CÁC TƯỚNG LĨNH MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN - ĐẠI TÁ NGUYỄN MẠNH QUÂN

Nhân kỷ niệm 46 năm chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh và nhân Bộ Quốc phòng vừa đề nghị Chủ Tịch nước truy tặng danh hiệu ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN cho Đại tá Nguyễn Mạnh Quân, Trang Lính Tây Nguyên xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Nguyễn Đình Thi về Phó Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Tư lệnh Chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh - Đại tá Nguyễn Mạnh Quân.
CÁC TƯỚNG LĨNH MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN - ĐẠI TÁ NGUYỄN MẠNH QUÂN

                                                                                                           Người viết : Nguyễn Đình Thi

Trong các vị chỉ huy của Mặt trận Tây Nguyên có một đại tá mà lính Tây Nguyên rất ngưỡng mộ và kính trọng , luôn coi ông như một vị tướng , đó là đại tá Nguyễn Mạnh Quân - nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên , nguyên Tư lệnh chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh , nguyên Sư trưởng đầu tiên của Sư đoàn 10 .
Đại tá Nguyễn Mạnh Quân sinh năm 1923 ở xã Ninh Khang - Hoa lư - Ninh Bình . Ông tham gia cách mạng từ lúc còn nhỏ , trước năm 1945 . Năm 1946 , ông đã là Tiểu đoàn trưởng - Đoàn quân Tây Tiến . Năm 1951 , ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 46. Năm 1952, ông là Hiệu trưởng trường Quân chính Nguyễn Huệ . Năm 1954 , làm Chủ tịch ủy ban quân quản thành phố Nam Định . Cuối năm 1954 , ông làm Tham mưu trưởng Liên khu 3 . Năm 1959 , ông được Bộ quốc phòng cử sang Liên xô học tại Học viện Quân sự Frunze . Tháng 6 năm 1970 , ông được cử vào chiến trường Tây Nguyên , giữ chức vụ Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên .
Nhắc tới Đại tá Nguyễn Mạnh Quân mọi người thường nhắc tới một vị chỉ huy mưu lược đầy quả cảm . Tên tuổi ông gắn liền với các chiến công của quân và dân Tây Nguyên . Đặc biệt là chiến công chói lọi của chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh mà ông là Tư lệnh . Tại Tây Nguyên những năm chiến tranh Mặt trận Kon Tum luôn là nơi địch phòng thủ vững chắc nhất và cũng là nơi chiến sự luôn diễn ra nóng bỏng nhất giữa ta và địch . Tuyến phòng thủ của chúng ở đây kéo dài suốt từ Play Cần , Đắc Siêng , Đắc Pét , tới Đắc Tô - Tân Cảnh , Kon Tum . Riêng căn cứ 42 ở thị trấn Tân Cảnh , nơi địch đặt Sở chỉ huy đầu não của chúng ở Bắc Kon Tum gồm Sở chỉ huy Sư đoàn 22 , Sở chỉ huy của Trung đoàn 42 , Sở chỉ huyTrung đoàn 14 thiết giáp , 1 tiểu đoàn xe tăng M41 , 1 tiểu đoàn pháo binh . Quân số của chúng ở đây tới 1500 quân . Tại đây địch bố trí phòng thủ rất vững chắc , ngoài hệ thống hầm hào kiên cố , chằng chịt nối liền khắp căn cứ chúng còn bố trí nhiều bãi mìn và hàng chục lớp rào dây thép gái bao quanh , xe tăng , xe bọc thép được bố trí chìm trong các công sự . Chúng cho rằng nếu ta đánh vào đây ta phải dùng tới 3 Sư đoàn và đánh được từ vòng ngoài vào tới đây ta cũng phải tiêu hao tới 3 Sư đoàn . Có thể nói đây là chiến dịch quy mô nhất của Mặt trận Tây Nguyên đến thời điểm đó . Trong quá trình thảo luận phương án tác chiến chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh có ý kiến cho rằng ta nên đánh bóc từng lớp một , đánh Đắc Tô trước rồi mới đánh Tân Cảnh , nhưng Đại tá Nguyễn Mạnh Quân không đồng ý . Phương châm tác chiến của ông là tổ chức bao vây chia cắt , tập trung binh lực , hỏa lực mạnh đánh thẳng vào Trung tâm đầu não chỉ huy của địch ở căn cứ 42 , làm như vậy sẽ tạo được thời cơ , tạo được điều kiện để đột phá nhanh chóng và chắc thắng . Để tiêu diệt được căn cứ 42 , ông đã nghiên cứu rất kỹ địa hình địch phòng thủ ở đây . Tại tuyến phòng thủ Đắc Tô - Tân Cảnh địch tập trung binh , hỏa lực rất mạnh ở hướng Tây và hướng Bắc . Riêng hướng Đông chúng chủ quan cho rằng hướng này có dãy núi cao và ở phía sau hậu phương của chúng nên ta khó xuất hiện ở hướng này . Với nhãn quan của một nhà quân sự tài giỏi , quyết đoán , chọn chỗ yếu , chỗ hiểm của địch để đánh . Ông đã quyết định bí mật mở đường cơ giới vượt dãy núi cao gần 1000m ở phía Đông Đắc Tô từ phía sau lưng địch để đưa xe tăng , pháo binh , pháo tự hành vượt qua đường 14 huyết mạch của chúng , vu hồi vào phía Đông đường 14 , sâu trong hậu phương của địch tham chiến . Ý tưởng táo bạo này của ông làm địch hoàn toàn bất ngờ nên khi thấy xe tăng cùng tên lửa B72 ( tên lửa diệt xe tăng ) của ta xuất hiện từ hướng Đông thị trấn Tân Cảnh đánh vào căn cứ 42 chúng vô cùng hoảng hốt , khiếp sợ . Sau hơn 5 giờ chiến đấu ( từ 5 giờ 30 phút đến 11 giờ ngày 24/4/1972 ), dưới sự chỉ huy của ông toàn bộ cụm cứ điểm phòng ngự của địch mạnh nhất ở Bắc Kon Tum là Đắc Tô - Tân Cảnh đã hoàn toàn bị tiêu diệt . Lần đầu tiên tại chiến trường Tây Nguyên quân ta đã tiêu diệt được cấp Sư đoàn địch . Diệt tên đại tá Sư trưởng Lê Đức Đạt và một số cố vấn quân sự Mỹ , bắt sống tên Sư đoàn phó Vi Văn Bình cùng hầu hết các sỹ quan Bộ tham mưu Sư đoàn 22 , thu rất nhiều vũ khí , phương tiện chiến tranh của địch . Giải phóng toàn bộ khu vực Bắc Kon Tum ( khu di tích lịch sử Đắc Tô - Tân Cảnh sau này được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia )
Sau chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh , tháng 9/1972, ông được cử giữ chức Sư trưởng đầu tiên của Sư đoàn 10 . Trong thời gian này ông tổ chức cho Sư đoàn tiêu diệt một loạt căn cứ còn lại của địch như Play Cần , Đắc Siêng , Làm Sơn , Non Nước , Măng Đen , Măng Bút . Lập tuyến phòng ngự , đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch , giữ vững vùng giải phóng Bắc Kon Tum . Tháng 5/1973 , ông được cử giữ chức Quyền Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên nhưng do sức khỏe yếu ( ông là thương binh sọ não ) nên năm 1974 , ông được điều ra Bắc làm Cục trưởng Cục Quân huấn - Bộ Tổng Tham mưu , rồi Hiệu trưởng trường sỹ quan lục quân 2 . Tuy thời gian ở chiến trường Tây Nguyên không lâu ( từ tháng 6/1970 đến tháng đầu 1974 ) nhưng tên tuổi Tư lệnh Mặt trận Cánh Đông , Tư lệnh chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh - Nguyễn Mạnh Quân vẫn luôn gắn mãi với cán bộ chiến sỹ Mặt trận Tây Nguyên cũng như cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 10.


Ảnh: Đại tá Nguyễn Mạnh Quân - nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, nguyên Tư lệnh chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh năm 1972, nguyên Tư lệnh đầu tiên của Sư đoàn 10