TÂY NGUYÊN - NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

TÂY NGUYÊN - NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Đồng Thị Hiển - Nguyên Y sĩ Viện 1, Viện 211


Tháng 2 năm 1965 ngày ấy tôi còn trẻ lắm 17 tuổi, cái tuổi đang trưởng thành đang biết yêu đương xong cũng từ ngày ấy tôi rời ghế nhà trường bước chân vào quân ngũ nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Đây cùng là lúc máy bay giặc Mỹ bắt đầu đánh phá ra miền Bắc. Quê tôi có sân bay Kép và có ga tàu hỏa, là một ga đi lên phía Bắc của Tổ quốc. Thanh niên phụ nữ quê tôi náo nức tình nguyện vào Nam đánh Mỹ, tôi vào học y tá ở Quân y Viện 110 từ tháng 4 năm 1965 đến tháng 12 năm 1965 thì học xong và nhận nhiệm vụ đi B. Tháng Giêng năm 1966 lên đường vào một đêm đông giá lạnh, tôi được đi đoàn 2 của Viện 211 bằng xe com mảng ca mỗi xe chở 5 người.
Xe của tôi gồm có: Chú Bích, chú Lợi, anh Giả, anh Trang và tôi. Xe đến làng Ho thì nghỉ lại đón Tết ở đây. Sau vài ngày nghỉ tại làng, đoàn xe lại lên đường, đêm chúng tôi đi qua sông Bạc, xe tôi gồm 5 anh em bỗng dưng lăn 3 vòng từ trên đường xuống đến sát bệ sông thì chổng bốn bánh lên trời. Mọi người lồm cồm bò dậy, tôi buồn cười quá, tôi cười thật to thế là bị mắng. Chú Lợi, chú Bích mắng: “Sắp chết còn cười được” nhưng tôi vẫn cứ cười. Khi lái xe mở được cửa chui ra khỏi xe bắn 5 phát súng chỉ thiên thì không hiểu từ đâu nữ thanh niên xung phong đến khoảng 20 người, tôi không nhìn được rõ thế là như đàn kiến khênh bổng chiếc ô tô lên tận trên đường. Xe lại nổ máy lại tiếp tục hành quân và đi trong đêm tối, bằng những chiếc đèn gầm. Sau hai đêm đi vòng tránh sân bay Tà Không đến rạng sáng ngày thứ ba thì tới Tăng Cát Nọi bị máy bay Mỹ oanh tạc cả đoàn xe nằm lại giữa con suối, xe thì cháy xe thì hỏng. Đến chiều ai bị thương thì được cáng đi trạm xá, còn tất cả xuống xe đi bộ.
Từ ngày đó, tôi cũng không còn nhớ là bao ngày đi bộ chỉ nhớ rằng một buổi chiều bị sốt cao không đi được nữa tôi được đưa vào bệnh xá 47 của Đoàn 559. Điều trị một tuần thì hết sốt và tiếp tục hành quân theo kịp đơn vị, đến ngã ba Đông Dương thì được nghỉ lại nhận nhiệm vụ .
Khi về đến đơn vị thì gạo không có, các anh các chị đi lấy sắn 6-7 ngày mới về đến đơn vị, củ sắn đã chạy nhựa. Chú Chương bác sĩ lúc đó cứ phải đem sắn vùi xuống cát ăn dần. Còn hàng ngày phải đi lấy măng lồ ô về xào không mỡ, cứ 5 người một xoong ăn với sắn. Tôi cứ nghĩ cuộc sống thế thì làm sao sống được chắc một ngày nào đó mình sẽ phải chết, nhưng không, cứ mỗi ngày tôi một khỏe ra mỗi bữa tôi ăn 2 bát măng và một bát cơm độn sắn thế là tôi cũng đi lấy gạo được và năm 1966 cũng đã qua. Sang năm 1967, tôi được vềKhoa 40 làm chuyên môn phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị ốm đau, bịthương về điều trị và ngày tháng cứ trôi đi, cuộc sống cảm thấy bình thường. Xong sang năm 1968, khi đợt tổng tấn công nổi dậy diễn ra thì cả các thủ trưởng đến y, bác sĩ đều phải đi thồ gạo, thồ thương binh.
Sáng thì thồ gạo ra các binh trạm, chiều thì thồ thương binh về, lúc đó tôi khỏe lắm, cứ 1 tạ gạo đẩy đi, chiều lại lai 1 thương binh về. Chiếc xe đạp Phượng Hoàng của Trung Quốc không phanh, dùng chân phải dép cao su làm phanh chúng tôi cho trôi dốc. Cứ ngã lại dậy thế mà không bị gẫy chân gẫy tay gì hết. Sau đợt phục vụ chiến dịch Mậu Thân, ăn Tết xong tôi được đến trường Quân y Tây Nguyên học y sĩ.
Năm 1969, học xong tôi được điều về tăng cường cho đội phẫu thuật tuyến trước Viện 1 trong lúc Viện 1 đang gặp nhiều khó khăn phải phục vụ thương bệnh binh đi đánh Strung Treng về. Tháng 4 năm 1970, tôi chính thức được về Viện 1 lúc đó đóng tại rừng Le ở bờ sông Sê Ca Sụn, trong lúc gạo không có, hàng ngày đi bắt cá sông. Có loại cá hay ăn hạt Mã Tiền, những con cá này vừa to, đen gọi là cá Mỹ châu, nếu ăn thịt cá này người cũng say.
