KÝ SỰ ĐƯỜNG 7


Cuộc rút chạy của Quân đoàn 2 Ngụy vào tháng 3/1975 có thể coi là cuộc rút chạy thảm bại nhất trong cuộc chiến ở Đông Dương của địch. Chỉ trong vòng hơn chục ngày, hàng vạn tên địch cùng rất rất nhiều phương tiện chiến tranh của chúng đã bị ta tiêu diệt và phá hủy. Để các bạn hiểu rõ trận đại thắng của ta trên đường 7, trang Lính Tây Nguyên xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc KÝ SỰ ĐƯỜNG 7 của bạn CP Giang - nguyên cựu binh Trung đoàn 64 - Sư đoàn 320.

KÝ SỰ ĐƯỜNG 7
CP Giang - cựu binh Trung đoàn 64 - Sư đoàn 320

Chập tối ngày 16/3/75 , Sư đoàn 320 nhận một mệnh lệnh khẩn cấp từ Bộ Tư lệnh Chiến dịch . Bằng mọi biện pháp nhanh chóng tổ chức lực lượng tiến ra đường 7 , chặn không cho Quân đoàn 2 địch rút chạy về đồng bằng ven biển miền Trung . Mệnh lệnh còn nhấn mạnh nếu chậm trễ để địch chạy thoát sẽ có tội với lịch sử . Trong khi đó đội hình Sư đoàn 320 đến ngày 15/3/75 bố trí như sau:
- Trung đoàn 9 đang đánh địch ở phía Kênh Săn.
- Trung đoàn 48 đang ở Cẩm Ga - Thuần Mẫn.
- Trung đoàn 64 (thiếu tiểu đoàn 9) đang đánh địch ở vùng Đạt Lý - Buôn Hồ.
Đây là đội hình hết sức phân tán, muốn liên kết lại để tác chiến đội hình cả Sư đoàn trong một thời gian ngắn là hết sức khó khăn.
Trong 3 trung đoàn thì Trung đoàn 64 bọn tôi là đơn vị gần nhất đến đường 7, đường di tản của địch. Hiện tại, trong 3 tiểu đoàn của trung đoàn thì gần nhất chỉ có tiểu đoàn 9 đang hoạt động trên đoạn đường tắt từ Thuần Mẫn đi Cheo Reo (khoảng 20km đến Cheo Reo), còn tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn 8 vẫn đang hoạt động ở Buôn Hồ, cách Cheo Reo khoảng 60 km. Bọn tôi chưa tham gia đánh lớn trận nào đang háo hức lắm, nhưng cũng thấm mệt rồi, cứ tối hành quân đi, ban ngày lại hành quân về, cò cưa trên đoạn đường quen này cũng chán quá. Bây giờ viết lại thì thế thôi, chứ tôi dám chắc rằng, ngày 15/3/75 ngay cả Sư đoàn cũng chưa biết kế hoạch di tản, chứ chưa nói gì đến cỡ cán bộ tiểu đoàn, đại đội hay lính tráng bọn tôi.
Thế là dù chưa thua hẳn trên hướng Phước An , địch quyết định bỏ cao nguyên, đó là định mệnh cho chế độ Sài gòn.
Đến 20 giờ ngày 16 tháng 3, lệnh truy kích mới được ban bố. Tiểu đoàn 9, trung đoàn 64/sư đoàn 320 là đơn vị đang đứng chân trên đường 7 từ Thuần Mẫn -Cheo reo, gần đội hình di tản của địch nhất nên được lệnh hành quân cắt rừng suốt đêm để lập một chốt chặn ở phía Nam thị xã Cheo Reo. Gần như lập tức, tiểu đoàn 9 đã bắt đầu cơ động luôn. Bỏ lại mọi thứ cồng kềnh, Tiểu đoàn hành quân thần tốc ngay trong đêm; cắt rừng vòng qua thị xã. Để bảo đảm tốc độ, tiểu đoàn đã đi đến một quyết định táo bạo: cho bộ đội đốt nứa, đốt quai dép dự trữ và tất cả những thứ có thể thắp sáng để soi đường. Gần trưa ngày 17, dù chạy bộ vượt qua núi chót vót nhưng bằng nỗ lực phi thường Tiểu đoàn 9 đến vị trí tác chiến trên đường 7 từ cầu Sông Bờ đến chân đèo Tô Na đúng thời hạn.
