KÝ ỨC TÂY NGUYÊN


KÝ ỨC TÂY NGUYÊN

              Hồ Bá Vinh



21 năm – Một nửa thời gian trong cuộc đời quân ngũ, tôi gắn bó với Quân đoàn 3 – Binh đoàn Tây Nguyên. Năm 1997, trước khi rời Tây Nguyên ra Hà Nội nhận công tác, tôi đã có Ghi chép: “Sống ở Tây Nguyên”; bài viết, sau đó được đăng trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, ngày 29/3/1998. Nhân Kỷ niệm 45 năm Chiến dịch Tây Nguyên (04-24/3/1975 - 3/2020) và Ngày thành lập Quân đoàn 3 (26/3), đọc lại để nhớ về các đồng đội một thời gian khó ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên:
Cho đến bây giờ (1997), đôi lúc cánh lính trẻ Binh đoàn Tây Nguyên vẫn nhắc đến chuyện thầy Phương, giáo viên Trường Quân sự binh đoàn, bị lạc trong rừng như chuyện cổ tích, mặc dù chuyện đó chỉ mới xảy ra cách đây ít năm. Đó là thời kỳ một số cán bộ trong binh đoàn di chuyển gia đình từ miền Bắc vào. Bên cạnh cái được là sự bù đắp về tình cảm sau những tháng năm xa nhà đằng đẵng, thì buổi đầu, trong cuộc sống gia đình có bao điều phải trăn trở lo toan. Vợ con các anh ở quê vào, tài sản, vốn liếng hầu như không có gì. Công ăn, việc làm cũng là vấn đề nan giải. Chuyện ăn, ở, học hành của con cái… tất tật nhìn vào đồng lương của người chồng vốn còn eo hẹp. Thầy Phương và một số anh em trong khu gia đình, trong ngày nghỉ vào rừng lấy song mây để bán, rồi bị lạc cũng bắt nguồn từ sự khó khăn ban đầu ấy.
Hôm đó, vào đến cửa rừng, cũng như những lần trước, mỗi người lại chia nhau đi một hướng. Thầy Phương đi vào sâu, len lỏi dưới thung lũng rậm rạp để lấy loại mây có chất lượng tốt. Mải miết đi tìm nên không để ý đến thời gian đã về chiều. Lúc quay ra trời lại đổ mưa nên bị lạc lối. Những ngày sau đó, trời âm u, xám xịt nên không xác định được phương hướng. Vì vậy, tìm lối ra cửa rừng mà càng đi lại càng vào sâu trong rừng. Đói, rét, muỗi rừng, thú dữ… cùng lúc ập đến. Đã có lúc thầy Phương tưởng như buông xuôi, tuyệt vọng. Nhưng khát vọng sống và bản lĩnh, ý chí của người lính đã giúp thầy vượt qua được hoàn cảnh éo le để tìm về với vợ, con và đồng đội.
Cũng trong những ngày đó, ở Trường Quân sự, trên gương mặt những người đồng đội hằn lên những nét ưu tư và nỗi xót xa. Ngày ngày các anh vẫn chia nhau len lỏi tìm kiếm thầy Phương trong cánh rừng rậm rạp và gai góc. Tình đồng đội và sự kiên nhẫn của các anh đã được đền đáp. Thầy Phương đã được trở về trong vòng tay đồng đội và người thân.
Còn anh Trần Văn Hà, cán bộ Phòng Tuyên huấn của binh đoàn nói vui: Hồi mới đưa vợ con vào, anh có “Bất động sản” lớn lắm. Đó là hàng trăm héc-ta rừng… đót. Hàng năm cứ đến mùa cây đót trỗ bông, anh lại xin nghỉ phép để lên rừng “thu hoạch” đem về bán lấy tiền đầu tư cho chăn nuôi. Anh thường động viên vợ con: Cố “Qua cơn bĩ cực sẽ tới ngày thái lai” và rồi vợ chồng anh cũng phải “cố” năm, sáu năm mới qua được cơn bĩ cực ấy.
Cũng như anh Phương, anh Hà, hàng ngàn sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên của binh đoàn thực hiện việc hợp lý hóa gia đình và để có cuộc sống ổn định như hôm nay cùng với những làng quân nhân trù phú trên vùng đất đỏ ba zan như Chư Á, Đồng Bằng, Đăk Tô… là cả những chuỗi dài những gian nan, vất vả, nhọc nhằn. Các anh chấp nhận điều đó để gắn bó hơn với binh đoàn, với mảnh đất mà bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ binh đoàn đã từng chiến đấu, hy sinh trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Trong đó có cả những người thân ruột thịt. Nguyễn Thị Thoan, nhân viên thư viện của binh đoàn là một trong những người như thế.
