TÂY NGUYÊN TRONG TÔI

BÀI VIẾT HƯỞNG ỨNG ĐỢT PHÁT ĐỘNG VIẾT VỀ KỶ NIỆM SÂU SẮC TRONG NHỮNG NĂM THÁNG SỐNG, CHIẾN ĐẤU TẠI QUÂN ĐOÀN 3 NHÂN KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐOÀN 3 ( 26/3/1975 - 26/3/2020 )
TÂY NGUYÊN TRONG TÔI
Bút ký : Lê Quang Vinh - Hội viên Hội Văn học nghệ thuật thành phố Việt Trì


Tháng 2 năm 1973, sau 3 tháng hành quân từ Hòa Bình, qua Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và đất bạn Lào với muôn vàn khốc liệt đạn bom, tiểu đoàn xe tăng số 3 chúng tôi với phần lớn chiến sỹ là người Phú Thọ được bổ xung vào Kom Tum. Trước đó, tại mặt trận Tây Nguyên có 2 tiểu đoàn xe tăng . Với sự có mặt của tiểu đoàn tôi, Bộ Tư lệnh mặt trận B3 ( TâyNguyên) quyết định thành lập Trung đoàn tăng thiết giáp mang số hiệu 273. Nhiệm vụ chính của Trung đoàn lúc này là củng cố lực lượng, tăng gia sản xuất, bảo dưỡng xe cộ, thiết bị chuẩn bị cho những trận đánh lớn về sau này. Nơi chúng tôi đóng quân thuộc huyện 67, nằm sâu trong những cánh rừng già nguyên sinh, gần biên giới Việt Lào. Ngày đó, hệ thống đường tiếp tế từ miền bắc vào, đồng bằng lên, đất bạn CamPuChia sang bị đánh phá ác liệt nên đời sống của bộ đội vô cùng gian khổ. Có thể nói, rừng Tây Nguyên đã bao bọc, chở che và nuôi sống bộ đội qua những năm tháng đó.
Đầu tháng 2/1975, chúng tôi được lệnh báo động hành quân. Ngày nghỉ, đêm đi, cánh lính trẻ thì thầm đoán già đoán non, chẳng biết đi hướng nào nhưng có một điều dễ nhận ra là càng đi thì rừng càng khác. Không còn những cánh rừng nhiều tấng, ẩm ướt, ken dày như ở Kom Tum, rừng ở đây thưa hơn, khô hơn, cây cối chủ yếu là khộp, le, xăng lẻ …, đặc trưng của rừng khu vực Đắc Lắc. Xe chạy trong đêm chỉ được bật đèn gầm. Thú rừng nhiều vô kể, có khi nai, thỏ xuất hiện, ngó nghiêng ngay trước xe. Một đêm, anh Ba lái xe rút súng AK bắn con nai chừng 2 tạ rồi hô chúng tôi hỳ hục dùng cáp, tời cố định lên đầu xe. Chính trị viên tiểu đoàn sau một hồi cảnh cáo, dịu giọng: Thôi, xẻ ra, chia cho mỗi đại đội một ít.
Cuối tháng 2, đơn vị dừng chân tại một khu rừng gần sông Sê-Rê-Pốc và khẩn trương đào hầm giấu xe tăng. Ít ngày sau thì đến Tết nguyên đán, mỗi người được phát 1 điếu thuốc lá Trường Sơn, 2 chiếc kẹo Hải Châu từ miền bắc gửi vào. Lương thực, thực phẩm do đã chuẩn bị từ trước nên tương đối đầy đủ. Sông Sê-Rê-Pốc mênh mang đêm ngày réo rắt và đặc biệt là rất nhiều cá, ba ba. Kinh, chiến sỹ công vụ của tiểu đoàn, người Cao Bằng có biệt tài bắt ba ba. Chỉ cần theo bờ sông, ngó nghiêng tìm dấu hiệu một lúc là anh đã lôi ra một con ba ba, có con nặng tới hơn chục ký. Nghỉ ngơi ít ngày, tôi được phân công đi với tổ công tác đặc biệt của tiểu đoàn. Theo chỉ dẫn của trinh sát, chúng tôi dùng cưa cắt khoảng 1/3 gốc cây để khi báo động hành quân, xe tăng sẽ chà đổ những cây đó mà đi. Công việc này yêu cầu hết sức bí mật, khẩn trương vì lúc đó địch đã phát hiện nhiều dấu hiệu quân ta tiến đến Buôn Ma Thuột nên đã điều trung đoàn 45 đến khu vực Ea H’leo sục sạo. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh chiến dịch đã tổ chức hàng loạt những động thái nghi binh nhằm hướng sự chú ý của địch về ý định ta sẽ tấn công Kon Tum và Plâyku bằng việc tung lên không trung những bức điện giả, bắn pháo dữ dội vào Sư đoàn 968 ở Plâycu, tấn công, cắt đường 19 nối từ Quy Nhơn lên Plâyku chia cắt Tây Nguyên với đồng bằng, tiến đánh cao điểm ChưDjrê, quận lỵ Cẩm Ga – Thuần Mẫn trên đường 14, chia cắt hoàn toàn bắc Tây Nguyên với nam Tây Nguyên. Sau khi giải phóng tiếp quận lỵ Đức Lập, thị xã Buôn Ma Thuột bị bao vây cô lập hoàn toàn.Lúc này, đơn vị tôi công khai tổ chức lập và học sa bàn tấn công Buôn Ma Thuột.
