ĐÁNH CHIẾM SỞ CHỈ HUY SƯ ĐOÀN 23 NGỤY Ở THỊ XÃ BUÔN MA THUỘT NGÀY 10 VÀ 11/3/1975

ĐÁNH CHIẾM SỞ CHỈ HUY SƯ ĐOÀN 23 NGỤY
 Ở THỊ XÃ BUÔN MA THUỘT NGÀY 10 VÀ 11/3/1975 .

                                                    GHI CHÉP CỦA NGUYỄN ĐÌNH THI
                                                                     Trung Đoàn 24 - Sư Đoàn 10

16 giờ ngày 9/3/1975 , tại Đắc Đam cách Buôn Ma Thuột gần 30 km , tiểu đoàn 4 chúng tôi được lệnh hành quân vào đánh Buôn Ma Thuột .
Chiều cuối ngày, rừng cánh Nam thật là đẹp, thật là huyền diệu. Những tia nắng chiều nhạt nhẹ chiếu qua kẽ lá của cánh rừng thưa thật lung linh .Tôi có cảm giác mình như một du khách đang lạc vào thế giới huyền ảo của đất rừng Nam Tây Nguyên, hoàn toàn không có cảm giác mình đang hành quân ra trận.
Đi chừng 4 đến 5km thì bắt gặp những vết xe kéo gỗ, vết bánh xe to đùng, sâu thành rãnh. Nhiều chỗ vết xe còn rất mới. Chúng tôi được quán triệt là trên đường hành quân đêm nay, gặp bất cứ ai đều phải giữ lại để đảm bảo bí mật, không vòng tránh như những lần vào trinh sát trước để đảm bảo thời gian đến mục tiêu.
Tầm 5h chiều, trinh sát gặp một xe khai thác gỗ, trên xe có 3 người, lập tức cả người và xe đều được giữ lại. Họ ngơ ngác khi thấy rất nhiều bộ đội hành quân. Đi chừng gần chục km thì trời tối, tối ở rừng đen đặc quánh, lơ là không bám sát nhau là bị lạc ngay. May là từ trước, mỗi người đều được chuẩn bị một miếng lân tinh phát sáng đeo ở sau ba lô để người sau nhìn, bám theo.
Tầm 10 giờ đêm thì tiểu đoàn đã đi hết các cánh rừng nguyên sinh, giờ đây là các nương rẫy cà phê . Cà phê bạt ngàn. Lúc này đang tháng 3, đúng mùa hoa cà phê nở, hương hoa cà phê thật dễ chịu, thoang thoảng, trong lành. Trời tối nhưng tôi vẫn nhận ra những chùm hoa cà phê chĩu chịt, trắng muốt.
Càng vào gần Buôn Ma Thuột càng thấy nhiều ánh đèn le lói xa xa. Chắc đó là các bản của đồng bào dân tộc, đâu đó thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng chó sủa. Mỗi lần đến gần bản, lại phải vòng tránh vì nghe đâu bọn địch đánh hơi có khả năng ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột, nên chúng tung lực lượng trinh sát ra nằm ở các làng bản để dò la tin tức.
12 giờ đêm, đại đội tôi lúc này chỉ còn cách cửa mở chừng hơn 1km. Ánh đèn pha từ khu kho Mai Hắc Đế và khu quân sự của địch ở trong thị xã chiếu ra chói lòa, rất khó cho việc hành quân, không tập trung là lạc ngay, bộ đội phải dùng tay che trước mặt rồi bám vào ba lô của nhau mới đi được. Cũng may khoảng 1 giờ sáng ngày 10/3/1975 cả đại đội tôi đã vào vị trí tập kết suôn sẻ.
Khu tập kết của đại đội 2 chúng tôi nằm ở phía Tây Khu gia binh, cách kho Mai Hắc Đế chừng 300m. Đây là khu đồi thoai thoải, dân trồng bắp, đã thu hoạch xong, lác đác còn lại những khóm chuối. Từ đây tới hàng rào địch chỉ chừng 60 đến 70m .
Bố trí cho bộ đội vào vị trí đào hầm xong, anh Chuyển - Đại đội trưởng dẫn cán bộ các trung đội lên sát hàng rào quan sát lại để chuẩn bị đặt bộc phá mở cửa ( anh Lê Xuân Chuyển sau này là Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu - quân hàm Thiếu tướng ) . Tôi không đi trinh sát cùng các anh những lần trước , nhưng nghe anh Chuyển đại đội trưởng và anh Lập – Trung đội trưởng trung đội 1 nói: Địch đã rào thêm 2 hàng rào. Trước đây là 6, giờ là 8.
Vừa ở khu vực cửa mở về gần tới nơi tiểu đội 5 đang đào hầm thì đại liên địch ở khu gia binh bắn ra rào rào, những đường đạn đỏ nối đuôi nhau, chúi chúi. Rất may đạn đều vượt qua đầu chúng tôi. Tôi đoán nó bắn mò thôi chứ chẳng phải nó biết mình ở đây đâu! Đúng vậy, một lúc đã thấy tiếng súng im. Mặc kệ nó, chúng tôi ai nấy đều tập trung lo cho việc đào hầm. Thật không may chỗ tôi, Thanh và Mùi đào hầm gặp phải chỗ có nhiều đá. Loay hoay mãi mới đào chừng được 50cm , đành nghĩ cách cắt thân cây chuối ghép xung quanh rồi đổ đất mà ngồi vẫn trơ cả đầu. Đang đào hầm thì anh Bịn (Bùi Văn Bịn) tiểu đoàn phó đến. Anh Bịn người dân tộc ở một huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa – huyện Bá Thước. Anh có đặc tính rất dễ gần, văn hóa mới lớp 3 hay 4 gì đó nhưng đánh nhau thì cực lỳ . Anh đánh nhiều trận và bị thương cũng nhiều lần, có lần vết thương chưa lành hẳn đã đòi về đơn vị chiến đấu.
Sau giải phóng năm 1975, anh được Đảng, Nhà nước, Quân đội tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Chưa kịp vào hầm, vẫn còn đứng ngoài nói chuyện với anh Bịn, bỗng thấy tiếng động cơ ầm ầm trên đầu, chưa hiểu cái gì, hóa ra chiếc trực thăng của địch bay tuần tra đêm, đạn bắn ra pằng pằng, nghe rất ghê. Do nó bay thấp nên Tân Khải Thanh – Tiểu đội phó tiểu đội 5 (Thanh con nhà văn Sao Mai – Quê gốc Nam Định cùng gia đình lên huyện miền núi Thanh Sơn – Phú Thọ xây dựng kinh tế mới) vác AK ra định bắn. Thấy vậy anh Bịn gạt súng ra, quát:
- Định chết à!
