ĐOÀN VĂN CÔNG XUNG KÍCH TÂY NGUYÊN - MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Những người lính đã từng sống, chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên chắc hẳn không ai quên đội Văn công xung kích Tây Nguyên. Hình ảnh những cô gái văn công xinh đẹp, dễ thương như Hoài Thu, Thanh Lịch, Rơ Chăm Phiang ... và tiếng hát át tiếng đạn bom của văn công trong những năm tháng ở chiến trường đã tiếp thêm cho sức mạnh để bộ đội chiến thắng quân thù và để lại trong lòng mỗi người lính Tây Nguyên những tình cảm đặc biệt thật khó quên.
Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn Văn công xung kích Tây Nguyên, Trang Lính Tây Nguyên xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của đồng chí Nguyễn Duy Nhiệm và Đồng Kim Hưng về Đoàn Văn công xung kích B3(Tây Nguyên)

ĐOÀN VĂN CÔNG XUNG KÍCH TÂY NGUYÊN - MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
Nguyễn Duy Nhiệm - Nguyên Đội trưởng Đội Văn công xung kích Tây Nguyên và Đồng Kim Hưng

Đầu năm 1967, Mặt trận Tây Nguyên tổ chức Đại hội chiến sỹ thi đua lần thứ nhất, tại khu rừng khộp Cánh Trung - Gia Lai . Ngoài đội chiếu bóng lưu động được điều về phục vụ Đại hội thì các đội Tuyên văn của các đơn vị cũng được gọi về phục vụ . Chủ yếu là đội Tuyên văn Sư đoàn 1 , Viện quân y 211 và Viện 2 . Sau đại hội , thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Mặt trận B3 . Tháng 3 - 1967 , các hạt nhân văn nghệ của các đơn vị được triệu tập về để thành lập Văn công xung kích B3 ( Tây Nguyên ).
Thượng uý - Vũ Sắc được cử làm Đội trưởng . Vũ Sắc đã từng phụ trách Văn nghệ không chuyên Sư đoàn 308 , anh có nhiều tài lẻ vừa viết nhạc , dựng múa , rồi tổ chức dàn nhạc dân tộc . Anh chơi được rất nhiều loại đàn như : đàn tam , đàn tứ , băng dôlin , An tô , Acoocdeong . Đặc biệt tiết mục gõ bát nước tạo nên bản nhạc không lời của anh đã đoạt giải Vàng năm 1962 tại nhà hát lớn Hà Nội .
Đội phó là Trung uý Thanh Phát , lính F324 . Thanh Phát có năng khiếu viết nhạc, đệm ghi ta rất điêu luyện . Anh còn có biệt tài bắt chước tiếng chim , thú rất giống .
Nguyễn Phúc - Chính trị viên của đoàn trước là dân tuyên huấn Sư đoàn 324 , tuy là chính trị viên song anh cũng tham gia sáng tác . Bài hát “ Xông tới “ của anh từng được Đài tiếng nói Việt Nam phát nhiều lần .
Về ĐỘI CA có Duy Nhiệm , Ngọc Báu . Với 9 nữ bổ sung về từ Viện 211 thì Thanh Lịch , quê Quảng Bình được trời phú cho giọng hát xứ Quảng rất khỏe . Lính B3 coi Thanh Lịch như Tường Vi của Tây Nguyên , chị luôn để lại trong lòng các chiến sỹ những tình cảm đặt biệt khi biểu diễn .
Về TẤU , HỀ , KỊCH , NHẠC , MÚA có Nguyễn Chí Lợi , Vũ Minh Thắng , Ngô Luân. Trần Khuê . Từ thành công “ Bài ca ông cõng “ Vũ Minh Thắng viết sang cả kịch nói , Ngô Luân sáng tác cả chèo. thậm chí cả Tuồng chứ không chỉ hề , tấu . Năm 1970 các tỉnh Tây Nguyên bổ sung cho Văn công xung kích những diễn viên , nhạc công chính hiệu Tây Nguyên như A Nây Nhoan ( cháu anh hùng Núp ) , có giọng hát rất khỏe như voi gầm , diễn viên múa Y Mau , chị đem lên Văn công xung kích cây đàn Kloongput độc đáo . Chỉ với những ống nứa cắt ngắn. dài khác nhau xếp lên bàn , Y Mau dùng 2 tay vỗ vào nhau tạo ra âm thanh của những bản nhạc không lời thật tuyệt vời .
