CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN - CHIẾN DỊCH HOÀN HẢO VỀ NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAM

KỶ NIỆM 45 NĂM CHIẾN THẮNG TÂY NGUYÊN
Với việc giải phóng Cam Ranh ngày 3/4/1975, chiến dịch Tây Nguyên cũng kết thúc. Có thể nói đây là một chiến dịch thành công rất xuất sắc, thậm chí nó còn vượt cả sự mong muốn của ta. Trong vòng chưa đầy một tháng, ta đã tiêu diệt và làm tan dã toàn bộ Quân đoàn 2 của địch, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và tỉnh Khánh Hoà, góp phần giải phóng 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. Có được thắng lợi trên chính là nhờ ta đã vận dụng NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ một cách rất xuất sắc. Có thể nói đây là một trong những CHIẾN DỊCH HOÀN HẢO VỀ NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAM trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta. Nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Tây Nguyên, mời các bạn xem bài:

CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN - CHIẾN DỊCH HOÀN HẢO VỀ NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAM
                                              Nguyễn Đình Thi

1/ TRƯỚC HẾT LÀ NGHỆ THUẬT CHỌN HƯỚNG TẤN CÔNG và MỤC TIÊU TẤN CÔNG
Chọn hướng tấn công và mục tiêu tấn công là một bước rất quan trọng trong nghệ thuật quân sự . Trong chiến dịch mở màn của đại thắng mùa xuân năm 1975 , Bộ thống soái của ta quyết định chọn Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột là hướng tấn công và mục tiêu tấn công đầu tiên mà không chọn chiến trường khác như Quảng Trị gần hậu phương lớn của ta hoặc Tây Ninh rất gần Sài Gòn là vì : Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng , nó có thể tạo ra bước ngoặt cho cuộc chiến . Trong các thị xã ở Tây Nguyên gồm Play Cu , Kon Tum , Gia Nghĩa , Buôn Ma Thuột thì thị xã Buôn Ma Thuột có vị trí đặc biệt hơn cả . Chiếm được Buôn Ma Thuột ta có thể phát triển ra 3 hướng :
- Phát triển về hướng Đông theo đường 21 xuống đồng bằng ven biển miền Trung , Nha Trang rất thuận lợi . Tạo thế chia cắt chiến lược giữa Quân khu 1 của địch với phía Nam
- Phát triển về hướng Tây , mở thông hành lang chiến lược từ hậu phương miền Bắc với miền Đông Nam bộ , tạo điều kiện thuận lợi cho ta vận chuyển vũ khí , lương thực , xăng dầu cho Mặt trận B2 .
- Phát triển lên hướng Bắc nối với đường 14 .
Mặt khác ta chọn Buôn Ma Thuột là vì địch phòng thủ ở đây yếu . Từ trước đến nay các trận đánh lớn giữa ta và địch ở Tây Nguyên chủ yếu diễn ra ở Kon Tum và Play Cu nên địch tập trung phòng thủ ở đây khá vững chắc . Ở Kon Tum và Play Cu chúng có Sư đoàn 23 cùng 7 liên đoàn biệt động quân , không kể các lực lượng bảo an , dân vệ . Đánh vào Kon Tum hay Play Cu là đánh vào chỗ mạnh của địch , đây là điều tối kỵ của phép dùng binh . Còn ở Buôn Ma Thuột do khá lâu , từ 1968 đến nay ở đây không có trận đánh lớn nào nên địch chủ quan , phòng thủ của chúng ở đây MỎNG và KHÔNG VỮNG CHẮC . Ở Buôn Ma Thuột chúng chỉ có một Trung đoàn bộ binh thiếu ( E53 ) cùng một số đơn vị địa phương quân và hậu cứ của Sư 23 . Ta đã phát hiện được điểm yếu này và triệt để khai thác . Mặt khác về địa hình thì Buôn Ma Thuột có địa hình khá bằng phẳng , không có nhiều núi cao , vực sâu , sông suối như Kon Tum và Play Cu , độ che phủ của cây xanh khá tốt , rất thuận lợi cho ta che giấu lực lượng và triển khai binh khí kỹ thuật như xe tăng , xe bọc thép , pháo mặt đất , pháo cao xạ để tấn công quy mô lớn . Không những có nhiều lợi thế như trên , Buôn Ma Thuột còn là trung tâm kinh tế , văn hoá , chính trị và là thủ phủ của Tây Nguyên . “ Buôn Ma Thuột có giá trị hơn cả Play Cu và Kon Tum hợp lại “ ( lời Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà nói tại cuộc họp ở Hội đồng an ninh ngày 11/3/1975 )
Có thể nói việc chọn Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột là mục tiêu tấn công đầu tiên của ta trong năm 1975 là một lựa chọn chính xác , khoa học , một sự lựa chọn với tư duy nghệ thuật quân sự cao . Do vậy chỉ với một ĐÒN Buôn Ma Thuột địch đã phải vội vã rút chạy khỏi Play Cu và Kon Tum . Chỉ một ĐÒN Buôn Ma Thuột , cả hệ thống quân sự của địch trên toàn Miền Nam đã rung chuyển . Điều đó chứng tỏ tài năng vận dụng NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ đánh vào nơi HIỂM , nơi YẾU , nơi SƠ HỞ NHẤT của địch ở Tây Nguyên là Buôn Ma Thuột của Bộ Thống soái và Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên thật xuất sắc.
