CHẶN ĐÁNH QUÂN GIẢI TỎA BAN MÊ THUỘT

BÀI VIẾT HƯỞNG ỨNG ĐỢT PHÁT ĐỘNG VIẾT VỀ KỶ NIỆM SÂU SẮC TRONG NHỮNG NĂM THÁNG SỐNG, CHIẾN ĐẤU TẠI QUÂN ĐOÀN 3 NHÂN KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐOÀN 3 ( 26/3/1975 - 26/3/2020 )
CHẶN ĐÁNH QUÂN GIẢI TỎA BAN MÊ THUỘT
                                  Ghi chép của Hoàng Kim Hậu - E66

Quận lỵ Đức Lập thất thủ, căn cứ Đak Song và Núi lửa cũng bị sư đoàn 10 san phẳng. Hệ thống phòng thủ phía tây Ban Mê Thuột bị chọc thủng. Các đơn vị trong sư đoàn củng cố đội hình khẩn trương cơ động về mặt trận Ban Mê Thuột.
Ngày 10-3-7975 sau khi cùng trung đoàn 66 tiến công Đức Lập và san bằng căn cứ Đăk Sắk, tiểu đoàn 8 dùng đại đội 5 (Do đại đội trưởng Trần Đới và Chính trị viên Lê Hải Triều chỉ huy) cùng với đại đội 6 bao vây tiêu diệt nốt hai đại đội bảo an và tàn quân trung đoàn 53 ngụy từ Đức Lập chạy về co cụm tại xã Đức Minh (Nay là huyện Đăk min tỉnh Đăk Nông).
Đại đội 7 chúng tôi làm nhiệm vụ đón lõng và sẵn sàng tiếp ứng.
Đứng trên sườn đồi cà phê đang mùa trổ hoa trắng xóa nhìn xuống xã Đức Minh rõ mồn một. Thấp thoáng những mái nhà tôn ẩn hiện dưới bóng dừa và cây ăn trái,một tháp chuông nhà thờ cao vút trong bầu trời cao nguyên xanh như vô tận. Giá như đừng có chiến tranh thì cuộc sống làng quê thanh bình và yên ả biết bao nhiêu.
Tiểu đoàn chia làm hai hướng đang đánh vào khu nhà thờ, tiếng liên thanh kéo từng băng dài, Tiếng đại liên và AR15 của địch chống trả quyết liệt. Mỗi khi một quả B40, B41 phóng ra là kèm theo một luồng lửa cháy rừng rực.
Tôi ngồi cạnh ban chỉ huy tiểu đoàn, nghe người thông tin 2w liên tục lên sóng với các mật mã bằng các ký tự đã được quy định. Bỗng một chiến sỹ thông tin gào lên: “Anh bảo thằng C6 thôi đừng bắn vào khu nhà thờ nữa, bắn hết vào C5 rồi”. Được tin chiến sỹ 2w đi theo C6 hy sinh, một chiến sỹ thông tin của tiểu đoàn khoác máy lên vai cùng trinh sát dẫn đường bổ sung cho mặt trận.
Khoảng quá chiều ta giải phóng xong Đức Minh, bắt tù binh, thu vũ khí, tổ chức cho bộ đội làm công tác dân vận và công tác thương binh, liệt sỹ.
Chiều tối tiểu đoàn dừng chân trong một khu rừng le và nứa lẫn lộn bên ngoài Đức Minh. Một bộ phận của tiểu đoàn nhận nhiệm vụ đi trước về Ban Mê Thuột.