Lúc tôi về khoa có thủ trưởng Châu là Trưởng ban và có 4 cô gái từ Strung Treng về các khoa làm hộ lý, một thời gian đi học y tá vì lúc đó thương binh, bệnh binh ít, nhân viên đi tăng gia trồng sắn, trồng rau hết năm 1970.
Sang năm 1971, chúng tôi chuyển về núi Hổ, ở cột mốc số 1 vẫn trên đất Cam-pu-chia. Do đơn vị ở trên đỉnh núi nên việc đi lại thật khó khăn, lúc đó tôi phụ trách anh em thương bệnh binh (khinh thương) đi lấy gạo từ đỉnh núi xuống đến kho thì đã trưa. Chiều về, tói mới đến đơn vị. Ngày nào ở nhà lại phải động viên thương bệnh binh đào hầm, làm nhà, đi lấy sắn về độn cơm cho thươngbinh. Nhân viên chỉ được 1 bát cơm còn ăn thêm sắn luộc nhưng cuộc sống vẫn vô tư yêu đời, tình cảm đồng đội sao thương nhau đến thế!
Sang năm 1972, đơn vị lại chuyển về H35 gần sông Pô Cô, công việc thì vất vả cơ sở chưa có gì thương bệnh binh thì đông lại phải vừa làm lán trại vừa điều trị, nhưng có một điều đáng nhớ nhất trong đời người lính nữ như tôi: Một ngày tháng 4 năm 1972 cả một đêm tôi phải đứng mổ đến 5 giờ 30 phút sáng vệ binh báo tôi phải đi xuống bản cấp cứu cho dân. Sau khi mổ xong, vệ binh đưa tôi đi khoảng hơn 2 giờ đồng hồ thì tới một bản ở sát sân bay Kleng của huyện 67 Kon Tum có một sản phụ là vợ của một anh người dân tộc làm Huyện đội phó. Khi tôi và một vệ binh đến nơi thì bà mẹ đó đã chết, còn một cháu gái khoảng 3kg đã được cắt rốn nằm gần mẹ cứ khóc ngất. Tôi có hỏi thì được biết họ sẽ cho chôn đứa bé cùng mẹ theo thủ tục của đồng bào. Khi đó trong lòng tôi vừa như choáng váng, vừa dâng lên niềm thương xót đứa trẻ vô tội. Không hiểu sao như một cái máy tôi lấy săng (khăn mổ) và những đồ đi đỡ đẻ, đỡ xong gói cháu lại, và nói tôi sẽ đem cháu về nuôi thì bố cháu nói bộ đội lấy đâu sữa nuôi cho cháu, nhưng lúc đó tôi cứ gói mang về. Chiều tôi về đến đơn vị, chính trị viên là ông Quế lúc đó mắng tôi. Công việc thì nhiều lại sắp hành quân làm sao nuôi nổi. Sau một đêm cháu đói khóc, tôi sợ quá nhưng không biết làm sao được, 5 giờ sáng tôi thấy anh nuôi dậy tôi cũng dậy xin ít nước cơm và ít đường hòa vào cho cháu uống. Cháu uống no là ngủ cho đến trưa, tôi lại xin nước cơm và sữa của thương binh cho cháu ăn, cháu cứ ăn như vậy và cũng mau lớn và tôi đặt tên cho cháu là Giáng Hương.
Ba tháng sau, dân bản nghe tin cháu còn sống thế là họ đem theo trứng gà, gạo cho cháu và cũng từ đấy tôi nuôi cháu bằng nước cơm của anh nuôi. Lúc đó có chú Cầu làm quản lý chú cho sữa, đường, nước cơm, đi khám bệnh thì tôi lại địu cháu theo đến từng phòng khám, những hôm mổ thì cháu lại ở bếp cùng với các cô các chú, cho đến cuối năm 1972 đơn vị lại di chuyển lên thị xã Tân Cảnh, Đắk Tô. Sau này lại chuyển vào Con Treo, Con Sóc - Kon Tum và cháu vẫn sống những ngày bình thường. Cho đến tháng 4 năm 1974, tôi để cháu lại đơn vị cho chú Cầu, cô Út, cô Tơ vì tôi chuyển về Viện 211 ở ngã 3 Đông Dương cho đến ngày giải phóng miền Nam và tôi cũng không được gặp lại cháu. Sau này đơn vị đi theo chiến dịch về đến Bình Dương và tôi có nghe cháu Hương được một gia đình ở Bình Dương nhận nuôi. Tháng 9 năm 1975 tôi về miền Bắc và đến nay đã nghỉ hưu, có dịp ôn lại bao truyện buồn vui, lại nhớ đồng đội, người còn, người mất; có đêm tôi không sao ngủ được nghĩ đến các đồng đội đã hy sinh hồi đó, không biết đã đưa được về quê chưa? và cháu Giáng Hương hiện nay thế nào
 Tác giả Đồng Thị Hiển