CUỘC TỔNG TẤN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN 1968
Ở THỊ XÃ KON TUM
Ở THỊ XÃ KON TUM
Nguyễn Tập - Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, Nguyên Bí thư Ban Cán sự H5 Đến năm 1967, về cơ bản ta đã kiện toàn được Ban Cán sự Đảng ở thị xã Kon Tum , xây dựng được nhiều đội vũ trang công tác, có bộ phận chuyên trách bàn đạp và nội ô, xây dựng được hành lang và lõm căn cứ ở trung tâm thị xã, củng cố bàn đạp vững mạnh. Điều kiện cho tấn công nổi dậy đã có, tuy chưa được toàn diện, nhưng cũng có khả năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, kế hoạch của Khu ủy Khu 5 và Bộ Tư lệnh Tây Nguyên - B3, Tỉnh ủy, Tỉnh đội Kon Tum và Ban Cán sự thị xã gấp rút triển khai kế hoạch thực hiện: Bộ Chỉ huy Mặt trận Kon Tum được thành lập, đồng chí Vương Tuấn Kiệt (Phú) - Tham mưu phó B3 làm Chỉ huy trưởng; Phùng Bá Thường - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 chủ lực làm Chỉ huy phó; Lê Tấn Nhất (Thuận) - Chính trị viên phó Tỉnh đội là Chỉ huy phó; Bùi Anh (Tiềm) - Bí thư Tỉnh ủy làm Chính ủy; Nguyễn Tập - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội làm Phó Chính ủy. Chỉ huy trưởng và chính ủy chỉ huy chung và trực tiếp đơn vị pháo binh. Đồng chí Phùng Bá Thường chỉ huy Trung đoàn 24 tiến đánh biệt khu 24 của ngụy. Đồng chí Lê Tấn Nhất chỉ huy Tiểu đoàn 304 tiến đánh sân bay và khu huấn luyện 42 ngụy. Đồng chí Nguyễn Tập chỉ huy cánh quân phía tây gồm Tiểu đoàn 406 đặc công tiến công vào tòa hành chính, ty cảnh sát, tiểu khu Kon Tum. Lực lượng vũ trang an ninh giải thoát nhà lao. Chỉ đạo công tác cơ sở, công tác quần chúng nổi dậy do Ban Cán sự thị xã (H5) phụ trách, đã đưa 6 cán bộ vào sông hợp pháp ỏ lõm căn cứ Trung Lương do đồng chí Nguyễn Thế Vũ chỉ huy, ngoài ra còn lập 2 đội công tác dân vận do đồng chí Lê Văn Vinh (Nhất) phụ trách đội phía tây cùng tiến vào với cánh quân phía tây, đội phía đông do đồng chí Đào Duy Tồn phụ trách, cùng tiến theo cánh quân phía Đông. Ngày 14 tháng 12 năm 1967, Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Mặt trận Kon Tum cử đồng chí Trần Thanh Dân - Bí thư Ban Cán sự H5 cải trang đi hợp pháp vào nội ô kiểm tra tình hình và công tác chuẩn bị, phục vụ cho việc quyết định của kế hoạch tấn công và nổi dậy. Phương án của ta là lót một bộ phận đặc công vào nội ô trước ngày nổ súng, đưa cán bộ chỉ huy cải trang hợp pháp vào điều tra các mục tiêu, khảo sát đường ta hành quân công khai để tiếp cận mục tiêu sẽ tấn công. Ban Cán sự thị xã đã chọn một số anh chị em cơ sở ở bàn đạp lõm và căn cứ nội thị đưa cán bộ chỉ huy đi chuẩn bị chiến trường, ra vào thị xã bằng nhiều hình thức. Cơ sở đã cung cấp cho ta cả bản đồ thị xã và các mục tiêu bên trong, chuẩn bị nơi trú và đưa đón đặc công vào trú, nơi cất giấu vũ khí, vận chuyển vũ khí các nơi sẽ cất giấu phân tán cho đặc công. Ban Cán sự còn bố trí một số cơ sở đón nhận, nuôi giấu, bảo vệ và phục vụ đưa các chiến sĩ đặc công tiếp cận mục tiêu làm nhiệm vụ. Trước 30 Tết độ một tuần, không khí chuẩn bị vui Tết đón Xuân của đồng bào thị xã không kém phần nhộn nhịp như thường lệ, trong một tình cảnh phố xá binh lính, cảnh sát địch canh phòng nghiêm ngặt, xét hỏi gắt gao, nếu có ai sơ hở một tí thì bị chúng bắt vào cật vấn, phạt vạ hoặc