VIẾNG CÁC LIỆT SỸ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM PÒ HÈN

KỶ NIỆM 39 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa hơn nửa triệu quân tấn công xâm lược biên giới phía Bắc nước ta. Tại đồn biên phòng Pò Hèn và lâm trường Hải Ninh (Quảng Ninh) có tới một Trung đoàn quân Trung Quốc bao vây. Các chiến sỹ của ta ở đây đã chiến đấu vô cùng dũng cảm và hy sinh tới người cuối cùng. Để tưởng nhớ tới các liệt sỹ đã không tiếc máu xương làm phên dậu giữ gìn biên cương Tổ Quốc, trang Lính Tây Nguyên đăng lại bài viết của Nguyễn Đình Thi - VIẾNG CÁC LIỆT SỸ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM PÒ HÈN

Sáng 13/6, đoàn chúng tôi dời Đoàn 327 đi Pò Hèn. Nghe nói đường biên xấu, khó đi nên xe 4 chỗ gầm thấp của Nguyễn Trung Du phải để lại, Đoàn 327 cho thêm một xe do Đại tá - Đoàn phó Nguyễn Thế Phẳng chỉ huy. Thực ra đường đến Pò Hèn không xấu như chúng tôi nghĩ, trái lại đường rất dễ đi, xe có thể chạy tới vật tốc 50/km/giờ. 11 giờ 30, chúng tôi có mặt tại Đài tưởng niệm các Liệt sỹ ở Pò Hèn. Đài tưởng niệm rộng rãi, khang trang, đẹp, nằm chính tại đồn biên phòng Pò Hèn năm quân xâm lược Trung Quốc sang xâm lấn nước ta (đồn biên phòng Pò Hèn mới giờ chuyển đến địa điểm khác). Thế là 38 năm từ khi các chiến sỹ đồn biên phòng Pò Hèn cùng các cô gái lâm trường Hải Ninh ngã xuống, giờ chúng tôi mới có dịp đến thắp hương viếng. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra chúng tôi còn đang đánh nhau với quân Pôn Pốt ở miền Tây Cam Phu Chia. Sáng 17/2/1979, nghe bản tin của Đài tiếng nói Việt Nam thông báo quân xâm lược Trung Quốc đã tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của chúng ta , mấy anh em chúng tôi ngồi nghe mà thấy nghẹn ngào . Kẻ thù một lần nữa lại buộc chúng ta phải cầm súng chiến đấu . Cuộc chiến ở biên giới Tây Nam vẫn chưa xong giờ lại thêm cuộc chiến mới với quân xâm lược phía Bắc . Thương quá nước Việt nhỏ bé mình suốt mấy chục năm qua liên tục phải gồng lên cầm súng chống trả kẻ thù . Ai trong số chúng tôi ngồi nghe bản tin sáng đó đều lo lắng cho số phận Đất Nước . Nhưng lúc đó chúng tôi có niềm tin mãnh liệt chúng ta sẽ chiến thắng vì chúng tôi tin vào bản lĩnh , trí tuệ và kinh nghiệm chiến đấu đánh giặc ngoại xâm của người Việt qua hàng ngàn năm nay và quả đúng như vậy . Dân tộc mình nhỏ bé nhưng khi có giặc ngoại xâm thì ý chí và lòng quyết tâm chẳng bao giờ nhỏ bé cả .
Khác hẳn với Đài tưởng niệm các cô gái thanh niên xung phong hy sinh ở ngã Ba - Đồng Lộc lúc nào cũng đông người đến viếng , thắp hương . Còn ở đây từ lúc chúng tôi từ ngoài đường lớn đi vào tôi không gặp một người nào , khi vào tới nơi do không có hẹn trước nên Ban quản lý di tích cũng chẳng có ai . Không khí khu tưởng niệm thật vắng lặng , nghĩ mà lòng thấy se se buồn , thương . Tất cả anh em chúng tôi mang đồ lễ đã chuẩn bị sẵn bày lên ban thờ . Anh Chuyên và chị Lan rất chu đáo , ngoài vàng , hương , bánh , kẹo còn mua cả một túi bồ kết , nhiều quạt giấy để cung tiến các cô . Trời Pò Hèn trưa nay thật trong xanh , rặng thông xung quanh đài tưởng niệm gió vẫn rì rào như tiếng hát của các cô năm nào trên biên cương Tổ Quốc . Trong cái nắng tháng 6 chói chang , tôi như thấy hiện lên gương mặt các chiến sỹ biên phòng và các cô gái lâm trường Hải Ninh năm nào đang găm từng viên đạn vào kẻ thù . Có một điều lạ là sau khi chúng tôi thắp nhang 2 ngọn nến ở cả 2 cốc đều bùng lên , ngọn lửa có gió giống như hình người đang nhảy múa . Mọi người trong đoàn bảo nhau chắc các liệt sỹ rất vui khi thấy chúng mình đến viếng . Trong danh sách 86 liệt sỹ khắc trên bia đá hy sinh ngày 17/2/1979 , tôi thấy tên 10 cô gái , đó là Hoàng Thị Hồng Chiêm - sinh 1954 ,nhân viên thương nghiệp ,Nguyễn Thị Ruỗi - 1962 , Nguyễn Thị Lèn - 1958 , Vũ Thị Tới - 1961 , Đặng Thị Vương - 1959 , Đỗ Thị Mậu - 1958 , Hoàng Thị Nết - 1959 , Cao Thị Lùng - 1962 , Vũ Thị Mười - 1958 , Bùi Thị Nguân - 1960 . những cô gái đều ở tuổi 18 , 20 . Trừ Hoàng Thị Hồng Chiêm quê ở Quảng Ninh còn lại tất cả đều quê Tiên Lãng - Hải Phòng , những cô gái còn đang ở tuổi “ ăn không biết no “ , chưa biết đến hương vị tình yêu đã mang tuổi xuân của mình ra làm phên dậu bảo vệ biên cương Tổ Quốc . Thật cảm phục . Các cô là biểu tượng cho tinh thần quật cường của người Việt “ giặc đến nhà đàn bà cũng đánh “ . Một lần nữa cảm ơn các cô . Đất Việt tự hào về các cô . Chính nhờ có các cô và các liệt sỹ không tiếc thân mình ra làm phên dậu bảo vệ Tổ Quốc chúng tôi mới có cuộc sống tươi đẹp hôm nay . Chỉ tiếc nơi đây biên cương xa xôi quá nên ít người đến viếng , thăm nhưng tên tuổi các cô , tinh thần quật cường của các cô và các liệt sỹ chúng tôi và mọi người Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ . Chúng tôi mong muốn những người con Đất Việt dù sống ở nơi đâu hãy bớt chút thời gian về với Pò Hèn . Về đây để một lần nữa chúng ta hiểu rõ hơn về dân tộc Việt Nam mình , một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào .Về đây để chúng ta yêu thương hơn và quý trọng hơn mảnh đất Việt nghèo mà nhân ái. Về đây để chúng ta mãi không quên ngày 17/2/1979 , ngày kẻ thù phương Bắc tấn công xâm lược nước ta


Ảnh: Tướng Nguyễn Vĩnh Phú, tướng Phạm Quang Hợi và các đồng đội chuẩn bị lễ viếng tại đài tưởng niệm Pò Hèn - Quảng Ninh, tháng 6 năm 2017