Do Việt Bắc và Tây Nguyên kết nghĩa nên năm 1972 , Quân khu Việt Bắc bổ sung cho Văn công xung kích Tây Nguyên hơn chục ca sỹ , nhạc sỹ , diễn viên ở các đoàn Văn công Cao Bằng , Lạng Sơn và Tuyên Quang . Đây là số ca sỹ diễn viên vừa trẻ trung , xinh đẹp và tài năng như Hoài Thu , Thanh Lệ , nhạc sỹ Phan Hồng Hà ( con nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu )... . Năm 1974 , Rơ Chăm Phiang từ Gia Lai lên . Đây là một ca sỹ trẻ nhất đoàn ( sinh năm 1960 ) nhưng Phiang có giọng hát thật tuyệt vời như chim họa my hót , ai cũng yêu thích .
Nói đến Văn Công xung kích B3 thì cả Tây nguyên đều biết anh chị em đều là “Tay ngang”. Năm 1967 nhà Văn Nguyễn Trọng Oánh đi qua Tây Nguyên, xem Văn Công xung kích B3, ông đã viết: “Đơn vị đưa về/ Mươi anh chiến sỹ/ Bệnh viện gửi lên/ Dăm cô hộ lý/ Lấy chuyện đời mình/ Phổ trong khúc nhạc/ Đem chuyện tâm tình / Gửi vào câu hát.
Gần chục năm (1967 - 1975), Đoàn Văn Công xung kích Tây Nguyên đã sáng tác hàng trăm tiết mục: Múa, hát, tấu, chèo, tuồng thậm chí cả múa rối để phục vụ quân và dân Tây Nguyên, quên nắng mưa, sốt rét, bom đạn, diễn trên sân khấu đất.Vì mang tên là Xung Kích nên anh chị em xác định như những chiến sỹ trên mặt trận Văn hóa, Văn nghệ. Có lần đang diễn máy bay B57 thả bom tọa độ ngay bên cạnh. Máy bay đi, đoàn lại tiếp tục biểu diễn. Một lần Đoàn xuống cánh Nam phục vụ Trung đoàn 95 (Đơn vị chuyên đánh giao thông ở đèo Măng Giang) . Đoàn đang triển khai thì máy bay Mỹ ập đến đánh bom. Anh chị em phải xé lẻ đội hình , ra từng chốt phục vụ các chiến sỹ. Vì thế ai đó đã viết: “Trên trời phản lực ầm ầm / Dưới đất Thanh Lịch vẫn gầm chiến khu”. Nhiều lần đến viện 211 phục vụ thương bệnh binh. Một thương binh nặng băng kín toàn thân , yêu cầu hát . Thế là Thanh Lịch và Duy Nhiệm hát ngay: “Có những lúc nằm kề trận tuyến / Xé khăn mình liền băng vết thương / Choàng cánh tay ôm người bạn bên/ Làn mây xanh chưa tàn nụ cười/ Dòng máu tuôn, trào ướt tay...” Anh em thương bệnh binh liền hát theo: “Khi gần bên nhau / Ta vui sống trong niềm thương mến / Thêm nặng tình / Đồng chí tử sinh không rời”. Hát xong tất cả đều lau nước mắt.

Sau năm 1972 , Văn công xung kích B3 đổi thành Văn Công quân giải phóng Tây Nguyên.
Loáng một cái, nửa thế kỉ đã qua đi, Văn Công quân giải phóng Tây Nguyên không tồn tại nữa, vì yêu cầu của nhiệm vụ chính trị giai đoạn mới. Song lời ca tiếng hát, điệu múa, vở kịch của đoàn đã góp phần át một phần khó khăn, gian khổ, ác liệt, đóng góp cho chiến thắng Tây Nguyên (Tháng 3 năm 1975) và để lại những ấn tượng khó phai trong lòng mỗi người lính Tây Nguyên.