GIỮ CHỐT 601 B

GIỮ CHỐT 601 B

                                               Tác giả: Nguyễn Văn Sau
                                                                 C5 D8 E66 F10


Cách thị xã Kon Tum 17 km về phía bắc nằm sát đường quốc lộ 14 là một chốt điểm quân sự có vị trí đặc biệt quan trọng đối với quân đội Việt Nam cộng hòa. Với một địa hình mà bình độ không cao lắm và với độ cao 600m so với mực nước biển thì nơi đây quả là một chốt điểm quân sự khá lí tưởng. Chốt giữ điểm cao này, chúng có thể khống chế được phần lớn thị xã Kon Tum và cả một vùng rộng lớn gồm Đăk Tô, Tân Cảnh , Diên Bình và Võ Định. Tai đây, chúng bố trí một trận địa pháo, một đại đôi xe tăng rải đều trên hai mỏm đồi hình yên ngựa. Phía bắc có thêm đồn bảo an Hà Mòn do tiểu đoàn bảo an số 23 đóng giữ, có xe thiết giáp tăng cường. Phía nam có sở chỉ huy lữ đoàn dù số 3 và các trận địa pháo lớn, xe tăng, xe bọc thép chốt giữ. Ngoài ra còn có các trận địa pháo ở Bãi Ủi, Non Nước, đồn bảo an ở Kon Trang Klả bảo vệ.
Nắm rõ được tầm quan trọng của chốt điểm 601, ta quyết tâm đánh chiếm điểm cao này. Sau nhiều ngày chiến đấu ác liệt, ngày 10 và 11 tháng 4 năm 1972, với tinh thần quyết chiến quyết thắng ta đã dứt điểm được chốt điểm quân sự này. Với chiến thắng 601 chúng ta đã tiêu diệt một chi đội xe thiết giáp, một đoàn xe tăng, phá hủy 28 xe quân sự trong đó có 14 xe tăng M113, 14 xe vận tải GMC, đánh thiệt hại một đại đội dù và sở chỉ huy lữ dù 3, diệt hơn 130 tên địch. Tiêu diệt một đại đội bảo an, đánh thiệt hại nặng trận địa súng cối, phá hủy hai khẩu cối 106,7mm, thu hơn 15 súng các loại, phá hủy hơn 72 tấn hàng. Số liệu ghi trên di tích Chiến thắng 601 đã tạo đà cho chiến thắng Đăk Tô, Tân Cảnh ngay sau đó, ngày 24 tháng 4 năm 1972.
Chúng tôi không có được vinh dự tham gia trận đánh lớn đó bởi vì tháng 8 năm 1972 chúng tôi mới hành quân vào tới Kon Tum. Nhưng việc làm chủ được những địa danh đó đâu phải cứ thế là xong, địch thì tìm cách tái chiếm, ta kiên quyết bảo vệ bằng được cho nên việc giữ vững chốt và đánh giải tỏa quân địch nống ra địa bàn của ta là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Cũng tại vị trí này, bước sang năm 1973, nhất là từ sau khi kí kết Hiệp định Pa Ri 27/1/1973 ta và địch giằng co nhau từng tấc đất, giành giật nhau từng quả đồi, tranh nhau từng con suối cạn. Để bảo vệ điểm cao này, ta bố trí chốt giữ những điểm cao xung quanh trong phạm vi 1 km vuông. Đại đội 5, tiểu đoàn 8 của chúng tôi có nhiệm vụ chốt giữ chốt điểm 601 B ngày ấy thường gọi là đồi tròn cách điểm cao 601 mà ta đã chiến thắng non 1 km theo đường chim bay. Những ngày giữ chốt này quả là gian nan. Trước khi ra chốt giữ, đại đội phó Nhỡ quê Hà Tây quán triệt tinh thần:
- Chốt 601 là cửa ngõ phía bắc của thị xã Kon Tum ta đã giành được, nay nhiệm vụ của chúng ta nói riêng và các đại đội khác nói chung là phải chốt giữ, quyết không cho chúng tái chiếm. Kế hoạch là sẽ chốt giữ lâu dài, một tháng, hai tháng chưa biết chừng.Vấn đề quan trọng là tuyệt đối bí mật nơi đóng quân. Cứ ba người một hầm, yêu cầu ngụy trang cẩn thận.