Ngày 9/3, sau khi ăn cơm chiều, không khí tự nhiên nhộn nhịp. Sẩm tối, chúng tôi nhận lệnh báo động. Toàn bộ tiểu đoàn với 2 đại đội xe tăng T59, T54, 1 đại đội xe bọc thép K63, các trung đội: Thông tin, sửa chữa, hậu cần, quân y… cấp tốc lên đường. Rạng sáng ngày 10/3, cuộc tấn công chính thức bắt đầu. Đơn vị tôi được phân công tiến đánh khu thiết giáp địch nằm ở phía bắc thị xã. Do bị bất ngờ, lực lượng địch phân tán nên việc vượt qua cửa mở, tiến vào thị xã tương đối thuận lợi. Cuộc chiến ác liệt diễn ra tại khu vực ngã Sáu, sân bay Phượng Hoàng. Cuối ngày 10/3, ta đã làm chủ một số khu vực, tuyến phố quan trọng.Đêm đó, chúng tôi ở lại trong thị xã, ngay trong khu thiết giáp ngụy trên đường Phan Bội Châu. Tiếng súng giao tranh vẫn dồn dập, nhất là khu vực sân bay. Sáng ngày 11/3, ta tiếp tục tổ chức tấn công, đến 10 giờ trưa, ta đã chiếm được sở chỉ huy Sư đoàn 23 địch, chiếm giữ cơ bản nội đô, sau đó tiếp tục tổ chức tiến công các cứ điểm ngoại vi như căn cứ 53, Châu Sơn…Ngày 14/3 ta đã giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột. Niềm vui chiến thắng vô bờ bên nỗi đau tổn thất. Tiểu đoàn tôi thiệt hại hơnmột trung đội, 2 xe cháy ngay khu vực Ngã Sáu. Để đảm bảo lực lượng tham chiến tiếp theo, tôi cùng một số chiến sỹ được lệnh sử dụng một số binh sỹ thiết giáp ngụy về Cheo Reo thu hồi xe tăng Mỹ. Sở dĩ phải về Cheo Reo bởi vì ngay sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, toàn bộ quân đoàn 2 của Sài Gòn được lệnh rút khỏi Tây Nguyên, theo đường số 7 về đồng bằng khu 5. Nắm được tình hình trên, Bộ tư lệnh chiến dịch đã tập trung lực lượng mở cuộc truy kích lớn nhằm tiêu diệt toàn bộ lực lượng rút chạy của địch. Tham gia trận đánh này có tiểu đoàn 1 của trung đoàn 273 xe tăng. Đến ngày 24/3/1975, ta đã tiêu diệt cơ bản lực lượng địch trên đường 7. Khi chúng tôi đến Cheo Reo, thị xã vẫn nghi ngút khói, ngập tràn xác lính địch và xe cộ, phương tiện, thiết bị quân sự, trong đó có xe tăng M48, xe thiết giáp M113. Với sự hướng dẫn của tù binh thiết giáp, chúng tôi nhanh chóng tìm hiểu, sửa chữa và thu gom được hơn một chục xe tăng, xe thiết giáp đủ trang bị cho một đại đội. Sau khi về đến Buôn Ma Thuột, số xe này được giao cho đại đội 9 do anh Đoàn Sinh Hưởng làm đại đội trưởng. Một tình huống khá thú vị là khi anh Hưởng dẫn đoàn xe trên đường tiến đánh Sài Gòn, đến cầu Bông, phía bên kia cầu là lực lượng xe tăng địch án ngữ. Thấy toàn xe Mỹ, địch liên lạc qua bộ đàm: Xe của thiết đoàn nào vậy? Anh Hưởng ra lệnh cho tất cả các xe đồng loạt tăng ga lao qua cầu. Đến đầu cầu, anh hô to qua bộ đàm: Xe của thiết đoàn cộng sản đây. Thấy đoàn xe của ta dũng mãnh lao tới, địch hoảng sợ, lùi lại bỏ chạy, một số xe thiết giáp lật đổ xuống rệ đường. Anh Hưởng sau này được phong Anh hùng và trở thành Tư lệnh trưởng binh chủng tăng thiết giáp.