Mọi nỗ lực đều nhằm tới một điểm đến: thung lũng Cheo Reo, nơi các chiến sĩ tiểu đoàn 9 đang nổ những phát súng đầu tiên vào đội hình đang rút chạy của địch, phải đương đầu với lực lượng địch đông hơn hàng trăm lần. Đối tượng chính của tiểu đoàn 9 là địch cả hàng vạn quân đang ùn ùn tháo chạy cùng đội hình xe tăng, xe thiết giáp của địch đang tìm mọi cách tràn qua khu vực chốt chặn. Có thể nói, tiểu đoàn 9 xông ngay vào đội hình đối phương, tả xung hữu đột, 1 chọi 100, 1000 luôn; đại đội 9, đại đội 10 triển khai đội hình ngay trên mặt đường, xông thẳng vào đội hình xe tăng, thiết giáp dày đặc của địch, vừa đánh vừa chiếm vị trí có lợi, hình thành những điểm chốt chặn. Đại đội 11 bố trí phía sau để sẵn sàng cơ động chi viện cho cả hai hướng. Những trận đánh diễn ra rất ác liệt giữa bên ta kiên quyết chốt chặn và quân địch đường cùng, tìm mọi cách tháo thân. Địch lợi dụng vỏ thép dày, khả năng cơ động cao, cùng đường “dũi” bừa vào tất cả mọi nơi, mọi lúc, có trường hợp tăng cán luôn lên lính, lên, lê xe cơ giới cùng chạy hòng tràn qua đội hình chốt chặn của ta. Chúng phối hợp mọi lực lượng, sử dụng hỏa lực tối đa, mở đường máu. Tất cả các bộ phận của tiểu đoàn 9 từ cán bộ chỉ huy đến nuôi quân, y tá, thông tin, trinh sát… đều trực tiếp đối mặt với xe tăng địch. Cầu Sông Bờ bị ta cắt đứt, xe pháo bộ binh các sắc lính ùn lại, chật kín bờ sông.
Nhân chứng sống tiểu đoàn 9 mà tôi thường xuyên gặp gỡ. Đó là Nguyễn Vi Hợi, anh hùng LLVTND, thường gọi là anh hùng đường 7, chỉ trong ngày 17, với cương vị là tiểu đội trưởng anh đã bắn quả B40 đầu tiên chặn đoàn tăng trên đường 7… trong trận này anh bắn cháy 6 xe tăng, diệt 21 địch… đến trận Phú Yên anh còn bắt sống chuẩn tưởng Trần Văn Cẩm… Bây giờ anh nghỉ hưu ở gần tôi đây, ngay trong Thành phố Vĩnh Yên. Đó là Nguyễn Xuân Thạch, lúc đó là liên lạc đại đội 9… sau lên tới phó phòng bảo vệ Quân đoàn 3, giờ nghỉ hưu gần chợ Vồ - Gia Khánh- Tam Dương. Thỉnh toảng chúng tôi vẫn gặp nhau uống chén rượu nhạt và lần nào cũng nhắc lại trận đánh oai hùng ngày 17+18/3/75 từ cầu Sông Bờ đến chân đèo Tô Na
Trên hướng Buôn Hồ (đơn vị tôi)
Chiều 17-3, chúng tôi đang ở khu vực Đạt Lý thì được lệnh cơ động gấp về Nam Cheo Reo. Lệnh phát ra. Tất cả hành quân. Ồn ào, vội vã tràn ra đường 14. Xe ô tô cả loại ZIL, cả MONO cả GMC ào, tơi tả ngụy trang vàng khè bụi bặm đón. Nhưng chỉ có tiểu đoàn 7 được lên xe chạy ngược về hướng bắc. Còn bọn tôi hành quân bộ. Cứ thẳng đường 14 mà đi, mà chạy.
Tủi cho tiểu đoàn chủ công quá. Hơn 5 giờ chiều đoàn xe lúc nãy quay lại đón chúng tôi. Thì ra là đoàn xe chạy cuốn chiếu đến một làng cũ của đồng bào đã bị đốt cháy bên đường thì dừng lại. Chắc được chừng tiếng đồng hồ thì tất cả giật mình vì pháo bắn. Đạn rơi trên sườn núi đá khói ngèn nghẹt. Tiếng nổ vang vọng bên này sang bên kia oang oang. Đến đây mặc dù tối trời tối, tôi vẫn gặp thằng Nguyễn Đa Bình, đồng hương, pháo thủ của trung đoàn pháo 54. Chúng nó đang giá pháo ngay bên đường để bắn vào thị xã Cheo Reo đang hỗn loạn. Tiếng nổ vừa rồi là tiếng đầu nòng pháo ta, quả đạn trên núi là địch phản pháo. Từ đây về Cheo Reo còn khoảng chục km. Chúng tôi được lệnh xuống xe chạy bộ suốt đêm theo đường rừng vòng qua Cheo Reo, mà đường vòng thì phải qua núi. Được cái đường đi đã có sẵn, vì bọn d9, d7 vừa hành quân qua mà. Kệ, cứ vì đi vừa ngủ. Đã hơn mười ngày tác chiến. Đi liên tục, không có một đêm ngủ tròn giấc, không có một nơi trú quân lấy nửa ngày. Chân sưng, mắt hõm. Đường bằng đã hết, chúng tôi bây giờ mới bắt đầu trèo núi, lúc ấy là 8 giờ tối. Mười hai giờ đêm chúng tôi mới lên đến đỉnh núi. Nhìn xuống thung lũng Cheo Reo lửa đỏ rực, đạn vạch nhằng nhịt. Cả thung lũng như quả cầu lửa. Trên cao nghe chỉ thấy tiếng súng lớn, thủ trưởng bảo đại quân ta gồm trung đoàn 48, trung đoàn 9 đã đuổi tới nơi rồi. Mẹ kiếp, leo lên đã khó, lúc tụt xuống khó hơn nhiều. Trời sáng thì chúng tôi xuống chân núi. Từ đây ra đường số 7 còn vài km nữa. Rừng thưa, bằng phẳng toàn cây khộp và đầy đá. Suối thì cạn cả. Sáng ra tôi mới biết tiểu đoàn tôi hành quân đuổi địch cùng trung đoàn bộ. Gớm, toàn các thủ trưởng đi trận toàn mang súng ngắn. Chỉ nghe tiếng cán bộ các cấp giục rối rít suốt đường hàng quân...