Khoảng 7 giờ tối, anh Dung trung đội trưởng vận tải (Quê Hà Tây) và một chiến sỹ trên đường cáng thương binh trở về bắt được 3 tên tù binh. Chúng đói khát mệt mỏi lang thang mò ra đường hòng bắt xe chạy chốn. Có một tên trung tá quê gốc: Hai Bà Trưng –Hà Nội, hắn theo gia đinh di cư vào nam năm 1954 hiện là trung đoàn phó trung đoàn 53 ngụy bị bắt cùng một sỹ quan hậu cần và một tên công vụ. Tên trung tá bị thương gãy nát cánh tay trái, chúng bẻ cây rừng nẹp lại với một đụn thịt tím ngắt lòi ra thối khủng khiếp. Khi bị dẫn giải, tên trung tá không chịu đi bộ, nó đòi phải có xe ra đón. Tức quá người trung đội trưởng vận tải bảo: “Đến bố mày đây còn phải đi bộ huống chi là mày!? Có đi hay không hay để tao cho mày về chầu âm phủ!”Tên trung tá quỳ xuống xin tha mạng, nó chìa tấm ảnh hai đứa con (Một đứa tầm hơn hai tuổi và một đứa khoảng bốn tuổi gì đó, kháu khỉnh, mũn mĩm và đẹp y trang bố nó vậy). Không biết người trung tá này hiện nay ra sao.,
Sáng ngày 12-03-1975, anh Lợi chính trị viên phó tiểu đoàn gọi tôi lên, anh bảo:
-Hiện giờ anh Nguyễn Kiến Đào y sỹ tiểu đoàn (Sau này là viện trưởng bệnh viện đa khoa tỉnhYên Bái) đã theo bộ phận đi chuẩn bị trước về Ban Mê Thuột rồi. Đồng chí sử lý lại cánh tay thằng này không thì bị nhiễm trùng mất!
Nhìn cánh tay tên tù binh đã phù nề, dòi đẻ nhung nhúc thối đến ngạt thở, tôi bảo:
-Nếu mở cánh tay này ra bây giờ là rất phức tạp, y tá đại đội cũng không đủ điều kiện và trình độ để giải quyết vết thương này. Tốt nhất là trên đường hành quân nên gửi nó lại ở một trạm phẫu nào đó!
Quá trưa được lệnh hành quân về mặt trận Ban Mê Thuột, lũ tù binh được xếp ngồi cùng xe với tôi. Mỗi khi xe dừng lại, mùi thối từ cánh tay tên trung tá lại xông lên, bộ đội cay cú bảo:
-Đạp cổ cái thằng “Đuổi Tây quá đà” ấy xuống! Thối hơn mở mả!
Quá nửa đêm xe đổ chúng tôi xuống phía bắc Ban Mê Thuột. Không thấy lũ tù binh đâu cả, có lẽ do mệt quá, tôi ngủ nên không rõ người ta đưa chúng nó xuống ở thời điểm nào. Trên trời có chiếc máy bay C130 vẫn hùng hổ thả pháo sáng và bắn đạn 20 ly xuống, hàng loạt đạn phòng không của ta từ dưới đất bắn lên, tiếng đại bácvẫn không ngớt vọng về ì ầm hình như chiến tranh đang dồn tất cả vào thị xã.
Ngày 12-3-1975, Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho Phạm Văn Phú tư lệnh quân khu 2 phải tái chiếm Ban Mê Thuột bằng bất cứ giá nào. Địch sử dụng liên đoàn 21 biệt động cùng tàn quân trung đoàn 53 dựa vào căn cứ B50 (Hòa Bình) hình thành cánh quân phản kích. Dùng 145 lần trực thăng ném trung đoàn 44 - 45 cùng sư bộ 23 xuống quận lỵ Phước An - Nông Trại hòng tái chiếm Ban Mê Thuột.
Sư đoàn 10 chúng tôi nhận lệnh cơ động về phía đông Ban Mê Thuột sẵn sàng chặn đánh quân giải tỏa. Buổi sáng hành quân loanh quanh trong rừng cà phê chẳng hiểu hướng nào vào hướng nào cả, chỉ thấy khói bom bốc lên từ những vạt rừng cao su phía trước, tiếng pháo từng chập lại rộ lên, tiếng liên thanh kéo từng băng dài.
Sẩm tối ra một vạt nương trống trải, hai bên tối sẫm không biết là rừng cà phê hay là làng bản, có tiếng chó sủa vọng ra. Có ai đấy từ phía sau đẩy vào lưng tôi: Bám sát lên đi! Một người lạc đường là kéo theo cả đoàn quân lạc theo đấy!
