GƯƠNG MẶT NHỮNG NGƯỜI LÍNH SƯ ĐOÀN 10

GƯƠNG MẶT NHỮNG NGƯỜI LÍNH SƯ ĐOÀN 10

Họa sỹ Lê Tiến Vượng trước đây công tác ở Tuyên huấn Sư đoàn 10. Hết nghĩa vụ quân sự, cuối năm 1981 anh chuyển về công tác ở Báo Hoa học trò cho đến tận bây giờ. Trong giới hội họa người ta gọi anh với cái tên rất trìu mến “ Vượng logo “ bởi anh nổi tiếng với các bức họa logo. Không chỉ nổi tiếng trong giới hội họa , anh còn khá nổi tiếng với các tập thơ lục bát. Nhân dịp anh vừa cho ra mắt tập thơ thứ 4 với nhan đề LỤC BÁT PHỐ, trang Lính Tây Nguyên xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Thị Mai về tập thơ của anh .

GỬI VÀO LỤC BÁT XÓT XA NỖI ĐỜI
( Nhân đọc tập thơ Lục bát Phố của Nhà thơ Lê Tiến Vượng – NXB Hội Nhà văn 2018).

Tôi đã được đọc thơ của NT Lê Tiến Vượng rải rác trên báo chí và trong các cuốn sách in chung. Tuy chưa nhiều nhưng các bài thơ ấy đều khiến tôi thích thú bởi một giọng thơ riêng, rất riêng và ám ảnh tôi bởi những câu thơ nói như tếu táo mà sao ngậm ngùi xa xót. Thực tế, Lê Tiến Vượng đã có 4 tập thơ dày dặn, chững chạc. tập nào cũng gần trăm bài thơ, bài nào cũng để lại cảm xúc trong lòng bạn đọc. Và tôi đang có trên tay tập thơ thứ tư – mới nhất, được tác giả tặng với nhan đề: Lục bát Phố do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2018 vừa qua. Trân trọng, nâng niu. Thử mở vô tình một trang, mắt bỗng chạm phải những lời bộc bạch tưởng đùa mà “rất có chuyện”:
Thơ mình tặng bạn đọc chơi
Mượn câu lục bát mà ngồi ngắm nhau
Đòn đời không đánh mà đau
Đòn tình chưa tỏ, mái đầu đã phai. (Thơ mình)
Vâng, từ “chơi” và “ngắm nhau” là tếu táo. Tếu táo để lấy cớ bộc bạch nỗi niềm về “đòn đời” và “đòn tình”. Nó ở đâu? Thì hẳn là ở Phố. Thơ Lê Tiến Vượng bộc bạch là thế (giống như con người anh: quang minh, ngay thẳng, chan hòa và chia sẻ). Bộc bạch từ tên tập thơ đến tên các bài thơ và đến từng câu thơ. Với tôi và nhiều người, chỉ cần nhìn tên tập thơ, đọc đầu đề bài thơ đã hình dung được vấn đề anh định nói. Điều quan trọng là vấn đề ấy có động lòng trắc ẩn, khơi dậy tính bản thiện trong tâm thức con người ta hay không? Xin thưa, điều đó hoàn toàn có trong thơ Lê Tiến Vượng. Đúng vậy, với 71 bài thơ trong tập Lục bát phố, ta gặp đủ thứ chuyện, đủ thứ người, đủ thứ cảnh… toàn những thứ diễn ra trước mắt hàng ngày, ai cũng thấy nhưng chỉ riêng Lê Tiến Vượng nói ra tưng tửng. Vì thế, Lục bát Phố là bức tranh hiện thực đời sống thời hiện đại hóa được phô bày qua hình tượng con người và những cảnh đời xã hội thật sinh động. Con người: Họ là những cô gái làng nhẹ dạ cả tin, mơ lên phố để thoát kiếp nghèo; là những chân dài váy ngắn sống giả để lừa tình và bị tình lừa; là em gái lấy chồng ngoại quốc tưởng đổi được đời mà không; là cô gái bán thân nuôi miệng; là những ông thợ sửa xe, bà hàng nước, anh thợ khóa, chị bán hàng rong, em đánh giày lam lũ vỉa hè; là anh tài xế tắc xi ngầu đời, anh xe ôm bán sức; là những chàng những nàng lương còm nơi công sở phải hèn như chó như mèo với sếp; là những sếp cưỡi xe sang, ở nhà biệt phủ quen hưởng thụ tiền chùa khi về hưu đầy hụt hẫng… phần lớn họ xuất phát từ nhà quê chân chất. Ra phố, người thì chầy chật, lam lũ kiếm sống, kẻ thì lên chức lên quyền lắm tiền nhiều của. Người thì quá tỉnh táo để yêu, để lừa, để “chạy”, kẻ thì điên dại ngẩn ngơ đến vô cảm cả thân phận mình… Mỗi con người ấy là một phận người đại diện cho bao phận người ở mỗi tầng lớp xã hội hiện đại hôm nay. Họ bước vào thơ Lê Tiến Vượng thi vị hơn nhưng cũng đáng thương hơn bởi cái nhìn cảm thông và sự phát hiện tinh tế của anh:
