SƯ ĐOÀN 10 CỦA CHÚNG TÔI

 SƯ ĐOÀN 10 CỦA CHÚNG TÔI
                                                            Nguyễn Đình Thi - Sư đoàn 10

Tháng 5/1985 , sau 13 năm gắn bó với Sư đoàn , do bị tai nạn , tôi chuyển ngành khỏi Sư 10 , về Điện ảnh . Đến hôm nay đã tròn 34 năm xa Sư 10 . Ấy vậy mà cái tên thân thuộc Sư đoàn 10 hầu như lúc nào cũng hiện lên trong tâm trí tôi . Tôi có vinh dự ở Sư 10 từ ngày thành lập . Ngày ấy 3 Trung đoàn bộ binh 66 , 95 , 28 đều hoạt động ở Kon Tum và Gia Lai dưới sự chỉ huy của Mặt trận cánh Đông do Đại tá Nguyễn Mạnh Quân làm Sư trưởng và Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm chính ủy . Đến tháng 9/1972 thì các đơn vị của Mặt trận cánh Đông hợp nhất lại với nhau thành Sư 10 . Thực ra tên thì mới , nhưng thực chất vẫn là các đơn vị cũ của Mặt trận cánh Đông ( E66 , E28 , E95 ) . Do vậy trong ngày tuyên bố thành lập Sư đoàn ở phía Tây dãy núi Chư Mon Ray - Kon Tum , Sư phó Hồ Đệ mới ngẫu hứng làm một bài thơ rất hóm hỉnh nhưng rất đúng :
Xem ra cảnh cũ , người xưa
Lâu ngày xa vợ bây giờ hoá Sư
Họp bàn tính chuyện binh thư
Cởi áo trả vợ để Sư mặc quần
Thời gian thấm thoắt đến nay đã 47 năm . Lớp lãnh đạo đầu tiên của Sư đoàn ngày ấy gồm Sư trưởng Nguyễn Mạnh Quân , chính ủy Đặng Vũ Hiệp , Sư phó Hồ Đệ , phó Chính ủy Lã Ngọc Châu cũng đã mất . Số lãnh đạo chỉ huy tiếp theo của Sư 10 một số cũng đã ra đi theo đồng đội . Nhưng có thể nói đó là một thế hệ lãnh đạo , chỉ huy tài giỏi , mẫu mực của Sư 10 . Một thế hệ lãnh đạo chỉ huy thật đáng kính , không quan cách , luôn hết lòng vì lính , đồng cam cộng khổ , ăn đói , mặc rét cùng lính , sống chết cùng lính , yêu thương lính như ruột thịt . Đó là các Sư trưởng và Chính ủy : Nguyễn Mạnh Quân , Đặng Vũ Hiệp , Nguyễn Đức Giá , Hồ Đệ , Lã Ngọc Châu , Đoàn Hồng Sơn , Lưu Quý Ngữ , Phùng Bá Thường , Bùi Đình Hoè , Trần Giang , Vũ Đình Thước , Đinh Xuân La ... Bây giờ dù thời gian đã lùi xa gần năm mươi năm nhưng tên tuổi những Lãnh đạo , chỉ huy ấy mỗi khi nhắc đến chúng tôi đầy tự hào , kiêu hãnh . Mỗi khi nhắc tới lính chúng tôi vẫn rơi lệ .
Không phải tôi ở Sư 10 mà khen hay về Sư 10 . Nhiều bạn bè tôi ở các Sư đoàn khác cũng đều công nhận rằng : Sư 10 là một Sư đoàn thiện chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam . Những năm chiến tranh , nhiệm vụ nào khó khăn , mục tiêu nào quan trọng đều có mặt Sư 10 . Cái tên Sư đoàn 10 luôn là nỗi khiếp đảm với kẻ thù mỗi khi phải đụng độ . Địch đã phải thốt lên rằng : “ Sư 10 có mặt ở đâu thì đánh lớn ở đó “ . Một Sư đoàn sinh sau đẻ muộn ( tháng 9/1972 ) , nhưng chiến công của Sư 10 lại chẳng thua kém bất kỳ một Sư đoàn nào trong toàn quân . Trong vòng chưa đầy 3 năm Sư đoàn đã tiêu diệt 2 Sư đoàn nổi tiếng của địch ở Tây Nguyên đó là Sư đoàn 22 và Sư đoàn 23 ( Sư đoàn 22 bị tiêu diệt trong trận Đắc Tô - Tân Cảnh tháng 4/1972 , Sư đoàn 23 bị tiêu diệt ở Phước An trong Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975 ) . Trong Chiến dịch Tây Nguyên có 4 trận đánh lớn là trận Buôn Ma Thuột, trận tiêu diệt Sư đoàn 23 của địch đến phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột , trận truy kích tiêu diệt địch rút chạy trên đường số 7 và trận tiêu diệt Lữ dù 3 thì Sư 10 đã trực tiếp đánh ba trận. Chiến công của Sư đoàn cùng với các đơn vị khác của bộ đội Tây Nguyên đã buộc địch phải rút chạy khỏi Tây Nguyên . Tạo bước ngoặt lịch sử để quân ta mở các chiến dịch tiếp theo , giải phóng hoàn toàn Miền Nam , thống nhất Đất nước . Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh một lần nữa Sư 10 lại thể hiện sức mạnh tấn công vũ bão của mình , một ngày ( ngày 29/4/1975 ) tấn công quyét sạch toàn bộ quân địch trên tuyến phòng thủ của chúng dài tới hơn 60km từ Dầu Tiếng - Tây Ninh tới Ngã 3 Bà Quoẹ ( Sài Gòn ) . Là cánh quân chủ lực có mặt ở nội đô Sài Gòn sớm nhất trong ngày 29/4/1975 . Một Sư đoàn trong 7 ngày ( từ 7/1/1979 đến 14/1/1979 ) đã đánh chiếm một phần thủ đô Nông Pênh và giải phóng tới 4 tỉnh : Kông Pông Thom , Xiêm Riệp , Bát Tam Bang , Pu Sát trong chiến dịch cùng quân dân CPC giải phóng CPC tháng 1/1979 . Đó thực sự là những cuộc tấn công thần tốc , hiếm có một Sư đoàn nào trong toàn quân thực hiện được như vậy
Lại sắp đến ngày gặp mặt kỷ niệm lần thứ 47 , ngày thành lập Sư 10 ( 20/9/1972 - 20/9/2019 ) . Với tôi những ngày gặp mặt lại là những ngày khuôn nguôi nhớ về đồng đội . Những người đã cùng tôi chịu đựng cùng cực đạn bom , gian khổ , thiếu thốn của những năm tháng chiến tranh . Tôi nhớ tới một Sư đoàn 10 nữa đang nằm dưới lòng đất , đó là một vạn liệt sỹ của Sư đoàn đã ngã xuống trong các cuộc chiến . Vinh quang mà Sư 10 có được hôm nay là do bao thế hệ những người lính Sư đoàn đã không tiếc máu xương viết lên truyền thống vẻ vang này . Tự hào về các lãnh đạo chỉ huy của Sư 10 bao nhiêu tôi cũng tự hào về những người lính Sư 10 bấy nhiêu . Họ thực sự là những người lính quả cảm , anh hùng đã không quản ngại gian khó , không tiếc máu xương để có được một Sư 10 hai lần Anh hùng như hôm nay . Đến nay sau hơn bốn chục năm hoà bình rất nhiều đồng đội tôi vẫn còn nằm heo hút ở các cánh rừng đại ngàn Tây Nguyên , rất nhiều đồng đội tôi lại phải chịu đựng những đau khổ khác : đó là bệnh tật , là chất độc da cam do hậu quả chiến tranh . Nỗi đau đó giờ còn đau đớn hơn cả những năm chiến tranh . Nói sao hết nỗi buồn của tôi mỗi năm gặp mặt Sư đoàn lại thấy vắng đi một số khuôn mặt bạn bè .
Nhớ về Sư 10 tôi không thể quên các địa danh thân thương đã gắn bó với Sư đoàn trong suốt 47 năm qua . Đó là : Chư Mom Ray , Ngọc Rinh Rua , Ngọc Bờ Biêng , Play Cần , Cầu lầy , Binh trạm Bắc , Binh trạm Nam , Binh trạm Trung , Đắc Siêng , Đắc Pét , Sa Thày , Võ Định , Đắc Tô - Tân Cảnh , Kờ Leng , Diên Bình , 601A , 601B , Chư Thoi , Ngọc Bay , sông Pô Cô , đường 14 , đường 21 , Buôn Ma Thuột , Đức Lập ,Phước An , đèo Phượng Hoàng , Nha Trang , Cam Ranh , Sài Gòn , Kông Pông Chàm , Kông Pông Thom , Xiêm Riệp , Bát Tam Băng , Pu Sát ...nơi đó là tuổi xuân của chúng tôi , là bao máu xương đồng đội . Những địa danh này giờ có thể đổi thay , có thể còn , có thể không còn nhưng đối với những người lính Sư 10 chúng tôi những địa danh này vẫn rất đỗi gần gũi , thân thương , mãi mãi thiêng liêng , mãi mãi là niềm tự hào , luôn khắc khoải trong tâm trí những người lính Sư 10 .
Gần 50 năm đã trôi qua , các thế hệ lính Sư 10 chúng tôi giờ cũng có nhiều thay đổi , người thì trở về quê hương , người thì lang bạt mọi nơi để kiếm sống . Nhưng dù sống ở đâu , dù làm gì , dù còn vất vả , nghèo khó thì những ký ức về những năm tháng sống , chiến đấu ở Sư 10 luôn là những hoài niệm thật đẹp đẽ , thật trong sáng , đáng sống nhất trong cuộc đời quân ngũ của mình . Mỗi người lính Sư 10 dù một ngày đứng dưới cờ Sư đoàn 10 chúng ta hãy tự hào về những ngày tháng đó , hãy tự hào về Sư đoàn 10 vinh quang hai lần ANH HÙNG .