Biết sai, Thanh không phản ứng gì, cất súng vào một góc hầm.
Ngồi trong hầm chờ giờ nổ súng thấy suốt ruột vô cùng. Đang miên man với những suy nghĩ mông lung thì bỗng từ phía sau, xa xa, thấy sáng cả một góc trời, tiếp theo là những tiếng nổ liên hồi.
- Nổ súng rồi! Nổ súng rồi ! Hoan hô pháo binh !
Tất cả mấy anh em tôi nhoài ra cả ngoài hầm, ai cũng phấn chấn nhưng không dám hò reo.Lúc đó tầm 2h sáng ngày 10/3/1975.
Vào chiến trường từ cuối năm 1971 nhưng đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp chứng kiến cảnh pháo binh mình bắn dữ dội đến vậy. Do trời tối, lại ở ngay rìa thị xã nên tôi nhìn rất rõ các đường đạn đỏ lừ của hỏa tiễn H12 , DKB , của pháo 130 ly và 155 ly cứ tới tấp, tới tấp nã vào thị xã.
Chừng dăm phút, sau loạt đạn đầu tiên của pháo binh ta. Cả thành phố Ban Mê Thuột lúc nãy điện còn sáng lòa, giờ tắt ngấm. Đầu tiên là tiếng chuông nhà thờ đổ liên hồi, rồi tiếng tù và, tiếng mõ, cả tiếng gọi nhau í ới. Từng đoàn xe ô tô bật đèn pha, bóp còi inh ỏi chạy từ thị xã ra phía ngoài, cả tiếng gầm của xe bọc thép. Cảnh tượng thật hỗn loạn. Ở khu thiết giáp và khu pháo binh phía bắc thị xã còn bùng lên một đám cháy lớn do kho xăng ở đây trúng đạn.
6 giờ sáng ngày 10/3, nếu như ở vùng miền khác thì trời đã sáng rõ, còn 6h sáng hôm nay ở đây trời vẫn còn rất mù, có lẽ là do hơi nước ở các khe dưới chân đồi bốc lên. Nhìn vào trong thị xã nhà cửa vẫn mờ mờ, ảo ảo.
7 giờ, quan sát đã nhìn thấy rõ nhà cửa phía trong thị xã, từ vị trí hầm, nhìn về phía sau chừng 150m, tôi thấy rõ 2 chiếc xe tăng T54 của đại đội 9 – lữ đoàn xe tăng 273 đi cùng tiểu đoàn đã ngạo nghễ đúng trên khu đồi nương của đồng bào. Sẵn sàng bắn hỗ trợ cho đại đội tôi mở cửa. Rất may cả 8 xe tăng ,6 xe K63 đi cùng tiểu đoàn 4 chúng tôi đều vào tới vị trí tập kết đúng thời gian. Duy chỉ có 1 xe tăng vào gần vị trí tập kết thì bị sa lầy mãi mới kéo lên được .
7 giờ sáng, pháo binh ta lại bắn cấp tập vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 và các mục tiêu trong thị xã. Thị xã Buôn Ma Thuột lúc này chìm một màu khói đạn. Đội hình tiểu đoàn 4 cùng xe tăng, xe bọc thép lúc này đã nằm phơi trên các đồi nương của đồng bào, chỉ cách kho Mai Hắc Đế và cửa mở chừng 300-400m . Trung đoàn phó Việt điện về Sở chỉ huy xin được nổ súng nhưng cấp trên chưa đồng ý -Lý do là một số hướng tấn công của đơn vị bạn vẫn chưa đến được vị trí tập kết.
7 giờ 15, Buôn Ma Thuột lúc này đã có nắng. Dưới ánh nắng mặt trời đội hình tiểu đoàn 4 càng lộ rõ. Lo sợ nhất lúc này là máy bay địch phát hiện được quan ta đến ném bom. Trung đoàn phó Việt kể lại: Lần thứ hai đề nghị sau chừng 10 phút thì Sở chỉ huy Sư đoàn đồng ý. Lúc đó khoảng 7 giờ 30 phút ngày 10 tháng 03 năm 1975.
Trong trận đánh hôm nay, tiểu đoàn 4 – Trung đoàn 24 – Sư đoàn 10 chúng tôi được giao nhiệm vụ rất quan trọng : là mũi tấn công thọc sâu chủ yếu đánh vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 Nguỵ . Đây là mục tiêu quan trọng nhất của địch ở thị xã Buôn Ma Thuôt , đánh theo chiến thuật “nở hoa”, lướt qua vị trí vòng ngoài của lực lượng bảo an , dân vệ , đánh thẳng vào trung tâm đầu não chỉ huy của địch , làm cho địch mất chỉ huy, gây hoang mang, rối loạn tạo thuận lợi cho các cánh quân khác tấn công Thị xã .
7 giờ 20 , ở hướng cửa mở của tiểu đoàn 4, xe tăng báo cáo vẫn chưa nhìn rõ được khu vực mở cửa, đề nghị tiểu đoàn cho người cắm cờ ở đó để dễ quan sát. Tiểu đoàn trưởng Trương Quang Oánh chỉ thị cho đại đội 2 là bằng mọi cách phải cắm được cờ ở khu vực cửa mở . Lê Xuân Chuyển cùng Đặng Đức Lập – Trung đội trưởng Trung đội 1 dẫn Kiều Hải Âu bò dưới làn đạn địch lên khu vực mở cửa cắm cờ . Xác định chuẩn vị trí , Lê Xuân chuyển điện về cho tiểu đoàn trưởng Trương Quang Oánh.
- Báo cáo tiểu đoàn trưởng. Tôi đang ở cửa mở. Đã cắm cờ. Xe tăng nhìn thấy chưa?
- Vẫn chưa nhìn thấy ! Xe tăng báo cáo lại .
Có lẽ cán cờ thấp. Nghĩ vậy Lê Xuân Chuyển cùng Kiều Hải Âu lấy ngay một đoạn tre bộ đội ta mang đi lót hầm buộc lại với nhau. Cắm lại. Một lúc sau xe tăng điện :
- Đã nhìn thấy cờ ở khu vực mở cửa . Xin được nổ súng !
- Đồng ý. Trung đoàn phó Việt lệnh cho xe tăng bắn vào khu vực cửa mở.