2/ VỀ MƯU
Chiến dịch Tây Nguyên là một chiến dịch quy mô lớn , trải rộng trên cả 4 tỉnh Đắc Lắc , Gia Lai , Kon Tum và Gia Nghĩa . Quân số trong Chiến dịch này ta sử dụng tới gần 60 ngàn quân cùng nhiều binh khí kỹ thuật . Để cơ động một lực lượng lớn quân cùng vũ khí , súng đạn từ Bắc Tây Nguyên về Buôn Ma Thuột trên một cung đường dài tới 300 km làm sao địch không biết là một việc rất khó . Vì nếu chúng phát hiện được lực lượng ta di chuyển về phía Nam Tây Nguyên chắc chắn chúng sẽ tăng quân về phòng thủ và sử dụng không quân để đánh phá như vậy ta sẽ gặp nhiều khó khăn . Để lừa địch , không cho chúng phát hiện được hướng tấn công của ta ở Buôn Ma Thuột ngoài việc quán triệt tới từng cán bộ , chiến sỹ việc giữ gìn bí mật , Bộ Tư lệnh chiến dịch đã thực hiện triệt để MƯU LỪA ĐỊCH bằng cách tổ chức một CHIẾN DỊCH NGHI BINH rất bài bản , mưu trí kéo dài suốt từ khi chuẩn bị Chiến dịch ( 25/12/1974 ) tới tận ngày nổ súng ( 10/ 3/75 ) . Ta đã thực hiện rất nhiều thủ đoạn Nghi binh như : Mở đường lớn vào Kon Tum và PLay Cu y như chuẩn bị cho đánh lớn vào đây . Tung tin đồn giả sắp đánh Kon Tum và PLay Cu . Điều xe , pháo , kể cả xe tăng đêm đến bật đèn chạy rầm rập về hướng Kon Tum và Play Cu , sau đó lại tắt đèn chạy ngược trở lại . Các máy Vô tuyến điện và các điện báo viên địch đã theo dõi lâu nay cũng được để lại toàn bộ , hàng ngày đúng giờ vẫn phát đi các bức điện giả , rồi bí mật di chuyển cả Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 về Nam Tây Nguyên , địch vẫn không hay biết . Khi địch nắm được một số thông tin qua việc nhặt được cuốn nhật ký của một cán bộ thông tin Trung đoàn 149 - Sư đoàn 316 và qua việc một tên hàng binh của ta khai : " Sư đoàn 10 đang chuẩn bị tấn công Đức Lập , Sư đoàn 320 đang ở tây Ea HơLeo chuẩn bị đánh Thuần Mẫn ,một lực lượng khác chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột " , chúng đã điều Trung đoàn 45 từ PLay Cu về Buôn Ma Thuột và lên lùng sục ở phía Tây thị xã để tìm lực lượng chủ lực của ta . Để lừa địch , ta lại soạn một bức điện giả , phát lên không trung : " ... Địch đã bị mắc lừa cho rằng ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột nên đã điều quân xuống phía Nam . Các đơn vị vào vị trí sẵn sàng chiến đấu " làm cho địch hoang mang không biết tin vào hàng binh hay tin vào bức điện giả . Tung quân ra tìm cả chục ngày , không thấy lực lượng của ta , sợ bị lừa , chúng lại rút Trung đoàn 45 từ Buôn Ma Thuột về PLay Cu , để trống Buôn Ma Thuột . Điều đặc biệt hiếm có từ trước tới nay trong tất cả các chiến dịch ở Tây Nguyên ta chưa bao giờ sử dụng cả một Sư đoàn để đánh nghi binh . Trong chiến dịch này ta sử dụng cả Sư đoàn 968 đánh nghi binh . Đòn đánh nghi lớn của Sư đoàn 968 cộng với các mưu kế nghi binh khác làm cho địch hoàn toàn bị mắc lừa , cho rằng ta đánh như vậy là để chuẩn bị cho đánh lớn tiếp theo vào Play Cu và Kon Tum chứ không phải Buôn Ma Thuột . Nói chung trong