Phố phường chen chúc người quê
Miếng cơm, manh áo, dãi dề tấm thân
Trẻ già, trai gái phong trần
Bán đi cái có để cần… cái không ( Phố phường)
Sửa xe nửa cúi, nửa bò
Bặm môi, vẹo má, tiếng ho rát chiều
Bạn bà hàng nước, bún riêu
Vui ông thợ khóa, lêu têu đánh giày ( Thợ sửa xe)
Vô tư cái lúm đồng tiền
Em như cô Tấm thảo hiền sang sông
Phố giờ lại lắm Lý Thông
Bao nhiêu em gái không chồng… sinh con (Lại lo)
Tinh sương gánh gánh gồng gồng
Từng đoàn thôn nữ xa chồng … bán mua
Phong phanh giữa chốn lọc lừa
Áo quần còn ngái bùn chua hôm nào ( Gánh gồng)
Phải gần gũi, quan sát họ, phải hóa thân vào thân phận họ, có khi mình cũng chính là họ, Lê Tiến Vượng mới lột tả chân thực được những con người ấy. Nhưng nỗi đáng thương phải đâu chỉ có ở người nghèo hèn? Ngay cả những vị sếp dù nhiều tiền, nhiều nhà, nhiều chức cũng đáng thương làm sao:
Về hưu giống hệt ông từ
Lại mơ “quyền trượng” ông sư thuở nào. Bao năm lốt hổ gầm gào
Lắm đêm tỉnh giấc… thì thào meo meo ( Về hưu)
Nỗi đáng thương về bao phận người nếu viết bằng ngôn ngữ nghiêm túc có khi thành phỉ báng, khinh miệt. Nhưng tài làm sao, ngôn ngữ của Lê Tiến Vượng lại hài hước hóm hỉnh. Ngôn ngữ thơ anh là ngôn ngữ tiếng cười. Người đọc cảm giác như chính anh đang “tự trào” tình cảnh của mình chứ không phải tình cảnh ai khác. Nhưng đó lại là “ai khác”. Thế mới ngậm ngùi xót xa tận thẳm sâu trong đáy ngực chúng ta. Con người đã vậy, những cảnh đời của họ mới làm nên bức tranh xã hội thời hiện đại với ba chiều không gian nhốn nháo, lộn tùng phèo mọi giá trị đích thực. Đó là “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” về một Thủ đô Hà Nội ồn ào, chen lấn, ô nhiễm, rác rưởi, tắc đường và cả lưu manh, đều giả… không còn đâu hình ảnh về một Tràng An thanh lịch đáng tự hào. Trông rộng nhìn xa hơn thì phố phường đâu cũng vậy. Nó như một cái “chợ khổng lồ”, là nơi giằng giật kiếm kế sinh nhai chứ không phải nơi an cư sinh sống. Vì thế vỉa hè tranh giành, cửa hàng tranh bán, con người tranh nhau với “Bao nhiêu cái cảnh… cò cưa… qua ngày” (Phố phường) thật xô bồ. Người quê chân chỉ hạt bột quanh năm sống với đồng ruộng mà nghe bức tranh phố phường trong thơ Lê Tiến Vượng chắc cũng hãi hùng không dám ra tỉnh như xưa. Nhưng đấy mới là bề nổi, là những gì nhìn thấy được. Còn những gì ẩn sâu trong cái xô bồ ấy phải nhờ con mắt xanh của nhà thơ phát hiện tinh tế ta mới nhận ra. Ấy là những thật giả lẫn lộn: “Cái tình tưởng ngọt lại cay/ Tưởng mê thành đắm, tưởng ngày hóa đêm” (Cái thời). Còn cái giả dối lại lên ngôi nhan nhản: “Phố phường lắm quỷ nhiều ma/ Lý Thông mặc áo cà sa sao nhiều” (Em tôi). Giả dối đi liền với cái ác mà “Cái ác dán mác, gắn sao”thì cuộc đời này sẽ thành bi kịch. Chỉ một bài “Đi chợ” là chân dung cái ác hiện ra tất cả: “Hoa quả ngâm tẩm thuốc Tàu/ con tôm thì độc, con hàu thì tanh… Người ta đầu độc khắp nơi/ Phố, quê đâu cũng đãi bôi vì tiền/ Cái thời mâm bát đảo điên/ Ăn xong chẳng biết “quy tiên” lúc nào”. Cảm ơn Lê Tiến Vượng đã cảnh tỉnh bằng thơ về sự giả dối, độc ác khắp chốn đó đây nơi phố phường nhưng cũng khiến ta hoang mang tột độ bởi nghe anh nói: “Bây giờ chẳng biết tin gì/ Lương tâm thì bé, phong bì thì to” ( Đi chợ); “Đi đâu cũng