Năm giờ chiều, chúng tôi bắt đầu lên đường. Mọi ba lô, đồ đoàn để lại ở tuyến sau, mỗi người chỉ mang theo một bộ quần áo, một bi đông nước, một khăn mặt, còn lại là súng, đạn, xẻng, cuốc, mỗi người đảm bảo đúng cơ số đạn đã quy định và số gỗ làm hầm đã được chuẩn bị từ trước. Tôi, Thành quê Hà Nam và Hưng quê Hòa Bình là một tổ. Tôi vốn nhỏ con hơn nên ngoài súng đạn ra không phải vác xà hầm, xà để làm nóc hầm là một khúc gỗ dài 3m, đường kính 15 phân hoặc hơn, tùy theo, càng to càng chắc. Hưng to con hơn nên làm nhiệm vụ này. Tôi và Thành mỗi người một bó gỗ dùng để làm kèo, mỗi bó từ 15 đến 20 khúc gỗ bằng cổ tay, dài chừng 1m 20. Như vậy, trên vai chúng tôi, trọng lượng mỗi người phải mang theo ước chừng suýt soát 40 kg. Nặng đấy, nhưng chẳng ai dám kêu ca vì sinh mạng của mình gửi gấm vào những trang thiết bị đó. Màn đêm buông xuống, chúng tôi đi trong lặng lẽ. May mắn cho chúng tôi là đêm đó trung tuần của tháng nên trăng sáng vằng vặc, mùa này lại là mùa khô nên việc hành quân diễn ra khá suôn sẻ.
Quãng 2 giờ sáng thì tới vị trí, chúng tôi triển khai đào hầm. Hầm nọ cách hầm kia từ 20m đến 30m. Tất cả diễn ra trong lặng lẽ. Nhờ có trăng sáng nên chúng tôi đào hầm khá thuận lợi, duy chỉ có điều là không được nói to, chỉ được nói thầm hoặc nho nhỏ đủ ba người nghe là được. Sau khi đào xong hố dài hơn 2m rưỡi, rộng 1m rưỡi, sâu 80 phân và lối chui lên, chui xuống, chúng tôi nắp ráp khung hầm. Trong chiến trường này, hầm chiến đấu đều là hầm chữ A. Đặt khúc gỗ làm nóc hầm theo chiều dài của hố, dựng những thanh kèo hai bên theo hình chữ A, lấy cành lá cây rừng phủ lên mặt và lấp đất lại, nóc hầm chỉ nhô lên khỏi mặt đất độ 60 phân và được ngụy trang cẩn thận.
Chừng 5 giờ sáng, mọi công viêc đã hoàn thành. Lúc này trời đã tang tảng sáng, chúng tôi bắt đầu nhìn rõ mọi vật xung quanh.Thông thường là như vậy. Ở tuyến trước, mọi công việc đều bắt đầu từ ban đêm. Di chuyển ban đêm. Tiền nhập ban đêm. Tiếp cận mục tiêu ban đêm. Đêm hôm qua đi tối chẳng biết địa hình như thế nào, ánh sáng của đêm trăng chỉ giúp chúng tôi nhìn được cây cối hai bên trong phạm vi vài mét. Sáng hôm sau chúng tôi mới nhìn nhận rõ địa hình mà mình đang dừng chân.
Trời đã sáng rõ, chúng tôi sửa sang lại lần cuối cho căn hầm của mình, ngụy trang cho kín, xóa hết dấu vết từ xa, sao cho địch không thể phát hiện ra hầm trong phạm vi 5m. Lúc này, chúng tôi mới có thời gian ngắm nhìn địa hình, địa vật xung quanh. Địa hình chúng tôi chốt cũng là một quả đồi không cao lắm, xung quanh là rừng thưa, chủ yếu là các loại cây nhỏ và các bụi cây lúp súp. Cái mà chúng tôi nhìn thấy đầu tiên là hai mỏm đồi hình yên ngựa, đó là chốt 601 mà chúng ta đã chiếm được. Khẽ vạch lá rừng để khỏi che mất tầm nhìn, cả ba chúng tôi nhận thấy cả hai mỏm đồi nham nhở bởi vết tích của chiến tranh.