trận Buôn Ma Thuột ta vận dụng triệt để MƯU LỪA ĐỊCH , đến nỗi sáng 10/3 ta tấn công Buôn Ma Thuột mà chiều 9/3 , chỉ còn hơn chục giờ nữa là ta nổ súng tấn công Buôn Ma Thuột , Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 địch đến Buôn Ma Thuột họp với Bộ Tư lệnh Mặt trận Buôn Ma Thuột , tướng Phú vẫn cho rằng ta đánh Đức Lập ngày 9/3 là để nghi binh tấn công Kon Tum và Play Cu . Phạm Văn Phú còn nói với tỉnh trưởng Đắc Lắc Nguyễn Trọng Luật :” Nếu Cộng sản có đánh Buôn Ma Thuột cũng chỉ là đánh nhỏ “ . Rồi cả một bộ máy khổng lồ về con người cũng như máy móc hiện đại của cả Mỹ và Nguỵ vẫn không đoán được ta đánh chính ở đâu , ta có những đơn vị nào tham chiến . Chúng phải thốt lên :" Đúng là một trò ma thuật " . Quả thực công tác nghi binh lừa địch của ta trong chiến dịch này thật xuất sắc . Đúng như binh pháp đời xưa nói : MƯU CAO NHẤT LÀ MƯU LỪA ĐỊCH.
3/ VỀ KẾ
KẾ của ta trong Chiến dịch này là tập trung LÀM YẾU ĐỊCH rồi ĐÁNH VÀO CHỖ YẾU của chúng . Thực tế trên địa bàn Tây Nguyên trước khi ta nổ súng tấn công Buôn Ma Thuột tương quan lực lượng địch mạnh hơn ta cả về quân số và hoả lực . Đặc biệt là không quân , địch có tới 118 máy bay chiến đấu các loại . Ngoài lực lượng trên với lợi thế về không quân địch có thể điều lực lượng từ các Quân khu khác về trong một thời gian ngắn càng tạo nên lợi thế hơn ta . Với tương quan lực lượng trên nếu ta không dùng KẾ CHIA CẮT thì khó có thể thắng được quân địch . Để làm yếu quân địch , không cho chúng hỗ trợ nhau khi ta tấn công Buôn Ma Thuột , ta đã thực hiện thành công KẾ CHIA CẮT . Ngày 4/3 , ta đưa Trung đoàn 95A và Sư đoàn 3 ( quân khu 5 ) ra cắt đường 19 , con đường huyết mạch từ miền Trung lên Tây Nguyên , để chia cắt giữa Tây Nguyên với đồng bằng ven biển miền Trung và cũng để lừa địch cho rằng ta cắt đường 19 là chuẩn bị đánh Play Cu , Kon Tum . Ngày 5/3 , ta đưa tiếp Trung đoàn 25 ra cắt đường 21 ở đoạn Khánh Dương , không cho địch cơ động từ Khánh Hoà , Nha Trang lên Buôn Ma Thuột .Ngày 7/3 , Sư đoàn 320 cắt tiếp đường 14 từ PLay Cu đi Buôn Ma Thuột ở khu vực Thuần Mẫn . Bằng KẾ CHIA CẮT này ta đã làm cho địch từ NHIỀU trở nên ÍT , từ MẠNH trở nên YẾU , đã tạo lập được một thế trận vừa kìm địch , vừa chia cắt địch , vừa trói chặt địch ở Buôn Ma Thuột . Đến ngày 7/3/75 , còn cách 3 ngày nữa ta mới nổ súng tấn công nhưng Buôn Ma Thuột đã bị cô lập hoàn toàn với các nơi khác và ở thế " cá nằm trên thớt " trong mưu kế của ta . Hay trong trận tiêu diệt Lữ Dù 3 trên đèo Phượng Hoàng - MaDrac , đây là một lực lượng át chủ bài của quân Ngụy Sài Gòn ra chặn quân ta xuống đồng bằng ven biển miền Trung và tổ chức tái chiếm lại Buôn Ma Thuột . Ta đã dùng kế chia cắt , chia Lữ Dù 3 thành nhiều phân khúc rồi tổ chức tấn công tiêu diệt toàn bộ lực lượng này . Phải công nhận rằng MƯU , KẾ của ta trong chiến dịch này thật hay , thật hoàn hảo . Ta thắng địch trong chiến dịch này trước tiên là thắng về MƯU và KẾ.