Khu vực cửa mở của đại đội tôi 2 của tôi nằm ở phía Tây khu gia binh. Ở đây địch bố trí nhiều ụ hỏa lực, nguy hiểm nhất là cụm hỏa lực chúng bố trí trên tháp nước ở độ cao chừng 20m . Ở độ cao này chúng quan sát rất rõ khu cửa mở. Cách đây một tuần chúng còn tăng cường thêm 2 đại đội của tiểu đoàn 3 -Trung đoàn 53 . Ước quân số tại đây lên tới hơn 300 tên .
7 giờ 30, ngày 10/3/1975, 2 xe tăng T54 của đại đội 9 bắt đầu thi nhau nã đạn vào khu mở cửa. Đạn xe tăng bay ngay trên đầu chúng tôi, tiếng rít của đường đạn ở gần nghe ghê sợ làm sao, những cột khói cao ngút dựng lên ở khu cửa mở, những mảnh tôn ở các mái nhà trong khu gia binh bay loạn xạ.
Lợi dụng lúc xe tăng bắn. Trung đội trưởng trung đội 1 dẫn các chiến sỹ ôm bộc phá lao lên mở cửa. Kiều Hải Âu tiểu đội trưởng tiểu đội 1 – Quê Phú thọ lên đánh quả bộc phá đầu tiên, rồi đến Cường, đến Độ, đến Quang, đến Việt, đến Thiện, đến Hảo, đến Thuận. Còn 2 hàng rào nữa thì Trung đội 1 hết bộc phá. Trung đội 2 của tôi tiếp tục lao lên mở cửa. 8 giờ - Cửa mở thông. Từ phía sau tôi dẫn anh em Trung đội 2 vượt cửa mở. Sau một hồi choáng váng bởi hỏa lực xe tăng của ta , địch bắt đầu ngóc dậy chống trả, bắn xối xả về hướng cửa mở. Lúc này chúng đã phát hiện ra lá cờ của ta cắm ở đây. Anh Bùi Văn Bịn tiểu đoàn phó đi sau chúng tôi dính đạn bị thương. Hứa Kim Động – Tiểu đội phó tiểu đội 6 hy sinh ngay. Hà Văn Hướng , Lê Văn Khanh cùng gần chục anh em khác cũng bị thương ngay khu cửa mở .
Vượt qua cửa mở vào khu gia binh đầu tiên có tôi, Tân Khải Thanh, Nguyễn Văn Mùi và Hà Văn Chón. Tôi phát hiện ổ hỏa lực địch đặt trên tháp nước đang bắn như vãi đạn về khu cửa mở. Nép vào góc tường nhà, giương AK tôi nã liền tới 3 băng lên bọn địch ở tháp nước. Nhìn xuống thấy nòng súng của mình đỏ như thép lò rèn. Do đây là lần đầu tiên chiến đấu nên tôi không hiểu nòng súng sao lại đỏ nhanh như vậy. Sau này mới biết do mình bắn liên hồi nhiều quá. May quá, có một phi nước to đặt ngay đầu hồi nhà, tôi dí cả nòng súng vào phi nước, nước xôi xèo xèo, bốc khói. Thấy ổ đại liên trên tháp nước im bặt. Tôi dẫn mấy anh em của tiểu đội 5 định vượt đường nhựa, đánh sang khu vực phía bên kia đường. Nhưng khổ nỗi lại vướng hàng rào bùng nhùng của địch ở rìa đường. Tân Khải Thanh đi cùng tôi lúc này vẫn còn 1 quả bộc phá 5kg. Tôi bảo Thanh
- Em lên đánh hàng rào! Anh bắn chi viện !
Thanh lao lên – Bộc phá nổ, hàng rào tan tành. Lúc này Trung đội 2 của tôi, Trung đội 3 của anh Nhung (Anh Nhung quê Thái Bình) đã vào trong được khá đông . Chúng tôi liền tổ chức đánh sang phía bên kia đường. Địch vẫn chống trả quyết liệt, đạn M79 tới tấp rơi vào khu vực trung đội 2 và 3. Nhiều đồng chí bị thương, anh Nguyễn Văn Thiện – Đại đội phó đi cùng trung đội 3 bị mảnh đạn vào đầu máu chảy đầm đìa ở mặt , Nguyễn Văn Thếnh bị thương . Tôi và Chón – Chiến sĩ B41 lúc này đang nấp sau một hố xí do dân dựng bằng tôn ở giữa một khu bãi trống. Từ sáng đền giờ Chón luôn đi cùng tôi . Chón quê Thanh Sơn - Phú Thọ , năm nay Chón mới 19 tuổi, trắng trẻo, đẹp trai, da hồng như trứng gà bóc. Khói bom đạn từ sáng đến giờ làm khuôn mặt trắng hồng của Chón khi trước không còn nhận ra nữa. Linh tính thế nào Chón bảo tôi :
- Anh Thi ơi! Mình lùi xuống phía sau đi !
Phía sau tôi và Chón chừng 6m là bờ ruộng bậc thang, nấp ở đây an toàn hơn . Vừa lùi về phía sau nấp, bỗng một quả đạn pháo địch nổ đúng chỗ hố xí nơi tôi và Chón nấp lúc trước , mảnh tôn rơi loảng choảng. Khói trùm kín cả cái hố xí. Lúc trước thấy tôi và Chón nấp ở đó mọi người đều nghĩ tôi và Chón đã hy sinh. May mà ông, bà, tổ tiên phù hộ tôi và Chón thoát chết.
Địch lúc này như đang lấn át chúng tôi, chúng bắn rất dữ dội, đạn nổ khắp nơi. Trung đội tôi và trung đội 3 dựa vào các góc tường nhà bắn trả. Đang bắn nhau với địch bỗng tôi thấy tiếng động cơ ầm ầm. Nhìn ra hướng cửa mở thấy xe tăng, xe K63 chở đại đội 1 lao vào. Đại đội 1 được giao là đơn vị chủ công của tiểu đoàn, có nhiệm vụ cùng xe tăng, xe bọc thép đột kích thẳng vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23. Thấy xe tăng, xe bọc thép của ta vào, tiếng súng địch ở phía chúng tôi thưa hẳn. Trung đội 2 và trung đội 3 mở rộng khu vực tấn công, chiếm xong toàn bộ khu gia binh. Từ trên cao khu gia binh nhìn xuống vườn chuối phía dưới, địch chạy nháo nhác từng tốp, từng tốp cứ thế chúng tôi nã đạn, nhiều tên đổ gục, kêu ông ổng.