Năm 1988, Nguyễn Thị Thoan cùng binh đoàn trở lại Tây Nguyên. Đứng trước phần mộ của người cha Liệt sỹ được một bà mẹ người Ê-đê trông nom, chăm sóc, hương khói trong suốt hơn 10 năm trời, cô đã nghẹn ngào, xúc động ôm lấy bà mà khóc. Giữa năm 1996, bà mẹ của Nguyễn Thị Thoan ở Đại Từ, Thái Nguyên đã vào với vợ chồng cô. Hồi mới vào, sức khỏe của bà rất yếu, lại thêm chứng đau dạ dày. Trong khi đó khí hậu Tây Nguyên vốn khắc nghiệt; vậy mà sau một năm ở Tây Nguyên, bệnh của bà lại dường như khỏi hẳn, trông bà khỏe lên rất nhiều. Bà cụ bảo, đó là do được gần con, cháu, gần “ông ấy”… và có lẽ do tôi hợp với khí hậu ở đây.
Hôm tôi xuống Sư đoàn Đăk Tô công tác, tôi đến thăm gia đình anh bạn cùng nhập ngũ là Nguyễn Duy Quyền, hiện là Phó Chính trị Trung đoàn 28 (năm 2014 - 2017 là Chính ủy Quân đoàn). Chị Lượng, vợ anh cho biết: Nếu tuần nào không phải trực thì tối thứ 7 anh ấy về, đến chiều chủ nhật lại vào đơn vị. Có tuần chỉ loáng qua vài tiếng đồng hồ. Em cũng chỉ cần như thế là yên tâm rồi. Quan trọng là có bóng, có tiếng của bố, con cái nó vào khuôn phép và học hành đến nơi, đến chốn hơn. Còn công việc nhà em cũng quen xoay xở một mình như hồi anh ấy ở xa. Được cái, chị Lượng cũng thuộc diện “mát tay”, mỗi năm xuất chuồng vài ba lứa lợn thịt, mỗi lứa trên chục con với gần một tấn. Chẳng thế mà mới chuyển từ Quỳnh Lưu, Nghệ An vào đây năm 1994, đến nay (1997) cuộc sống gia đình đã khá ổn định. Nhà có 6 nhân khẩu nhưng vẫn có bát ăn, bát để nên đã mua sắm được xe cúp đời mới. Anh bạn tôi nói vui: Hay nhất là hàng năm không phải vượt “Bốn đỉnh cao”(cánh sỹ quan binh đoàn gọi mỗi đỉnh đèo Mang Yang, An Khê, Hải Vân và đèo Ngang là một đỉnh cao)để về thăm “bà xã”, rồi mỗi lần ra đi lại có bao điều níu kéo. Bây giờ vợ con vào đây, cuộc sống ổn định, khi có vấn đề gì đột xuất, mình ở gần, giải quyết được ngay. Chuyện gia đình thế là ổn. Chính vì vậy mình có điều kiện chuyên tâm hơn đến đơn vị, đến công việc.
Thực tế của anh bạn tôi cũng là của phần đông cán bộ và đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên của binh đoàn. Bởi họ đã thực hiện một cuộc di dịch cư trên một ngàn cây số từ vùng đồng bằng miền Bắc vào vùng đất Tây Nguyên. Đây cũng là một cuộc cách mạng đối với họ. Buổi ban đầu còn khó khăn nhưng anh em đã vượt lên. Mỗi gia đình tự xác định cho mình một công việc phù hợp để ổn định cuộc sống. Nhưng có lẽ, trồng vườn và chăn nuôi là hai “nghề” chính. Có gia đình nuôi 2 đến 3 con lợn nái. Nhìn chung là có thu nhập khá, nhưng cũng có lúc, có gia đình thất bát, thậm chí mất cả vốn nếu chẳng may trúng cơn gió độc, chết cả lợn mẹ lẫn lợn con. Ở Tây Nguyên, những cơn gió như vậy không phải là hiếm.
Cũng có nhà chuyên trồng hoa, mỗi năm thu nhập vài chục triệu, nhà ít cũng dăm bảy triệu (thời giá 1997). Còn nhớ, Tết năm 1997, trong khoảng khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới, Cục Chính trị binh đoàn tổ chức đón giao thừa ở hội trường. Rất đông các gia đình của anh em trong cơ quan đến dự. Trong mục “tâm sự chuyện làm ăn trong năm”, anh Giang Lê Kiều-Trưởng phòng Bảo vệ-một trong những người làm kinh tế giỏi ở làng quân nhân của binh đoàn đã trao đổi rất chân thành những kinh nghiệm về trồng hoa, làm màu, về những nỗi vất vả, buồn, vui của “nghề”… được đánh giá là “tâm sự có ý nghĩa nhất trong năm”…
Đất Tây Nguyên giàu tiềm năng, nhưng đất Tây Nguyên cũng vô cùng khắc nghiệt. Những người lính Tây Nguyên đã tựa vào nhau để vươn lên và bám trụ ở mảnh đất này. Hậu phương gia đình là một trong những điểm tựa vững chắc của họ.

Tây Nguyên tháng 8/1997 – Hà Nội Tháng 3/2020