4/ NGHỆ THUẬT VỀ DỰ KIẾN TÌNH HUỐNG VÀ XỬ LÝ TÌNH HUỐNG
Dự kiến chính xác tình huống và xử lý đúng các tình huống luôn là những vấn đề khó của nghệ thuật quân sự . Trong Chiến Dịch Tây Nguyên , Bộ Thống soái của ta và Bộ Tư Lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã dự kiến một số tình huống và xử lý tình huống rất đúng , rất chính xác. Chính nhờ dự kiến chính xác các tình huống nên thế trận của ta luôn luôn chủ động , luôn vững chắc . Ở trận Buôn Ma Thuột ta dự kiến : Khi ta chiếm Buôn Ma Thuột thế nào địch cũng đưa quân đến phản kích tái chiếm . Vậy thì lực lượng nào của chúng sẽ được đưa về đây tái chiếm ? Bộ Thống soái của ta đã nhận định từ trước tới nay ở các điểm nóng lớn , địch thường sử dụng một trong 2 Sư đoàn dự bị chiến lược của chúng đó là Sư đoàn Dù và Sư đoàn Thuỷ quân lục chiến đi ứng cứu . Để kìm chân 2 Sư đoàn này , Bộ Thống soái của ta đã đưa Quân đoàn 2 ra áp sát phía tây Huế , đồng thời chỉ đạo Quân đoàn 4 đẩy mạnh hoạt động ở hướng Đông Bắc Sài Gòn , ngăn không cho địch đưa lính dù ở Thượng Đức và lính thủy quân lục chiến ở Trị Thiên đi ứng cứu . Như vậy địch chỉ còn lực lượng tại chỗ của Quân đoàn 2 , với lực lượng này ta đủ khả năng đối phó . Ta cũng phán đoán nếu địch đến ứng cứu khi ta chiếm Buôn Ma Thuột chúng chỉ còn một đường duy nhất là đường không , vì đường bộ là đường 21 và đường 14 về Buôn Ma Thuột ta đã cắt đứt . Do vậy ta tổ chức khống chế chặt 2 sân bay của địch ở Buôn Ma Thuột là sân bay Thị xã và sân bay Hoà Bình , không cho chúng lấy 2 sân bay này làm nơi đổ quân ứng cứu . Một kế hoạch đánh địch đến tái chiếm Buôn Ma Thuột cũng được ta chuẩn bị sẵn . Sư đoàn 10 , sáng ngày 10/3 , sau khi chiếm xong Đức Lập , ngay chiều ngày 10/3 đã được ô tô vận chuyển gấp về phía đông Buôn Ma Thuột dàn thế trận sẵn sàng đánh quân phản kích . Các đơn vị pháo cao xạ ( E234 , E232 ) , các đơn vị pháo mặt đất E40 , E675 , E4 cũng cơ động về phía Đông Buôn Ma Thuột chuẩn bị đánh quân đến ứng cứu . Đúng như dự đoán của ta : Chiều 12/3 và các ngày tiếp theo địch đã huy động một lượng máy bay trực thăng lớn nhất từ trước tới nay đổ lực lượng của Sư đoàn 23 thiếu xuống phía Đông Buôn Ma Thuột nhưng lực lượng này đã rơi vào trận địa đón sẵn của Sư đoàn 10 . Sau 5 ngày chiến đấu ( từ 14 đến 18/3 ) , toàn bộ lực lượng của Sư đoàn 23 đến phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột đã bị quân ta đánh cho tơi tả . Hầu hết số quân này đã bị ta tiêu diệt và bắt sống . Chính sau trận thua đại bại này của Sư đoàn 23 ở phía Đông Buôn Ma Thuột đã làm cho Tổng Thống Nguỵ quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu mất hết nhuệ khí “ tái chiếm Buôn Ma Thuột bằng mọi giá “ , đã ra lệnh rút quân khỏi Cao nguyên , tạo ra một sai lầm chiến lược lớn có lợi cho ta .
Bằng NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ xuất sắc , CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN đã giành thắng lợi hết sức to lớn . Nó đã vượt ra khỏi giới hạn một CHIẾN DỊCH THÔNG THƯỜNG , trở thành một CHIẾN DỊCH MANG Ý NGHĨA CHIẾN LƯỢC , tạo đột biến chưa từng có về quân sự trên chiến trường miền Nam từ trước tới nay . Tạo thời cơ chiến lược mới cho cuộc Cách mạng giải phóng của dân tộc ta tiến tới thắng lợi hoàn toàn . Đến nay Chiến dịch đã trải qua 45 năm song nó vẫn rất đáng để những nhà chỉ huy , những người nghiên cứu Lịch sử suy ngẫm về cách dùng binh của Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên.