TRẬN ĐÁNH THỊ XÃ KON TUM TẾT MẬU THÂN 1968

 TRẬN ĐÁNH THỊ XÃ KON TUM TẾT MẬU THÂN 1968

Nguyễn Đình Thi
Sau thắng lợi của năm 1967 , để tạo đà cho công cuộc cách mạng miền Nam . Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu thân 1968 . Để phối hợp với các chiến trường trên toàn miền Nam , Mặt trận Tây Nguyên cũng quyết định mở chiến dịch đánh vào cả 3 thành phố ở Tây Nguyên là Gia Lai , Kon Tum và Buôn Ma Thuột . Tại Kon Tum , Bộ Tư lệnh Mặt trận đã quyết định thành lập Ban chỉ huy trận đánh do đồng chí Vương Tuấn Kiệt - Tham mưu phó Mặt trận Tây Nguyên làm Tư lệnh , đồng chí Phùng Bá Thường - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24A là Phó Tư lệnh , đồng chí Bùi Anh ( Tiềm ) - Bí thư tỉnh ủy làm chính ủy , đồng chí Nguyễn Tập - Phó bí thư Tỉnh ủy , Chính trị viên Tỉnh đội làm Phó chính ủy , đồng chí Lê Tấn Nhất (Thuận) - Chính trị viên phó Tỉnh đội là Chỉ huy phó . Chỉ huy trưởng và chính ủy chỉ huy chung và trực tiếp đơn vị pháo binh. Đồng chí Phùng Bá Thường chỉ huy Trung đoàn 24A tiến đánh mục tiêu quan trọng nhất của địch ở thị xã là biệt khu 24 . Đồng chí Lê Tấn Nhất chỉ huy Tiểu đoàn 304 tiến đánh sân bay và khu huấn luyện 42 ngụy. Đồng chí Nguyễn Tập chỉ huy cánh quân phía tây gồm Tiểu đoàn 406 đặc công tiến công vào tòa hành chính, ty cảnh sát, tiểu khu Kon Tum . Mọi công tác chuẩn bị của địa phương phía tỉnh Kon Tum được chuẩn bị khá chu đáo , trước ngày diễn ra trận đánh tỉnh đã đưa được khá nhiều vũ khí vào cất giấu tại các cơ sở cách mạng , rồi mua được tới 600 bộ quần áo của lính Nguỵ chuyển ra ngoài cho bộ đội đặc công mặc , giả làm lính Nguỵ , các cơ sở trong thị xã sẵn sàng tiếp ứng cho bộ đội . Phía Trung đoàn 24A cũng được chuẩn bị khá tốt như các Tiểu đoàn đều được bổ xung quân khá đầy đủ , hơn 300 quân một tiểu đoàn . Công tác chính tri tư tưởng được quán triệt tốt , bộ đội khí thế quyết tâm cao .
Chiều 29/1/1968 ( chiều 30 tết ) phía các đơn vị bộ đội của tỉnh Kon Tum tổ chức cho bộ đội ăn tết trước. Sau đó các lực lượng bộ đội, đảng viên, đội công tác, biệt động, tự vệ mật cùng Tiểu đoàn đặc công 406 và Tiểu đoàn bộ binh 304 của tỉnh bí mật hành quân vào các vị trí tập kết chờ giờ nổ súng theo quy định. Riêng Tiểu đoàn đặc công 406 cải trang thành lính ngụy bí mật tiến sâu vào nội thị . Việc tổ chức đưa quân vào ém sẵn ở vị trí tập kết quanh thị xã của tỉnh Kon Tum làm rất tốt đảm bảo được an toàn , bí mật . Đúng lúc giao thừa khi pháo binh của Mặt trận nã đạn vào thị xã , các đơn vị của tỉnh Kon Tum đã nhanh chóng tổ chức tấn công vào các mục tiêu được giao . Từ hướng Tây , Tiểu đoàn đặc công 406 mặc sắc phục lính Nguỵ đánh thẳng vào toà nhà hành chính , Ty cảnh sát và Tiểu khu . Từ hướng Đông , tiểu đoàn 304 đánh chiếm sân bay Kon Tum , lực lượng Thị đội và trinh sát đánh vào khu cư xá sỹ quan . Ở hướng Nam , đại đội đặc công 207 đánh vào trụ sở Châu Thành . Bị ta tấn công bất ngờ , địch phản ứng yếu ớt nên sau 30 phút chiến