CÁC TƯỚNG LĨNH MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN - QUÂN ĐOÀN 3 - NGƯỜI ANH HÙNG, CỐNG HIẾN TRỌN ĐỜI CHO CÁCH MẠNG

Ông là vị tướng duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh ngoài mặt trận . Tháng 3/1979 , trong lúc cả Quân đoàn đang dồn sức tiêu diệt quân Pôn Pốt ở phía Tây tỉnh Bát Tam Băng để nhanh chóng trở về miền Bắc đánh quân xâm lược phía Bắc thì được tin đoàn xe chở ông xuống giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 31 ở Xiêm Riệp bị địch phục , ông bị thương rất nặng , trên đường đưa ông bằng trực thăng về nước thì ông mất . Tin ông mất trong lúc cuộc chiến vẫn còn rất quyết liệt đã làm cả Quân đoàn không cầm được nước mắt , ai cũng đau xót thương ông , một vị Tướng can trường , tài giỏi . Ông là Thiếu tướng Kim Tuấn - Tư lệnh Quân đoàn 3 , ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN . Nhân chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 39 , ngày mất của ông ( 17/3/1979 - 17/3/2018 ) , trang Lính Tây Nguyên xin gửi tới bạn đọc bài viết về ông của Đại tá - nhà văn Lê Hải Triều , như một nén tâm nhang tưởng nhớ tới ông , vị chỉ huy kính yêu của Lính Tây Nguyên .

NGƯỜI ANH HÙNG, CỐNG HIẾN
TRỌN ĐỜI CHO CÁCH MẠNG

                                                                                                                  Lê Hải Triều

Thiếu tướng Nguyễn Công Tiến (tức Nguyễn Kim Tuấn), sinh năm 1927 ở làng Phúc Lâm, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), một làng nổi tiếng với nghề làm giò chả. Ông sinh trưởng trong một gia đình viên chức. Cha của ông làm trưởng ga Lai Khê (Hải Phòng). Do có nghề gia truyền nên mẹ ông mở một cửa hàng bán giò chả tại Hải Phòng. Chính cửa hàng này đã nuôi sống cả gia đình ông. Nguyễn Công Tiến là con thứ hai trong một gia đình có 10 người con nên ngoài việc học hành ông phải làm lụng, bươn chải cùng mẹ kiếm sống.
Từ năm 1945, ở địa phương, ông đã tham gia các phong trào Việt Minh. Năm 1946, ông nhập ngũ và được cử đi học tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 1 (trường quân sự đầu tiên của Việt Nam). Ra trường, ông bắt đầu cuộc đời binh nghiệp cho đến lúc hy sinh tháng 3-1979. Ông ngã xuống khi đang ở cương vị Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 3. Cũng trong năm 1979 vào ngày 20 tháng 12 ông được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đầu năm 1972, để chuẩn bị cho chiến dịch lớn Bắc Tây Nguyên, Bộ Tổng tư lệnh tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên Sư đoàn 320 - Chủ lực cơ động của Bộ, vừa giành chiến thắng lớn trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào do đồng chí Nguyễn Kim Tuấn làm Sư đoàn trưởng. Sư đoàn 320 - Sư đoàn Đồng Bằng giàu truyền thống - với người đứng đầu đầy kinh nghiệm đã mở màn chiến dịch Bắc Tây Nguyên thắng lợi: Tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn dù, đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn dù khác của quân ngụy Sài Gòn. Trong chiến dịch đó với thời gian chưa đầy một tháng (từ 30 tháng 3 đến 24 tháng 4 năm 1972), lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã đập tan tập đoàn cứ điểm Đắc Tô - Tân Cảnh, tiêu diệt 1 sư đoàn quân ngụy cùng nhiều đơn vị binh chủng khác, giải phóng hầu hết tỉnh Kon Tum.