bị giam cầm... nhưng ai nấy cũng hối hả lo cho mình có ngày vui đón năm mới. Trong khi ấy thì chúng ta có những chuyến hàng và khách đặc biệt cũng ra vào thị xã chuẩn bị cho đón “lễ giao thừa Mậu Thân”. Trên các phương tiện: đi bộ, xe máy, xe đạp, xe lam và cả xe Jeép của sĩ quan ngụy,... lần lượt vận chuyển từ nội thị ra căn cứ A25 (bàn đạp Trung Tín) và ngược lại từ A25 vào lõm căn cứ Trung Lương nội thị. Công việc lại càng khẩn trương và nhộn nhịp hơn nhiều việc chuẩn bị Tết của người dân. "Hàng” ra là mấy trăm bộ quân trang ngụy do cơ sở quyên góp mua sắm đủ cho Tiểu đoàn đặc công 406, đơn vị vũ trang thị đội và An ninh vũ trang tĩnh cải trang, thuận lợi cho việc hành quân công khai trên đường phố để dễ tiếp cận mục tiêu tấn công địch. “Hàng” vào là hơn tạ vũ khí, đạn dược được ngụy trang dưới dạng bao cà phê, lúa, ngô, than, củi, chậu cây cảnh, hoa tết... cũng được vận chuyển trên các phương tiện như trên. Tuy nhiên, cái khó nhất là hai khẩu B40 được ta bỏ vào trong hai bao than củi trên xe lam, có khách hỏi vui: “Hôm nay có quà Tết gì mà to nặng thế ông chủ...?”. “Than củi đấy, chớ có nặng chân bụi bay vào mũi...” tiếng đáp của chủ xe cơ sở Tòng Ký (tức Dư Tư Tòng). Hàng về đến đích, người nhận thất hứa nên cơ sở Tòng Ký chuyển về nhà mình cất giấu, đến tối 30 Tết giao lại cho các chiến sĩ tại quán Cao Nguyên. Hồi hộp và lo lắng nhất là hai bao “cà phê” được đưa lên xe viên trung úy pháo binh ngụy Phan Văn Trương, với đoạn đường hơn 4 cây số mà sao cảm thấy quá xa, rồi với những lời hài hước lả lơi, tình tứ của chủ “cà phê” với chủ xe làm vơi đi cơn lửa đang cháy lòng của cơ sở Bảy Lý. Cô thở phào nhẹ nhõm cất lời chào cảm ơn viên trung úy, “mìn” và người xuống xe an toàn. Cùng lúc, “hàng” của Phận, của Mười, của Tình và của nhiều đồng chí khác cũng về đích chiều 29 - 30 Tết. “Khách” là 12 chiến sĩ đặc công được ta lót vào nội thị trước hai, ba ngày để hoàn tất công tác kiểm tra việc chuẩn bị vị trí ở mục tiêu Tòa hành chính Kon Tum và làm nhiệm vụ mở đột phá khẩu, mở màn cho đợt tiến công khi đơn vị chủ công đã tiếp cận mục tiêu. Nơi trú là quán Cao Nguyên. Cái lo nhất là có hai chiến sĩ đi trên xe viên trung úy pháo binh và xe của lính Lôi Hổ, nhưng cơ sỏ vẫn khéo léo che mắt địch và bảo vệ về đến đích an toàn. Đoàn “khách” thứ hai là Tiểu đoàn trưởng đặc công Nguyễn Phi Hùng, các đại đội trưởng đặc công và Thị đội vào kiểm tra, quan sát tận mắt mục tiêu và các vị trí của từng mũi tiến công cùng xác định các con đường hành quân thuận tiện cho việc tiếp cận. Khách vào ra cũng bằng phương tiện như chuyển hàng, và trên phong cách phù hợp của từng đốì tượng như: thợ rừng, dân buôn, thương gia, nông gia, nhà giáo, công chức... Vào ra và khi làm nhiệm vụ được cơ sỏ hướng dẫn đi lại, ăn ở đều chu tất và đưa về căn cứ an toàn vào chiều 26 và 27 giáp Tết Mậu Thân. Ngoài ra, thường hay vào ra, ăn ở làm công tác là các đồng chí Nguyễn Thế Vũ, Trần Thanh Dân, Nguyễn Phô, Nguyễn Thị Thanh Vân... cũng đều được bảo vệ an toàn trong một thời gian dài vào cuối năm 1967 và đầu năm 1968. Đêm 30 Tết, cánh quân phía tây hành quân theo hành lang đã chọn, sang phía nam Đắk Cấm đi hướng tây nam lên vượt qua quốc lộ 14 - nơi đỉnh dốc cầu Đắk Cấm, vòng hướng nam vượt suối Rỏ Rẻ đi