Hành quân suốt đêm, tang tảng sáng ra một vạt rừng thưa, cây cao không quá đầu người. Được lệnh dừng lại, bộ đội tản vào các bụi cây nghỉ lấy sức, anh nuôi gạn nước từ vũng lầy nấu cơm. Tôi ngồi dựa vào ba lô ngủ thiếp đi.
Lệnh quay lại, len trong nương hồ tiêu tôi cứ tưởng dây trầu mà chẳng thấy vườn cau nào cả. Đi qua một trận địa pháo cao xạ của ta, mùi thuốc súng và khói bom khét lẹt. Tôi nhòm vào chiếc K63 dừng lại ven rừng, có hai liệt sỹ pháo binh được đặt ngay ngắn trên ban căng.
Tối sẫm cắt ra đường 21. Đang đi chui lủi trong rừng nay ra mặt nhựa thấy thoải mái quá. Màn đêm như được dát mỏng ra cho từng luồng gió thổi qua mát lạnh. Bộ đội coi như đây đã là vùng giải phóng, từ hàng một chen nhau lên theo hàng ba, hàng bốn nói chuyện rì rầm. Quá nửa đêm cơn buồn ngủ ở đâu ập đến. Gần tháng trời hành quân liên tục, đêm không được ngủ, ai đã từng qua hoàn cảnh này mới thấy sự kỳ diệu của con người: Đầu gục vào ba lô của người đi trước, đầu thì mê đi mà chân cứ lẹp kẹp bước theo đội hình. Tôi nửa tỉnh nửa mê như thế không biết bao lâu bỗng phía trước một loạt đại liên bắn cắt ngang qua đường. Tôi choàng tỉnh, nhận ra luồng đạn đỏ lừ từ bên trái bắn ra cách tôi khoảng bốn mét gì đó. Tôi lăn nhanh xuống nằm bẹp ven tà luy đường, ngước nhìn lên thấy mấy tàu lá chuối lất phất bên cái cổng của một bản dân tộc nào đó vẫn còn tàn binh địch. Một tổ cảnh giới chốt ngoài cổng bản, có lẽ chúng ngủ gật, thấy bộ đội hành quân qua chỉ kịp bắn một băng đại liên rồi bỏ chạy, có tiếng chân sâu dần vào trong bản, tiếng chó cắn râm ran.
Tôi gục xuống và ngủ thiếp đi, tang tảng sáng có người kéo áo tôi:
-Ai đấy! Hậu hả! Bộ đội quay lại hết rồi! Có ai bị thương không?
Tôi bảo:
-Không thấy ai kêu cứu cả! Em vẫn nằm từ lúc ấy đến giờ!
May quá, nếu không có anh Nguyễn Văn Mão, chính trị viên đại đội quê (Tả Thanh oai-Thanh Trì-Hà Nội) quay lại tìm, chắc chắn tôi đã làm một giấc cho tới sáng.
Bộ đội đang vượt qua bãi lầy ven đường, hình như là một tràn ruộng cấy thì phải, bùn sôi ùng ục dưới chân.
Leo lên một bãi đất khô, những bụi chuối lờ mờ hiện ra. Đại đội 8 hỏa lực là đơn vị cuối cùng của tiểu đoàn đang vượt qua bãi lầy. Tôi xốc lại ba lô cùng anh Mãochen lên đuổi theo đại đội.
Sáng rõ tôi nhận ra anh Tạ Ngọc Oanh - Tham mưu phó trung đoàn quê (Phú Xuyên-Hà Tây) cùng ban chỉ huy nhẹ trung đoàn đi theo cánh quân của K8. Bỗngtiếng cối 61 ly và tiếng đại liên rộ lên ngoài bãi lầy. Bộ đội tranh nhau chạy chen lên, có một bóng người ào đến:
-Báo cáo: Đại đội 8 chưa qua hết bãi lầy, địch đang bắn vào đội hình của ta! Xin ý kiến thủ trưởng!
Anh Oanh bảo:
-Sao các anh dốt thế! Địch thì bắn vào đội hình của ta, hỏa lực trong tay mà không biết làm gì à! Cho bắn 20 quả cối 82 vào bản!
