CHUYỆN VỀ NGƯỜI LÍNH MỘT MÌNH GIỮ CHỐT

CHUYỆN VỀ NGƯỜI LÍNH MỘT MÌNH GIỮ CHỐT
Võ Duy Khoái - Trung đoàn 24

Sau bữa cơm tối nhìn lên tivi thấy Ca sỹ Trang Nhung đang hát bài “Trái tim người chiến Sỹ” nhạc của Trần Viết Được : Cuộc đời người chiến sỹ giản dị thật đáng yêu, một túi lương khô, một tấm vải dù, một đôi dép cao su……” bỗng nhiên tôi nhớ lại câu chuyện 46 năm về trước tại Dốc Nứa bên suối Gia Nhiên , dưới chân núi Chư Pa có độ cao 1.127m so với mặt nước biển thuộc tỉnh Gia Lai . Nơi đây là Phẫu tiền phương của Trung đoàn 24 . Gặp nhau tôi không nhận ra Thuấn , trừ hàm răng trắng , còn toàn thân nhuộm màu đất đỏ . Ôm lấy Thuấn tôi bảo :
- Sao bảo Đại đội 9 của mày hy sinh hết rồi !
Thuấn cười nói : Em chết sao được, khi đi chiến đấu em đã hứa với Mẹ : Giải phóng xong con sẽ về , đi mạnh, về lành .(nghĩa là khi đi thì mạnh khỏe, khi về thì lành lặn) . Khi nào về con mua một chiếc xe xích lô , hàng ngày ra bến xe Niệm Nghĩa chở khách lấy tiền nuôi mẹ …”. Điều mong ước của người lính chiến ở nơi bom rơi đạn nổ là như vậy đấy. Nguyễn Văn Thuấn - Tiểu đội trưởng đại đội 9 , Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Mặt trận Tây Nguyên. Người một mình một chốt , 7 lần chặn đứng các đợt tấn công của địch lên chiếm chốt của ta trong ngày 5/6/1972 .
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thuấn sinh ngày 25 tháng 6 năm 1953 , tại Dư Hàng - Lê chân - Hải Phòng , ngày 08 tháng 1 năm 1971 , Thuấn nhập ngũ khi chưa đủ 18 tuổi , ở D7, F350, sau một thời gian bổ xung về C9/D3 /E42 - Quân khu Tả ngạn .Ngày 03/11/1971 , cả đơn vị E42 từ Tràng An - Đông Triều hành quân tới Ga Tiền Trung (Hải Dương), đêm đó lên tàu vào Nam chiến đấu . Từ Quảng Bình, đơn vị hành quân qua SePon ( Lào), qua Ngã ba Đông Dương thì dừng lại ăn Tết nguyên đán Nhâm Tý (1972). Tết trên đường đi chiến dịch không vui, nhưng khá đầm ấm, mỗi người được nửa điếu thuốc lá của Bác Tôn gửi tặng , một chiếc kẹo Hải Hà . Tới Tây Nguyên đơn vị vào vị trí chiến đấu ngay . Ngày 01 tháng 6 năm 1972 , Trung đoàn 24 nhận nhiệm vụ cắt đường 14 , không cho địch chi viện bằng đường bộ từ Gia Lai lên Kon Tum để tạo thuận lợi cho các đơn vị của ta đánh chiếm thị xã KonTum . Đại đội 9 - tiểu đoàn 3 được giao nhiệm vụ chốt cắt giao thông tại Km 28 .Cách đó không xa có trận địa pháo của địch liên tục bắn vào chốt của ta . Máy bay L19, U ti ti, OV10 lượn suốt ngày để phát hiện trận địa của ta. Cùng với đó là liên tục các đợt ném bom rải thảm của máy bay B52 xuống khu vực trận địa chốt của tiểu đoàn 3 . Trước quá nhiều bom , pháo của địch , thương vong của bộ đội ta khá lớn . Nhiều trận địa chốt của ta không còn một ai . Ngày 05/6/1972 , chốt đại đội 9 của Thuấn chỉ còn 6 người trong đó có anh Hiệp là Đại đội phó . Với quyết tâm mở thông đường chi viện cho lực lượng của chúng ở Kon Tum . Suốt từ sáng tới chiều , địch dùng xe bọc thép M113 cùng bộ binh liên tục tấn công vào chốt của đại đội 9 . Cứ sau mỗi lần ném bom , bắn pháo , bộ binh chúng lại hò hét xông lên , nhưng chúng đều bị đánh bật trở lại . Lần thứ 7 , chúng lại tiếp tục dùng xe thiết giáp M113 cùng bộ binh tấn công vào trận địa . Không sợ nguy hiểm , Thuấn nhô lên khỏi giao thông hào dùng B40 của đồng đội đã hy sinh bắn thẳng vào chiếc xe M113 của địch . Chiếc M113 trúng đạn bốc cháy làm bộ binh địch không