TRẬN ĐÁNH CĂN CỨ ĐỒNG DÙ NGÀY 29/4/1975


Đồng Dù là một căn cứ quân sự lớn của địch án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn. Căn cứ này trước đây là căn cứ của Sư đoàn tia chớp nhiệt đới của Mỹ nên được chúng xây dựng rất kiên cố. Để đột phá vào nội đô Sài Gòn ở hướng Tây Bắc phải vượt qua căn cứ Đồng Dù. Sư đoàn 320 - Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ này. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề và khó khăn song Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phá bung cửa mở án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn, tạo điều kiện cho mũi thọc sâu Sư đoàn 10 đánh thẳng vào nội đô. Trang LTN xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão - Nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 48 - Sư đoàn 320A về trận đánh này.

TRẬN ĐÁNH CĂN CỨ ĐỒNG DÙ NGÀY 29/4/1975

Ngày 27-4-1975 chúng tôi làm lễ xuất quân.
Trong cuộc đời chiến đấu của mình, tôi chưa bao giờ chứng kiến một buổi lễ xuất quân cảm động đến như vậy. Bên bờ sông Sài Gòn đoàn quân đội ngũ chỉnh tề dưới cờ và ảnh Bác Hồ. Các đơn vị lần lượt đọc quyết tâm thư, rồi đọc lời thề quyết tâm giành chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử dù phải hy sinh xương máu.
Trung đoàn chúng tôi là Trung đoàn 48, mang tên Trung đoàn Thăng Long thuộc Sư đoàn 320 (Sư đoàn Đồng Bằng). Trung đoàn mang tên truyền thống Trung đoàn Thăng Long vì ra đời trong những ngày chiến đấu bảo vệ thủ đô Hà Nội. Chúng tôi vinh dự bước vào trận chiến đấu mà lúc đó, chúng tôi tin rằng đây là những trận đánh cuối cùng để giải phóng Sài Gòn.
Sư đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ tiến công căn cứ Đồng Dù để mở cánh cửa thép Tây Bắc Sài Gòn cho sư đoàn bạn thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy Sài Gòn.
Nhiệm vụ của sư đoàn thật nặng nề. Vì một căn cứ lớn và kiên cố như Đồng Dù mà chúng tôi chỉ có tối đa 6 tiếng đồng hồ để dứt điểm. Vì vậy, chúng tôi biết, để hoàn thành nhiệm vụ phải hy sinh rất nhiều, vài ngày trước tôi đã cùng Trung đoàn trưởng Lê Quang Bình đi trinh sát hướng tiến công của trung đoàn. Nằm bên ngoài hàng rào căn cứ Đồng Dù nhìn vào bên trong thấy trùng trùng điệp điệp những lớp hàng rào kẽm gai, tôi biết rằng đây là mục tiêu rất rắn, anh Bình nói với tôi: Trận này sẽ ác liệt lắm đây.
Khi trở về chúng tôi phổ biến tinh thần ấy với từng chiến sĩ để họ biết rằng chúng ta sắp tiến vào những trận đánh cuối cùng của cuộc chiến nhưng rất có thể họ sẽ phải hy sinh, chúng tôi rất hiểu chiến sĩ của mình, kẻ thù càng mạnh, mục tiêu càng khó thì tinh thần chiến đấu của mọi chiến sĩ càng cao.
Ngày làm lễ xuất quân tất cả cán bộ, chiến sĩ trong trung đoàn chúng tôi đều lục trong ba lô của mình lấy ra bộ quân phục mới nhất để mặc và tất cả chúng tôi đều mang trên cánh tay phải tấm băng đỏ biểu hiện tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” như những chiến sĩ cảm tử quân ở thành Hà Nội năm xưa.
Đêm 28-4-1975, chúng tôi hành quân vào chiếm lĩnh trận địa.
5 giờ 30 phút sáng ngày 29-4, lệnh nổ súng, pháo binh của binh đoàn và sư đoàn dồn dập trút bão lửa xuống căn cứ địch trong hơn một giờ đồng hồ, trong tiếng gầm dữ dội của đại bác, xe tăng và pháo phòng không cơ động vào tuyến xung phong, bộ binh trên các hướng nổ mìn định hướng và bộc phá liên tục mở các lớp hàng rào.
Sau 30 phút pháo bắn, địch phát hiện được hướng mở cửa của ta, chúng phản ứng mạnh, điều động xe tăng, bộ binh ra bịt cửa mở, đồng thời dùng máy bay A37 và trực thăng vũ trang, pháo cối, có cả đạn pháo hóa học đánh vào đội hình tiến công của sư đoàn.
Tôi là trung đoàn phó được giao nhiệm vụ đi trực tiếp với Tiểu đoàn 3 do đồng chí Nguyễn Thanh Lịch làm tiểu đoàn trưởng và đồng chí Đào Tuấn Sỹ làm chính trị viên, Tiểu đoàn 3 có nhiệm vụ mở cửa trên hướng thứ yếu của trung đoàn để cùng Tiểu đoàn 1 tiêu diệt căn cứ địch.
