Hồng Sơn
Nhạc sĩ Ngọc Toán hát, những cựu chiến binh Quân đoàn 3 chúng tôi nghe:Ơi bông hoa Pơ-lang, ơi con nai trên rừng cho ta nhắn gửiƠi dãy núi Chư Prông, ơi sông Ba hiền hòa, Ơi núi rừng quê ta những ngày năm xưa còn nhớ Ngọc Rinh Rua, dòng Pô Cô, thung lủng Cheo Reo phơi xác thủ...
Tôi nhớ, đây là bài “Một khúc hát khan” cùng với ‘Trở lại cao nguyên" và “Tháng Ba bơ vơ” tạo thành 3 ca khúc nổi tiếng của Ngọc Toán ở vùng Gia Lai-Kon Tum khi Quân đoàn 3 trở lại Tây Nguyên năm 1987. Riêng ca khúc “Trở lại cao nguyên” được Chu Thúy Hà hát ở Hội diễn văn nghệ tỉnh Gia Lai năm 1988 vả giành giải nhất. Bài hát là “bàn đạp” để chị trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Hiện nay, NSƯT Chu Thúy Hà là Giám đốc Nhà hát Đam San của tỉnh Gia Lai.Ngọc Toán lại hát bài hát Chu Thúy Hà từng hát thuở nào:
Khi trở lại cao nguyên
Trong tôi bao kỷ niệm
Con đường như cánh võng
Treo trên đỉnh Trường Sơn...Đầu năm 1988, khi tôi được điều từ Sư đoàn 320 lên tờ báo Binh đoàn Tây Nguyên cùng nhà thơ Hồng Thanh Quang thì nhạc sĩ, Đại úy Đinh Ngọc Toán là Phó chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân đoàn 3. Hồi đó anh 34 tuổi, người gầy, nhỏ, đôi mắt nheo nheo hiền từ, dáng đi xiêu xiêu. Cuộc sống còn khó khăn, lương sĩ quan cấp úy không đủ chi tiêu cho tính cách nghệ sĩ của anh, nói gì đến giúp đỡ vợ con và cha mẹ già ở Hải Dương. Mỗi tháng có lương là biết liền. Dáng đi của anh và Hồng Thanh Quang lúc đó trở nên dứt khoát, mạnh mẽ, nụ cười vui trên môi. Chúng tôi rủ nhau ra quán cóc ở cầu số 3 gần Quân đoàn bộ mua cút rượu quê, vài chiếc bánh tráng và đĩa dưa chuột xào ít thịt bò. Ngọc Toán hát, Hồng Thanh Quang đọc thơ, những bài mới sáng tác, tôi và nhà văn Lê Hải Triều ngồi nghe. Không có nhạc cụ, Ngọc Toán vẫn hát rất phiêu, đôi mắt nhắm nghiền, thân hình lắc lư, không thể hình dung nổi trước đây anh vốn là lính trinh sát pháo binh cự phách của quân đoàn.Đinh Ngọc Toán sinh năm 1954 ở xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Con gia đình nông dân nghèo, nhưng cậu bé Toán vốn có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, nên các kỳ nghỉ hè, xã lại cho lên Ty Văn hóa Hải Dương học nhạc lý. 13 tuổi, cậu đã sử dụng thành thạo sáo, nhị, biết chơi ghi ta nên các cụ cho ngồi ở dàn nhạc chèo của xã...Nhưng chiến tranh ngày càng ác liệt, năm 1972 chưa học hết lớp 10, Đinh Ngọc Toán cùng với thanh niên trong xã lên đường đánh Mỹ. Huấn luyện chiến sĩ mới ngoài Bắc, đầu năm 1973, anh được bổ sung vào Trung đoàn Pháo binh 40 của Mặt trận Tây Nguyên (tháng 3-1975 thành Quân đoàn 3). Từ đó, chàng trai quê Tứ Kỳ trở thành trinh sát pháo binh gan dạ, dũng cảm, đi suốt dọc mảnh đất Tây Nguyên cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, rồi cùng quân đoàn chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam Tố quốc, giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Khmer Đỏ... Trong mọi gian khổ, ác liệt của chiến tranh, Ngọc Toán vẫn nung nấu khát vọng trở thành nhạc sĩ như ước mơ thuở nhỏ của mình.Sau khi đất nước thống nhất, tháng 9-1975, Quân đoàn 3 tổ chức Hội diễn văn nghệ lần thứ nhất. Ngọc Toán mạnh dạn viết ca khúc “Hành quân bảo vệ biên giới cho đội văn nghệ Trung đoàn 40 đi tham gia và được giải. Miền Nam vừa mới giải phóng, mọi nguời còn hân hoan trong niềm vui thống nhất, gia đình đoàn tụ, nhưng chàng trai 21 tuổi Đinh Ngọc Toán vẫn cảm nhận được nhiệm vụ nặng nề của người lính sắp tới trước hiểm họa FULRO và bọn phản động nước ngoài. Sau này, được điều lên Phòng Tuyên huấn Quân đoàn, năm 1979 đi Kampong Cham, Siem Reap, Battambang, Pursat... của Campuchia, năm 1980, cùng quân đoàn ra bảo vệ biên giới phía Bẳc, rồi được đi học lớp sáng tác ngắn hạn, Ngọc Toán vẫn ấp ủ đề tài về Tây Nguyên. Chỉ đến khi quân đoàn trở lại chiến trường Tây Nguyên xưa, sáng tác của anh mới bùng nổ : - Cả một thời thanh xuân đẹp đẽ của tôi gắn với Tây Nguyên - nhạc sĩ Ngọc Toán nói - trung đoàn tôi từng đánh địch ở Chư Mom Ray, Sa Thầy, Đắc Tô -Tân cảnh, Chư Nghé, Ayun Pa... Bao nhiêu kỷ niệm về đồng đội, về các trận đánh, về các cơn sốt rét rừng, những ngày triền miên đói, tình nghĩa với đồng bào nơi đây cứ dồn về trong tôi những ngày đó...Ngọc Toán lại hát:Em đi lên nương khi con chim rừng chưa ngủ dậy Gia Lai, Kon Tum tưng bừng mở hội Chân em đi như tiếng suối reoMiệng em hát như chim Kơ-tiTây Nguyên quê em nhớ nhớ ai Để các rẫy thương ai ngẩn ngơBơ vơTháng Ba về em mơ...
Ca khúc “Tháng Ba bơ vơ” này được tốp nữ là các cô gái nuôi quân bếp ăn quân đoàn bộ gồm những Hà, Hạnh, Vân, Huyền, Hiền... mặc trang phục đồng bào Tây Nguyên vừa hát vừa nhún nhảy rất mới và lạ. Nhưng tác giả của nó gặp không ít phiền hà. Có vị chỉ huy thấy cái tên “Tháng Ba bơ vơ” liền phản đối Ngọc Toán vì sao lại có chuyện bộ đội để đồng bào bơ vơ. Sau mọi người giải thích, đây là lời của cô gái Tây Nguyên khi bộ đội giải phóng Tây Nguyên tháng 3-1975 xong xuống đồng bằng rồi tiến về giải phóng Sài Gòn nên thương, nhớ và cảm thấy bơ vơ... rồi mới ổn. Bài hát còn giành giải nhất trong cuộc thi sáng tác ca khúc của Tạp chí Văn nghệ Gia Lai-Kon Tum năm 1989.- Ấy, bài hát này sau được đoàn Đam San dựng và vẫn biểu diễn cho đến ngày hôm nay - nhạc sĩ Ngọc Toán tự hào - Giao thừa năm ngoái, Chu Thúy Hà còn điện cho tôi nói: “Thầy ơi, thầy nghe này. Chúng em đang hát “Tháng Ba bơ vơ” của thầy đấy!”