Mỏm gần chúng tôi nhất và cũng là mỏm lớn nhất chúng tôi nhìn thấy mặt đất bị đào bới tung tóe, những đoạn giao thông hào đoạn còn, đoạn mất cứ hiện ra từng khúc. Những nóc hầm bị đào xới, tung tóe, nam nhở. Cây cối ngổn ngang, chỏng chơ, đen sì bởi khói bom, khói đạn. Những mảnh tôn, những mái nhà, cột, kèo gẫy tung tóe, rách nát nằm rải rác khắp nơi.
Xác những chiếc xe tăng M41, những khẩu pháo 105 li, những khẩu cối 81, những khẩu ĐKZ nằm ngổn ngang, vỡ toác, cái thì gẫy nòng, cái thì vỡ nòng đen sì. Những chiếc ô tô vận tải GMC, những chiếc xe com măng ca của sĩ quan chỏng vó lên trời, bẹp rúm, méo mó, cháy đen.
Nhìn về phía nam, dưới chân chung tôi chốt giữ, con đường 14 nhẵn bóng, phẳng lì, chạy ngoằn ngoèo về phía Đăk Tô, Tân Cảnh khi ẩn, khi hiện sau tán lá rừng im lìm, không một bóng người, bóng xe qua lại.
Nhìn về phía tây, giữa chân những quả đồi là một vùng bãi lầy cỏ mọc kín mít, thỉnh thoảng mới thấy những vệt sáng của mặt nước hắt lên bởi ánh sáng của mặt trời. Chính bãi lầy này là tôi đã bị ngã một lần chới với trong bùn nước ngập đến gần cổ khi đi qua hai cây tre bắc bồng bềnh trong bùn trong một đêm tôi cùng với anh Tập và Long lên chốt lấy vỏ bao cát để về củng cố hầm cho đại đội. Chúng tôi đang cùng nhau lặng lẽ ngắm nhìn cảnh lạ thì Thành cất tiếng:
- Chà! Quả là một chốt điểm quân sự quan trọng thật.
Tôi và Hưng cùng khe khẽ đáp lại:
- Ừ, ừ, đúng thế thật.
Nhìn sang xung quanh để tìm hầm của tổ khác thì chẳng thấy cái nào cả. Đại đội quy định hầm nọ cách hầm kia từ 20m trở ra, tuyệt đối hạn chế đi lại giữa các hầm để bảo vệ bí mật, mọi tin tức thông báo sẽ do cán bộ trung đội, cán bộ tiểu đội truyền đạt. Anh nuôi sẽ mang cơm đến từng hầm.
Do hành quân và đào hầm suốt cả một đêm nên anh nào anh đó mặt mũi bơ phờ, mệt mỏi. Tôi nhìn Thành, Thành nhìn Hưng, ai cũng mỉm cười và khe khẽ lắc đầu, nghĩ thầm: Mệt mỏi đây.Trời sáng đã khá lâu rồi ước chừng 8 giờ thì phải, chúng tôi mở cơm nắm ra ăn. Ba nắm cơm nhỏ, mỗi nắm nằm lọt trong lòng bàn tay được anh nuôi phát cho từ chiều hôm qua trước khi lên đường giờ đây đã rắn cấc. Sáng một nắm, chiều một nắm, tối một nắm, đó là khẩu phần ăn trong một ngày. Thức ăn thì toàn mẳm ruốc, muối vừng. Gọi là mắm ruốc nhưng có phải là ruốc từ thịt đâu. Đó là loại nước mắm cô đặc, mặn chát. Cứ thế, thực đơn của chúng tôi trong một ngày là cơm nắm+mắm kem+bi đông nước, bi đông nước+cơm nắm+mắm kem, ngày nối ngày là như vậy.