Lúc 13 giờ ngày 10/3/1975, ở hướng trung đội 2 đang chốt giữ xảy ra một tình huống hú hồn. Tự nhiên thấy đạn pháo, rồi đạn thẳng tới tấp nã vào khu vực chúng tôi. Quan sát kỹ hướng đường đạn. Tôi và Thanh phát hiện có xe tăng từ hướng Tây Nam tới. Đi cùng tôi lúc này vẫn có Thanh, Chón và Mùi nhưng chỉ có một khẩu B41 của Chón cùng hai quả đạn. Tôi bố trí vị trí chiến đấu cho 3 anh em và dặn:
- Chờ chúng tới gần mới nổ súng. Anh tới Sở chỉ huy xin thêm hỏa lực rồi quay lại ngay !
Nói rồi tôi cắm đầu chạy. Sở chỉ huy Trung đoàn và Tiểu đoàn ở liền kề nhau, cách chỗ chúng tôi chừng 150m, đến nơi thấy Trung đoàn phó Việt, chủ nhiệm chính trị Trung đoàn Nguyễn Đức Đóa và một đồng chí nữa, lúc đó tôi không biết là ai. Sau này tôi được biết đó là đồng chí Trần Đệ - Tiểu đoàn phó tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp của Trung đoàn xe tăng 273 đi cùng Sở chỉ huy Trung đoàn để phối hợp tác chiến đang ngồi cả trên mặt đất giữa hai nhà cấp 4 của khu gia binh chỉ huy chiến đấu.
- Báo cáo Trung đoàn phó, hướng chúng tôi ở Phía Tây Nam có xe tăng địch đang tiến tới. Hỏa lực ở đây chỉ có 1B41 và 2 quả đạn. Xin được tăng cường thêm hỏa lực !
Báo cáo xong tôi chạy về ngay. Về đến nơi tôi thấy đạn các loại bắn vào chỗ chúng tôi vẫn rất rát. Khẩu B41 do Mùi điều khiển vẫn chĩa về hướng xe tăng, chờ tới gần.
May sao lúc đó Tân Khải Thanh lại phát hiện trên xe tăng có cờ sao vàng nửa đỏ, nửa xanh nên bảo Mùi dừng không bắn.
Hú vía! Nếu không nhận ra lá cờ đó trên xe thì chiếc xe tăng hôm đó đã ăn trọn quả đạn B41 của Mùi. Hỏi ra thì biết đó là xe tăng của Trung đoàn 174 – Sư đoàn 316 đánh từ hướng Tây Nam lên nhưng lạc , không biết khu vực này chúng tôi đã chiếm.
Trở lại trận đánh của tiểu đoàn. Sau khi đại đội 2 chiếm được khu gia binh. Đại đội 1 và đại đội 3 cùng xe tăng, xe bọc thép vượt qua đại đội 2 đánh phát triển vào trong . Địch phát hiện hướng tấn công của tiểu đoàn gọi máy bay đến ném bom ngăn chặn , nhiều cán bộ , chiến sỹ của tiểu đoàn đã dính bom của địch . Pháo cao xạ 37 ly đi sau đội hình tấn công của Tiểu đoàn lập tức đánh trả quyết liệt máy bay địch , làm cho chúng không dám xà xuống thấp cắt bom . Từ khu gia binh vào tới Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 Nguỵ dài chừng 1km, hai bên đường đều là khu quân sự, không có nhà dân. Lô cốt, hầm hào được chúng dựng lên khắp nơi, cách bố trí kiểu nhiều lớp, nhiều tầng. Cách đây 1 tuần chúng tăng cường thêm cho khu vực này tiểu đoàn 3 – Trung đoàn 53 . Càng phát triển vào trong thì đội hình chiến đấu của tiểu đoàn càng gặp bất lợi. Chỉ có một con đường duy nhất là đường 429 tới Bộ tư lệnh Sư đoàn 23. Đường rộng chừng 7 đến 8m, được trải nhựa. Nếu cứ tổ chức tấn công hành tiến như lúc đầu sẽ không phù hợp. Trung đoàn phó Việt yêu cầu các đại đội phân chia thành từng phân đội, len lỏi theo các dãy nhà tổ chức tấn công. Xe tăng, xe thiết giáp bắn hỗ trợ từ phía sau. Lúc 10 giờ xuất hiện 2 xe bọc thép M113 của địch từ phía Bắc khu vận tải ra chặn, đại đội 2 liền tổ chức một bộ phận cùng xe tăng truy kích. Hoảng sợ xe M113 bỏ chạy về cánh rừng cà phê phía Bắc, nhưng một chiếc đã bị xe tăng ta bắn cháy, chiếc còn lại chạy thoát.
Tầm 11 giờ 30 , đại đội 3 đã tiến sát khu truyền tin. Trận chiến giữa đại đội 1, đại đội 3 ở khu truyền tin rất quyết liệt. Địch ở các lô cốt và các căn nhà bắn xối xả không cho quân ta tiến lên. Phát hiện khu nhà này có dàn ăng ten lớn, có cột cờ cao. Nghĩ đây là khu Sở chỉ huy Sư đoàn 23, nên cả C1 và C3 càng nỗ lực quyết tâm đánh chiếm. Tiểu đội 9 của đại đội 3 được giao nhiệm vụ lên cắm cờ ở đây. Nhưng tiếc thay cả tiểu đội trường Bùi Đức Chín, cả Nghĩa, cả Chính , cả Lai đều ngã xuống dưới chân cột cờ.
Mãi tới 14 giờ, đại đội 3 mới chiếm được khu truyền tin. Nghĩ là đã chiếm được Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 nên đại đội 3 đã phấn khởi báo tin về Sở chỉ huy Trung đoàn. Sở chỉ huy Trung đoàn cũng báo tin này lên Sở chỉ huy mặt trận. Đến tối qua điện đài kỹ thuật. Bộ tư lệnh Chiến dịch phát hiện: Tiểu đoàn 4 nhầm vì Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 địch vẫn đang chỉ huy chiến đấu trong thị xã.
Suốt từ 8 giờ đến 17 giờ ngày 10/3/1975 , tiểu đoàn 4 vẫn chưa đột phá được vào phía trong Bộ tư lệnh Sư đoàn 23. Mới chỉ chiếm được khu gia binh, khu truyền tin, khu quân y. Nhưng đã áp sát Bộ tư lệnh Sư đoàn 23, khoảng cách lúc này chỉ còn chừng 400m.
17h30 ngày 10/03/1975. Sở chỉ huy Sư đoàn quyết định cho tiểu đoàn 4 dừng tấn công.