Sau mấy ngày củng cố, bổ xung lực lượng, tất cả các đơn vị tham chiến tại Buôn Ma Thuột tập trung tại khu vực Ngã Sáu để về đồng bằng. Một số đơn vị theo đường 7 về Phú Yên tham gia giải phóng các tình miền trung. Đơn vị tôi theo hướng Tây Ninh, tham gia giải phóng một số quận lỵ rồi tiến đánh căn cứ Đồng Dù. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng tôi theo cánh quân của quân đoàn 3 tiến vào đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy tại ngã tư Bảy Hiền, góp phần cùng toàn quân, toàn dân giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Tháng 5 năm 2016, sau hơn 40 năm sau, tôi có dịp trở lại Tây Nguyên, trở lại với những địa danh đã đi vào lịch sử huyền thoại của dân tộc, nơi mà bất kỳ người lính nào đã từng tham chiến ở đây, không thể không bồi hồi, xúc động. Điểm đến đầu tiên là cứ điểm ĐăkPét thuộc huyện ĐăkGlei , trước đây là một chi khu quân sự của địch. Cứ điểm Đăk Pét gồm nhiềuchốt với hệ thống hầm ngầm, lô cốt, ụ súng. Hỏa lực địch được bố trí liên hoàn trên các đồi. Ngoài ra còn 1 sân bay dã chiến và 1 bãi đáp trực thăng. Ngày 18/4/1972, bộ đội ta tấn công căn cứ Đăk Pét. Do địa hình hiểm trở, lực lượng địch mạnh nên sau gần 2 tháng, ta vẫn chưa tiêu diệt được căn cứ này. Tuy nhiên, việc tấn công Đăk Pét đã góp phần rất quan trọng cho chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh (4/1972). Tháng 5/1974, Bộ tư lệnh mặt trận B3 đã huy động một lực lượng lớn gồm bộ binh, pháo binh, xe tăng tấn công nhằm giải phóng Đăk Pét, tạo hành lang thuận lợi cho việc giải phóng thị xã Kon Tum. Đến ngày 16/5/1974, ta đã chiếm được Đăk Pét và giải phóng hoàn toàn huyện ĐăkGlei. Thăm trận địa Đăk Pét xưa, nay là trụ sở của Điện lực huyện ĐăkGlei, ta không khỏi xúc động, bồi hồi khi đứng trước tấm bia tưởng niệm bên nghĩa trang liệt sỹ với 384 ngôi mộ, phần lớn là vô danh, lặng lẽ trong nắng gió cao nguyên.