Ngay từ khi ta đánh bộc phá mở cửa, hỏa lực ở những lô cốt của địch bắn ra dữ dội. Nhưng lớp này ngã lớp khác lại xông lên. Lần lượt các hàng rào thép gai bị phá bung, càng vào sâu hỏa lực địch càng dày đặc, súng máy các loại của địch lia sát mặt đất. Bộ đội hy sinh quá nhiều nhưng không ai do dự. Gần tới những hàng rào cuối cùng, bộ đội hy sinh càng nhiều. Tôi điện về sở chỉ huy trung đoàn và sư đoàn xin ý kiến, Sư đoàn trưởng Bùi Đình Hòa ra lệnh:
– Anh Mão nghe đây, thời gian còn rất ít không được do dự nữa, tôi sẽ cho pháo binh chi viện, kiềm chế bớt hỏa lực của địch, còn anh đã có kinh nghiệm chỉ huy mở cửa đánh căn cứ Chư Nghé năm 1973 phải trực tiếp đưa bộ đội vào giải quyết nốt hai hàng rào cuối cùng, còn anh Lịch và anh Sỹ nắm chắc bộ đội và giữ liên lạc chặt chẽ với xe tăng. Khi cửa mở thông là xông lên đánh chiếm đầu cầu ngay.
Tôi đáp:
– Rõ!
Tôi biết sư đoàn trưởng giao cho tôi trực tiếp chỉ huy bộ đội lên mở cửa không phải là chuyện đơn giản. Điều đó chứng tỏ quyết tâm của trên rất cao. Tôi gọi anh Lịch tới giao nhiệm vụ ở lại nắm tình hình và quân số, Lịch băn khoăn hay để anh chỉ huy anh em lên mở cửa nốt hàng rào. Tôi lắc đầu: “Không”, sư đoàn trưởng giao nhiệm vụ đích danh cho tôi. Anh là tiểu đoàn trưởng nắm bộ đội chắc hơn tôi, phải chuẩn bị cho tốt khi tôi chỉ huy mở thông cửa phải xung phong chiếm đầu cầu ngay.
Tôi vẫy tay cho tổ bộc phá trườn theo mình, chúng tôi trườn lên phía trước từng mét một, đạn súng máy cào xé ngay sát trên lưng chúng tôi. Hai chiến sĩ mà một đồng chí tôi biết tên là Linh vẫn bám sát sau tôi, bò được dăm mét, một chiến sĩ trúng đạn hy sinh ngay tại chỗ, tôi quay lại chỉ kịp vuốt mắt cho đồng đội và lệnh cho chiến sĩ bộc phá viên khác ôm quả mìn tăng đẫm máu tiếp tục bò lên. Vào khoảng 7 giờ 30 phút quả mìn đã được đặt đúng vị trí ở hàng rào cuối cùng. Tôi lệnh cho điểm hỏa và cả tổ chạy về phía sau, mìn nổ sau đó là tiếng reo hò cửa mở đã thông rồi, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Lịch xung kích ào ạt xông lên đánh chiếm đầu cầu. Ngay sau đó là lực lượng thọc sâu của tiểu đoàn và xe tăng lần lượt lao qua.
Hướng chủ yếu, Đại đội 3 Tiểu đoàn 1 do đồng chí Trần Nhật Tân làm đại đội trưởng, đồng chí Đào Xuân Sáng, chính trị viên, chỉ huy mở cửa. Được hai lớp, địch phát hiện, chúng bắn như đổ đạn, tiếng súng đại liên, AR15 nổ chát chúa. Bộ đội ta không tiến thêm được. Đại đội trưởng Trần Nhật Tân tập trung hỏa lực bắn yểm trợ cho đội hình mở cửa. Chính trị viên Sáng đến tận nơi động viên bộ đội. Trung đội trưởng Nguyễn Hữu Đông đã chỉ huy bộ đội nhanh chóng dùng bộc phá đánh tung hàng rào. Có đồng chí ngã xuống, đồng chí khác xông lên thay thế. Phải đến nửa giờ sau, cửa mới mở xong.
Trung đội trưởng Vũ Văn Sơn, dẫn đầu đơn vị chiếm lô cốt đầu cầu. Bộ đội vừa tiến lên, đã bị xe M41 địch đặt ngầm trong tường đất dùng súng 12,8mm bắn cản đường. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Quang Vinh tiểu đoàn trưởng đã trực tiếp chỉ huy đội đột phá. Chiến sĩ Vũ Văn Sơn đã quan sát địch, thấy ta đang ở dưới dốc, địch phía trên nên bắn không tới được, anh đứng dậy dùng khẩu B40 của một chiến sĩ vừa bị thương, bắn thẳng vào ổ hỏa lực địch. Hỏa lực địch bị tiêu diệt, quân ta tràn qua cửa mở, chiếm mục tiêu.
Tôi theo sát bộ đội đánh vào căn cứ, lần lượt chiếm hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. Cửa mở Tây Bắc Sài Gòn đã thông. Tôi nhìn thấy đội hình của Sư đoàn 10, một đoàn xe cơ giới hùng hậu, lần lượt vượt qua Đồng Dù lao về phía Sài Gòn hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo tiến công vào hang ổ cuối cùng của ngụy quân - ngụy quyền Sài Gòn. Thực hiện trọn vẹn thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ diệt 500 tên và bắt trên 2.500 tên, trong đó có Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, Sư trưởng Sư đoàn 25 ngụy, thu 5.000 súng các loại mặc dù phải trả cái giá rất đắt. Hàng trăm chiến sĩ của sư đoàn đã hy sinh ngay bên cửa ngõ Sài Gòn trước ngày ca khúc khải hoàn mừng toàn thắng.
Ngày 29-4 với cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 320 là ngày không bao giờ quên. Ngày mà biết bao chiến sĩ, trước giờ toàn thắng vẫn chấp nhận hy sinh xương máu.


Hình ảnh các chiến sĩ Sư đoàn 320 trong trận đánh Đồng Dù