Cả ba đứa vừa ăn cơm xong chưa kịp gói các thứ còn lại để cất đi thì bỗng có tiếng máy bay ì ì trên đầu, chúng tôi nghĩ thầm chắc chúng nó lại oanh tạc đâu đây rồi. Vừa nghĩ xong thì nghe tiếng rít ghê rợn trên đầu và tiếp theo đó là hai tiếng nổ long trời của hai quả bom dội lên trên chốt. Sau hai tiếng nổ, chiếc máy bay thứ hai lại rít trên đầu chúng tôi và cũng là hai tiếng nổ như ban đầu. Cứ thế, lần lượt ba chiếc A37 ném sáu quả bom xuống chốt. Chúng hủy trận địa thật rồi. Chờ cho chúng ném hết đợt bom, chúng tôi chui ra khỏi hầm và quan sát. Khói mù mịt khắp cả quả đồi hình yên ngựa. Lửa cháy rừng rực. Thôi thì những thứ gì trước đây chưa cháy hết, nay cháy nốt cho kì sạch. Chốt 601 trước vốn đã tả tơi, nay lại càng tả tơi hơn nữa. Vết đất mới đỏ lòm, nham nhở. Lại những tấm tôn rách nát, lại những chiếc xe, khẩu pháo vốn đã méo mó, nay lại thay hình, đổi dạng
Hai tuần đã trôi qua, công việc vẫn đều đều như vậy. Mỗi ngày chúng dội xuống chốt ba loạt bom rồi chuồn. Mấy ngày đầu, chúng tôi còn hay để ý xem chúng ném bom, nhưng sau rồi nhiều thành nhàm và cũng chẳng thèm để ý nữa. Chúng tôi chỉ nghĩ thầm nghe đâu trên chốt đó có một tổ trinh sát của tiểu đoàn đang chốt giữ thì phải. Nếu vậy thì thương cho các đồng chí ấy quá. Bom xới, đạn cầy như thế thì sao chịu nổi. Mấy hôm nay chúng không còn ném bom nữa, không khí trở nên im lặng lạ thường. Chỉ có cái nắng của mùa khô trong suốt sáu tháng. Cây cối im lìm, khô khốc, lá cây rừng rải đầy trên mặt đất. Do là mùa khô nên rừng trông càng thưa hơn, cành cây ít lá hơn, đồng nghĩa với nó là lượng cành cây khô càng nhiều hơn cả trên cây lẫn dưới đất, do vậy việc đi lại của chúng tôi giữa các tổ phải hết sức dè dặt. Im lặng. Im lặng đến phát sợ. Đâu đó phát ra tiếng của những con côn trùng nghe phảng phất, không phân biệt được là con gì. Thỉnh thoảng mới có một hai tiếng chim hót bay qua trên đầu. Càng im lặng, chúng tôi càng lo lắng, bởi kinh nghiệm trong chiến trường cho chúng tôi biết đó là dấu hiệu của một vấn đề khó khăn, nguy hiểm hoặc sẽ rất ác liệt sắp tới. Chiều hôm qua, cán bộ đại đội đi từng hầm truyền lệnh của tiểu đoàn:
- Dừng ném bom, rất có thể chúng cho quân đi lùng sục các ngọn đồi xung quanh, yêu cầu hầm nào hầm đó tuyệt đối bí mật.
Điều dự đoán đó quả là không sai. Như thường lệ, mỗi hôm đại đội cử ba người đi tuần, phạm vi đi tuần trong khoảng 200m đến 500m quanh khu vực chốt giữ. Suốt ba tuần trôi qua không gặp thằng địch nào. Một hôm, như thường lệ, bộ phận nào đi tuần thì cứ đi tuần, bộ phận nào cảnh giới thì cứ làm nhiệm vụ cảnh giới. Quãng gần trưa độ gần 11 giờ thì phải, ba chúng tôi giở cơm nắm ra ăn, đang ăn thì bỗng nghe một loạt tiếng tiểu liên AR15 của địch và một tiếng nổ rất to không phải là tiếng lựu đạn US, càng không phải là tiếng mìn, cũng chẳng phải là đạn pháo mà hình như là tiếng nổ của một khẩu cối cá nhân của địch ( súng Ga Răng ) thì phải nổ rất gần nơi chúng tôi đang chốt giữ. Linh tính chúng tôi biết