Chỉ một lúc sau, tiếng cối 82 đanh thép trả lời, hàng loạt 12ly7 quét qua bãi lầy,địch quăng súng tháo chạy vào bản, cối 82 dồn theo.
Sau này tôi mới biết đại đội 8 có mấy người bị thương và hy sinh mất hai chiến sỹ, một xạ thủ vác cần khẩu 12ly7 bò vào bụi chuối ven đường mấy ngày hôm sau mới tìm thấy thi thể.
Nắng lên, tôi nhận ra tiểu đoàn đang hành quân trong một bãi nương của dân, những buồng chuối và đu đủ chín rục trên cây. Những vạt khoai lang chỉ cần đạp lên là củ bật ra giống như người ta vun bột vào vậy. Thế mới biết đất ở đây tốt như thế nào. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Trọng Huy quê (Hoài Đức - Hà Nội) liên tục truyền lệnh cho bộ đội bám sát đội hình, các đơn vị quản lý quân số và làm tốt công tác dân vận, không lấy hoa quả của dân.
Quá trưa cái nắng như thiêu như đốt, các bi đông nước đều dốc ngược, nương đồi phẳng lỳ kéo dài mãi ra mà không hề gặp một khe suối nào. Mồ hôi ướt đầm lưng áo, đội hình bắt đầu chệch choạc mệt mỏi. Buồn ngủ, đói, khát nước, bộ đội tản ra dùngdao găm đâm vào gốc chuối tìm nước uống. Nước chát xít hôi mùi nhớt sên. Không có nước nấu cơm, bộ đội đành phải ăn chuối và đu đủ để lấy sức chiến đấu.
Ngang chiều vẫn chưa qua được vườn đu đủ ấy. Được lệnh tản vào các bụi chuối tạm nghỉ, các tiểu đội chiến đấu thay nhau cảnh giới và ngủ lấy sức.
Có tiếng AR15 và AK nổ dồn dập phía sau. Một trung đội tàn binh địch cắt ngang qua đường hành quân của ta, chúng mò theo dấu dép và có cuộc đọ súng với đội hình thu dung của ta ở phía sau. Thấy lực lượng quá chênh lệch địch tháo chạy và gọi cối 106,7 bắn đến. Tiếng quả đạn do do bay đến nổ long óc, quả đông, quả tây thế rồi chúng cũng thôi không bắn nữa.
Khoảng 8 giờ sáng hôm sau mới ra khỏi vạt nương ấy, bộ đội dừng lại ven một con suối nhỏ với những bụi le lưa thưa nấu cơm.
Thời gian này, sư đoàn 10 đang hình thành thế vây hãm, tiến công liên đoàn biệt động 21 và trung đoàn 44 sư đoàn bộ 23 ở Nông Trại - Phước An.
Trung đoàn 24 (thiếu) có pháo binh, công binh và xe tăng của lữ đoàn 273 đánh thẳng vào điểm cao 581, tiến công chi khu Phước Bình. Tiểu đoàn 8 trung đoàn 66 chúng tôi vòng về hướng tây-nam Phước An chặn cầu A1 phía nam Đạt Lý trên đường 21 không cho chúng rút chạy.
Trung đoàn 28 hành quân bằng xe cơ giới kết hợp cùng xe tăng, pháo binh vòng lên phía bắc đường 21, qua ngã ba Phước An đánh từ hướng đông bắc vào quận lỵ, phối hợp cùng trung đoàn 24 tiêu diệt toàn bộ quân địch tại đây.
Ngày 16 tháng 3 năm 1975 quân ta đồng loạt tiến công địch khu vực Nông Trại, Chư Cúc và liên đoàn biệt động 21 ở Phước An. Trung đoàn 24 đánh chiếm Nông Trại, Tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn 9 trung đoàn 66 cùng trung đoàn 149 san phẳng căn cứ B50 (Hòa Bình). Ngày 17 tháng 3 trung đoàn 28 tiến đánh trung đoàn 44 ngụy chốt chặn đường 21 và khu vực Phước An. 12 giờ trưa ngày 18-3 tổng công kích vào cứ điểm Chư Cúc.