Đề phòng địch phản kích, trong đêm 10/3, xe tăng, xe bọc thép được đưa lên phía trước bố trí xen kẽ cùng bộ binh ở các công sự nửa chìm, nửa nổi.
Đêm 10/03 , Bộ chỉ huy Chiến dịch cử Tham mưu phó Chiến dịch - Lê Minh xuống Sở Chỉ huy Trung đoàn ở khu gia binh nắm lại tình hình , bàn phương án tác chiến tiếp theo . Trong đêm , Trung đoàn phó Việt tổ chức cho cán bộ các đại đội lên sát phía địch nắm tình hình, thống nhất phương án tác chiến ngày 11/3.
Tối 10/3, khi làm công tác thương binh, tử sỹ đếm được gần 50 cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn 4 hy sinh, số bị thương còn nhiều hơn. Nặng nhất là đại đội 1, đại đội 1 bị thương và hy sinh tới 50% quân số, rồi đến đại đội 3 cũng bị thương và hy sinh tới 1/3 quân số. Đội ngũ cán bộ tổn thất khá lớn. Ban chỉ huy tiểu đoàn - tiểu đoàn trưởng Oánh hy sinh, tiểu đoàn phó Bịn bị thương. Đại đội 1 -chính trị viên phó Tám, trung đội trưởng Giao, trung đội trưởng Định , trung đội phó Then hy sinh, chính trị viên Ninh bị thương. Đại đội 2 – đại đội phó Thiện bị thương. Đại đội 3- đại đội trưởng Dương, trung đội trưởng Phú hy sinh , Chính trị viên Thuấn bị thương. Trong đêm Sở chỉ huy Trung đoàn phải điều thêm xe K63 hỗ trợ chở thương binh, liệt sỹ ra ngoài.
Trở lại với tôi. Tối 10/3, trung đội tôi được giao chốt giữ cửa mở. Cả ngày đánh nhau, chẳng kịp nghĩ gì tới ăn uống, nên bây giờ mới thấy mệt, thấy đói. Mấy anh em của tiểu đội 5 kiếm đâu được ít quả cà chua, 2 cây bắp cải, cả mỳ tôm nữa. Nhìn thèm quá. Suốt từ ngày vào chiến trường năm 1971 tới giờ, chỉ toàn rau rừng chứ biết cà chua, bắp cải là gì đâu, lại mì tôm nữa, chưa được biết bao giờ. Ăn bát mỳ tôm rồi rau bắp cải thấy ngon và ngọt làm sao. Có lẽ do nhiều năm ăn uống thiếu thốn nên giờ thấy ngon là vây.
Cả đêm 10/3, tôi và anh em trong trung đội hầu như không ai ngủ, thay nhau gác, đề phòng địch tập kích. Phía trên khu vực đại đội 1 và đại đội 3 chốt giữ thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng súng của cả 2 bên. Mãi tới gần sáng tôi mới nằm thiếp đi được một lúc, chừng 5 giờ sáng dậy thấy anh em tiểu đội 5 đang chuẩn bị bữa sáng, một đĩa bắp cải to đùng vừa luộc xong vẫn còn bốc hơi nghi ngút, cạnh đó là hàng chục hộp thịt hộp. Chả là chiều tối qua, sau khi quân ta chiếm được kho Mai Hắc Đế, đường, sữa, thuốc lá Ruby, thịt hộp để trong kho, trúng đạn tràn ra cả ngoài đường , tiểu đội 5 sang cũng kiếm về được một ít. Bữa nay chắc là bữa ăn thịnh soạn nhất từ ngày vào chiến trường nên ai cũng háo hức. Chỉ dăm phút nữa là tất cả ngồi vào mâm. Bỗng liên lạc đại đội chạy xuống truyền lệnh:
- Xuất kích !
Tuy thương anh em nhưng đây là lệnh chiến đấu nên tôi yêu cầu tất cả lên đường ngay .Tôi thấy Thanh, Mùi còn lấy tay nhón vội ít rau bắp cải đưa vào mồm.
Chúng tôi khoác súng , đạn chạy. Đại đội đã chuyển lên phía trên rồi. Chừng 15 phút, trung đội tôi đã gặp đội hình đại đội. Xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh của tiểu đoàn lúc này đã đông đặc ở bên trái khu truyền tin.
Hôm nay đại đội 2 của tôi vẫn là đơn vị đi đầu. Sau chúng tôi là đại đội 1. Đội hình xe tăng, xe bọc thép bố trí thành từng cặp , cứ 1 xe tăng lại đến 1 xe K63, bộ binh được bố trí cả trên xe tăng và dưới đất. Nhìn đội hình quân mình thấy hùng dũng quá. May thế cả ngày hôm qua đánh nhau toàn bộ 8 xe tăng, 6 xe K63 đi cùng tiểu đoàn vẫn còn nguyên vẹn .
Theo hồi ký của tỉnh trưởng Đắc Lắc – Đại tá Nguyễn Trọng Luật, sáng 11/3/1975, khi tiểu đoàn 4 triển khai đội hình chuẩn bị tấn công, đứng quan sát ở phía trong Bộ tư lệnh, Luật nhìn rõ từng chiếc xe tăng của ta đang đứng trên trục đường 429.
6 giờ 00 phút. Trời vừa sáng thì lệnh tiến công cũng được truyền tới các đại đội. Biết thế nào ta cũng tổ chức tấn công nên từ đêm 10/3, địch dựng thêm các chướng ngại vật có cả xe bồn chứa xăng chắn ngang trục đường 429 vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 .
Xe tăng đi đầu vừa nổ súng thì xe bồn phía trước bốc cháy dữ đội, lửa cháy trùm kín cả mặt đường, khói đen thành cột cao ngút làm cho các xe tăng, xe bọc thép ở phía trên phải dồn lại. Lê Xuân Chuyển - Đại đội trưởng đại đội 2 quyết định cho đại đội đánh phát triển sang trái đường 429 - Liên đoàn 350 , khu Vận tải. Hàng rào bùng nhùng ở khu Liên đoàn 350 được mở nhưng chưa đứt hẳn . Xe tăng 978 rồi xe tăng 815 chồm lên cuốn phăng cả đoạn rào chưa đứt. Theo sau xe tăng, cả đại đội 2 dàn hàng ngang vượt qua cửa mở. Tôi tiến tới 1 lô cốt ngay bên trái tung liền một quả lựu đạn . Mùi cũng ném tiếp vào trong 1 quả nữa. Địch chống trả quyết liệt. Đạn địch, đạn ta nổ tứ phía không còn phân biệt được nữa, khói bốc mù mịt . 2 xe tăng cùng trung đội 1 và trung đội 3 tiếp tục tiến sâu vào khu Liên đoàn 350 , khu vận tải. Trung đội 2 của tôi đánh sang phải - lô cốt gần cổng Liên đoàn 350 . Chiếm được lô cốt ở gần cổng, tôi phát hiện cạnh đó có 1 hầm ngầm, có tiếng lạo xạo ở dưới, gọi hàng 2,3 lần vẫn không thấy trả lời. Tôi liền tung xuống đó 1 trái lựu đạn, rồi nã thêm gần 1 băng AK, Tân Khải Thanh cũng tung xuống đó một quả nữa , chắc sẽ có nhiều tên chết.