Đến ngày 18 /3 , ý định tác chiến của Sư đoàn 320 đã rõ, bao vây chặt quân địch trong thị xã Cheo Reo - Phú bổn, dùng eBB48, eBB9 và các đơn vị xe tăng, hỏa lực pháo binh…đột phá từ hướng tây, tây nam và tây bắc, dùng eBB64 khóa chặt, như kiểu buộc miệng túi để tiêu diệt chúng . Đến sáng 18/3 , đội hình cả trung đoàn 64 đã vòng qua thị xã, khóa chặt địch từ cầu sông Bờ đến đèo Tô Na. Từ sáng, những trận đánh diễn ra rất ác liệt giữa tiểu đoàn 9 và mới được tăng cường tiểu đoàn 7 đã kiên quyết chốt chặn đường 7 , quân địch đường cùng, tìm mọi cách tháo thân vì không còn con đường nào khác. Muốn sống, chỉ có cách duy nhất là đột kích qua chốt của chúng tôi. Địch lợi dụng khả năng cơ động của xe tăng , xe bọc thép “dũi” bừa vào tất cả mọi nơi , kể cả bộ binh , xe dân sự và dân chúng di tản cùng để hòng tràn qua đội hình chốt chặn của ta. Tất cả các bộ phận của tiểu đoàn 9, 7 từ cán bộ chỉ huy đến nuôi quân, y tá, thông tin, trinh sát… đều trực tiếp đối mặt với xe tăng địch. Đến sáng 18 tháng 3, không một chiếc xe tăng, xe thiết giáp nào của địch lọt qua tuyến chốt chặn của tiểu đoàn 9. Xe địch bị bắn cháy nằm bẹp trên đường, trên cầu, có chiếc bị bắt sống, đường tháo chạy của đoàn quân địch hoàn toàn tắc nghẽn. Quân địch vẫn còn bị nhốt chặt ở thung lũng Cheo Reo. Còn chúng tôi, cả tiểu đoàn 8 mờ sáng thì xuống đến chân núi, tiếng nổ pháo tăng , B40, B41, ĐKZ, súng con kết hợp tiếng gầm rú của xe tăng , xe thiết giáp thành mớ hỗn độn từ đường 7 vọng vào không ngớt, càng lúc càng rõ. Thông báo, d9 cần chi viện gấp, d7 đã bước vào tác chiến, còn bọn tôi chạy và chạy, nhanh lên, nhanh lên, thời cơ được tính bằng phút, sớm phút nào, ta và đồng đội ta đỡ đổ máu phút đó. Khi còn cách đường 7 khoảng 1 cây số thì bất chợi từ hướng tây, bên trái đội hình hành quân, xuất hiện khoảng 1 chi đội xe tăng M48, M41, M113 cùng một cánh bộ binh đủ các sắc lính lớn của địch chọc thẳng vào đội hình hành quân của tiểu đoàn tôi. Khẩn trương quá, vừa quẳng ba lô xuống là nổ súng ngay. Cả tiểu đoàn thành hàng ngang, cách đều dài vài cây số. Đội hình chiến đấu nào bố trí theo kiểu “tao ngộ chiến” (bất ngờ đánh địch khi gặp địch). Chúng tôi hành quân trong đội hình tiểu đoàn bộ, nên toàn lính thông tin, vận tải, truyền đạt, quân y, phục vụ. Hỏa lực chỉ có tiểu liên và súng ngắn. Dù đang rất hoang mang, địch cũng nhanh chóng phát hiện ra đoạn phòng ngự của tiểu đoàn bộ là đoạn yếu nhất. Cũng may, ngay loạt đạn đầu tiên, vì bất ngờ nên đại đội 7 bắn cháy 2 xe, đạn trong xe nổ ầm ĩ, khói mù mịt, đội hình xe thiết giáp lùi về phía sau tìm hướng đột kích thì lại vấp phải bộ đội c5, c6, c8 và các đơn vị hỏa lực trực thuộc trung đoàn. Thần hồn nát thần tính, cứ gặp ta ở đâu, địch lại lùi lại, chứ nó mà cố đột kích thì chắc bọn tôi không giữ nổi. Đến chiều, tôi mới hiểu, địch tiến công phía trước thì phía sau là gia đình vợ con, của cái của chúng nên chúng không dám liều, cố tìm chỗ ta sơ hở để vọt qua, cố tránh giao chiến. Lúc này, Anh Kiên tiểu đội trưởng đảm nhiệm liên lạc trưởng mạng VTĐ, cạnh tiểu đoàn trưởng và phái viên của trung đoàn tên Mão. Còn tôi ôm khẩu tiểu liên là để bảo vệ tổ đài. Tình hình khẩn trương quá, tôi ôm AK dựa lưng vào chính trị viên phó tiểu đoàn, hai anh em 2 khẩu AK hai hướng bảo vệ chỉ huy và bảo vệ thông tin trưởng mạng. Chỗ bọn tôi dừng lại nằm ở mép một khoảng chống, có tầm quan sát rộng. Chợt chính trị viên phó tiểu đoàn ra hiệu, tôi thấy thấp thoáng mấy chục sắc lính bên kia khoảng trống, khoảng 20-30 tên lố nhố, may mà không có tăng. Anh Quýnh ra hiệu khi có lệnh của anh mới được nổ súng. Tôi vội nhảy lên độ dăm bước rồi nằm bẹp bên gốc