gặp con buôn/ Người chui người cúi, kẻ luồn mà đau” (Ngẫm). Ấy là đồng tiền đã lên ngôi, tha hóa người ta. Vì tiền mà đảo điên tất cả “Trên thì dối, dưới thì gian”. Vì tiền mà đầy rẫy những tệ nạn. Nào là nạn “chạy” chức chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, “chạy” trường, “chạy” án, “chạy” dự án, “chạy” về hưu, “chạy” sổ đỏ, “chạy” thuốc thang chữa bệnh… Nào là nạn tham ô tham nhũng cửa quyền của các quan chức. Nào là nạn đỏ đen trong sòng đời, nạn đua chen hình thức, lãng phí trong trường học, nạn đua nhau lấy chồng nước ngoài để đổi đời… nhưng có loại nạn buôn thần bán thánh kiếm tiền là nạn mới, dối lừa và phất lên nhất “Vào chùa đóng oản giàu kinh cả hồn/ Cái thời sư sãi đi buôn/ Bán thần, buôn thánh nỗi buồn ai thương” ( Ngẫm 2). Tất cả những cảnh đời khiến người đọc phải lắc đầu chép miệng ấy có thể quy tụ trong bài thơ “Chợ trời” của Lê Tiến Vượng. Bài thơ này, mọi cái rất cụ thể và hiện thực nhưng hình tượng lại rất khái quát. Nó là bức tranh tổng thể của phố phường, xã hội và con người thời quá độ nhốn nháo: Tiến lên hiện đại hóa nhưng ý thức con người không chịu lên theo mà lợi dụng thời thế để lưu manh kiếm lời:
Chợ trời đủ thứ… ê hề
Đồ gian, đồ dởm, đồ nghề… bán mua
Người ngay thì bán đồ thừa
Người gian bán cái lọc lừa… thế thôi (Chợ trời)
Những bài thơ lột tả hiện thực trong Lục bát Phố khá nhiều, nếu không viết khéo sẽ thành thơ châm biếm, đả kích. Nhưng Lê Tiến Vượng lại rất khéo và tài. Thơ anh viết với giọng điệu trữ tình, ngôn ngữ gần gụi, hóm hỉnh, câu lục bát như một tiếng thở dài trăn trở nên người đọc không bực tức hay phẫn nộ mà chỉ xót xa, thương cảm. Hơn thế nữa, thơ Lê Tiến Vượng còn rút ra những trải nghiệm, tổng kết về đời sống hôm nay khá thú vị. Ví như:
Tình yêu chẳng cũ em à
Vàng thì nhiều tuổi, gừng già càng cay...
Đời nay có tí tẹo thôi
Tình trong một khắc cũng hời trăm năm ( Ừ thì…)
Cái thời muốn nói lại câm
Muốn đi phải đứng, muốn cầm sợ rơi ( Nửa đời)
Em ơi sân khấu thì tròn
Cuộc đời thì méo, lại còn lắm gai ( Cái thời)
Lục bát Phố còn đề cập nhiều vấn đề phong phú khác như tình yêu, tình vợ chồng, tình ông bà, con cháu và cả chuyện mình đều được viết với giọng hóm hỉnh mà chân thực. Ai đọc cũng thấy mình trong đó. Riêng về bản thân, tác giả có những bài, những câu tự trào mà rất có duyên. Nhìn chung, Lục bát Phố đều là những bài thơ chuẩn vần, chuẩn thanh, nhuần nhị. Lời lẽ như tuột ra tự nhiên trong nỗi lòng. Ngôn từ dí dỏm, sâu sắc nhiều câu tưởng hài mà người đọc cười cay mắt. Hình ảnh thơ sống động như hiện thực vẽ ra trước mắt gây được ấn tượng. Tuy nhiên nhiều bài còn dài, nhiều câu bi quan, bế tắc. Đó phải chăng là tâm trạng riêng tác giả hay tâm trạng chung của những người đã trải nghiệm qua hai thế kỷ, giờ đang buồn, đang lo lắng, đang rất có trách nhiệm với cuộc sống hôm nay? Dù sao thì tập thơ vẫn là những nỗi niềm, nỗi đời tác giả gửi đến bạn đọc để cùng chia sẻ bằng những câu lục bát tài hoa của mình. Hãy có trên tay tập Lục bát Phố. Chắc chắn bạn sẽ thú vị và còn phát hiện ra nhiều điều tôi chưa nói hết ở đây.

                                                                                        Hà Nội, tháng 5/ 22019.
                                                                                      Nhà thơ Nguyễn Thị Mai


Ảnh : Hoạ sỹ Lê Tiến Vượng đến thăm , tặng quà cho các thương binh nặng ở Hà Nam