đấu các lực lượng của tỉnh Kon Tum đã chiếm được hai phần ba thị xã Kon Tum . Riêng Trung đoàn 24A , đơn vị chủ lực đánh vào căn cứ quân sự quan trọng nhất của địch ở thị xã Kon Tum là biệt khu 24 , 12 giờ trưa ngày 29/1 tức ngày 30 tết , từ vị trí cách xa thị xã Kon Tum 17 km cũng tổ chức cho bộ đội hành quân vào chiếm lĩnh trận địa . Theo tính toán của chỉ huy Trung đoàn chậm nhất là 10 giờ đêm 30 tết đơn vị sẽ vào tới vị trí chiếm lĩnh nhưng một tình huống không lường trước đã xảy ra là lúc đi trinh sát địa hình các cánh rừng quanh khu vực thị xã Kon Tum vẫn còn . Khi bộ đội hành quân vào chiếm lĩnh trận địa thì toàn bộ các cánh rừng ven thị xã bà con phát rẫy làm nương , cây đổ chắn ngang , dài hàng km , bộ đội hành quân lại mang vác nặng nên gặp trở ngại lớn , đã ảnh hưởng tới thời gian chiếm lĩnh trận địa . Khi pháo binh bắn của Mặt trận bắn vào thị xã báo hiệu lệnh tổng tấn công Trung đoàn mới có một bộ phận đi đầu tới hàng rào biệt khu 24 , còn phần lớn đội hình vẫn còn cách xa mục tiêu tới gần 1 km . Phát hiện ta tấn công , địch từ trong biệt khu 24 cho chiếu đèn pha rồi máy bay C130 thả đèn dù và bắn pháo sáng lên trời , soi rõ tới từng ngọn cỏ . Toàn bộ đội hình Trung đoàn 24 trơ trọi trên mặt đất . Trên trời địch dùng trực thăng vũ trang xà thấp phóng rốc két và bắn đạn 20 ly xối xả vào đội hình Trung đoàn . Dưới mặt đất pháo binh của địch từ các nơi dội về , pháo cối , đại liên từ biệt khu 24 , khu 40 bắn ra . Cả khu vực phía Tây biệt khu 24 chìm trong lửa đạn . Trước tình hình địch đã phát hiện hướng tấn công của ta , Trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường quyết định chuyển từ đánh mật tập sang đánh cường tập . Ở mũi tiến công của tiểu đoàn 4 , mặc dù bị địch bắn chặn , ngăn cản quyết liệt và khá nhiều cán bộ , chiến sỹ bị thương và hy sinh ngay trước cửa mở nhưng bộ đội ta không hề nao núng , dũng mãnh xông lên đã chiếm được khu tháp nước và một số nhà trong biệt khu 24 . Ở hướng của Tiểu đoàn 5 đánh vào khu 40 , bộ đội dùng bộc phá phá được hàng rào nhưng chỉ có đại đội 6 vào được bên trong , đại đội 5 mới vào được một bộ phận thì bị địch bắn ngăn cản quyết liệt không vào được . Ở hướng Bắc , hai đại đội 7 và 8 đánh xuống nhưng bị địch ngăn chặn quyết liệt không vào được , bộ đội phải dừng lại làm công sự để chuyển sang đánh vây lấn . (
Sau khi bị ta tấn công bất ngờ và bị một số thiệt hại , sáng 30/1/1968 ( tức ngày mồng một tết ) , địch đã tổ chức lại lực lượng , gồm lực lượng Trung đoàn 42 ở biệt khu 24 , lực lượng biệt động quân và lực lượng bảo an tổ chức phản kích trên tất cả các hướng , đến ngày 1 tháng 2 địch còn tăng cường thêm một tiểu đoàn lính Mỹ để hỗ trợ lực lượng phản kích . Cùng với lực lượng bộ binh chúng còn huy động cả không quân , pháo binh , xe tăng bắn phá ác liệt vào các địa bàn ta đã chiếm đồng thời với việc tổ chức phản kích chúng còn dùng lực lượng chặn tất cả các con đường vào thị xã để đề phòng ta đưa quân