Trong cuộc tổng tiến công phối hợp với lực lượng cách mạng bạn giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng vào tháng 1 năm 1979, Quân đoàn 3, lúc này do Thiếu tướng Nguyễn Kim Tuấn làm Tư lệnh, có nhiệm vụ đập tan tuyến phòng ngự của 2 sư đoàn Pôn pốt tại Công Pông Chàm do tên Bộ trưởng Son Xen trực tiếp chỉ huy, mở đường cho Sư đoàn 10 vượt sông Mê Kông, vu hồi từ phía sau cùng các mũi của chiến dịch giải phóng Phnôm Pênh, đồng thời thọc sâu theo Đường số 6 giải phóng quân khu Bắc và Tây Bắc Campuchia. Thiếu tưởng Nguyễn Kim Tuấn đã trao đổi với Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến tập trung sức mạnh hỏa lực bảo đảm cho Sư đoàn 320 nhanh chóng đánh chiếm thị xã Công Pông Chàm để Sư đoàn 10 thực hiện nhiệm vụ. Nếu Sư đoàn 10 tiến chậm sẽ khó khăn cho các mũi tiến công chính diện vào thủ đô Phnôm Pênh. Lúc này muốn tiến công thị xã Công Pông Chàm, ta phải tồ chức tiến công vượt sông Mê Kông, nơi hẹp nhất cũng gần một cây số. Tư lệnh Nguyên Kim Tuấn đưa ra phương án xác định là tranh thủ bí mật vượt sông bằng một lực lượng phái đi trưởc bí mật đánh chiếm đầu cầu bờ bên kia sông, thu hút sự đối phó của địch để chủ lực Sư đoàn 320 vởi toàn bộ xe tăng, xe lội nước, pháo binh, cao xạ của Quân đoàn chi việtt bằng phương pháp bẳn trực tiếp, vượt sông bằng phương tiện cầu phà hiện đại. Trường hợp phân đội bí mật phải đi trước không thực hiện được thì chuyển sang tiến công vượt sông Kông bằng sức mạnh.
Đúng như dự kiến, khi phân đội phái đi trước bí mật vượt sông, gần đến tiền duyên địch trên bờ tây thì địch phát hiện và tập trung hòa lực ngăn chặn. Thấy không còn thời cơ bí mật tiếp cận, Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến báo cáo Tư lệnh Nguyễn Kim Tuấn cho chuyến sang tiến công bằng sức mạnh. Được Tư lệnh đồng ý, toàn bộ hỏa lực của các đơn vị cao xạ 57 ly, 37 ly cùng hỏa lực pháo trên xe tăng đều bắn trực tiếp vào tuyến tiền duyên địch. Sau 20 phút bắn phá, hệ thống địch bên kia sông bị tê liệt. Phát hiện địch tháo chạy, Tư lệnh Nguyễn Kim Tuấn lệnh cho xe tăng, xe lội nước cùng bộ binh vượt sông bằng thuyền phà công binh. Sau 15 phút, bộ phận đi đầu đã tiếp cận được tiền duyên địch, bảo đảm cho toàn bộ đội hình Sư đoàn 320 nhanh chóng phát triển, đập tan sức đề kháng của 2 sư đoàn địch trong thị xã Công Pông Chàm, mở thông đường cho Sư đoàn 10 thực hiện thọc sâu theo nhiệm vụ được giao vượt kế hoạch ban đầu. Sau 7 ngày chiến đấu, Quân đoàn 3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của minh, giải phóng khu Đông Bắc và Tây Bắc Campuchia và góp phần giải phóng thủ đô Phnôm Pênh vượt yêu cầu chiến dịch đề ra.
Vào thời điểm sắp kết thúc nhiệm vụ trên chiến trường Campuchia, Bộ quyết định để Quân đoàn 3 mở một đợt truy quét vào sào huyệt cuối cùng của bọn Pôn Pốt tại khu vực Bát Tam Bang, nơi tiếp giáp với Thái Lan. Nhiệm vụ rất khẩn trương để phối hợp trên toàn tuyến biên giới.
Trung tuần tháng 3 năm 1979, Tư lệnh Nguyễn Kim Tuấn giao nhiệm vụ cho Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn Nguyễn Quốc Thước cùng một số trợ lý sáng hôm sau trở về Xiêm Riệp để giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 31, hiện đang truy quét và trấn giữ vùng Xiêm Riệp, nhanh chóng thu quân về Bát Tam Bang để tham gia chiến dịch, còn ông ở Sở chỉ huy tại Bát Tam Bang để chỉ đạo cơ quan tham mưu hoàn thành kế hoạch và các văn bản chiến dịch.
Đột nhiên 4 giờ sáng hôm sau, ông gọi cơ quan dậy và phổ biến ý định mới. Ông nói nhiệm vụ rất khẩn trương, ông phải trực tiếp về Xiêm Riệp để giao nhiệm vụ cho đồng chí Tê - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 31 khẩn trương thu quân về cho kịp ngày N của Bộ và để làm việc với Quân khu 7. Ông nói thêm: “Ở nhà công việc chủ yếu là hoàn chỉnh các kế hoạch, mệnh lệnh, chỉ lệnh, việc này anh Thước thông thạo hơn nên anh Thước chủ trì cùng anh em chuẩn bị chờ mình về thông qua cho kịp. Còn mình không thạo làm kế hoạch”.