rằng tổ tuần tra của chúng tôi đã gặp địch bởi vì chỉ nghe thấy mấy tiếng AK đáp trả, rồi sau đó đều im bặt. Điều phán đoán của chúng tôi quả là không sai. Chừng 5 phút sau đại đội thông báo là tổ tuần tra của ta đã gặp địch, một đồng chí đã hi sinh, Đồng chí Nguyễn Văn Hoa quê ở thị xã Bắc Ninh. Lập tức đại đội yêu cầu hầm tôi gồm 3 người và hai người cùng đi tuần tra với Hoa nhanh chóng ra lấy xác tử sĩ, đề phòng để lâu e địch sẽ cài bẫy. Một hình thức mà kể cả ta và kẻ địch thường làm là gài quả lựu đạn đã rút chốt giấu dưới xác người chết, nếu đồng đội ra lấy xác, lựu đạn sẽ nổ và một vài mạng người nữa sẽ đi theo. Chúng tôi lặng lẽ và bí mật ra chỗ Hoa vừa ngã xuống. Đề phòng địch vẫn đang rình chúng tôi, chúng tôi nín nặng chờ khoảng 20 phút, không thấy dấu hiệu gì khả nghi, chúng tôi liền tiến tới để đưa xác Hoa về. Đề phòng mọi tình huống có thể xảy ra, chúng tôi phân công nhau bốn người làm nhiệm vụ cảnh giới còn một người bò sát tới chỗ Hoa nhẹ nhàng và khe khẽ dùng dây võng mà chúng tôi đã chuẩn bị trước buộc vào cổ chân của Hoa kéo lê thử một đoạn, không thấy có lựu đạn gài chúng tôi liền đưa xác Hoa về. Hoa bị một viên đạn ga răng bắn trúng đầu, hộp xọ vỡ vụn, chỉ còn da và xương lủng lẳng rách từng mảng. Một người cầm súng và gùi của Hoa, tôi và ba người còn lại nhanh chóng khiêng Hoa về hầm. Tôi và một người nữa khiêng phần tay nên cái đầu nát bét của Hoa chỉ còn da và xương vụn cứ vất va vất vưởng đập vào ống quần, đập vào đầu gối làm máu mê dính đầy hai ống quần của chúng tôi. Chiều tối hôm đó, xác của Hoa được lính vận tải của tiểu đoàn mang về vị trí chôn cất. Không hiểu sau giải phóng và cả hiện tại nữa, hài cốt của Hoa đã được quy tập về nghĩa trang hay chưa hoặc là đã được gia đình đưa về an táng tai quê nhà thành phố Bắc Ninh hay chưa. Hồi ấy tôi chỉ biết Hoa ở thị xã Bắc Ninh mà thôi.
Bẵng đi một tuần rồi hai tuần trôi qua, mọi sự việc vẫn diễn ra bình thường, không có sự vụ gì xảy ra. Hôm ấy đến lượt tổ tôi ba người đi tuần, lúc này là gần trưa, Tôi, Thành và Hưng mỗi người một khẩu AK, hai trái lựu đạn loại mỏ vịt của Mĩ lặng lẽ ra khỏi hầm. Suốt hai mươi ngày ngồi một chỗ, chỉ có ăn, ngủ và thay phiên nhau canh gác và đi tuần, bây giờ ra khỏi hầm để đi tuần tra, ai cũng thấy hơi rờn rợn. Sự việc của Hoa mấy hôm trước khiến chúng tôi ai nấy đều lo sợ, hồi hộp. Hôm nay đi tuần liệu có gặp địch không? Nếu gặp thì làm thế nào? Nếu đi đúng vào ổ phục kích của địch thì sao? Liệu có bị vướng lựu đạn địch gài không? Có sa vào bãi mìn không? Dính một quả mìn Clây mo thì đi cả lũ…Thành đi trước, tôi đi giữa, Hưng đi sau, cả ba người ra khỏi hầm chừng hơn 100m thì Thành tỏ ra lo sợ thực sự. Nỗi sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt. Sắc mặt thay đổi, ánh mắt sợ hãi, người hơi cúi và run run, giọng nói hụt hẫng:
- Thay phiên nhau đi trước đi, mỗi người một tí, tôi đi trước rồi!
- Đi thêm một tí nữa đi, tôi khẽ nói.
- Không, mặc kệ các ông! Thành đáp lại.
