CHUYỆN GIỮ CHỐT Ở ĐIỂM CAO 601

CHUYỆN GIỮ CHỐT Ở ĐIỂM CAO 601
Hoàng Kim Hậu - E66
Tôi và Phùng Văn Kế (Thụy Vân-Lâm Thao-Phú Thọ) cùng nhập ngũ ngày 26 tháng 12 năm 1970, cùng vào chiến trường, cùng học lớp y tá tại bệnh xá của trung đoàn 66 - Sư đoàn 10 Mặt trận Tây Nguyên. Tháng 10-1972 chúng tôi cùngĐội phẫu tiền phương phục vụ chiến dịch giải phóng Plây Cần (Bến Hét). Tháng 11-1972 lại phục vụ chiến dịch Đăk Xiêng. Đêm hôm ấy, hai chúng tôi cùng đội phẫu đi xuống chốt, lạc vào trận địa ĐKZ của ta và bị B52 vùi, chết hụt trong gang tấc.
Cuối năm 1972 tôi được điều về làm y tá của đơn vị bộ binh, Phùng Văn Kế về đơn vị pháo phòng không 12 ly 7. Tháng 1-1973 đơn vị tôi chiếm được điểm cao 601- Đăk Hà (cách thị xã Kon Tum khoảng 12 Km về phía bắc) và Đại đội 7 cùng khẩu đội 12 ly 7 ở lại chốt giữ lại đó.
Với mục đích giảm bớt quân số trên cao điểm, giảm thương vong và mở rộng tầm bao quát chi viện cho chúng tôi và tăng xạ giới bắn máy bay của địch,khẩu đội 12,7 ly chuyển ra ngoài khu vực hàng rào kẽm gai.
Hôm ấy khoảng hơn 3 giờ chiều, không máy bay ném bom, không pháo kích, được coi là một ngày nhàn nhã…. Bỗng có tiếng nổ làm rung chuyển cả điểm chốt. Tôi chui ra khỏi hầm, một cột khói đen sì bao trùm phía ngoài hàng rào, cây cối, đất đá bay tơi tả. Có ai đấy nói “Bom nổ chậm rồi”! Phía khẩu đội 12,7 tôi thấy bộ đội chạy xô đến vị trí vừa nổ. Tôi đang phân vân: Có ai việc gì hay không thì có điện thoại gọi y tá c7 sang ứng cứu. Tôi xách túi cứu thương cùng mấy chiến sỹ len qua hàng rào kẽm gai chạy sang. Trước mắt tôi cảnh vật thật thê thảm: khói đen, cát bụi nát bét cây cối xung quanh, người ta đang nhặt những mảnh còn sót lại của liệt sỹ. Một thương binh máu đỏ lòm đầy mặt chỉ còn hai con mắt chớp chớp.Tôi được biết, đào gần xong công sự chiến đấu, Kế và một chiến sỹ liên lạc đại đội vào rừng chặt gỗ về làm hầm. Người đại đội phó đứng dưới hầm sửa sang và hoàn thiện nốt công việc còn lại. Kế vác bó gỗ về, vừa nặng lại vừa mệt, Kế lao bó gỗ xuống cạnh hầm không ngờ trúng quả mìn chống tăng của địch gài còn sót lại. Cả người và bó gỗ bay lên trời. Người đại đội phó đang lom khom xúc đất dưới hầm, mảnh mìn cắt ngang qua mặt, sống mũi bị chia làm hai, nửa khuôn mặt và môi trên sệ xuống không nhìn thấy mồm miệng đâu cả, máu phì phì tuôn ra từ cái miệng vết thương toang hoác ấy. Ở trong trường, chúng tôi được học cách xử lý các vết thương phức tạp như vết thương đứt động mạch cổ, vết thương sọ não và vết thương ổ bụng. Đứng trước người thương binh này tôi thật lúng túng. Băng bó cầm máu làm sao đây khi sống mũi thì gồ ghề, nếu băng thật chặt thì thương binh thở bằng cách nào trong khi mồm và mũi đều tịt cả. Máu cũng có thể chạy ngược vào xoang mũi và tràn dịch trong phổi. Dù sao thì cũng phải băng vết thương lại, trước tiên tôi tiêm cho anh hai ống thuốc cầm máu.