Khi đánh vào khu Liên đoàn 350 có 1 chuyện thật cảm động. Giữa lúc đạn 2 bên bắn nhau loạn xa, tôi nghe tiếng trẻ con khóc . Nhìn sang phía bên kia đường 429 thấy 2 bé gái, một đứa chừng 6,7 tuổi, một đứa chừng 3,4 tuổi, vừa chạy, vừa khóc gọi mẹ, đứa em còn nhỏ quá chạy không nổi, ngã liên tục. Tôi đoán có lẽ lúc chạy tránh đạn mẹ con các cháu đã lạc nhau. Cũng có thể mẹ các cháu đã trúng đạn. Tiếng khóc gọi mẹ của trẻ nhỏ giữa bom đạn nghe thê lương làm sao. Chưa bao giờ trong đời tôi lại chứng kiến cảnh tượng đau lòng đến vậy. Tôi quyết định: Phải cứu các cháu.
Rồi nói nhanh với Thanh lúc đó đang đi cùng.
- Em chạy nhanh ra bế các cháu vào đây. Anh bắn yểm trợ !
Tôi giương AK bắn liên hồi sang phía bên kia đường. Thành nhào ra, 2 tay ôm hai đứa bé chạy vào. Nhìn vẻ mặt đứa nào cũng đầy sợ hãi nhưng may không đứa nào bị thương nặng, con lớn bị một viên ARI5 xuyên qua lòng bàn tay, con bé cũng bị một viên AK15 xuyên qua bắp thịt cánh tay. Băng cho 2 chị em xong, Thanh lấy kẹo cao su ở gùi ra đưa mỗi đứa một cái. Vừa cho ăn, vừa dỗ. Con lớn ăn biết nhả bã, con nhỏ nuốt cả. Bàn giao 2 cháu cho y tá Đoán, tôi cùng anh em trong Trung đội tiếp tục đánh lên phía trước.41 năm rồi tôi vẫn luôn canh cánh nhớ về các cháu .Không biết bây giờ các cháu ở đâu ? Cuộc sống thế nào? Các cháu có gặp lại được bố mẹ không ? Tôi đã nhiều lần dò la tin tức về các cháu nhưng đến giờ vẫn bặt vô âm tín .
Đang đánh nhau ở khu Liên đoàn 350 và khu vận tải . Tôi được lệnh của đại đội đưa trung đội quay về giữ cửa mở. Trở lại khu cửa mở vừa đánh lúc trước, một cảnh tượng thật hãi hùng. Khi bố trí cho anh em chốt giữ, tôi phát hiện hố cá nhân nào cũng còn lính ngụy. Chả là khi thấy xe tăng và bộ binh ta ào lên đông quá, chúng khiếp sợ, nằm im trong các hố cá nhân. Trung đội tôi bắt được hơn chục tên.
Trong lúc đang chỉ huy bộ đội, tôi gặp chính trị viên tiểu đoàn Tống Hồng Điệp từ phía sau chạy lên. Anh Điệp quê ở Gia Viễn – Ninh Bình. Lúc tôi ở Ban tuyên huấn, anh ở Ban tổ chức, hai anh em rất quý mến nhau. Xuống tiểu đoàn 4 anh làm chính trị viên tiểu đoàn, tôi là cán bộ trung đội. Gặp tôi trong lúc đang đánh nhau anh nói giọng chân tình.
- Em đi đâu phải mang “lính” đi theo. Không được đi một mình như thế !
Nói rồi anh chạy vọt lên, bám theo đội hình phía trước. Tôi rất cảm động trước tình cảm chân thành anh giành cho tôi. Không ngờ đó là lần cuối cùng anh em tôi gặp nhau. Ba ngày sau, sáng 14/3/1975, trong lúc chỉ huy đánh trung đoàn 45 địch đến phản kích ở phía đông Buôn Ma Thuột, anh trúng đạn pháo của địch, hy sinh. Thế là chỉ trong 3 ngày tiểu đoàn tôi đã mất đi hai người thủ trưởng, hai người anh yêu quý. Tiểu đoàn trưởng Trương Quang Oánh và chính trị viên tiểu đoàn Tống Hồng Điệp.
Năm 2004, khi vào Buôn Ma Thuột dự liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14, thuê xe ôm tôi tìm ra nghĩa trang thành phố. Đồng chí phụ trách nghĩa trang cho biết, riêng Sư đoàn 10 có gần 1 nghìn liệt sỹ đang yên nghỉ tại đây. Theo vần Đ tôi tìm thấy mộ anh, phần mộ đẹp, phía trên ghi rõ: Liệt sỹ - Tống Hồng Điệp – Thượng úy – Chính trị viên Tiểu đoàn 4 – Trung đoàn 24 – Sư đoàn 10. Hy sinh ngày 14 tháng 3 năm 1975. Đứng trước mộ anh, tôi không cầm được nước mắt vì thương nhớ anh. Không biết gia đình, vợ, con anh có biết anh đang nằm ở đây không?