.Nhưng người nhạc sĩ tài hoa này suýt về hưu ở tuổi 38, nếu như không có sự can thiệp kịp thời của vị tướng nổi tiếng cũng từng gắn bó với Tây Nguyên, số là năm 1992 có chỉ thị cán bộ nào phục vụ quân đội liên tục 20 năm thì sẽ được về hưu. Thiếu tá Đinh Ngọc Toán, lúc này là Chủ nhiệm Nhà văn hóa quân đoàn cũng nằm trong số đó. Nhiều người trong Phòng Tuyên huấn đã cầm quyết định trở về quê hương, riêng anh tạm hoãn một tháng vì còn phải xuống một Sư đoàn giúp xây dựng chương trình tham gia Hội diễn văn nghệ quân đoàn. Đúng lúc đó, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Chính ủy Quân đoàn 3, đang là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào Tây Nguyên công tác. Biết được chuyện này và hiểu rõ khả năng của Ngọc Toán, ông chỉ thị cho Quân đoàn dừng ngay việc về hưu của Ngọc Toán và năm 1993 điều anh về Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội) làm Phó chủ nhiệm Khoa Âm nhạc rồi Chủ nhiệm - Khoa Quản lý văn hóa.Ở môi trường mới, lại được học tiếp 5 năm ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), nhưng những sáng tác của Ngọc Toán không dứt ra khỏi âm hưởng Tây Nguyên. Anh viết ca khúc cho thiếu nhi “Hát gọi mặt trời” được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng giải nhì trong một cuộc thi sáng tác; anh viết giao hưởng “Cao nguyên tháng Ba” nói về trận Buôn Ma Thuột tháng 3-1975... Những năm tháng sống với đồng bào, những lễ hội, những đêm đốt lửa múa hát... với những làn điệu dân ca đã ngấm vào anh khi nào không biết.Ngọc Toán là nhạc sĩ viết nhiều nhất về LLVT Tây Nguyên với hơn 30 tác phẩm. Rất nhiều giải thưởng của Bộ Quốc phòng, của Hội Nhạc sĩ Việt Nam dành cho anh, nhưng niềm vui lớn nhất đối với anh là đến đơn vị nào của Quân đoàn 3, các cán bộ, chiến sĩ đều hát ca khúc của anh. Những tác phẩm của Ngọc Toán, dù là ca khúc trữ tình hay truyền thống, đều có những bâng khuâng, nhung nhớ một thời oanh liệt của LLVT Tây Nguyên.- Tôi là nhạc sĩ trưởng thành từ người lính ở chiến trường ác liệt bậc nhất này. Biết bao đồng đội đã hy sinh, riêng tiểu đội trinh sát pháo binh của tôi đã có 5 người ra đi vĩnh viễn. Vì vậy, về hưu mấy năm nay, tuy sức khỏe đã yếu nhiều, tôi vẫn trở lại Tây Nguyên để tìm đồng đội và sáng tác - nhạc sĩ Ngọc Toán xúc động nói.Ngọc Toán lại hát:Cho tôi xin làm cây tượng gỗ Muôn đời nghe suối hát lời ru Đồng đội một thời ru tôi ngủ Lời ru lẫn trong tiếng bom rền...Mẹ ơi, mẹ hãy là con suối Muôn đời ru con giữa Trường Sơn.Bài “Tượng gỗ lời ru” nhạc sĩ Ngọc Toán mới sáng tác khi đi tìm đồng đội dọc các bờ suối ở chiến trường xưa. Trong sự âm u của đại ngàn, ta vẫn nghe thấy những phách nhịp trầm hùng xa xưa của âm hưởng Tây Nguyên. Đó là phách nhịp của rừng đã ăn sâu vào máu của người chiến sĩ-nhạc sĩ này.
Ảnh: Nhạc sỹ Ngọc Toán