Điểm đến tiếp theo là Plei Kần, huyện Ngọc Hồi. PleiKần, theo tiếng Xê Đăng là làng lớn có một vị trí hết sức quan trọng được Mỹ tập trung xây dựng nhằm án ngữ ngã 3 biên giới, ngăn chặn tuyến đường vận chuyển hàng hóa, bộ đội chủ lực của ta từ bắc vào và từ Lào, Cămpuchia sang. Từ năm 1966, tại đây Mỹ đã xây dựng 5 cứ điểm với hệ thống hầm ngầm, lô cốt, công sự vững chắc. Nhằm giải phóng PlieKần, trong các năm từ 1967đến 1972, bộ đội ta đã tổ chức, trong đó có 2 lần sử dụng cả xe tăng tấn công nhưng không tiêu diệt được căn cứ này mà còn tổn thất đáng kể về lực lượng. Cũng chính vì lý do đó mà thời điểm này, bộ đội ta thường gọi chệch căn cứ này là Plie Kềnh. Tháng 10/1972, với quyết tâm giải phóng PlieKần, Bộ tư lệnh đã giao cho sư đoàn 10 với trung đoàn 66, tiểu đoàn 37 đặc công và huy động toàn bộ lực lượng pháo binh tham gia chiến dịch. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, đến 18 giờ 30 phút ngày 12/10/1972, ta đã làm chủ khu trung tâm, giải phóng và khai thông tuyến hành lang biên giới. Nhà tưởng niệm chiến thắng PlieKần với những tấm bia ghi tên các liệt sỹ khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống trên mảnh đất này nằm ở trung tâm thị trấn Ngọc Hồi luôn được nhân dân và du khách ghé thăm, chăm sóc như một tri ân.
Từ Ngọc Hồi, theo đường tỉnh lộ, đi khoảng 20 km, đến thị trấn Đăk Tô. Năm 1972, Mỹ đã xây dựng Đăk Tô, Tân Cảnh thành một căn cứ quân sự lớn nhất khu vực bắc Tây Nguyên, có nhiệm vụ bảo vệ thị xã KonTum. Tháng 4 năm 1972, bộ đội ta tiến đánh ĐăkTô- Tân Cảnh. Phối hợp với pháo binh, 1 giờ sáng ngày 24/4/1972, xe tăng T-54 của tiểu đoàn 1 tiến vào Tân Cảnh. 5giờ 55 phút ngày 24/4/1972, ta đã chiếm được căn cứ Tân Cảnh. Trong lúc đó, tại căn cứ trung đoàn 42 của địch, cuộc chiến vẫn diễn ra hết sức dữ dội. Chiếc xe tăng mang số hiệu 377 của tiểu đoàn 1 sau khi bắn cháy 7 xe tăng địch đã anh dũng hy sinh. Đến 11 giờ cùng ngày, ta đã làm chủ hoàn toàn Tân Cảnh. Ngay sau khi chiếm được Tân Cảnh, ta tổ chức bắn pháo vào căn cứ ĐăkTô2 ( khu vực sân bay Phượng Hoàng). Các đơn vị: Trung đoàn 1 ( sư đoàn 2) với sự yểm trợ của 4 xe tăng, 1 pháo tự hành rời Tân Cảnh chi viện cho lực lượng chiến đấu tại ĐăkTô2 và tiêu diệt căn cứ này. Tháng 4 năm 1974, tôi có nhiệm vụ về Trung đoàn, lúc đó đang đóng quân ở huyện 80, qua Đăk Tô, Tân Cảnh . Sau 2 ngày đi bộ đường rừng, mấy anh em tôi đến Đăk Tô. Dấu tích chiến tranh vẫn tràn ngập nơi này với vô vàn hố bom, xe cháy, vỏ đạn. Căn cứ 42, sân bay Phượng Hoàng đổ nát, hoang tàn trong cỏ dại. Chúng tôi tìm đến khu vực giao tranh của xe 377. Xúc động đến nghẹn ngào nhưng rất đỗi tự hào lúc trèo lên tháp pháo. Khi đó, tất cả vẫn nguyên vẹn.Xung quanh xe 377 là 7 chiếc xe tăng Mỹ . Hiện nay, rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đã tìm về nơi này để tìm hiểu về trận đánh lịch sử, về chiếc xe tăng 377 anh hùng. Trong dịp đến thăm ĐăkTô, tôi gặp Jim, người Mỹ, nói tiếng Việt rất giỏi. Anh kể: Trước đây, anh là bác sỹ, có tham gia chiến tranh Việt Nam, chưa đến Đăk Tô nhưng nghe nói nhiều về nơi này. Giải ngũ, anh tham gia một tổ chức phi chính phủ. Nay được sang Việt Nam, tìm đến Đăk Tô. Nhìn người cựu binh Mỹ tươi cười, say mê trò chuyện, chụp hình với các bạn Việt Nam, không khỏi xúc động, bồi hồi khi cuộc chiến đã để lại niềm kính phục trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.