Người đại đội phó ấy ra hiệu cho tôi dừng tay. Anh cúi xuống, nhổ cục máu đông trong miệng, hai tay đẩy hai cánh mũi lên cho miệng hở ra, máu chảy qua lỗ mũi thành dòng, anh nói: “Lần này có thể tôi phải nằm viện rất là lâu. Ngày mai là ngày chuyển Đảng chính thức của tôi, nhờ đồng chí nói lại, Chi bộ làm thủ tục cho tôi được chuyển Đảng đúng hạn định… Còn thằng Kế, các đồng chí cố gắng tìm kiếm, thu gom và an táng cho nó chu đáo”.
Nói xong anh để cho tôi băng bó. Tôi đặt một lượt băng dưới lỗ mũi, vắt qua hai bên tai, kéo ngược về sau gáy cho miệng vết thương liền với nhau, mồm rộng ra để thở, sau đó dùng băng cuốn chặt ngang qua mặt. Tôi bảo “Anh cứ cúi xuống và cố gắng thở bằng miệng, không được cáng nằm ngửa vì máu dễ tràn vào phổi lắm đấy”! Sau đó người ta dìu anh về đội phẫu tiền phương.
Từ ngày ấy đến nay tôi cũng không rõ quê quán người đại phó ấy ở đâu và số phận sau này ra sao nữa. Sau chiến tranh, những người lính của quê hương đất tổ trở về, họ tìm đến nhau mừng mừng, tủi tủi. Họ trân trọng ngày nhập ngũ 26-12-1970 của mình để tưởng nhớ đến những đồng đội còn nằm lại nơi hương rừng và gió núi. Cho dù cuộc sống còn nhiều gian nan vất vả nhưng họ thật tự hào về quãng đời đầy oanh liệt của mình. Chúng tôi tìm đến các gia đình liệt sỹ. Trước gương mặt nhăn nheo khắc khổ và dòng nước của mẹ, chúng tôi như những đứa trẻ tội lỗi. Con của mẹ đâu? Tại sao nó không cùng về? Nó nằm ở chỗ nào? Sao con không quay lại cứu nó cho mẹ! Mặc dù không một câu ca thán, không một lời trách móc, nhưng chúng tôi cũng vẫn cảm thấy giống như những kẻ hèn nhát, bỏ đồng đội để chạy một mình.
Chính vì vậy mà sau hơn 20 năm tôi mới tìm đến gia đình liệt sỹ Phùng Văn Kế. Hỏi thăm loanh quanh thì có một cháu gái dẫn đến tận nơi. Ngôi nhà lá hai gian nhỏ bé, vách nứa, cửa phên vắng lặng. Nghe tin có đồng đội của liệt sỹ đến thăm, anh em họ mạc, bà con lối xóm cận kề chạy đến. Người ta bảo nhau đi tìm mẹ về. Bố Kế mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi ba đứa con ăn học, trên Kế là ông anh trai, sau Kế là cô em út. Chiến tranh kết thúc cả anh và em đều yên bề gia thất nhưng mẹ không ở cùng với ai cả. Một mình mẹ với căn nhà lá đơn sơ như ngày nào Kế đi nhập ngũ. Người ta dìu mẹ về, một cụ già gầy gò chừng 80 tuổi với bước chân vội vàng tấp tả. Mẹ nhận ngay ra gương mặt lạ của tôi giữa đàn con cháu quen thuộc của mình. Ánh mắt ngời sáng chợt lóe lên rồi vụt tắt. Nó không phải là thằng Kế!