một cây khộp, nhưng đen quá, đúng chỗ có tổ kiến vàng. Mẹ kiếp, kiến cắn đau quá, nhưng đành cố chịu. Vừa đoạn, chính trị viên phó tiểu đoàn nổ súng, hiệu lệnh rồi, tôi xiết cò, từng điểm xạ ngắn, dài về phía đám lính mới xuất hiện. Vì bất ngờ, mấy thằng đi đầu ngã rụi, còn chúng nằm bẹp xuống bắn trả loạn xạ. Chưa bao giờ tôi thấy hăng máu thế, tôi bắn liên hồi, nòng súng nóng bỏng. Chính trị viên phó tiểu đoàn nháy mắt khen, thằng này khá. Phổng mũi, tôi càng hăng hơn. Dừng bắn thì chúng tôi ném lựu đạn. Thú thực từng hồi vào nam chiến đấu, tôi bắn thì nhiều rồi nhưng ném lưu đạn thì hôm nay là lần đầu tiên. Có bao nhiêu đạn, lựu đạn anh em tiểu đoàn bộ dồn hết cho bọn tôi dùng. Cũng may nghe tiếng nổ và có lệnh của tiểu đoàn, lính đại đội 5 vòng lại giải cứu cho BCH tiểu đoàn, giải cứu bọn tôi. Có lực lượng tăng viện, bọn tôi tổ chức xuất kích ngắn, hòng đẩy chúng ra xa. Bọn tôi xung phong, vừa chạy vừa bắn, tôi còn kịp thấy xác mấy người lính cộng hòa, vẫn còn có cả một vài tên bị thương kêu la ầm ĩ. Xung phong lên, thì thấy có tiếng kêu to “xin hàng, chúng tôi xin hàng”, và thấy thấp thoáng cờ trắng, khăn mặt vẫy vẫy. Chúng tôi tiến lên đến lòng khe cạn thì trời ơi, đông đặc người, cả lính, cả dân, cả người già, cả phụ nữ, trẻ con… Lệnh dừng hỏa lực ngay lập tức. Tù binh nhiều quá, lô lốc, đủ loại quân phục, đủ loại vũ khí, súng ngắn, súng dài…Họ tự tập hợp thành từ nhóm, tự giao nộp vũ khí và tình nguyện bị bắt làm tù binh. Chúng tôi gom tất cả xuống dãy hố bom cũ, bên vỉa đất trũng, chờ lệnh. Bên kia lòng suối cạn, cơ man nào là dân, có lẽ đấy là người nhà đám tù binh mới bị bắt, họ luôn giữ một khoảng cách có thể quan sát, chắc họ chờ xem quân giải phóng đối xử với tù binh thế nào?Từ bấy đến chiều, thỉnh thoảng lại chạm địch, lại nổ sung, lại bắt tù binh… Quần lộn. Phải nói là quần lộn, ta địch xen kẽ nhau, ta cứ nổ súng là lại lũ lượt tù binh. Đến chiều, tiểu đoàn đã bắt được mấy trăm tù binh, số từ binh đã nhiều gắp mấy lần quân số tiểu đoàn và theo đó là người nhà của họ. Thế là, đến chiều, xung quanh tiểu đoàn bộ hình thành một trại lính khổng lồ, cả ta, cả địch lẫn lộn. Có khác, ta là chủ, ta là người chiến thắng. Vấn đề bây giờ là nước uống, hàng ngàn con người mà chỉ có mấy vũng nước cạn đến bụng cân, bây giờ cạn và đã đục ngầu những bùn. Muốn có nước sạch, trinh sát tìm được ngoài suối lớn cách chỗ tạm dùng chừng nửa cây số. Quân y chữa thương cả ta, cả địch, cả dân, nhộn nhịp. Trinh sát dẫn dân đi lấy nước cho tù binh. Họ bảo, họ chạy trên cao nguyên, đã 2 ngày chưa gặp nước, may mà được bắt làm tù binh, có nước là sống rồi. Đến chiều tối, tôi được lệnh mang máy 2w cùng tổ trinh sát của tiểu đoàn đi sâu vào trong núi, thu gom dân và lính về để họ không phải chết đói, chết khát và không bắn giết lẫn nhau để tranh giành nguồn nước, cướp vũ khí, của cải lẫn lộn của nhau. Thật là một ngày quá khủng khiếp, ngoài sức tưởng tưởng của tôi. Là người trực tiếp chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh đau lòng mà không lời nào miêu tả hết. Và thú thực tôi cũng không có ý định kể hết những gì tôi chứng kiến. Thật đau lòng, vì chúng ta là đồng loại, cũng là con người nhân hậu.Tiểu đoàn 8 được lệnh không di chuyển ra đường 7 nữa thay đổi nhiệm vụ: tổ chức chốt chặn ngay trong rừng, kết hợp bảo vệ SCH và khối trực thuộc Trung đoàn vừa làm dự bị cho lực lượng ngoài đường số 7. Nhưng thực ra đường 7 đã bị cắt đứt, chiến sự ngoài đường 7 tạm lắng thành thử địch toàn tìm đường rừng vòng qua chốt thì gặp bọn tôi, nên cánh rừng bên đường nơi bố trí tiểu đoàn 8 lại trở thành điểm nóng, bọn tôi đánh nhau suốt ngày là vì thế...
