TRẬN ĐÁNH ĐÊM GIAO THỪA TẾT MẬU THÂN 1968

KỶ NIỆM 50 NĂM CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG TẾT MẬU THÂN 1968
Tết Mậu Thân 1968,Trung đoàn 24A được giao nhiệm vụ cùng các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh Kon Tum tấn công thị xã Kon Tum. Đây là một trận đánh tuy ta có giành được một số thắng lợi song bị tổn thất khá nặng. Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tấn công tết Mậu thân 1968, Trang Website BẠN CHIẾN ĐẤU B3 xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của đồng chí Hoàng Cao Thắng - nguyên Đại đội trưởng đại đội 2 - Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 24A về trận đánh này.

TRẬN ĐÁNH ĐÊM GIAO THỪA TẾT MẬU THÂN 1968 

Cuối năm 1967 chiến dịch Đắc Tô 1 kết thúc, trung đoàn 24 hành quân về giáp biên giới Căm Pu Chia để củng cố lực lượng và chuẩn bị đón tết, thời gian này có tin đồn tết năm nay có lệnh ngừng bắn trên khắp miền Nam để nhân dân đón tết. Tại hậu cứ chúng tôi kháo nhau tết này sẽ có bánh chưng xanh, thuốc lá, bánh kẹo từ ngoài Bắc gửi vào chiến trường, trên khuôn mặt người nào cũng tỏ ra mừng vui phấn khởi. Bỗng cách tết khoảng 15 ngày toàn trung đoàn có lệnh hành quân, đi đâu không ai rõ. Chúng tôi xuyên qua rừng già điệp trùng không gặp một bóng người qua lại, lúc ấy tôi là trung đội phó thông tin K4, có cảm giác hình như đang hành quân về hướng Đông, đi được khoảng 7 ngày thì có lệnh dừng lại mắc tăng võng, đào công sự. Ngày hôm sau tôi theo tiểu đoàn trưởng K4 đi chuẩn bị thực địa, đến nơi mới biết có các tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó, đại đội trưởng của toàn trung đoàn đều có mặt, tham gia đoàn còn có lực lượng trinh sát, thông tin liên lạc. Chúng tôi leo lên một quả núi cao nhất khu vực, nửa phía Đông là cây cối đã phát quang, nửa phía Tây là rừng già, từ chỗ chúng tôi đứng cách thị xã Kon Tum chừng 10 Km đường chim bay, tôi lấy ống nhòm nhìn về biệt khu 24 chỉ thấy một màu trắng xóa của mái tôn, sau chuyến đi thực địa ấy trung đoàn cho lập sa bàn, chỉ huy trung đoàn, các tiểu đoàn trưởng, các đại đội trưởng cùng nhau bàn bạc, thảo luận lập phương án tác chiến. Ngày 28 tết chúng tôi được ăn tết trước, gọi là ăn tết chứ thực phẩm không có thứ gì ngoài duốc mắm và lương khô, chỉ khác ngày thường là được ăn ba lạng gạo một bữa không phải độn sắn hay rau rừng. Trưa 30 tết toàn trung đoàn làm lễ xuất quân, trước lúc lên đường chúng tôi được nghe nhật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp : “ Tổng tấn công và nổi dậy toàn miền Nam “. Toàn trung đoàn cắt rừng đi theo một hàng dọc, đi đầu là K4, sau đó là K5, trung đoàn bộ, các đơn vị trực thuộc, đi cuối cùng là K6, lần xuất quân này tôi thấy có cả pháo phòng không 12,7 ly, lính lái xe, lính hóa học, lính phiên dịch, lính phun lửa …Khi màn đêm buông xuống đội hình K4 bắt đầu ra khỏi rừng già, khó khăn đầu tiên là phải đi qua một cái nương rẫy, khó khăn vất vả nhất là mấy anh 12,7 ly khiêng pháo vượt qua hàng trăm cây gỗ đen sì có đường kính chừng 15 cm do dân phát rẫy chắn ngang . ..Khoảng 23 giờ đội hình K4 đi đầu còn cách biệt khu 24 khoảng 1 Km, đi với K4 có trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường. Chúng tôi có lệnh dừng lại, đêm cuối năm thời tiết se lạnh, mây mù giăng bay khắp núi rừng Tây Nguyên, thế mà ai cũng ướt đẫm mồ hôi. dừng lại khoảng 10 phút ai cũng thấm lạnh.Lúc này khoảng 23 giờ 15 trong thị xã Kon Tum nhiều loạt đạn lửa bắn lên trời, chúng tôi đoán lính Ngụy bắn đạn lửa chuẩn bị đón giao thừa. Trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường cho mời tiểu đoàn trưởng K4. K5 và trinh sát, liên lạc vào trước để nắm vững địa hình để sau này dẫn bộ đội vào chiếm lĩnh trận địa, tôi cắp khẩu tiểu liên bang gấp đi hộ tống tiểu đoàn trưởng Tạ Trung ( Còn có biệt danh là Trung châu ) đoàn đi khảo sát có khoảng 20 người, chúng tôi khom người đi thành một hàng dọc nép theo hàng cây lúp súp ven nương rấy tiến vào biệt khu 24, bỗng phía trước có đốm lửa lập lòe, nghi có địch chúng tôi tạm thời dừng lại ngồi xuống đợi trinh sát báo về, hóa ra một cây gỗ dân đốt