Mẹ lầm lũi bước lên thềm. Trong ngôi nhà lá, phía bên kê chiếc giường tre của mẹ, gian giữa kê bộ bàn ghế cũng bằng tre cũ kỹ, dọ dẹo. Bên kia, một bàn thờ khói hương nghi ngút ở đó có tấm ảnh liệt sỹ phóng to bằng sơn mài. Kế ở đó trẻ trung và tươi tắn như ngày nhập ngũ. Tôi chợt nhận ra rằng, đối với mẹ, Kế không bao giờ chết, nó vẫn ngây thơ như ngày nào và rất cần bàn tay chăm sóc của mẹ. Đã xa lắm rồi, lâu lắm rồi nó không về thăm mẹ nhưng rồi nó sẽ trở về và ôm chầm lấy mẹ. Nó sẽ nhận ra hơi ấm của người mẹ đã dưỡng dục và sinh thành ra nó. Cứ chiều chiều khi đặt nồi cơm lên bếp mẹ lại ngóng ra đường, trong hoài niệm chập chờn, mẹ cứ chờ, cứ đợi bóng thằng Kế chạy về. Chính vì thế mẹ cứ một mình ở trong ngôi nhà xưa ấy không cho ai sửa chữa lại. Mẹ sợ khi thằng Kế trở về nó sẽ không nhận ra ngôi nhà, mảnh sân và con đường thân thuộc của mình. Nếu như nó thật sự không bao giờ trở lại thì hàng đêm hình ảnh nó vẫn mãi mãi bên mẹ, ở trong ngôi nhà ấy và hai mẹ con sưởi ấm cho nhau.
Tôi xin phép gia đình thắp cho liệt sỹ nén hương, mẹ nhìn tôi lặng đi trong nước mắt. Khi mùi hương lan tỏa, đôi vai gầy của mẹ run lên, những tiếng nấc xót xa và thương con sâu thẳm. Tôi lúng túng khi thấy người ta đặt mẹ nằm xuống giường và thay nhau xoa lên ngực cho mẹ. Người anh trai của Kế bảo: Năm nào cúng giỗ cho chú ấy mẹ đều nấc lên như vậy đấy!
Thế đấy! Ngày ấy, chúng tôi ra đi tuổi xuân phơi phới có bao giờ hiểu thấu nỗi lòng người mẹ mong nhớ những đứa con của mình sống trong lửa đạn như thế nào?. Chúng tôi từng giờ, từng phút đối mặt với cái chết và cũng sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh của mình vì danh dự gia đình và vì Tổ quốc. Người ở nhà, một nỗi chờ đợi mỏi mòn, dai dẳng và sợ hãi đến nhường nào. Các mẹ liệt sỹ đã vào cái tuổi xưa nay hiếm, trái chuối chín cây không biết ngày nào rụng. Con của mẹ đâu?! Cuộc đời còn lại của mẹ chỉ mong ước một điều: Tìm thấy các con và đưa chúng nó trở về bên mẹ. Một việc tưởng như giản đơn thế mà có khi không bao giờ thực hiện được. Con của mẹ đang ở một vùng xa xôi lắm, cũng có đồng có ruộng, có xóm có đồi, có đồng đội bên cạnh và cũng có những người mẹ yêu thương các con như chính con đẻ của mình vậy. Các con đã hóa thân vào non sông đất nước, là hình tượng mà dân tộc ta thờ phụng!
Sau bốn mươi năm tôi mới có dịp quay lại chiến trường xưa. Điểm cao 601 nằm án ngữ cạnh con đường huyết mạch nối TX Kon Tum qua quận lỵ Đak Tô - Tân Cảnh về phía bắc Tây Nguyên. Sau bấy nhiêu năm, cao điểm 601 giống như một con gấu bị trọng thương nằm phủ phục ven QL 14 (đường Hồ Chí Minh). Trên thân của nó đã gánh chịu biết bao nhiêu bom đạn của cả hai phía, bao nhiêu trận kịch chiến đã xảy ra tại đây. Không còn nhận ra hình hài của các lớp rào kẽm gai, không còn dấu tích của chiến hào công sự. Thế nhưng hình ảnh trận đánh và giữ 601 vẫn sống động như ngày nào…