ĐÁNH BẠI CUỘC PHẢN KÍCH TÁI CHIẾM BUÔN MA THUỘT CỦA SƯ ĐOÀN BỘ BINH SỐ 23 QUÂN L ỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ

ĐÁNH BẠI CUỘC PHẢN KÍCH TÁI CHIẾM BUÔN MA THUỘT 
CỦA SƯ ĐOÀN BỘ BINH SỐ 23 QUÂN L ỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ 

Buôn Ma Thuột thất thủ là một đòn choáng váng với quân Nguỵ ,nhưng lúc này lực lượng địch ở Tây Nguyên vẫn còn mạnh , ngoài Sư đoàn 23 chúng còn 7 liên đoàn biệt động quân cùng lực lượng pháo binh , xe tăng và không quân khá lớn . Chính vì vậy mà ngay sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ trưa 11/3 , thì ngay chiều ngày 11/3 Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ thị cho Phạm Văn Phú - Thiếu tướng - Tư lệnh quân đoàn 2 là phải giữ bằng được các vị trí còn lại ở phía Đông Buôn Ma Thuột để làm bàn đạp tái chiếm Buôn Ma Thuột . Kế hoạch tái chiếm Buôn Ma Thuột của chúng được đích danh Nguyễn Văn Thiệu phê duyệt như sau :
1: Sử dụng lực lượng của Liên đoàn 21 biệt động quân đang ở phía đông Buôn Ma Thuột phối hợp với số quân còn lại của Trung đoàn 53 tại căn cứ 53 hình thành một cánh quân tại chỗ để phản kích .( Riêng căn cứ 53 lúc này địch có khoảng gần 3000 tên , gồm tiểu đoàn 3 / E53 cùng số tàn quân thua trận ở Buôn Ma Thuộc rút chạy về đây tương đương một Trung đoàn )
2: Dùng trực thăng khẩn cấp đưa Trung đoàn 45 và Trung đoàn 44 của Sư đoàn 23 từ PLay cu về phía đông Buôn Ma Thuột hình thành mũi tấn công chủ yếu đánh thẳng vào Buôn Ma Thuột .
3: Huy động tối đa lực lương không quân còn lại ở PLay cu , Đà Nẵng , Cần thơ để phục vụ cho cuộc chuyển quân .
Thực hiện kế hoạch trên , ngay từ ngày 12/3/75 địch đã cho không quân ồ ạt ném bom , bắn phá dọn bãi ở phía đông Buôn Ma Thuột để phục vụ cho việc đổ quân . Chiều ngày 12/3 hơn 100 lượt chiếc trực thăng các loại của địch đã đổ 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 45 và một đại đội thám kích của Sư đoàn 23 xuống khu vực điểm cao 581 , cách Buôn Ma Thuột 10km về phía đông . Ngày 13/3 , chúng đổ tiếp Trung đoàn 44 , pháo đội 232 và tiểu đoàn 3 Trung đoàn 45 xuống khu vực điểm cao 581 , Nông Trại , Phước An . Đây là cuộc đổ quân lớn nhất của địch từ sau hiệp định Pa Ri năm 1973 . Đích danh Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân Đoàn 2 bay trên một chiếc trực thăng đến vùng trời Buôn Ma Thuột để chỉ huy cuộc đổ quân . Phú gọi điện động viên chỉ huy các lực lượng còn lại quanh Buôn Ma Thuột cố gắng giữ các vị trí còn lại , quân tiếp viện đang được đổ xuống để tái chiếm Buôn Ma Thuột . Với lực lượng còn lại quanh Buôn Ma Thuột và lực lượng được đổ xuống chúng hy vọng chỉ trong vòng một vài ngày sẽ đánh bật lực lượng ta ra khỏi Buôn Ma Thuột , giống như năm 1972 chúng chiếm lại thị xã Kon Tum .
Về phía ta , ngay từ khi trận Buôn Ma Thuột chưa nổ súng , Bộ Tư Lệnh Chiến dịch đã dự kiến tình huống : Buôn Ma Thuột được giải phóng thế nào địch cũng sẽ đưa quân đến tái chiếm . Do vậy một kế hoạch đánh địch đến tái chiếm Buôn Ma Thuột cũng đã được chuẩn bị . Phó Tư lệnh Chiến dịch Nguyễn Năng đã trực tiếp xuống Sở chỉ huy Sư đoàn 10 tại phía đông Buôn Ma Thuột cùng chỉ đạo trận đánh . Sư đoàn 10 ngay sau khi dứt điểm Quận lỵ Đức Lập trưa ngày 10/3 , ngay chiều 10/3 toàn bộ lực lượng Sư đoàn cùng xe tăng , pháo cao xạ đã được Bộ Tư lệnh chiến dịch dùng xe ô tô chở gấp về phía đông Buôn Ma Thuột .Ta đã gạn lọc tình huống địch đến tái chiếm Buôn Ma Thuột chỉ có 2 đường : đường bộ và đường không . Đường bộ ta đã khoá chặt . Sư đoàn 320 đã cắt đứt đường 14 từ PLay Cu đi Buôn Ma Thuột ở đoạn Thuần Mẫn . Trung đoàn 25 đã cắt đứt đường 21 từ Khánh Hoà đi Buôn Ma Thuột ở Khánh Dương . Do vậy chỉ còn đường không . Đường hàng không thì Sân bay Hoà Bình tuy ta chưa làm chủ hoàn toàn nhưng máy bay địch không thể đổ bộ xuống đây được vì hỏa lực của ta ở đây đã khống chế được sân bay . Chúng chỉ còn cách là đổ bộ xuống các khu vực khác như căn cứ Chư Nga, căn cứ 45 , Nông Trại hoặc Phước An .