Trời tối dần. Tiếng nổ vẫn đì đoành quanh đây, lúc gần lúc xa. Chắc lính Việt Nam cộng hoà đi lạc vào chỗ bố trí chốt của ta, lại nổ súng, lại bắt tù binh. Tiểu đoàn 8 chúng tôi được lệnh bố trí lại. Đại đội 7 được điều ra đường số 7 để thay thế cho một đại đội của tiểu đoàn 7 đánh nhau từ sáng đến giờ. Đại đội 5 tổ chức các chốt bảo vệ Sở chỉ huy tiểu đoàn. Đại đội 6 lùi về phía sau một chút, lập chốt chặn con đường mới sinh dọc theo lạch suối cạn, gần Trung đoàn bộ, không cho tàn quân địch vòng sau vào trong núi. Tất nhiên trung đội thông tin chúng tôi phải triển khai dây máy ngay trong buổi tối. Tôi là dân Vô tuyến điện nên được anh Kiên giữ lại làm trưởng mạng, anh ấy cho nghỉ vì buổi chiều vì tôi vừa đi lùng sục cùng Trinh sát về. Tôi mở máy truyền lệnh cho các đại đội:
1- Các đơn vị khi bắt được tù binh, thu ngay vũ khí, nếu không bảo đảm an toàn thì cho hủy, không để địch sử dụng lại
2- Tù binh các đơn vị đưa thẳng về trạm trung chuyển chân núi của Trung đoàn, chú ý an toàn cho người dẫn giải tù binh.
3- Hướng dẫn nhân dân ra đường 7, ngoài đó gần sông, có nước có nhiều lương thực, chờ người hướng dẫn quay lại Cao nguyên.
Khu vực tiểu đoàn bộ còn khoảng vài chục tù binh, một số là sĩ quan, một số bị thương nên chiều chưa giao được về phía sau. Cẩn thận, Ban chỉ huy tiểu đoàn cho di chuyển số này về phía sau, cắt cử người canh gác cẩn thận. Suốt đêm không ai ngủ, đây đó vẫn đì đoành, không yên tâm, dù tâm trạng lính đang phấn khích. Đánh địch thế này dễ quá, như phim ảnh vậy.
Có mấy chuyện vui, nhóm tù binh liên tục tăng. Lý do rất đơn giản, trong đêm số lính bị lạc họ tự tìm đến chỗ lính đã bị bắt, họ tự nguyện nộp vũ khí và xin làm tù binh. Quân lực cũng chán, chả thèm ghi tên tuổi cấp bậc, số lính của bọn này nữa, chỉ mong sao trời sáng đưa về phía sau cho rảnh nợ. Cán bộ nói đùa, nhiều tù binh quá chả biết tính thành tích cho ai nữa, chắc phải chia bình quân cho mọi người, ai cũng có phần cả .
Cầu được, ước thấy, sáng hôm sau, tôi được cử cùng 1 tổ trinh sát áp giải số tù binh về phía sau. Chúng tôi cho họ mang theo nước, lương thực, họ tự trói nhau lại thành một hàng, cả bọn đi rất trật tự… Ngoái lại phía sau, một hàng dài người nhà, hóa ra đây là người nhà tù binh, từ đêm qua họ vẫn lẩn quất quanh đây. Chúng tôi giải thích thế nào họ cũng không nghe, họ bảo bao giờ vào trại họ mới yên tâm quay về Cao Nguyên. Sau khi giao tù binh cho Sư đoàn thì thấy mấy tốp người hớn hở, thì ra sau khi phân loại, chỉ giữ sĩ quan … trưng dụng luôn lái xe phục vụ quân ta nếu tự nguyện. Số vừa gặp chính là số lái xe vừa được Sư đoàn chọn lựa. Thấy bảo, xe cơ giới đầy đường số 7. Chuyện thứ hai, trong số tù binh có một thằng rất trẻ, chỉ khoảng 18 là cùng. Từ lúc bị bắt cứ thút thít khóc. Nó bảo, từ hôm qua tới giờ, chỉ có chúng tôi chấp nhận nó là tù binh, chỗ khác toàn bị bộ đội giải phóng đuổi, không cho làm tù binh. Mà không được làm tù binh chỉ còn nước chết, không biết đường, không nước uống, không lương thực. Mà nó người Nha Trang, quay về cao nguyên nó biết bấu vúi vào đâu. Nghe nó khóc suốt ruột quá. Về sau, năm 1979, tôi trở lại công tác Nha trang, mặc dù biết là gần như không thể, nhưng mỗi lần ra thành phố chơi, tôi cứ như gặp lại cậu ta. Tôi hi vọng rằng cậu ta còn sống, vì lúc đó cậu chỉ là tân binh…
Cả ngày hôm đó, các đơn vị liên tục đánh nhỏ lẻ, chủ yếu chặn địch không cho đột qua trận địa chạy về hướng đông. Đến chiều 19, các đơn vị không còn người để bắt và dẫn giải tù binh nữa, lại lệnh, chỉ thu vũ khí rối hướng dẫn tù binh cứ theo đường mòn mà tự quay lại các khu tập trung trung chuyển tù binh. Tôi nghĩ, có lẽ trong chiến tranh, không trận nào quân ta bắt được nghiều tù binh và bắt dễ như thế.