Tôi miễn cưỡng phải đi lên trước. Quả thật đi tuần tra mà đi trước đội hình quả là nguy hiểm. Tôi cũng thấy sờ sợ. Nhưng rồi nỗi sợ ấy cũng trôi qua nhanh chóng. Cả ba người khom lưng, nhè nhẹ bước. Tay trái nắm chặt bụng súng, tay phải luôn tư thế bóp cò, mắt liếc dọc, liếc ngang, sau lưng, trước mặt. Chúng tôi khẽ bước từng bước, cố không để phát ra tiếng động, đặc biệt là chớ giẫm phải cành cây khô. Đi được chừng hơn 300m thì tôi sững lại, hai người đi sau cũng sững lại theo cảm tính. Chúng tôi cùng nhau nhìn về bên trái, cùng một chân đồi, nhưng thấp hơn chúng tôi và cách chúng tôi chừng hơn 100m, dưới những bụi cây nhỏ lúp xúp một tốp lính cộng hòa quãng hơn 10 tên thì phải đang ngồi giải lao tránh nắng. Có lẽ chúng cũng đi tuần tra như chúng tôi. Bọn chúng đang mải nhìn xuống hướng đường 14, chỉ có hai tên quay mặt chênh chếch về phía chúng tôi đang ngửa cổ tu nước. Những chiếc mũ sắt tùm hụp, những chiếc ba lô to sụ, cồng kềnh, những khẩu tiểu liên AR15 dựa trên vai, đứa nằm, đứa ngồi, đứa gục đầu vào hai đầu gối nhắm mắt tranh thủ
Chúng tôi nháy mắt ra hiệu cho nhau bằng những cái gật đầu. Không ai bảo ai, sau cái gật đầu, chúng tôi đồng loạt nổ súng. Mỗi người điểm xạ hai loạt đạn về phía địch, đường đạn căng như xé vải, khét lẹt, nhiều viên găm vào gốc cây, găm xuống đất tung tóe. Bị đánh bất ngờ và cự li lại khá gần, chúng không kịp phản ứng gì vội vàng bỏ cả ba lô chạy toán lạn. Chả biết chết mấy tên chúng tôi chưa rõ. Nghe tiếng súng nổ, đơn vị xông ra tiếp ứng, địch chỉ bắn lại bằng vài loạt tiểu liên ngắn rồi im bặt, mất hút. Chúng tôi nhanh chóng kiểm tra xem bao nhiêu tên chết và nhanh chóng thu hồi chiến lợi phẩm. Kết quả chỉ có ba tên chết nằm chỏng trơ, bê bết máu. Do bị bắn bất thình lình nên chúng bỏ lại ba chiếc ba lô căng đẫy. Tôi, Thành và Hưng vội nhặt một khẩu AR15 và ba chiếc ba lô và nhanh chóng trở về hầm của mình. Về tới hầm, Hưng và Thành dốc ngược ba chiếc ba lô xuống đất để tìm chiến lợi phẩm. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thu được ba lô của địch nên mừng lắm. Cái khao khát nhất của chúng tôi là đồ ăn, thức uống của địch vì ở chiến trường, chúng tôi đói lắm, ăn thì toàn cơm nắm với mắm kem, trong khi địch thì cơm sấy, thịt hộp, cá thu, lạp sườn…Điều mà chúng tôi quan tâm lúc này liền được đáp ứng. Chao ôi, phải đến hơn 30 túi cơm sấy. Cơm sấy là một loại cơm mà hạt gạo đã được hấp chín ở dạng khô trắng tinh được đóng sẵn thành từng túi, người ăn chỉ việc đổ nước vào là thành cơm, 20 hộp thịt gà loại 0,25kg, 9 hộp cá thu loại hai lạng, 2 bao thuốc lá Rubi, 4 bao thuốc lá Bastô, võng nilon và bao thứ khác nữa. Thảo nào khi ra trận, thằng nào thằng đó căng đẫy ba lô là phải, còn chúng tôi thì chỉ mỗi một chiếc gùi, bên trong thì võng, ba nắm cơm và đạn. Đang đói, khát và mệt mỏi bởi hai mươi ngày giữ chôt căng thẳng, chúng tôi liền thưởng thức món chiến lợi phẩm này. Từ ngày vào chiến trường này, đã ai biết mùi vị của miếng thịt gà nó như thế nào đâu, thế là cùng nhau mở hộp, ăn vã, ai cũng thấy hả hê. Những ngày sau đó chúng tôi vẫn cứ đi tuần tra đều đều. Xác ba tên địch vẫn nằm đó, chúng không dám lấy xác đồng đội nên những cái xác đó mỗi ngày trôi qua lại trương phềnh lên, đen xì, lúng lính nước, thối khẳm, ruồi nhặng bu đầy. Trời càng nắng, cái xác đó càng nhanh bốc mùi, một mùi khăm khẳm bốc lên đến lộng óc, không thể chịu nổi. Mỗi lần đi tuần tra ngang qua chúng tôi phải bịt mũi cho thật chặt.
