tôi luôn cất giữ tấm hình của gia đình Quân trong ngực áo. Hơn 2 năm trời với bao nhiêu trận đánh ác liệt, bao nhiêu lần chết hụt nhưng có lẽ nhờ hồng phúc của mẹ và gia đình Quân che trở nên tôi thoát nạn chăng!? Những khi rút về hậu cứ, tôi lại mang tấm hình của gia đình Quân ra xem. Một gia đình vùng quê nghèo với gương mặt đầy lo toan của mẹ, những đứa em gày gò khẳng khiu chụp cùng anh ngày chia tay vào chiến trường. Một cô gái trẻ trung xinh xắn, đã từng cắt tóc ăn thề chờ đợi Quân ngày chiến thắng trở về...
Hơn hai năm trời tôi giữ gìn kỷ vật liệt sỹ trong túi áo của mình. Giả dụ, nói dại, tôi cũng hy sinh như bao liệt sỹ khác thì chắc rằng gia đình Quân cứ theo di vật mà nhầm đón tôi về cũng nên!
Hôm nay toàn bộ kỷ vật của Quân tôi giao tận tay cho gia đình. Trước gương mặt nhăn nheo khắc khổ và dòng nước mắt của bố mẹ, tôi chỉ biết an ủi và động viên gia đình. Với Liên, người con gái đã từng chờ đợi hứa hôn với Quân, nỗi đau đã tàn phá nhan sắc của cô thôn nữ thế nào, hôm nay tôi đã thấy!
Bịn dịn chia tay gia đình Quân, mang theo câu hỏi mà tôi không dám hỏi, tôi không nỡ động vào nỗi đau của gia đình hoặc giả như gia đình cũng không muốn nói!... Liên đang ở cùng hay chỉ là sang giúp đỡ gia đình Quân? Và ai là chồng của em?...

Thêm chú thích