Còn trên thị xã Cheo Reo, từ chiều ngày 18 tháng 3, phát hiện dấu hiệu địch trong thị xã bỏ cả xe, pháo bung ra rừng tháo chạy; Sư đoàn lệnh cho trung đoàn 48 đánh thẳng vào khu sân bay, trại Ngô Quyền; sau đó vây rồi lần lượt đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã. Lực lượng địch tuy hỗn loạn, hoang mang nhưng rất đông. Đêm ập xuống, thị xã hoàn toàn mất điện. Liên lạc giữa các mũi, hướng, giữa cấp trên và cấp dưới chỉ thực hiện được bằng vô tuyến điện. Trong đêm, các phân đội vừa đánh, vừa bắt tù binh, vừa trinh sát nắm địch, lần từng bước vào khu trung tâm. Trung đoàn 48 bắt được số tù binh gấp nhiều lần quân số của mình; tới mức không còn lực lượng để đưa tù binh về phía sau, phải tạm trói và nhốt chúng trong các khu nhà, chờ sáng sẽ giải quyết.
Đến nửa đêm, do tình hình ngày một phức tạp, bắt liên lạc trong đêm ngày một khó khăn; sư đoàn lệnh cho trung đoàn 48 tạm dừng củng cố để ngày mai tiếp tục đánh. Đó cũng là lúc các chiến sĩ ta đã làm chủ hoàn toàn những khu vực chính của thị xã.
Bây giờ mới hiểu lý do tại sao quân địch điên cuồng bung ra tìm đường thoát thân. Tàn quân địch tản ra khắp núi, khắp rừng. Suốt ngày, các chiến sĩ trung đoàn 48 tiếp tục truy quét, lôi ra từng dây các loại lính chính quy, lính địa phương của Quân đoàn 2 ngụy.
Đêm 19 tháng 3, Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn nhận định: ta đã cơ bản tiêu diệt quân ngụy tháo chạy co cụm ở Thị xã Cheo Reo Phú Bổn. Tuy vậy, còn một bộ phận khá lớn bộ binh, cơ giới địch tháo chạy trước do ta ra cắt đường không kịp. Hành động tiếp theo của Sư đoàn là dùng trung đoàn 64 và lực lượng thiết giáp tăng cường nhanh chóng vượt lên tổ chức tiến công chặn địch lại. Nếu chúng co cụm chống cự thì bao vây chặt, tích cực tiêu hao địch chờ lực lượng cơ động của sư đoàn đến cùng tiến công tiêu diệt. Sư đoàn chỉ để lại trung đoàn 95B tăng cường ở lại Cheo Reo thu dọn chiến trường, giải quyết hậu quả, còn trung đoàn 48 và trung đoàn 9 phải lập tức cơ động ngay sau trung đoàn 64 để kịp thời phối hợp hành động.
Trong thời gian đó, một bộ phận địch đã vượt qua Cheo Reo (do ta không kịp cắt đường), nhưng bị bộ đội địa phương đánh chặn, đã dừng lại, hình thành thế co cụm lớn ở Củng Sơn. Chúng đưa lực lượng về phía Tây và dùng phi pháo ngăn chặn ta. Sư đoàn nhận địch: địch có thể còn tháo chạy tiếp hoặc có thể co cụm phòng ngự ở Củng Sơn. Đêm nay có khi hành quân đuổi địch tiếp rồi…
(CPG, cựu binh d8/e64/fBB320, ngày 19/3/2015)
Sau những trận đánh ác liệt chặn Quân đoàn 2, Quân khu 2 VNCH ở thị xã và xung quanh thị xã Cheo Reo, theo đường số 7 về Phú Yên, đơn vị tôi truy kích theo đoàn xe tăng, xe cơ giới đã vượt được qua đèo Tu-Na khi E64 chưa kịp chặn lại. Số này cứ theo đường số 7 chạy thoát thân, náo loạn, kinh hoàng. Thật không may cho chúng, hôm trước, cầu phao qua sông Ba do công binh VNCH lắp bị hỏng, cả đoàn xe quân sự, dân sự hàng ngàn chiếc ùn ứ lại bên này sông. Cảnh tượng này chắc mọi người đã thấy nhiều trên các phương tiện đại chúng và các trang mạng – Chỉ có thể tóm tắt, vô cùng khủng khiếp!.