Buôn Ma Thuột giờ đã là thành phố. Tôi không thể nào nhận ra hình ảnh thị xã ngày xưa. May thay, đường Phan Bội Châu từ đó đến nay vẫn không đổi tên. Trong cái nắng oi nồng, sau vài giờ lang thang trên hè phố, tôi gọi chiếc xe ôm. Người lái xe sinh ra và lớn lên ở đây. Anh kể: Ngày các anh vào giải phóng thị xã, em mới mười tuổi, cả nhà em cùng bà con khu phố này lánh vào trường học bởi nghe nói cộng sản không đánh vào những nơi như thế. Anh đưa tôi trở về khu thiết giáp ngụy trước đây, nay là trụ sở của một đơn vị bộ đội biên phòng. Người lính trẻ gác cổng sau khi biết tôi hơn 40 năm trước tham chiến ở đây, niềm nở đồng ý cho tôi được đặt chân lên mảnh đất đã từng thấm máu biết bao đồng đội thân yêu. Bất ngờ hơn nữa khi biết anh quê Phú Thọ, con một chiến sỹ thuộc sư đoàn 320 cũng tham gia trận đánh vào Buôn Ma Thuột, sau giải phóng định cư ở Quy Nhơn. Cả buổi chiều hôm ấy, người lái xe ôm đưa tôi đến Ấp Châu Sơn, địa điểm sư bộ sư 23 ngụy trước đây, Ngã Sáu, sân bay Phượng Hoàng…những địa danh luôn khắc khoải trong tôi. Điểm cuối tôi dành nhiều thời gian để đến nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Đăk Lăk, cách trung tâm thành phố chừng 10 km. Nghĩa trang yên ả, thanh bình trong nắng gió mênh mang cao nguyên. Thắp nén nhang chung xong, được sự giúp đỡ của người quản trang tôi tìm được 2 người đồng đội thân yêu quê ở Vĩnh Tường và Đoan Hùng ( Phú Thọ). Tất cả như chùng xuống, tĩnh lặng.Phảng phất những gương mặt trẻ vô tư. Mơ hồ những tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo. Xin được cảm ơn đất và người cao nguyên đã hơn 40 năm chăm sóc cho giấc ngủ các anh, những người vì thành phố và đất nước này đã anh dũng hy sinh.
Tháng 3 năm 2019, theo đoàn công tác của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Phú Thọ, tôi trở lại cao nguyên. Tây Nguyên ngày nay đã đổi thay nhiều. Những cánh rừng xung quanh các thành phố, thị xã không còn nữa, nhường chỗ cho những khu vực kinh tế, trang trại, dân cư. Ngày trước, khi tấn công vào Buôn Mê Thuột tháng 3/1975, điểm tập kết của đơn vị tôi là một cánh rừng, chỉ cách thị xã chừng hơn 30 km. Những ngày đi thực tế ở Lâm Đồng, tôi có dịp tiếp cận với đất và người nơi đây, nhất là với đồng bào các dân tộc thiểu số. Vẫn những con người hiền lành, chân chất, trung thực nhưng đã mang nhiều nét nhanh nhẹn, hiểu biết. Cuộc sống của họ cũng đã đầy đủ hơn, biết làm chủ trong sản xuất kinh doanh, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào rừng như trước đây. Những trang trại, nhà vườn trồng hoa trên sườn đồi, thung lũng, bên những cánh rừng thông Đà Lạt đã tạo nên một tấm thảm thổ cẩm đầy quyến rũ. Những công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất trên thế giới đã được những người nông dân áp dụng để Đà Lạt trở thành nơi xuất khẩu hoa lớn nhất khu vực. Thăm một bản dân tộc, tôi không khỏi ngỡ ngàng, khi vẫn những con người đó, trang phục đó của Tây Nguyên nhưng họ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Đâu đó, dưới sàn nhà là những chiếc xe hơi đời mới. Những người dân lam lũ của tôi ngày xưa đã hòa nhập, tiến bộ rất nhanh trong cuộc sống xã hội, góp phần đưa Tây Nguyên phát triển, đi lên trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội. Tây Nguyên đang vào mùa khô, dự báo một mùa khô hạn nghiêm trọng sẽđến với vùng đất này. Trên sườn núi, những con người nhỏ nhoi, cần mẫn đang từng ngày, từng giờ tìm mọi cách gìn giữ màu xanh như gìn giữ yên bình cho một Tây Nguyên trong ký ức và tương lai.
LQV