Thương nhất là khi tìm đến mộ Thành – Phạm Đức Thành, Thành ở đội tuyên văn của Trung đoàn, có giọng hát cao, mượt và ấm. Tháng 10/1974, hai đứa cùng xuống đơn vị, tôi xuống C2, Thành xuống C3. Khi còn ở Ban tuyên huấn tôi và Thành rất hợp nhau và hay tâm sự. Thành quê ở nội thành Hải Phòng, lâu rồi nên tôi cũng không nhớ rõ số nhà, nhưng vẫn nhớ Thành ở phố Phạm Minh Đức – quận Lê Chân. Bố mất sớm, ở với mẹ, có một chị gái đã đi lấy chồng xa. Sau giải phóng Đắc Tô – Tân Cảnh tình cờ Thành gặp cô bạn gái thời phổ thông, cô bạn nguời dong dỏng, trắng trẻo, khá xinh, nói rất ngọt, đi B cuối 1972, vào làm khí tuợng ở Kom Tum. Rồi yêu nhau. Sau này đơn vị ra đóng quân ở Võ Định thỉnh thoảng về Tân Cảnh lấy gạo, thực phẩm hai nguời mới có dịp gặp nhau. Thành mất cùng anh Điệp sáng 14/3/1975 trong lúc cùng tiểu đoàn đánh trung đoàn 45 ngụy đến phản kích. Thành bị thuơng khá nặng do quả đạn pháo địch nổ quá gần. Trên đuờng đưa về bệnh xá phía sau thì Thành mất. Nghe anh em C3 kể lại, khi biết mình khó sống nổi, Thành gọi tên mẹ, tên người yêu nhiều lần. Năm 2005, trong lần xuống Hải Phòng, hỏi thăm tôi được biết mẹ Thành cũng mất từ lâu. Thật tội! Nhà giờ chẳng còn ai huơng khói cho Thành nữa!
Trở lại trận đánh của tiểu đoàn. Sau khi đại đội 2 cùng 2 xe tăng tấn công và khu Liên đoàn 350 , khu Bộ tham mưu thì xe tăng , xe thiết giáp đi cùng đại đội 1 do đại đội truởng Hoàng Xuân Thứ và chính trị viên Dương Văn Bể chỉ huy , sau khi chiếc xe bồn chứa xăng chắn ngang đường 429 cháy tắt , cũng bắt đầu tấn công lên đã nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu 2 bên đường 429 , khu chiến tranh chính trị và khu kiến tạo . Tất cả các mục tiêu của địch ở đây đã nhanh chóng bị tiêu diệt
9 giờ , cánh quân của Đại đội 2 sau khi tiêu diệt quân địch ở khu Liên đoàn 350 , khu Vận tải và khu Bộ tham mưu đã đánh phát triển ra trục đuờng 429 . Có một tình huống khá thú vị xảy ra khi đánh vào khu Bộ tham mưu. Khu này toàn nhà thấp nhưng nổi lên có một nhà cao 3 tầng, tưởng đây là Sở chỉ huy Sư đoàn 23, đại đội phó Đặng Đức Lập giao cho Phạm Minh Việt mang cờ lên cắm (Phạm Minh Việt – Quê ở Thượng Nông – Tam Nông – Phú Thọ). Việt đã cắm cờ ở đây, nhưng sau phát hiện nhầm, Việt chạy trở lại, rút cờ xuống.
9 giờ 30 phút, đại đội 2 đi đầu lúc này chỉ còn cách cổng Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 chừng sáu, bảy chục mét. Từ bên phải đường 429, đại đội truởng đại đội 2 - Lê Xuân Chuyển đã nhìn thấy dòng chữ lớn BỘ TƯ LỆNH ghi trên cổng Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Lê Xuân Chuyển liền hội ý với Đoàn Sinh Huởng – Đại đội trưởng đại đội 9 xe tăng (anh Đoàn Sinh Hưởng quê ở Quảng Ninh, sau giải phóng anh được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) : Tập trung hỏa lực xe tăng, bắn mạnh vào khu vực cổng chính và bên trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23.
Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 là mục tiêu quân sự quan trọng nhất của địch ở Buôn Ma Thuột. Ở đây lô cốt, hầm hào được bố trí dày đặc. Sau ngày 10/3, lực lượng thua trận vòng ngoài cũng rút chạy vào đây nên quân số của chúng khá đông.Quân lính được bố phòng ở khắp các ngã đường và các ngôi nhà trong khu Bộ tư lệnh. Súng chống tăng M72 và pháo chống tăng không giật 106 ly được chúng bố trí cả trên xe M113 để ngăn chặn quân ta.
Từ sáng 10/3, sau khi Tiểu Khu Đắc Lắc bị Trung đòan 95b đánh mạnh. Nguyễn Trọng Luật – Đại tá tỉnh truởng Đắc Lắc đã chạy sang đây nhằm phối hợp với Vũ Thế Quang – Tư lệnh mặt trận Buôn Ma Thuột tìm cách đối phó.
Biết quân ta từ các huớng sẽ tấn công vào Bộ Tư Lệnh nên ngay từ sáng 11/3, Luật đã bàn với Quang mỗi người trực tiếp chỉ huy một hướng. Luật chỉ huy ở khu vực cổng chính . Ở đây có lực lượng xe thiết giáp M113 cùng chấn giữ. Quang chỉ huy ở hướng Tây nam.
Trong hồi ký của mình Luật viết: “ Lúc 8h ngày 11/3, khi đứng chỉ huy cách cổng Bộ Tư lệnh 300m nhìn thấy đầy chiến xa T54 của Cộng sản đang tiến đến. Các chiến xa này còn ngạo nghễ coi thường đối phương , không cần ẩn nấp , cũng không cần ngụy trang”
9 giờ 40 phút ngày 11/3, khi thấy xe tăng ta đã đến gần Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 và biết không chống đỡ nổi Luật bàn với Quang rút khỏi Bộ Tư lệnh để bảo toàn lực lượng. Lúc đầu cả hai chạy về hướng tây, đi theo có khoảng gần 100 người. Khi chạy được chừng 300m, Luật lại bàn với Quang chia ra thành hai nhóm. Nhóm của Luật có khoảng 20 người chạy về hướng Tây nhằm tới khu vườn cà phê của Trung tướng Hoàng, vì khu này rậm rạp dễ ẩn nấp, đợi đêm đi tiếp. Nhóm của Quang chạy về hướng Nam, phía cầu 14. Cả hai cùng thống nhất sẽ tìm về Phước An , rồi về Nha Trang . Nhưng không may cho Luật, sau khi vượt qua khu vực suối Bà Hoàng để tiến về khu vườn cà phê của Trung tướng Hoàng thì Luật bị đài quan sát của ta phát hiện báo cho Sở chỉ huy. Trung đoàn phó Việt lệnh cho đại đội 3 (Lúc này đại đội 3 đang chốt giữ ở đầu kho Mai Hắc Đế) cử ngay môt trung đội ra truy kích. Lực lượng này do chính trị viên Ngô Duy Chuyên phụ trách (anh Chuyên chính trị viên phó lên thay anh Nguyễn Văn Thuấn chính trị viên bị thương ngày 10/03). Chừng 30 phút sau lực lượng đại đội 3 đã đuổi kịp, bắt được Luật và toàn bộ quân lính đi cùng .Vũ Thế Quang thì đến sáng ngày hôm sau 12/3 cũng bị lực lượng trung đoàn 174 – Sư đoàn 316 bắt được.