Lực lượng quân sự VNCH co cụm lại tại thị trấn Củng Sơn, vì ở đó vẫn còn Chi khu quân sự. Sau khi giải quyết xong Cheo Reo, cả trung đoàn 64 chúng tôi leo lên xe ô tô, cả ZIL lẫn GMC chiến lợi phẩm cùng trung đoàn 273 xe tăng truy kích dọc theo đường 7. Đêm 21/3 , ta đuổi kịp, trinh sát đụng địch ở phía tây thị trấn Củng Sơn. Nhưng thay vì đánh thẳng vào thị trấn, trung đoàn 64 được lệnh vòng qua thị trấn, chặn địch ở phía đông thị trấn, nhường nhiệm vụ đột phá vào thị trấn cho trung đoàn 48 và lữ đoàn xe tăng 273 đang đi sau…
Cả một đoạn từ Củng Sơn đến Cầu phao là một quang cảnh hỗn loạn, cả vạn người chen chúc, nhồi nhét…ta càng ngày càng áp sát trong khi đối phương tìm đường vượt sông Ba về Tuy Hòa, Phú Yên. Tiểu đoàn 8 tôi có nhiệm vụ chặn địch phía nam thị trấn, cùng E48, lữ 273 tiêu diệt gọn toàn bộ tàn quân và lực lượng đồn trú trong thị trấn. Cái khó ở đây là hầu như ta không nắm được tình hình địch. Đánh nhau mà trinh sát không nắm được địch chẳng khác gì đấm vào bị bông. Chi khu quân sự Củng sơn là quân lỵ của Quận Sơn Hòa, là vùng trắng, hầu như không có hoạt động của cách mạng suốt những năm chiến tranh nên rất khó cho Sư 320 tổ chức hoạt động ở vùng này. Rạng sáng ngày 24, cả tiểu đoàn áp sát đường 7 phía đông nam thị trấn. Đoạn đường này nằm song song với sông Ba. Mùa này nước sông cạn, nhưng chảy xiết và hai bờ cao, xe cơ giới không thể qua sông nếu không có cầu.
Vào đến vị trí chiến đấu, bọn tôi bắt đầu đào công sự. SCH đặt trên một vùng đất phẳng, có cây lúp xúp che phủ. Đất cứng quá, không đào nổi công sự, mọi người đành chọn chỗ trũng, rồi vác đá xếp xung quanh trú tạm, có hơn không.
Độ 8 giờ sáng, trinh sát báo về có 1 đoàn xe cơ giới trong đó có khoảng 2 chục chiếc M48 đang đi vào trận địa. Trên trời, mấy chiếc trực thăng quân thảo, bắn rốc két xuống nơi nghi ngờ quân ta mai phục. Rất may là khu vực chúng tôi phục kích tương đối gần thị trấn nên chúng chủ quan không ngờ trận địa phục kích của ta gần đến thế chăng?
Lệnh nổ súng! Bắt đầu là từng loạt B41, ĐKZ khai hỏa, vài chiếc đi đầu bốc cháy, nhưng chúng bắn lại rát quá, cứ đạn 12,8ly, pháo tăng soèn xoẹt trên đầu, cành cây rơi lả tả, bọn tôi chỉ biết chúi mũi xuống để hạn chế thương vong. Cả một vùng nóng bỏng, hỏa lực hai bên thỏa sức bắn nhau, như một chảo ngô rang khổng lồ. Khoảng hơn một giờ sau, địch tạm lui.
Thông tin tiểu đoàn trên hướng đại đội 6 đã có thương vong. Anh Thuyết trung đội trưởng quay sang bảo tôi và thằng Huyền ( Hà Bắc ): “Hai cậu xuống c6 thay, cứ hướng súng nổ mà tìm, tớ trực tiếp làm trưởng mạng”. Nhận lệnh, tôi mang máy PRC-25, Huyền vác súng chạy sau bảo vệ. Cứ hướng súng nổ mà bò, rồi cũng tìm được c6 thì đúng lúc đại đội trưởng đã vượt qua đường sang phía bờ sông. Tôi và Huyền quyết định vượt đường. Vừa qua đường, hỏa lực xe tăng tập trung nã vào vị trí chúng tôi vừa vượt qua, chắc lũ xe tăng phát hiện thấy bọn tôi chăng? Ui chao, chưa bao giờ thấy kinh hoàng đến thế, hàng chục khẩu 12,8 ly kèm pháo tăng bắn như đổ đạn về phía bọn tôi. Tôi và Huyền may tìm được một hố, trong lòng suối cạn chảy trên núi xuống, tôi lấy máy VTĐ đậy lên đầu, cốt nhất là giữ bằng được cái đầu, và bắt liên lạc về nhà. Nhờ giời, thông suốt ngay. Tôi truyền lệnh: “c6 phải bắn cháy xe đoạn cầu xi măng chỗ khúc cua để chặn cả đoàn xe”. Đại trưởng điều ngay tổ B41 lên phục. Ba bóng chiến sĩ vọt lên.
Lại một đợt phản kích mới, đoàn xe cố chọc thủng vòng vây, nhưng lại bị c6 hắt trở lại, hỏa lực của c6 bắn 2 quả B41, khói bụi mù mịt trùm cả lên chỗ bọn tôi đang nằm. Bỏ mẹ, lộ vị trí rồi. Tôi nhìn rõ mồn một, chiếc xe bọc thép đang loay hoay trên cầu trúng đạn, khóc đen bốc mù mịt, đạn trong xe nổ loạn xạ. Trúng rồi. Đoàn xe ùn ứ lại. Hoảng sợ, pháo tăng, 12,8 ly dữ dội hơn, chúng cố đẩy ta ra xa hơn, không cho ta áp sát.
Cảm thấy không yên, thằng Huyền hiến kế, hay là hai thằng mình bò sang gốc cây to, chỗ mấy thằng c6 lúc nãy. Vừa lúc đó thấy đại trưởng vẫy vẫy. Tôi ôm máy lăn, bò sang, chỉ vài chục mét mà thấy xa thế. Cuối cùng cũng đến nơi, tôi nằm cùng đại trưởng, hú hồn. Từ vị trí này, quan sát được cả trận địa trước mặt. Thằng Huyền bò sau, chui được vào một cái hố cạn đến ngang bụng, quá ổn rồi. Diệt cái tăng trên cầu xong, tổ hỏa lực B41 rút về phía sau, thằng Minh tấp vào chỗ thằng Huyền. Tôi còn nhớ rõ, nó vẫy tay, có lẽ ý bảo nó đã an toàn, tý nữa gặp nhau. Sau đó tôi chúi mặt vào làm việc, chuyển một bản điện về tiểu đoàn, không để ý gì, đạn vẫn réo réo trên đầu, cảm thấy như mỗi lúc một dày hơn. Có lẽ lũ xe tăng lo quân ta áp sát.