về phía đông nhập vào đường lớn trước Bệnh viện Kon Tum thẳng tới đường 14 đoạn cắt ngang, qua đường Bà Triệu, mỗi đội nhanh chóng tiếp cận mục tiêu thì cũng vừa lúc pháo giao thừa trong thị xã nổ ran. Trong lúc các chiến sĩ đang trên đường hành quân từ bên ngoài vào thị xã thì ở nội ô, tại quán Cao Nguyên đường Hàng Keo - Trung tâm của lõm căn cứ Trung Lương, mặt tiền của quán bài trí cảnh đón Tết rực rở thì bên trong của gác hai là nơi trú quân của đội đặc công và tiếp nhận vũ khí từ các hướng chuyển đến. Các chiến sĩ ta đã hoàn thành việc chuẩn bị mọi việc trong tư thế chiến đâu của người lính đặc công sẵn sàng xuất quân. Đúng giờ hẹn, “cảnh sát” Năm Diêu cùng Châu, Hòa và Muộn với trang phục là những chiếc áo dài bằng dạ ấm, bạt đi mưa... đã ngụy trang cho các chiến sĩ đặc công và che giấu vũ khí, nhất là cho súng B40, lần lượt đưa từng chiến sĩ đến vị trí ém quân an toàn. Mọi việc cho trận chiến đấu ở nội ô đã hoàn tất và đảm bảo bí mật tuyệt đối trước 12 giờ đêm 30 Tết. Khi tiếng pháo giao thừa đón Xuân của nhân dân thị xã nổ giòn, đội đặc công đã xong việc chuẩn bị của mình, thì cũng là lúc Tiểu đoàn đặc công 406 và các đơn vị chiến đấu nội thị cũng trên đường công khai hành quân tiếp cận mục tiêu, các mũi của đoàn công tác dân vận đi cùng quân đội đã vào nội thị. Ban chỉ huy trận nội thị chúng tôi đã đến vị trí xóm bệnh viện Kon Tum. Tất cả mọi diễn biến trong thời gian này, Ban chỉ huy thường xuyên nhận tin tức của liên lạc đường bộ báo về đều bảo đảm an toàn, bí mật. Thế là sự hợp đồng giữa các đơn vị chiến đấu mật tập, cường tập, bí mật và hành quân công khai, giữa trên và dưới đều ăn khớp, đúng giờ. Giờ G đã đến sau giờ giao thừa Mậu Thân, tiếng bộc phá mở màn cho chiến dịch nổ vang tại tòa hành chính tỉnh trưỏng Kon Tum, rồi liên tiếp, tiếng súng các loại của quân ta khắp nơi nổ vang thay cho tiếng pháo giao thừa của đồng bào trong đêm. Bị đánh bất ngờ, bọn địch hoảng loạn cố thủ dưới hầm, một số bỏ chạy, số ít chống cự. Quân ta lần lượt giải quyết các ổ đề kháng của địch. Điều khó khăn không lường hết là Đại đội công binh không đánh sập được cầu Đắk Bla. Trung đoàn 24 đêm ấy không đánh được biệt khu 24 ngụy nên lực lượng chủ lực mạnh nhất của địch vẫn còn nguyên, sau khi hoàn hồn chúng tổ chức phản kích. Từ biệt khu 24 và quân Lôi Hổ ở phía nam cầu Đắk Bla đã tiến quân bao vây, đánh vào các mục tiêu ta đang chiếm giữ, xe tăng, thiết giáp, bộ binh chúng phong tỏa hết các con đường ra vào thị xã. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch lúc này diễn ra quyết liệt, các chiến sĩ ta dũng cảm đánh lui các đợt phản kích của địch trên từng điểm chốt, từng đường phố , ta bị thương vong nhiều không tiến lên được, nên theo lệnh phân tán đánh nhỏ lẻ. Ta đưa thêm đội 2 vào cũng không tiến lên được. Gần 6 giờ ngày mồng 1 Tết thì liên lạc điện đài và cả đường bộ giữa Tiểu đoàn 406 và chỉ huy bên ngoài bị đứt. Qua điện đài của địch, ta biết được suốt ngày hôm ấy đến hôm sau, các tổ chức nhỏ lẻ của ta bám đánh địch và lần lượt rút ra. ở sân bay, địch không đánh được Tiểu đoàn 304 của ta, đến khi có lệnh chủ động rút về. Trung đoàn 24 của ta đêm đầu không hoàn thành nhiệm vụ, đêm sau tấn công vào biệt khu 24 ngụy, mất thời cơ và không còn yếu tố bất ngờ nên