Với tính cách quyết đoán nên dù mọi người đề nghị ông ở nhà chủ trì chung, còn đồng chí Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng đi là đúng cương vị, chức trách song Tư lệnh Nguyễn Kim Tuấn kiên quyết không đồng ý và ra lệnh mọi người thực hiện kế hoạch của minh. Ông cùng một bộ phận cơ quan xuất phát. Trớc khi lên chiếc xe U-oát ông nói: “Mình đi dần trước các lực lượng thiết giáp, xe vận tải tiếp tục theo sau”.
Ngày 17 tháng 3 năm 1979 từ Sở chỉ huy đoàn xe của ông đến phum Tốc cách bắc Bát Tam Bang 40km thì gặp địch phục kích. Tư lệnh Nguyễn Kim Tuấn bị thương rất nặng, đồng chí bác sĩ đi cùng hy sinh ngay từ phút đầu nên điều kiện và phương tiện cấp cứu gặp nhiều khó khăn, ông bị hôn mê có lúc tỉnh lại, ông dặn dò các đồng chí đứng xung quanh và nhờ nhắn lại gia đình một đôi câu đứt quãng, sau đó ông lại rơi vào tình trạng hôn mê sâu và không bao giờ tỉnh lại nữa. Ông mất lúc 9 giờ sáng ngày 17 tháng 3 năm 1979 (tức ngày 20 tháng 2 âm lịch).
52 tuổi đời, 33 năm binh nghiệp trên các cương vị chỉ huy từ đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn đến Tư lệnh Quân đoàn cùng với thành tích xuất sắc trong xây dựng đơn vị và những chiến công vang dội trên chiến trường, tên tuổi Tư lệnh, Thiếu tướng Nguyễn Kim Tuấn được tôn vinh và ghi chép vào sử sách trở thành những bài học, những kinh nghiệm sống động để lại cho Quân đoàn 3, quân đội và lưu danh cho đời sau... Hình ảnh Sư đoàn 320 do Sư trưởng Nguyễn Kim Tuấn trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở những thời điểm quan trọng nhất, những chiến dịch quyết định nhất, luôn in sâu trong tình cảm của cán bộ chiến sĩ mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 cùng các cấp ủy. Ông mãi sống trong sự tiếc thương của đồng chí, đồng đội, sự tin yêu của bạn bè, sự mến phục của nhân dân các địa phương, các chiến trường ông đã qua.
Bà Lê Thị Tú Khuê - vợ ông - tâm sự: “Đối với gia đình, anh ấy là người rất tình cảm và chu đáo dù chúng tôi ít được gần gũi nhau. Mỗi năm chúng tôi chỉ có thể gặp nhau vào những ngày anh về Hà Nội họp, tình cảm và những lời động viên thường qua những lá thư, chúng tôi đã hẹn với nhau dù bận đến đâu, mỗi tuần cũng gửi một lá thư. Anh đã thực hiện đúng như vậy. Khi nào rỗi rãi thì anh viết dài vài trang giấy, khi nào bận hoặc đang chiến dịch, anh vẫn viết nhưng chỉ vài dòng. Thư có lúc gửi tay, nhưng chủ yếu vẫn là qua đường quân bưu. Có những lá thư đi trên đường mất hàng tháng hoặc hơn nữa, khi về đến nơi, những dòng chữ trong thư đã nhòe vì mưa nắng. Tôi đã xếp những lá thư theo thứ tự ngày tháng. Đây là món quà tinh thần rất quan trọng, nó là nguồn động viên tôi khắc phục khó khăn, nuôi dạy con một mình trong hoàn cảnh rất căng thẳng của chiến tranh.
Nhưng thật đáng tiếc, năm 1976, lúc gia đình tôi chuyển nhà từ khu 1A Hoàng Văn Thụ về khu tập thể Nam Đồng, hôm đó anh cũng có nhà, chúng tôi đã đọc lại những lá thư, nhớ lại những kỷ niệm. Anh nói: “Hòa bình rồi việc trao đổi thư từ tin tức cũng dễ dàng hơn . Chúng tôi thống nhất đốt những bức thư này. Tôi không thể nghĩ rằng anh lại hy sinh trong những ngày đất nước đã hòa bình. Đến nay lòng tôi vẫn day dứt, tự trách mình, giá như mình vẫn còn giữ được những quá khứ đáng trân trọng trong những lá thư đầy kỷ niệm ấy”.