Lúc sau, tôi thấy đại đội trưởng quát lên điều gì đó, quay lại nhìn đã thấy thằng Huyền cùng 2 thằng lính c6 đang lôi một người tử sĩ xuống lòng khe cạn. Thằng Huyền nước mắt đầm đìa, chắc nó sợ quá. Một lát sau thằng Huyền bò lại chỗ tôi, quần áo, mặt mũi, hai tay đầy máu, còn nhõn đôi mắt. Huyền bảo, thằng đồng hương mày đang nằm cùng tao, chỉ thấy nó hơi nhỏm lên có một tí thôi, thì nghe hự một cái, ngã vật xuống, chết luôn, không dãy dụa tẹo nào. Tội nghiệp, một viên vào giữa trán nó. Bọn tao kéo nó xuống khe rồi. Quả thực lúc đó, tôi không còn bụng dạ, tinh thần gì nữa. Một cảm xúc là lạ, nghèn nghẹn, ùng ụng trong ngực. Tôi bật khóc. Nó nằm kia, cách tôi có vài mét …
Tiếng xe tăng đều đều, nghe như có vẻ mỗi lúc một xa, tiếng đạn 12,8 ly cũng như thưa dần. Tôi bò lùi về với liệt sĩ đồng hương, tội nghiệp, tôi ôm nó, cảm thấy xác nó như còn nóng nguyên. Vừa khóc, tôi vừa lần mò quần áo nó thì thấy quyển an-bum bằng bàn tay còn vương máu. Tôi lau hết máu, đây là cuốn an-bum mà ngoài bìa có ảnh cô gái đội mũ rộng vành, mắt nhấp nha nhấp nháy. Chắc là nó mới lấy được ở trận Cheo Reo. Mở vội ra, thấy nó đã kịp cho ảnh gia đình nó vào rồi, tôi còn thấy cả tấm hình bạn gái nó chụp nghiêng nghiêng, cười cười. Tôi cho quyển an-bum vào túi áo mà chả báo cáo với ai, định bụng nếu may mắn mà còn sống, tôi sẽ trả về gia đình nó, vì tôi bây giờ là người gần nó nhất, nên tôi tự cho mình có cái quyền đấy. (Quyển an-bum này, sau giải phóng, 8/75, tôi đã đưa trực tiếp cho gia đình Minh. Tội nghiệp, hôm đến nhà tôi, mẹ nó và anh trai nó khóc và tôi đều khóc, mẹ tôi khóc, rồi cả nhà tôi khóc theo. Chả là, gia đình nó chưa nhận giấy báo tử, nhưng tin đồn đã lan về nhà từ ngay sau ngày giải phóng. Cuốn an-bum là bằng chứng xác nhận tin đồn kia là thực).
Tôi nhận điện và truyền lệnh của trung đoàn: “địch đã bỏ tăng, vượt sông Ba bỏ chạy rồi. Tiểu đoàn 8 nhanh chóng làm chủ chiến trường”. Chúng tôi dò dẫm, thận trọng tiến lên thì thấy 1 bãi xe M48, M113, Xe Zép… ngổn ngang, máy trên các xe vẫn nổ, khói đen mù mịt. Hóa ra địch bỏ chạy nhưng vẫn nổ máy để nghi binh. Trận này chúng tôi thu hơn hai chục xe, cơ bản là tăng M48 hiện đại, còn mới nguyên. Số tăng này bàn giao cho lữ tăng 273, theo quân đoàn vào giải phóng Sài Gòn. Như một điều định mệnh, ngày 29/4, đoàn xe tăng của c9 trung đoàn tăng 273 mà tôi gặp ở Hóc Môn chính là những cái tăng này.
Thưa các bạn, trong chiến tranh có nhiều kiểu hi sinh: bị vùi lấp, bị pháo kích, bị vướng mìn, bị sốt rét, cả trăm kiểu… nhưng oanh liệt nhất là chết vì đạn thẳng. Chết vì đạn thẳng là hi sinh trong trực tiếp chiến đấu, mặt đối mặt. Thằng Minh, bạn tôi, hi sinh theo kiểu kiêu hùng ấy.
Cùng hy sinh với thằng Minh trong trận này, tiểu đoàn tôi còn mất hơn chục liệt sĩ nữa . Đau nhất là đã bắt đầu có liệt sĩ 74 Phú Thọ. Có nghĩa là bọn tân binh đi bộ đội 74, vừa bổ sung vào đơn vị, đi chiến dịch và trận này gần như là trận đầu tiên. Cái chết càng gần ngày thắng lợi càng đau. Trận này, đơn vị tôi thắng lớn lắm, nhưng cái giá phải trả không hề nhỏ, trong đó có bạn tôi.
Tàn quân địch ùn lại sau khi cầu trên sông Ba bị ta phá