vào tiếp ứng . Ở hướng của tiểu đoàn đặc công 406 ở Toà hành chính tỉnh , do Trung đoàn 24A không tiêu diệt được căn cứ biệt khu 24 và đại đội công binh của tỉnh không phá được cầu ĐăcBla nên địch đã sử dụng lực lượng Trung đoàn 42 ở biệt khu 24 và lực lượng Lôi hổ ở phía Nam cầu ĐăcBla cùng xe tăng , xe thiết giáp bao vây , chặn tất cả các con đường dẫn vào khu vực Toà nhà . Bộ đội ta lợi dụng từng căn nhà làm trận địa đánh trả quân địch , gây cho chúng khá nhiều tổn thất nhưng do địch dùng bom , pháo tấn công liên tục suốt cả ngày mồng một tết , đến cuối ngày mồng một tết lực lượng của Tiểu đoàn bị tổn thất nghiêm trọng tới 2 phần 3 quân số , liên lạc giữa Tiểu đoàn với bên ngoài đến cuối ngày mất hoàn toàn . Đêm mồng một tết , lợi dụng trời tối một số thoát ra được . Ở hướng của Tiểu đoàn bộ binh 304 đánh vào sân bay , sau những giây phút đầu thuận lợi , địch từ các hầm ngầm , công sự đã ngóc dậy tổ chức phản kích , chúng dùng bộ binh kết hợp xe tăng , xe thiết giáp bao vây lực lượng ta , trên trời chúng dùng trực thăng vũ trang bắn phá . Bộ đội ta chia nhỏ hành từng phân đội lợi dụng từng địa vật , kiên cường trụ lại chiến đấu nhưng đến cuối ngày mồng một tết tiểu đoàn cũng bị thiệt hại nặng , đêm mồng một tết Tiểu đoàn được lệnh rút ra . Trên hướng tấn công của Trung đoàn 24A vào biệt khu 24 và khu 40 cũng gặp rất nhiều khó khăn , ta mới chỉ chiếm được một phần của biệt khu 24 và mới có một đại đội vào được khu 40 . Sáng mồng một tết , địch tổ chức dùng xe tăng , xe bọc thép và bộ binh bao vây xung quanh biệt khu 24 , từ phía ngoài địch dùng hỏa lực xe tăng , pháo binh kết hợp trực thăng vũ trang bắn vào tất cả các địa điểm của biệt khu 24 với tính chất hủy diệt , tiểu đoàn bị thương và hy sinh tới gần 1 phần 2 quân số . Tuy vậy bộ đội ta vẫn kiên cường chiến đấu đánh lui nhiều đợt phản kích của địch . Đêm 30/1 tức đêm mồng một tết , tiểu đoàn 4 được lệnh rút ra để đánh các vị trí vòng ngoài thị xã như Chư Gô Tông , Kờ Leng , Công Xăm Lũ ... Riêng hướng của Tiểu đoàn 5 ở khu 40 diễn ra những trận đánh rất khốc liệt giữa các chiến sỹ đại đội 6 và địch . Đại đội 6 của Tiểu đoàn 5 bị địch bao vây vo tròn . Suốt cả ngày 30/1 ( mồng một tết ) địch liên tục dùng bom , pháo tấn công . Tiểu đoàn 5 tung lực lượng còn lại vào ứng cứu nhưng bị hỏa lực địch ngăn cản quyết liệt không ứng cứu được . Sáng 31/1 ( mồng hai tết ) , địch sử dụng xe tăng , xe bọc thép , pháo cối bắn liên tục vào trận địa của đại đội rồi tổ chức bộ binh tấn công . Do hỏa lực của địch quá mạnh và chiến đấu liên tục nên anh em bị thương và hy sinh khá nhiều . Số còn lại gồm cả thương binh dồn vào một khu vực tử thủ chiến đấu , bắn cháy 3 được xe bọc thép địch . Đến trưa mồng hai tết ( 31/1 ) cả đại đội 6 cùng một số chiến sỹ của đơn vị đặc công chiến đấu ở đây đều đã hy sinh . Duy nhất còn 3 thương binh là Rỹ , Ngôn và Trúc giả vờ chết , nằm dưới xác những đồng đội hy sinh đến đêm bò ra về được đơn vị .