rẫy đang cháy dở, gặp gió lại thỉnh thoảng lóe lên. Khi đến biệt khu 24, chúng tôi vượt qua một hàng rào đơn, tôi khom lưng chui qua hàng rào, nhưng gỡ được áo dính bụng thì lại dính lưng, cuối cùng tôi nằm sát đất trườn qua hàng rào, vào được một đoạn thì bỗng dưng tên lửa ĐKB của quân giải phóng từ trong rừng sâu trút bão lửa vào biệt khu 24. Trước tình hình trên chúng tôi chạy ngược ra ngoài tìm về đơn vị. Lúc này pháo của địch từ khắp nơi dội về tiền duyên, máy bay địch đến dội bom và thả pháo sáng khắp khu vực, súng máy của địch bắn sối sả về phía chúng tôi bay vèo vèo, tôi và tiểu đoàn trưởng Tạ Trung xuống một con suối cạn tìm về đơn vị, nhưng chả thấy ai, các đơn vị lạc nhau như rắn mất đầu, mạnh ai người ấy ẩn nấp nhằm tránh bom đạn của địch. Chúng tôi ngược dòng suối hướng về khu vực tập kết xuất quân, đi được một hồi xa tiếng súng, chúng tôi rẽ vào một cái chòi canh nương của đồng bào nghỉ tạm, gần sáng chúng tôi phát hiện rất đông quân ta cũng đang tìm đường về khu vực tập kết …sáng hôm sau mồng 2 tết trung đoàn củng cố lực lượng, sắp xệp lại đội hình, K4 được bổ sung một tiểu đoàn lính vận tải, tối mồng 2 tết toàn trung đoàn tiến vào biệt khu 24. Tôi nằm sát chòi nước của biệt khu 24, cả đội hình K4 tiến vào biệt khu mà không gặp một trở lực nào chống trả, địch chạy sạch từ đêm qua, nhà cửa đổ ngổn ngang, một số tên Ngụy chết vẫn còn nằm bên cạnh đống đồ hộp bơ sữa, chúng tôi không vào nhà mà đào công sự ngoài sân để tránh tường nhà đổ. Khoảng 9 giờ sáng mồng 3 tết địch cho xe tăng vây chặt chúng tôi từ bốn phía, chúng bắn như vãi đạn, máy bay địch thay nhau thả bom, pháo khắp nơi giội về. Đồng đội tôi hy sinh nhiều …. Xẩm tối mồng 3 tết chúng tôi có lệnh rút quân, trên đường ra chúng tôi được giao nhiệm vụ mang thương binh, liệt sỹ về hậu cứ.
Sau trận đánh đêm giao thừa tết Mậu Thân – 1968 Trung đoàn rút ra đánh vòng ngoài thị xã, K5 đánh chiếm căn cứ Mỹ ở Công Xăm Lũ, tập kích tổng đoàn dân vệ ở ấp Hà Mòn, Đăk Vác, Chư Gô Tông, Kleng ….
Sau này tôi mới được biết trận đánh vào biệt khu 24 đêm giao thừa không thành có nhiều nguyên nhân, trước hết phải nói đến hiệp đồng chiến đấu chưa chặt chẽ, theo kế hoạch thì đúng giờ ..G.. giao thừa ( O giờ ) ĐKB mới được phép khai hỏa, sau 30 phút trút bão lửa vào biệt khu 24 thì trung đoàn 24 mới xung phong đánh chiếm biệt khu 24 và khu 40, tiểu đoàn đặc công 406 của tỉnh đánh vào khu cố vấn Mỹ và dinh tỉnh trưởng, tiểu đoàn bộ binh 304 đánh chiếm ty cảnh sát và chiêu hồi, lực lượng biệt động và tự vệ cùng nhân dân giệt ác giành quyền làm chủ thị xã. Nhưng pháo ĐKB của ta 23 giờ 15 đã phát hỏa ( Sớm hơn kế hoạch 45 phút ) suýt nữa thì một số lãnh đạo, chỉ huy trinh sát, liên lạc vào trước mất mạng trong hàng rào, các lực lượng khác như đặc công và tiểu đoàn 406 cũng không vào được mục tiêu đã định, bị thương hy sinh nhiều. Và một điều hết sức bất ngờ đó là không hiểu vô tình hay hữu ý năm ấy miền Nam và miền Bắc đón giao thừa chênh nhau một ngày, một số đơn vị lại tấn công đúng vào đêm giao thừa của lịch miền Bắc, một số đơn vị lại tấn công vào đêm giao thừa của lịch miền Nam.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, ngày ấy, bây giờ vừa tròn 50 năm cuộc tổng tấn công và nổi dậy toàn miền Nam. Cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân – 1968 tuy chưa giành thắng lợi như ý muốn, nhưng là đòn tấn công chiến lược, bất ngờ , tất cả các sào huyệt của Mỹ - Ngụy từ thành phố đến nông thôn toàn miền Nam đều bị tấn công, báo cho chúng biết không có chỗ nào an toàn.
Cuộc chiến đã đi qua 42 năm, hôm nay tôi đã trở về với cuộc sống đời thường, nhớ lại cái đêm giao thừa năm Mậu Thân – 1968, đồng đội tôi hy sinh, thương vong nhiều, mình được sống trở về, có vợ, có con, có nhà có cửa có lương hưu đó là một hạnh phúc lớn. Kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân – 1968, chúng ta đời đời ghi nhớ công ơn trời biển của các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập tự do hòa bình hôm nay.
                                                                                                Hoàng Cao Thắng