Trong chiến dịch tiến đánh quân đổ bộ xuống Phước An. Ta tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng còn lại của sư đoàn 23 và liên đoàn 21 biệt động Sài Gòn. Bắt sống hàng ngàn tên, thu vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch.
Tiểu đoàn 8 chúng tôi nhận lệnh cùng trung đoàn 24 tiến công và đón lõng quân địch đổ bộ xuống Phước An. Nhưng do đường xa, đơn vị hành quân bộ luồn rừng nên không đuổi kịp các đơn vị bạn thần tốc đánh địch bằng xe hành tiến. Đến gần Phước An, Nông Trại thì đơn vị bạn đã làm chủ trận địa. Chúng tôi tiếp tục cắt về phía đông hướng về mặt trận Khánh Dương.
Sau những ngày hành quân trong rừng, sáng ngày 22 tháng 3 cắt ra một sườn đồithoai thoải phía trước là một thung lũng rộng, gió thổi thốc lên mát lạnh. Con đường 21 uốn lượn bên những sườn đồi xanh mát mắt. Những làng bản ẩn hiện với mái tôn sáng lấp lóa bên màu xanh cây trái. Phía ấy tiếng súng từng chập lại rộ lên. Ta đang đánh vào quận lỵ Khánh Dương.
Có hai chiếc A37 ở đâu bay đến bổ nhào ném bom. Pháo phòng không của ta bắn lên, đạn vàng chóe vây lấy hai chiếc máy bay ấy. Bỗng từ phía cuối con đường vắt qua ngọn đồi trước mặt, một quả tên lửa vác vai bắn lên. Nhìn nó giống như chiếc kim kéo theo sợi chỉ trắng nhằm chiếc máy bay lao đến. Chỉ một tích tắc, sau tiếng nổ bụp một cái, chiếc máy bay đứt làm hai lửa cháy đùng đùng và lao xuống đất. Trên bầu trời xanh ngắt ấy một chiếc dù đỏ bung ra.
Có hai chiếc trực thăng ở đâu bay đến xà rất thấp, đạn 12 ly 7 bắn lên. Thế rồi chỉ nghe tiếng ụt ụt và không thấy nó bay lên nữa.
Lệnh tiếp tục hành quân, chúng tôi bám theo nhau leo xuống chân đồi. Con đường 21 phẳng lỳ lượn mình chạy về phía đông. Không biết đơn vị mình có được đánh Nha Trang hay không. Bất giác tôi thấy lòng mình rạo rực.
Ði một đoạn, bắt gặp hai chiếc trực thăng nằm chềnh ềnh giữa đường, có vài người lính cầm súng đứng bên cạnh. Hỏi ra mới biết rằng: Ta bắt sống tên phi công lái máy bay A37 và bắt nó điện về xin trực thăng đến cứu. Hai chiếc trực thăng này bay đến và ta bắt sống luôn cả tổ lái! Hoá ra bộ đôi ta cũng ma lanh thật.
Tôi bỏ ba lô xuống và leo lên trực thăng. Hai bên sườn máy bay bị đạn bắn thủng lỗ chỗ, sàn máy chứa khoảng 10 người được lát một tấm sắt dày, hai chiếc ghế phi công một lớp sắt nữa với tấm che cho hai tay cầm cần lái. Phía trên, một lớp sắt bảo vệ động cơ dưới cánh quạt. Kiểu này AK và trung liên cũng khó mà bắn cháy được nó.
Quận lỵ Khánh Dương đã được giải phóng. Chúng tôi bám theo nhau tiến vào quận lỵ. Tiểu đoàn 8 cùng sư đoàn 10 nhận thêm gạo và đạn chuẩn bị tiến đánh tiêu diệt lữ dù 3 chốt chặn trên đèo MaĐ”rắc (Đèo Phượng Hoàng). Tiến xuống giải phóng Nha Trang và vùng đồng bằng ven biển.
.
Hoàng Kim Hậu
Tứ Xã-Lâm Thao-Phú Thọ
ĐT: 0934 441 239