10 giờ , sau khi tiêu diệt cụm hỏa lực của địch chốt giữ ở 2 bên cổng chính. Xe tăng 980 của Đại đội 9 – Lữ đoàn xe tăng 273 do đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã cùng bộ binh đại đội 2 – tiểu đoàn 4 – Trung đoàn 24 vượt qua cổng chính tiến vào bên trong Bộ Tư lệnh, tiếp sau là các xe tăng 978 , 815 và 703 . Xe tăng , xe thiết giáp cùng bộ binh Đại đội 1 cũng tiến vào , nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trong Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Địch ở đây một phần đã bỏ chạy, số còn lại chống cự yếu ớt đã nhanh chóng bị tiêu diệt.
Lá cờ do Phạm Minh Việt mang theo lúc trước cắm nhầm ở khu Bộ Tham mưu đã được Việt cắm ở ngay cổng chính Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 .
Xe tăng 703 được điều ra chốt chặn ở cổng chính , các xe tăng , xe thiết giáp khác bố trí chốt giữ các hướng . Bộ binh Đại đội 2 chốt giữ khu vực Bộ Tư lệnh Sư Đoàn 23 , Đại đội 1 dãn ra phía ngoài , chốt giữ khu vực chợ gần bến xe thị xã thuộc phường Tân Lập. Sẵn sàng đánh quân phản kích từ ngoài vào .
Chừng 10 giờ 30 phút thấy tiếng động cơ xe tăng từ hướng ngã 6 chạy tới , tưởng quân địch ở nơi khác tiến về giải cứu cho Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Chính trị viên Tiểu đoàn 4 - Tống Hồng Điệp cho triển khai xe tăng và hỏa lực ĐKZ của C4 đang đi cùng C2 sẵn sàng đánh quân địch từ hướng ngã 6 tới . Nhưng sau đó phát hiện cờ giải phóng trên xe tăng , hoá ra đó là cánh quân của Trung đoàn 95B cũng đang tiến về Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Hú vía , suýt nữa quân ta choảng quân mình . Sau chừng vài chục phút một cánh quân của Sư đoàn 316 cũng tiến đến . Khi đến đây thấy lực lượng của Trung đoàn 24 – Sư đoàn 10 đã chiếm giữ nên các đơn vị này đã rút đi .
Tầm hơn 10 giờ ngày 11/3/1975, Trung đội 2 của tôi từ khu vực cửa mở khu Vận tải được lệnh rút về khu Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 cùng đại đội. Phía trước cổng một chiếc xe M 113 bị xe tăng ta bắn cháy, mùi vẫn còn khét lẹt, một tên lính ngụy chết đen thui nằm vắt vẻo nửa trên xe nửa duới đất. Trụ cổng bên phải Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 dính 1 quả đạn tăng của ta vỡ hoác. Phía trên dòng chữ Bộ Tư lệnh là một con chim đại bàng to hai chân cắp thanh kiếm để ngang – Biểu tượng cho Sư đoàn 23. Qua cổng chính chừng 70m là khu hầm thông tin. Phía trên khu hầm này bị sập một mảng lớn. Ở đây cũng có vài xác lính ngụy chết, điện đài trong hầm vẫn thấy sáng lập lòe. Lùi vào trong là khu nhà Bộ tư lệnh, khu này toàn nhà thấp có một nhà hai tầng to cao phía bên phải từ cổng vào, cao nhất ở đây. Lúc đầu tôi tưởng đây là nhà của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 nhưng không phải. Đây là nhà truyền thống của Sư đoàn 23.Trong nhà trưng bày nhiều hiện vật, các loại cờ của Sư đoàn 23, cả các hiện vật địch thu được của ta. Tại đây lúc trước anh Lê Xuân Chuyển – Đại đội trưởng của tôi đã thu lá cờ truyền thống của Sư đoàn 23. Cờ có dòng chữ “Nam Bình – Bắc phạt – Cao Nguyên Trấn” và một số hiện vật khác. Khi còn làm Trưởng ban tuyên huấn Trung đoàn 24 các hiện vật này đều được Ban tuyên huấn giữ gìn rất cẩn thận. Sau này nghe nói lá cờ này đã được bàn giao cho Bảo tàng Quân Đội.
Cả ngày và tối 11/3/1975, đại đội tôi vẫn chốt giữ tại Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 đề phòng địch tổ chức phản kích . Trung đội tôi được giao chốt giữ ngay khu vực cổng chính. Khu Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 do hứng nhiều đạn pháo của ta trong hai ngày 10 và 11 tháng 3 và nghe nói có cả bom địch ném nhầm vào đây sáng ngày 11/3, nên xác lính ngụy chết nằm la liệt. Từ chiều tôi cho anh em trong trung đội đưa xác lính ngụy chết đi chôn. Khổ nỗi trong khu vực này toàn đường nhựa, có rất ít chỗ đất trống . Tôi nhớ có hai tên lính ngụy chết nằm ngay phía trong cổng, anh em tiểu đội 5 đem chôn ở ngay hố công sự địch đào ở phía trong bên trái cổng , giữa bức tường cổng với dãy nhà cấp 4. Số còn lại phải đưa đi tít mãi vào bên trong mới có chỗ chôn.
Năm 2012, khi vào thăm Buôn Ma Thuột lần 2 tôi có trở lại thăm khu Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 cũ. Khu này đã khác hoàn toàn. Giờ là trụ sở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắc Lắc, nhà cửa to, cao, khang trang, sạch đẹp. Di tích cũ hầu như không còn gì. Chỉ có cây cổ thụ to nằm chính phía trong cổng chừng dăm bảy chục mét thì vẫn còn đó. Còn ở cửa mở khu Gia binh cũng thay đổi hoàn toàn. Giờ là cả một dãy phố to, đẹp. Duy nhất chỉ còn lại cái tháp nước năm xưa. Sao bây giờ trông nó hiền lành thế.
Đêm 11/3, khu Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 hoàn toàn yên ắng, thỉnh thoảng có nghe thấy tiếng pháo ình oàng từ phía xa vọng về, thị xã vắng lặng, tối đen.
17 giờ ngày 12/3, đại đội tôi được lệnh bàn giao khu vực Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 cho đơn vị bạn . Lên đường đánh lực lượng phản kích của Sư đoàn 23.
Thế là tròn 2 ngày tôi và anh em đại đội 2 – Trung đoàn 24 đã có mặt tại đây: Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy.
Đó là những kỷ niệm đến giờ tôi vẫn không quên.

NGUYỄN ĐÌNH THI