dám xông lên . Đánh vỗ mặt ở phía trước không được , chúng tổ chức một lực lượng vòng về phía sau chốt của đại đội 9 hình thành 2 mũi tấn công . Do ít người , không phát hiện được mũi vòng phía sau của địch nên đại đội phó Hiệp và các đồng đội đều dính đạn M72 của địch hy sinh . Lúc này Thuấn phát hiện được lực lượng địch ở phía sau chốt của Thuấn nấp sau một bụi le đang nã đạn về phía Thuấn . Bấp chấp nguy hiểm , Thuấn dùng B40 bắn thẳng về toán địch này . Tiêu diệt toàn bộ bọn địch ở đây . Giằng co với địch , đến 15 giờ chiều trên chốt của đại đội 9 lúc này chỉ còn một mình Thuấn . Mặc dù lúc này đã bị thương ở mặt và ở chân , tuy không nặng nhưng lúc này Thuấn gần như kiệt sức . Tuy vậy Thuấn vẫn không nản chí , lo sợ . Anh bám theo giao thông hào của trận địa , bắn bên Đông một loạt, chạy sang Nam ném lựu đạn, chạy sang Bắc bắn B41, chạy sang Tây bắn đại liên . Cứ như vậy một mình Thuấn tiếp tục chiến đấu . Thấy tiếng súng từ trận địa của ta vẫn liên tục nổ quân địch tưởng trên chốt của ta còn nhiều người , chúng không dám xông lên . Khoảng 5 giờ chiều thì địch rút quân . Do suốt cả ngày quần nhau với địch . Vừa căng thẳng , vừa mệt mỏi phần vì mất máu do viết thương , Thuấn nằm thiếp đi trên trận địa . Buổi tối , trinh sát cùng anh em vận tải bò lên chốt chuyển thương binh , Liệt sỹ về phía sau , phát hiện Thuấn còn sống đang nằm cùng các Liệt sỹ . Thuấn được cáng về phẫu tiền Phương. Cảm động trước tấm gương chiến đấu kiên cường của Nguyễn Văn Thuấn , ngay buổi tối hôm đó Trung đoàn phó Đinh Xuân La đã xuống tận phẫu thăm và động viên Thuấn . Trung đoàn cũng đã phát động phong trào thi đua học tập gương chiến đấu của Nguyễn Văn Thuấn . Sau trận đánh này Nguyễn Văn Thuấn được tặng Huân chương chiến công Hạng Nhất và bằng Dũng sỹ diệt xe cơ . Anh vinh dự được đi dự Đại hội thi đua xuất sắc của Mặt trận Tây Nguyên năm 1972 . Ngày 08 tháng 11 năm 1972 , Nguyễn Văn Thuấn vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam .
Cuộc chiến cứ cuốn hút những người con của Đất Cảng Anh hùng . Trưa ngày 11/3/1975 , tôi và Thuấn lại gặp nhau tại Sở chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy ở thị xã Buôn Ma Thuột , lúc đó tôi là B trưởng C2 / D4 /E24 , đơn vị đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy , còn Thuấn là Chính trị viên Đại đội 3 /D4 , cùng đánh vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Với quân hàm Trung tá , công tác tại phòng Tuyên huấn Quân Đoàn 3 , Thuấn được cấp trên cho nghỉ hưu năm 1991. Ngày 04/11/2018 , Ban Liên Lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 24 tại Hải Phòng tổ chức Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 47 năm ngày lên tầu vào Nam chiến đấu ( 03/11/1971-03/11/2018) tại Cát Bà . Gặp Thuấn tôi vẫn đùa hỏi : - Xích Lô của mày còn mới hay đã hỏng rồi ? ( ở cái tuổi 70 nhưng cứ gặp nhau là chúng tôi xưng hô mày tao chi tớ). Đùa thế rồi chúng tôi lại ôm nhau thân thiết như ngày nào sống chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên .
….”Tây nguyên ơi ! ai một lần tới đó
Suốt cuộc đời nhớ lại vẫn thương nhau…”


Ảnh: Nguyễn Văn Thuấn người đứng thứ 3 từ trái sang chụp cùng đồng chí Võ Đông Giang - phó đoàn quân sự 4 bên của ta ở sân bay Tân Sơn Nhất trưa 30/4/75 . Đ/c Võ Đông Giang đứng cạnh Thuấn ( người thứ 4 từ trái sang )