Chưa biết phải giữ chốt bao lâu nữa, suýt soát một tháng rồi, cứ ba người một hầm, thay phiên nhau canh gác cả ngày lẫn đêm, mệt mỏi, căng thẳng, đói, khát, không một lần tắm giặt, không một lần đánh răng, rửa mặt. Cứ đến chập tối, anh nuôi lại mang cơm, nước lên cho từng hầm. Mỗi người ba nắm cơm, một ít thức ăn, hôm thì mắm kem, hôm thì muối vừng, thỉnh thoảng mới đượcbữa canh rau môn thục ngứa khé cổ. Một bi đông nước. Tất cả mọi sinh hoạt trong ngày dựa vào những thứ ấy. Cái khổ nhất của chúng tôi lúc này không phải là đói, không phải là khát mà là buồn ngủ. Suốt một tháng rồi, ba con người ấy, cả đơn vị ấy căng mắt canh gác, tuần tra, giữ chốt. Khổ nhất là canh gác ban đêm, mỗi người phải đứng gác hơn ba tiếng đồng hồ, một người gác, hai người ngủ, cứ thế thay phiên nhau, ngày cũng như đêm, Đêm cũng như ngày, trừ những hôm đi tuần tra. Dạo này là giữa tháng, lại là mùa khô, trăng sáng nên chúng tôi gác đêm thấy thoải mái hơn. Quả thật, những đêm không trăng, thỉnh thoảng có hôm trời tối đen như mực, ngồi gác trước cửa hầm mà sợ, mà lo. Tâm lí chung là nếu phát hiện địch từ xa bao giờ cũng yên tâm hơn. Nhưng nếu địch ngay trước mắt mình, bất thình lình xuất hiện thì ôi thôi hồn vía lên mây. Mấy hôm không trăng tâm trạng chung là như vậy.
Đêm nay tôi gác ca cuối, trăng tròn sáng vằng vặc. Ánh trăng lung linh soi rõ mọi vật xung quanh. Những bụi cây lúp xúp, những thân cây rừng thẳng đứng, im lìm, những tán lá rừng nằm im bất động, những vạt đất rộng và cả căn hầm chữ A của chúng tôi tất cả chìm trong ánh trăng, như đang được tắm dưới trăng. Bất giác tôi nhớ lại ba câu thơ của nhà thơ Chính Hữu mà tôi vẫn nhớ hồi học cấp III:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo
Quả thật tôi cũng có tính lãng mạn. Hồi học cấp III tôi rất thích thơ, chính vì thích thơ nên việc học thuộc lòng những bài thơ đối với tôi chẳng có gì là khó. Đang suy nghĩ miên man thì bất thần có một tiếng động nhỏ, tôi chột dạ và đặt tay lên cò súng, thì ra là một con chồn hoang đi kiếm mồi. Người nó đen xì, đuôi dựng đứng. Cậu ta không biết là tôi đang ngồi gác gần đấy. Tôi ngồi im bất động ngắm nhìn con vật đang tìm mồi dưới trăng. Giữa chiến trường ác liệt mà có được giây phút thảnh thơi ngắm cảnh vật dưới trăng trong một đêm yên tĩnh thì thật là lãng mạn. Không gian yên tĩnh quá, chỉ có ánh trăng ngập tràn mọi vật, ngồi gác một mình mà lòng thấy nâng nâng. Bao nhiêu sợ sệt, lo lắng và mệt mỏi dường như tan biến đâu tất cả, thay vào đó là niềm hân hoan thầm kín. Thật là hiếm có những giây phút ấy.