Bà nghẹn ngào lau nước mắt rồi kể tiếp: “Cuối năm 1978, anh được điều động về Bộ Tổng tham mưu nhận công tác mới. Lúc đó anh là Tư lệnh Quân đoàn 3. Công việc đã bàn giao xong cho người thay thế. Nhưng rồi, anh lại được cấp trên giao nhiệm vụ quay lại Quân đoàn. Theo lời anh Lê Đức Thọ sau này nói lại với gia đình (anh Thọ lúc đó là ủy viên Bộ Chỉnh trị): “Vì anh Kim Tuấn có nhiều kinh nghiệm ở chiến trường, nên vào thời điểm đó, chúng tôi phải quyết định anh quay trở lại giúp cho chiến trường Tây Nam. Anh sẵn sàng nhậnnhiệm vụ chiến đấu và sau này ngã xuống trên chiến trường nước bạn”.
Đại tá Nguyễn Công Hiệu con trai Thiếu tướng Nguyễn Kim Tuấn kể: “Bố tôi là một người cực kỳ nghiêm khắc, nhất là đối với tôi. Ông rất khắt khe với mong muốn con trai mình phải là người thực sự có ích cho xã hội và gia đình. Có lẽ bởi chiến tranh bố tôi không có điều kiện thường xuyên và trực tiếp dạy bảo con cái nên ý nguyện và mong muốn của ông đối với chúng tôi càng trở nên mạnh mẽ.
Năm 1977, ông thực sự xúc động khi biết tin sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi đã thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật Quân sự, nên khi ra Hà Nội công tác, mặc dù ngắn ngày, ông vẫn dành thời gian ít ỏi tới thăm tôi. Lúc đó tôi còn đang xúng xính trong bộ quân phục học viên mới tinh. Ông động viên tôi phải cố gắng học tập và rèn luyện để thực sự là một người lính con trai một người lính.
Mẹ tôi kể lại, lần cuối cùng trước khi trở về đơn vị, bố trao lại chùm chìa khóa của mình cho mẹ tôi (gia đình 4 người, mỗi người một chùm chìa khóa riêng để tiện cho việc sử dụng) và nói rằng, đợt này đi lâu hơn, ít về nên sợ thất lạc. Lúc ấy mẹ tôi sững sờ. Sau này mẹ nói lại với chúng tôi: “Cầm chùm chìa khóa bố đưa, mẹ thấy lạnh cả người”. Nói xong mẹ thấy hớ, sợ chúng tôi không yên tâm nên mẹ chữa lại ngay: “Thôi để khi nào bố về mẹ đưa lại bố giữ”. Tôi cũng nghĩ, việc ông giao lại chùm chìa khóa cho gia đình là điềm báo định mệnh”.
Con gái đầu của ông, Đại tá Nguyễn Thị Thanh Hà kể: “Bố tôi rất quan tâm đến việc dạy con tính tự lập, biết thích nghi với mọi môi trường, hoàn cảnh. Lúc chúng tôi còn nhỏ, bố đã khuyên và dạy hai chị em tôi cần tập ăn được tất cả các loại thức ăn và tự làm được mọi việc trong sinh hoạt. Vì theo ông nếu không sau này sống trong tập thể sẽ khó hòa nhập, như vậy sẽ khổ và luôn bị đói.
Ngay sau khi ông mất được 1 tháng, tôi đã quyết định tham gia quân đội, từ đó đến nay, bao nhiêu năm ông mất thì cũng từng ấy năm tôi trong quân ngũ, trưởng thành từ người lính đến nay đã trở thành sĩ quan cao cấp trong quân đội.
Trải qua nhiều bước thăng trầm của cuộc đời, nhưng tôi vẫn tin tưởng và kiên trì tiếp bước ông, tự hào đã đi theo con đường mà ông đã gắn bó cả cuộc đời”.
Cuộc đời giản dị nhưng vô cùng oanh liệt của người anh hùng đã cống hiến trọn đời cho cách mạng - Thiếu tướng Nguyễn Công Tiến - là vậy.
Thiếu tướng Kim Tuấn đang trình bày phương án tác chiến của Quân đoàn 3