ĐÁNH NGHI BINH TRONG CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN

KỶ NIỆM 45 NĂM CHIẾN THẮNG TÂY NGUYÊN
Vào dịp này cách đây 45 năm (cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 1975), các trận đánh nghi binh tại Play Cu và Kon Tum của Sư đoàn 968 đã diễn ra, mở màn cho những trận đánh kế tiếp của Chiến dịch Tây Nguyên. Nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Tây Nguyên, trang Lính Tây Nguyên xin giới thiệu cùng bạn đọc bài: ĐÁNH NGHI BINH TRONG CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN

ĐÁNH NGHI BINH TRONG CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN
Nguyễn Đình Thi


Khi nói về chiến công trong trận Buôn Ma Thuột ngày 10 và 11/3/1975, mọi người thường nhắc tới Sư đoàn 316 , Sư đoàn 10 và Trung đoàn 95B. Đây là những đơn vị trực tiếp đánh vào Buôn Ma Thuột. Nhưng có một đơn vị góp phần không nhỏ để tạo nên chiến thắng Buôn Ma Thuột mà ít người nhắc tới đó là Sư đoàn 968, một đơn vị được giao nhiệm vụ đánh nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên.
Trong kế hoạch tác chiến của Chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh Chiến dịch có hẳn một kế hoạch về nghi binh (trong đó có đánh nghi binh). Đây là một kế hoạch được chuẩn bị rất công phu, bài bản từ tháng 10/1974. Mục đích của kế hoạch này là thu hút phần lớn quân chủ lực của địch về Bắc Tây Nguyên, tạo sơ hở ở Nam Tây Nguyên. Sư đoàn 968 được giao thực hiện nhiệm vụ này. Tuy không phải là nhiệm vụ chủ chốt của Chiến dịch nhưng tầm quan trọng của nó lại rất lớn. Nếu không che giấu được ý đồ tấn công của ta vào Buôn Ma Thuột , nếu không thu hút được địch về PLay Cu, Kon Tum thì khi ta tấn công Buôn Ma Thuột sẽ gặp nhiều khó khăn, mà không giải quyết được Buôn Ma Thuột thì sẽ ảnh hưởng lớn tới nhiệm vụ của chiến dịch. Nhiệm vụ này rất nặng nề vì như thế Sư đoàn 968 sẽ là đơn vị nổ súng sớm nhất. Sư đoàn 968 sẽ phải đột phá vào nơi quân địch phòng thủ kiên cố, đột phá vào nơi quân địch đông, hỏa lực mạnh và đột phá vào thời điểm địch có nhiều điều kiện thuận lợi mà đột phá vào nơi quân địch mạnh thường đi đôi với thương vong cũng nhiều hơn.
Sau khi phát hiện địch nắm được một số thông tin do một tên hàng binh của ta khai. Chúng nghi ngờ ta sẽ tấn công Buôn Ma Thuột. Để tiếp tục đánh lạc hướng quân địch, ngày 1/3/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã lệnh cho Sư đoàn 968 nổ súng tấn công vào các vị trí quân địch ở xung quanh thị xã PLay Cu như Đồn Tầm, chốt Mỹ, điểm cao 605, Chư Côi, Chư Ka Ra và dùng pháo lớn bắn vào sân bay Play Cu và khu vực Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 địch ở thị xã PLay Cu. Các trận đánh của Sư Đoàn 968 diễn ra rất ác liệt, Sư đoàn 968 tuy bị một số tổn thất nhưng Sư đoàn vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm được nhiều vị trí quan trọng của địch ở quanh thị xã PLay Cu như đồn Tầm, chốt Mỹ, điểm cao 605, Chư Côi, Chư Ka Ra. Địch hoàn toàn bị mắc lừa bởi các trận đánh này của ta, ĐÁNH THẬT MÀ LÀ ĐÁNH GIẢ, y như đánh dọn đường để chuẩn bị cho trận đánh lớn tiếp theo vào PLay Cu và Kon Tum. Đang ở Nha Trang, nhận được tin báo Cộng quân đã chiếm được một số vị trí xung quanh PLay Cu và đang pháo kích vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 ở PLay Cu, Phạm Văn Phú - thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn 2 đã vội vã ra lệnh rút Trung đoàn 45 đang lùng sục Buôn Ma Thuột về Play Cu và ra lệnh cấm trại cả 2 thị xã PLay Cu và Kon Tum, đồng thời tăng cường phòng thủ ở 2 thị xã này. Liên đoàn biệt động quân số 7 - lực lượng dự trữ chiến lược của quân lực Việt nam Cộng hoà được trực thăng vận chuyển cấp tốc lên tăng cường cho Quân đoàn 2 cũng được Phạm Văn Phú tăng cường cho PLay Cu và Kon Tum chứ không tăng cường cho Buôn Ma Thuột .
Như thế, ý đồ của ta làm cho địch không tăng cường quân về Buôn Ma Thuột phòng thủ đã đạt được mục đích. Địch đã mắc bẫy vào kế của ta. Đây là thắng lợi rất quan trọng của kế hoạch đánh nghi binh do Sư đoàn 968 thực hiện. Vì nếu Trung đoàn 45 của địch rút về phòng thủ Buôn Ma Thuột, nếu Liên đoàn biệt động quân số 7 cũng được đổ xuống tăng cường cho Buôn Ma Thuột thì trận tấn công của ta vào Buôn Ma Thuột sẽ khó khăn hơn rất nhiều
Tuy không trực tiếp đánh Buôn Ma Thuột nhưng lịch sử sẽ mãi không quên chiến công của Sư đoàn 968 trong chiến dịch Tây Nguyên.