Kiên quyết không cho địch đổ bộ xuống các vị trí có sẵn xung quanh Buôn Ma Thuộc để làm bàn đạp tấn công . Lúc này vấn đề tranh thủ thời gian với ta là rất quan trọng . Thời gian lúc này là lực lượng , thời gian lúc này là cơ hội để tạo ra lợi thế . Bộ Tư Lệnh Chiến dịch chỉ đạo Sư đoàn 10 phải nhanh chóng tổ chức lực lượng tiêu diệt các vị trí xung quanh Buôn Ma Thuộc trước lúc địch đổ quân . Ngày 11/3 trong lúc trận Buôn Ma Thuột vẫn còn đang diễn ra thì tiểu đoàn 5 -Trung đoàn 24 đã được lệnh nổ súng tấn công cứ điểm Chư Nga . Tiểu đoàn bảo an của địch đóng quân ở đây đã nhanh chóng bị tiêu diệt .Ngày 12/3 , tiểu đoàn 6 của Trung đoàn 24 được tăng cường tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 95B cùng 7 xe tăng tiếp tục tổ chức tấn công căn cứ 45 . Căn cứ 45 là hậu cứ của Trung đoàn 45 Nguỵ , cách Buôn Ma Thuột 3 km về hướng đông . Lực lượng địch ở đây khá lớn , kể cả tàn quân thua trận ở Buôn Ma Thuột chạy về đã lên tới hàng ngàn tên . Chỉ trong vòng chưa đầy 4 giờ đồng hồ chiến đấu ta đã làm chủ căn cứ 45 . Bắt 152 tên địch , thu 12 pháo 105 và 155 ly , 2 xe M113 và rất nhiều vũ khí , phương tiện chiến tranh khác của địch ở căn cứ này . Như vậy đến hết ngày 12/3 các vị trí xung quanh Buôn Ma Thuột mà địch dự kiến đổ quân ta đã chiếm xong , duy nhất chỉ còn căn cứ 53 cách Buôn Ma Thuột 7 km về phía Đông là ta chưa chiếm được , nhưng ta đã bao vây , khống chế căn cứ này .
Sau khi phát hiện lực lượng Trung đoàn 45 đổ quân xuống khu vực điểm cao 581 . Tận dụng thời cơ địch vừa đổ quân xuống công sự , hầm hào còn sơ sài , chưa liên kết được với nhau , lại không có xe tăng , xe thiết giáp hỗ trợ . Ngay sáng 14/3 ,Sư trưởng Sư đoàn 10- Hồ Đệ lệnh cho cụm pháo binh của Sư đoàn bắn cấp tập vào khu vực điểm cao 581 nơi quân địch vừa đổ quân , đồng thời lệnh cho Trung đoàn 24 tổ chức tấn công ngay . Tiểu đoàn 6 - Trung đoàn 24 cùng xe tăng , xe thiết giáp hình thành 2 mũi đánh thẳng lên điểm cao 581 , tiểu đoàn 4 chặn ở phía sau . Vừa chân ướt , chân ráo đổ xuống lại chưa có công sự hầm hào , khi thấy xe tăng và bộ binh ta xuất hiện , địch chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy . Lực lượng Tiểu đoàn 6 - Trung đoàn 24 cùng xe tăng , xe thiết giáp được lệnh tiếp tục truy kích đánh thẳng ra trục đường 21 . Xe tăng cùng bộ binh lao thẳng vào đội hình phòng ngự dày đặc của địch trên trục đường 21 làm quân địch náo loạn bỏ chạy . Đến chiều 14/3 toàn bộ lực lượng tiểu đoàn 1 và 2 Trung đoàn 45 vừa đổ xuống trong ngày 12 và 13/3 đã cơ bản bị quân ta tiêu diệt và làm tan dã . Số sống sót chạy về Nông Trại .
Ngày 15/3 , Sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 23 do Chuẩn tướng Lê Trung Tường - Tư Lệnh Sư đoàn 23 cùng lực lượng còn lại của Trung đoàn 44 cũng được địch đổ bộ tiếp xuống Phước An . Âm mưu biến Phước An thành một căn cứ mới của cuộc phản kích .