Ngày 6/2 rút toàn bộ lực lượng còn lại của ta trong thị xã được lệnh rút ra . Trận đánh thị xã Kon Tum kết thúc . Qua trận đánh này ta thấy nổi lên một số vấn đề như :
1/ Về chính trị :
⁃ Cuộc tấn công thị xã Kon Tum tết Mậu Thân 1968 cùng với các trận đánh trên toàn Miền Nam trong thời điểm đó đã gây tâm lý hoang mang rất lớn cho địch và khảng định ta có thể đánh địch ở bất cứ đâu , bất kỳ mục tiêu nào . Thắng lợi của cuộc tấn công đã tạo áp lực phản đối chiến tranh lan rộng trên toàn nước Mỹ , hỗ trợ đắc lực cho đàm phán của ta tại Hội nghị Pa Ri .
2/ Về quân sự :
⁃ Ta đã tiêu hao , tiêu diệt được một lực lượng khá lớn sinh lực địch cũng như các phương tiện chiến tranh của chúng nhưng mục tiêu tấn công của ta là giải phóng thị xã Kon Tum không thực hiện được . Tổn thất về lực lượng của ta trong trận đánh này là nghiêm trọng , tiểu đoàn đặc công 406 gần như bị xoá sổ , tiểu đoàn 304 cũng thương vong lớn , đại đội công binh của tỉnh cũng hy sinh tới quá nửa quân số . Trung đoàn 24 có 2 tiểu đoàn bị thiệt hại nặng là tiểu đoàn 4 và tiểu đoàn 5 . Tiểu đoàn 4 sau trận đánh chỉ còn hơn 100 tay súng . Các cơ sở cách mạng của ta sau bao năm xây dựng trong thị xã , sau trận đánh địch bắt đầu truy lùng , bắt bớ . Hơn 500 người của ta bị địch bắt , bị tra tấn dã man , trong đó có hơn 50 cán bộ , đảng viên . Đến tận bây giờ sau 51 năm nhưng khi nhắc tới trận chiến tết Mậu Thân 1968 những người còn sống sót vẫn không khỏi rùng mình .
Về nguyên nhân thất bại ta có thể nhận thấy một số nguyên nhân sau :
1/ Tổ chức hợp đồng giữa các lực lượng của trận đánh gồm Trung đoàn 24A với lực lượng địa phương không thực hiện được trên sa bàn nên khi tác chiến có một số chệch choạc
2/ Về thời gian tác chiến do lấy giao thừa làm hiệu lệnh tấn công mà năm đó giao thừa giữa miền Bắc và miền Nam chênh lệch tới 1 ngày nên không thể lùi lại ngày đánh dẫn đến tâm lý lo ngại trong một số bộ phận
3/ Do đánh theo ý chí chính trị nên về phía ta dù chưa chuẩn bị đầy đủ các yếu tố vẫn phải đánh . Đánh vào mục tiêu địch phòng thủ vững chắc như thị xã Kon Tum mà lực lượng của ta kém hẳn lực lượng địch về quân số , ở Kon Tum lúc đó địch có Trung đoàn 42 , lực lượng biệt động quân rồi lực lượng bảo an , dân vệ và một tiểu đoàn Mỹ . Về phía ta chỉ có một Trung đoàn chủ lực là Trung đoàn 24A cùng 2 tiểu đoàn của địa phương tỉnh Kon Tum , địch lại ưu thế vượt trội ta về các loại hỏa lực từ pháo binh , xe tăng tới máy bay do vậy phần thua về ta là rất lớn .
Dù đến nay đã hơn 50 năm trôi qua nhưng những bài học lịch sử về trận đánh thị xã Kon Tum tết Mậu Thân 1968 vẫn luôn là bài học để chúng ta và các thế hệ sau nghiên cứu , suy ngẫm .