Không hiểu sao dạo này chúng tôi thấy ngứa quá, ban ngày thì ít để ý nhưng ban đêm thì càng thấy rõ. Muỗi chăng? Không, mùa này là mùa khô, muỗi có nhiều như mùa mưa đâu mà đổ cho muỗi! Đêm ấy, tôi phải canh gác ca 2 từ 11 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau sắp đổi ca rồi mà vẫn thấy hai người thỉnh thoảng lại xì xục, đáng lẽ tầm này là phải ngủ say như chết mới phải. Đến lượt tôi được đi ngủ, Hưng lên gác thay. Tôi nằm vào chỗ của Hưng. Căn hầm chật chội, chúng tôi phải nằm úp thìa vào nhau mà ngủ. Tôi vừa nằm nghiêng quay mặt sang Thành đặt tay lên vai Thành để ngủ thì thành nói nhỏ:
- Đ..ngủ được mày ạ, sao tao thấy ngứa quá cơ!
Thành vừa nói đến chữ ngứa bất giác linh cảm tôi cũng thấy ngứa thật, cũng gãi bụng, gãi thắt lưng, gãi đùi. Nhưng rồi tôi cố nhắm mắt cho quên chuyện đó đi. Ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa, vẫn cứ hiện tượng ấy, chúng tôi đều thấy ngứa thực sự. Hưng nói nhỏ:
- Hình như có rận sao ấy.
- Tao cũng nghi lắm, Thành đáp lại
- Để tao cởi áo kiểm tra xem sao, Hưng nói tiếp
Hưng cởi áo ra thật. Anh lộn ngược chiêc áo đang mặc và lần mò một lúc bỗng Hưng kêu to lên:
- Thủ phạm đây rồi.
Hai tay vẫn đang căng đường chỉ may của tay áo, anh chìa về phía chúng tôi, ba, bốn chú rận to đùng, rõ mồn một đang nép mình theo đường chỉ. Mò mẫm tiếp, lại thấy vài chú nữa, con thì ở chỗ đường chỉ vai, con thì ở chỗ gấu áo. Thấy thế, tôi và Thành liền cởi quần dài và lộn trái ra xem. Không cần tìm lâu, chúng tôi đã phát hiện ra bẩy, tám chú rận kếch xù đang lẩn trong đường chỉ may của cạp quần. Thì ra là như vậy. Tôi liền lên tiếng:
- Có rận cũng là phải thôi các ông ạ, Suốt cả tháng nay, mình đã tắm giặt lần nào đâu
- Ừ nhỉ! Thành trả lời
Thì ra là cả một tháng trời giữ chốt, chúng tôi mải mê với nhiệm vụ được giao nên chẳng chú ý gì đến chuyện vệ sinh cá nhân cả. Một tháng không tắm giặt, một tháng không đánh răng, rửa mặt, nếu có chỉ là họa hoằn một vài lần bởi vì làm gì có nước. Dưới chân đồi có suối đấy nhưng phải bảo vệ bí mật nên không được phép xuống lấy nước. Phần vì nhiệm vụ quan trọng, phần vì vẫn là mùa khô nên quần áo cũng chẳng thấy bẩn là gì nên cứ mặc kệ. Không riêng gì chúng tôi mà là cả đại đội đều có rận.
Trước tình hình đó, đại đôi đành phải có kế hoạch khi anh nuôi mang cơm ra chốt, thu hết quần áo của anh em mang về luộc rồi hôm sau lại mang ra chốt trả lại. Hôm sau lại thu nốt quần áo của anh em còn lại mang về luộc và hôm sau lại mang lên trả. Công việc cứ như vậy, anh nuôi vừa phải mang cơm, vừa phải mang quần áo đã được luộc ra cho anh em vất vả mất một tuần mới dứt điểm được lũ rận quái ác không mời mà tới này.
Thế đấy, công việc giữ chốt 601 B của chúng tôi là như vậy. Đói, buồn ngủ, căng thẳng, lo âu, hi sinh, mất mát, chấy, rận hành hạ chúng tôi đúng hơn một tháng trời. Tình hình mặt trận cần có sự thay đổi về chiến lược, chiến thuật nên chúng tôi chuyển sang một địa điểm mới, đó là các chốt điểm gần Đăk Rơ Cót mà ta và địch giằng co nhau quyết liêt gần hết cả năm 1973.