cũng chỉ đạt yêu cầu rất thấp. Hai đội công tác dân vận và cán bộ chính trị cũng được lệnh rút ra. Cuộc tấn công và nổi dậy của ta kết thúc đợt một. Ngày 4 tháng 2 năm 1968, địch bắt đầu khủng bố, trong vòng 15 ngày, chúng bắt 450 người mà chúng nghi ngờ, trong đó có 55 cán bộ, đảng viên và cơ sở của ta. Lõm căn cứ nội thị và bàn đạp bên ngoài bị đánh phá. Cơ sở còn lại không liên lạc được với lãnh đạo thị xã. Phải mất một thời gian dài ta mới khôi phục lại được cơ sở ở bàn đạp bên trong. Từ đây tổ chức cơ sở được phát triển ngày càng rộng lớn, phong trào cách mạng trong quần chúng mạnh lên. Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 ở thị xã Kon Tum nổi lên mấy vấn đề: ⁃ Một là: Ta đã đồng loạt tấn công vào các vị trí đầu não quan trọng trong sào huyệt địch, phối hợp với chiến trường trên toàn miền Nam, tiêu diệt và tiêu hao một bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Điều đó chứng minh rằng, ta có thể đánh vào cơ quan đầu não địch, có thế tiếp cận địch mà chúng không hể hay biết dù lực lượng chúng đông đảo, đồn bốt trong ngoài dày đặc, mật vụ gián điệp cài cắm khắp nơi nhưng do chúng chủ quan, sơ hở, không được lòng dân. ⁃ Hai là: Tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ ta rất kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Cơ sở cốt cán và nhân dân hết lòng, hết sức phục vụ cho cuộc tấn công không ngại tù đày, tra tấn, thiệt hại đến tính mạng. Cơ sở của ta ở thị xã đã dám đứng lên hành động cách mạng với tinh thần cao cả, quân và dân đã phối hợp, giúp đỡ nhau cùng tấn công địch. Điều đó cho thấy, có cơ sở, có dân thì kế hoạch tiến quân, lót quân, vận chuyển, cất giấu vũ khí và mọi công việc khác đều bảo đảm bí mật, bất ngờ và tuyệt đối an toàn. ⁃ Ba là: Qua cuộc tiến công và nổi dậy này, yếu điểm của ta cũng bộc lộ rõ: vẫn còn một số cán bộ ngại hy sinh, do dự, rụt rè nên không hoàn thành nhiệm vụ; kế hoạch của một vài đơn vị thiếu hoặc không chuẩn xác, thông tin liên lạc chiến đấu của ta quá kém, không bảo đảm nhanh cho chỉ huy xử lý tình huống; trình độ nghệ thuật chỉ huy còn non yếu; sử dụng cơ sở phục vụ chiến dịch bị bại lộ, khi có kẻ bị bắt khai báo thì bị địch đánh phá vỡ. Đặc biệt thời điểm đó có phần bất lợi, vì trên đường hành quân vào nội thị lại nhận lệnh khẩn của Bộ Tổng Tham mưu cho hoãn cuộc tấn công đêm 30, chuyển vào đêm mồng 1 Tết (nơi nào không hoãn kịp cứ thực hiện theo kế hoạch), với ta không thể hoãn, do vậy mà ý chí rụt rè, tiêu cực của số cán bộ càng tăng, hạn chế quyết tâm, không dám đánh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế thắng lợi và gây tổn thất nhiều của lực lượng chiến đấu nội thị. Ta giành thắng lợi quan trọng, nhưng tổn thất không nhỏ. Tổn thất này ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Tuy nhiên, thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, Mỹ càng thất bại, không thể không rút quân về nưóc, không thể gượng dậy được. Còn ta thì nhanh chóng khôi phục, xây dựng củng cố, phát triển lực lượng về mọi mặt, liên tục đánh địch trên tất cả các mặt chính trị, vũ trang, binh vận và tiếp tục tiến lên, đi đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng Kon Tum, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thông nhất đất nước mùa Xuân 1975.