Không cho địch co cụm , hồi sức . Sáng ngày 16/3 , Tiểu đoàn 6 - Trung đoàn 24 cùng tiểu đoàn 1 xe tăng - Trung đoàn 273 được lệnh tấn công vào cụm quân địch ở khu vực Nông Trại , nơi có Sở chỉ huy Trung đoàn 45 . Trước sức mạnh tấn công của bộ binh và xe tăng ta , địch không chống đỡ nổi đã bỏ chạy . Sở chỉ huy Trung đoàn 45 địch đóng ở đây không kịp chạy bằng đường bộ phải vội vã dùng trực thăng tháo chạy nhưng không kịp .Ta thu một chiếc trực thăng còn nguyên vẹn đang nổ máy , bắt sống toàn bộ Ban chỉ huy Trung đoàn 45 , thu rất nhiều vũ khí đạn dược khác , trong đó có 12 khẩu pháo 105 ly , 2xe thiết giáp M113 . Phát huy thắng lợi , bộ binh cùng xe tăng Trung đoàn 24 tiếp tục truy kích địch về hướng Phước An . Tại Phước An , lúc 10 giờ 40 ngày 16/3 , Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 đã đáp trực thăng xuống đây để xem xét tình hình cuộc phản kích, nhưng khi nhận được tin Trung đoàn 45 bại trận , Nông Trại và các vị trí xung quanh Buôn Ma Thuột đã bị quân ta chiếm , đại quân ta sắp tràn về Phước An và biết khả năng không chống đỡ nổi , Phạm Văn Phú đã ra lệnh cho Lê Trung Tường rút quân khỏi Phước An , chạy về Chư Cúc lập tuyến phòng thủ mới .
17 giờ ngày 16/3 , đại đội 11 - tiểu đoàn 6 - Trung đoàn 24 đơn vị đi đầu của Trung đoàn 24 do chính trị viên Lương Văn Nhân chỉ huy đã chiếm được một phần Quận lỵ Phước An . Do nắm địch không chắc , đêm 16/3 ta tổ chức 2 Trung đoàn : 24 và 28 bao vây Phước An để sáng 17/3 nổ súng tấn công Phước An , nhưng trong đêm phát hiện địch ở đây đã bỏ chạy . Tình hình lúc này với ta đang rất thuận lợi , cần nhanh chóng tổ chức tấn công ngay . Tư lệnh Sư đoàn - Hồ Đệ chỉ đạo Trung đoàn 28 dùng tiểu đoàn 3 có xe tăng , pháo binh , pháo cao xạ đi cùng truy kích , hành tiến đánh địch theo trục đường 21 tiến về Chư Cúc . Chư Cúc lúc này như một cái thùng chứa gồm : Lực lượng của Trung đoàn 44 , tàn quân Trung đoàn 45 , Liên đoàn 21 biệt động quân . Lợi dụng công sự , hầm hào có sẵn ở đây kết hợp được sự hỗ trợ đắc lực của không quân địch tổ chức chống trả quyết liệt . 18 giờ ngày 18/3 , tiểu đoàn 3 nổ súng tấn công vào tiểu đoàn 1 - Trung đoàn 44 của địch ở phía Nam Chư Cúc nhưng chưa dứt điểm được . Sáng 19/3 ,được hỏa lực pháo binh chi viện đắc lực , tiểu đoàn 3 cùng tiểu đoàn 1 tiếp tục tấn công . Đến 12 giờ ngày 18/3 Trung đoàn 28 đã làm chủ được Chư Cúc . Tiêu diệt và làm tan dã toàn bộ lực lượng của Trung đoàn 44 , Liên đoàn 21 Biệt động quân , 2 tiểu đoàn bảo an , bắt và phóng thích tại chỗ gần 800 tên , thu 6 pháo 105 ly .
Bằng nhiều cách đánh khác nhau từ đón lõng , bao vây , tập kích rồi truy kích chỉ trong vòng 5 ngày toàn bộ lực lượng phản kích mạnh nhất của địch ở Tây Nguyên là Sư đoàn 23 đã bị ta tiêu diệt và làm tan dã . Kế hoạch tái chiếm Buôn Ma Thuột của địch đến đây đã thất bại hoàn toàn .
Trận Buôn Ma Thuột là một đòn điểm huyệt hết sức quan trọng , là trận then chốt thứ nhất giáng một đòn mạnh vào quân địch ở Nam Tây Nguyên . Trận tiêu diệt Sư đoàn 23 địch là trận then chốt thứ 2 cũng rất quan trọng vì nếu ta không tiêu diệt được lực lượng chủ chốt của Quân đoàn 2 Nguỵ trong trận phản kích này , nếu địch tái chiếm lại được Buôn Ma Thuột thì chưa chắc đã có việc địch rút chạy khỏi Tây Nguyên và nếu địch không rút khỏi Tây Nguyên thì chưa chắc đã có chiến thắng mùa xuân 1975 . Vì vậy trận tiêu diệt Sư đoàn 23 địch đến tái chiếm Buôn Ma Thuột có một ý nghĩa rất quan trọng . Nó đẩy địch vào tình thế đã khó khăn giờ lại khó khăn hơn , góp phần buộc địch phải rút chạy khỏi Tây Nguyên và tạo ra thời cơ cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

NGUYỄN ĐÌNH THI
Nguyên Cán bộ Sư đoàn 10