NHỮNG MẨU CHUYỆN VỀ NGÀNH QUÂN GIỚI MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN (TIẾP THEO

NHỮNG MẨU CHUYỆN VỀ NGÀNH QUÂN GIỚI MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN (TIẾP THEO
                                                          ( Đinh Đức Cường và Ngô Khắc Thường )
             
 
   3. “NHỆN” CHUI KÍNH NGẮM

Đó là những ngày cuối tháng 10 năm 1974 cả mặt trận đang chuẩn bị khẩn trương cho chiến dịch mùa khô thì tin báo động trời từ một đơn vị của Trung đoàn xe tăng 273: nhện chui vào kính ngắm xe tăng làm tổ không thể quan sát được. Đại đội báo cáo lên tiểu đoàn, tiểu đoàn báo lên trung đoàn.
Trợ lý vũ khí khí tài trung đoàn đi kiểm tra ngay về báo cáo lại là đúng. Lữ đoàn báo cáo ngay về Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, tiếp đó điện thoại từ Bộ Tư lệnh Mặt trận giội xuống ông Trần Thực. Ông lo lắng gọi tôi lên ông bảo:
- Trung đoàn 273 báo cáo về Bộ Tư lệnh là nhện chui kính ngắm xe tăng mà lô kính ngắm này là đích thân cậu phụ trách kiểm tra sửa chữa trước mùa mưa vừa rồi để chuẩn bị cho mùa khô này, cậu xem lại xem sơ xuất ở chỗ nào không? nếu đúng như họ báo cáo cậu sẽ bị kỷ luật nặng và tôi cũng không thoát. Ngày mai đơn vị họ sẽ mang về đây, cậu chuẩn bị biện pháp xử lý đi.
Tôi báo cáo với ông:
- Chuyện này lạ thật, em không tin là có thật, vì chính tay em làm và kiểm tra kỹ từng cái một, em hiểu tầm quan trọng của nó. Nếu đúng em sẽ chịu một mình không để liên lụy đến anh và anh em đâu.
Lúc này tôi cũng chưa biết làm sao và lo cả đêm không ngủ được. Kỷ luật chiến trường là rất nặng.
Hôm sau đơn vị mang kính ngắm đến, tôi kiểm tra cẩn thận từ bên ngoài thấy không có vết tháo mới nhưng thấy bồ hóng bếp còn bám vào kính ngắm mặc dù đã được lau chùi qua và còn thấy cả túi ni lông đựng gạo của Trung Quốc bị chảy ra dính vào thân kính ngắm, tôi đưa mắt vào ông kính và đã biết rõ thủ phạm.
Tôi hỏi: Các đồng chí mang kính ngắm về bảo quản ở đâu?
- Dạ đại đội trưởng em bảo trời mưa không lắp vào xe, mà cho vào túi ni lông dầy buộc chặt lại để lên gác bếp cho khỏi bị ẩm.
Thế là đã rõ lính tăng sợ để ở ngoài xe hơi nước sẽ làm hỏng kính ngắm nên cho vào túi ni lông và để trên gác bếp, lửa cháy to nóng quá nên các thấu kính bị nhả nhựa loang, ra như hình con nhện, anh em không biết điều đó và không có kinh nghiệm quan sát lên cứ tưởng là vậy, thật hú vía.
Sau khi phân tích tôi cho tháo ra thì đúng như vậy.
Anh Trần Thực bảo cho lập biên bản ngay vậy là khuyết điểm không phải do xưởng mà do trung đoàn, song 5 cái kính ngắm này bị hỏng 5 chiếc xe tăng sẽ không chiến đấu được ăn nói làm saò với Bộ Tư lệnh.
- Tôi cười bảo: Anh yên tâm đi em sẽ xử lý cho, trên xe công trình xa của ta có nhựa dán kính quang học, em sẽ đích thân làm cho anh xem.
Tôi cho anh em bộ phận quang học, tập trung làm ngay. Nhìn đôi bàn tay tôi vê đôi thấu kính tròn xoe khi thao tác trên bếp còn mọi người "phục sát đất". Sau khi sửa chữa xong giao cho đơn vị, anh Thực phấn khởi lắm, anh nói với tôi: Ta phải soạn ra quy trình bảo quản vũ khí khí tài trong điều kiện của ta để các đơn vị thực hiện chứ không thế này có ngày mang vạ anh ạ.
Anh Thực điện về báo cáo với trên, chuyện này sau này anh em được một trận cười vỡ bụng...

4. PHÁT MINH TỪ NGHỊCH NGỢM

Trong quá trình chiến đấu các loại pháo mặt đất rung giật rất mạnh, qua nhiều trận đánh và khí hậu bất thường các khung kính có vạch khắc (chữ thập) của Liên Xô và Trung Quốc chế tạo làm bằng sợi kim loại nhỏ xíu bị đứt rất nhiều không có vạch chữ thập thì không lấy chuẩn được. Không có dây kim loại thay thế, tôi đã tìm đủ cách như kiểm tra sợi tóc của tất cả anh em, ai sợi bé nhất nhổ lấy thay cho khung chữ thập song, dù sợi bé nhất khi cho vào phóng đại lên cũng to gấp ba bốn lần sợi kim loại cũ và như vậy sai số sẽ lớn và sợi tóc bằng sừng một thời gian sẽ chùng ra võng xuống làm cho độ sai số càng tăng không cẩn thận pháo binh sẽ "đấm lưng" bộ binh như chơi. Nhưng vẫn phải dùng tạm để phục vụ chiến đấu khi chưa tìm ra vật liệu thay thế.
Một buổi sáng, tôi thức dậy chạy vội ra rừng để "xả e" tôi nhìn thấy một màng nhện độc vằn xanh, loại nhện to như đầu ngón tay cái màu xanh rất độc bị nó cắn đau như bò cạp đốt, con nhện đang bắt một con bướm to bị sa vào lưới của nó. Quan sát thấy con nhện mà cả cái màng nhện rung lên chùng xuống với một sự đàn hồi rất tốt và một ánh chớp lóe lên trong đầu. Tôi liền chạy về mở cửa xe lấy cái panh và một ống nhôm ra, tôi dùng panh gắp sợi tơ trắng đục căng trên hai mép ông nhôm độ dính của sợi tơ rất tốt. Tôi liền về xe và ngồi vào làm luôn một khung kính chữ thập, sau khi dán keo vào tôi dùng đầu panh đẩy sợi tơ đang võng xuống, buông tay ra nó lại trở về vị trí cũ; tôi đưa vào kính lúp kiểm tra thì ngoài sức tưỏng tượng và mong đợi sợi tơ đạt chuẩn một cách không ngờ, bây giờ còn kiểm tra độ chịu rung giật của nó nữa, tôi cầm khung nhôm vỗ thật mạnh các kiểu mà sợi tơ vẫn chắc chắn như không. Tôi reo lên gọi anh Ngô Khắc Thường đến và trình bày, anh Thường mừng lắm, đây là vấn đề mà hai anh em tôi đau đầu nhất đã được giải quyết. Sau đó tất cả các kính ngắm được lắp bằng tơ nhện được tôi và anh em ghi số cẩn thận để theo dõi; qua nhiều trận đánh các kính ngắm quay về song không có cái nào đứt dây cả, tôi nói đùa là bây giờ cần thì ta lại bán dây cho Liên Xô. Những sợi tơ nhện rừng Tây Nguyễn đã theo đàn "voi" của chúng tôi đi suốt chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và sau này còn tung hoành ở đất Cam-pu-chia mà ít người biết được. Thật là một điều kỳ diệu.