HỒI ỨC CHUYẾN ĐI BỘ TƯ LỆNH B3-TÂY NGUYÊN, CUỐI THÁNG 4/ 1970

HỒI ỨC CHUYẾN ĐI
BỘ TƯ LỆNH B3-TÂY NGUYÊN, CUỐI THÁNG 4/ 1970
Lê Tùng Lâm, 18/2/2014
Lê Tùng Lâm ( ảnh 1970 )
Chiến sỹ hoạt động nội thành KonTum
Đến năm 1970 tôi 18 tuổi, là giao liên biên chế thuộc ngành giao bưu tỉnh Kon Tum nhưng được bố trí thường trực tại văn phòng Tỉnh Ủy Kon Tum lúc ở hậu cứ, khi ra phía trước với nhiệm vụ bất kể ngày hay đêm mang những công văn hỏa tốc Tỉnh Ủy phát hành đến đơn vị Thông tin vô tuyến (15 W) để điện báo đến các nơi theo yêu cầu, đến X 20 (mật danh đơn vị đầu mối của Ban giao bưu tỉnh) để trung tâm này cử người tiếp tục hỏa tốc đi các đơn vị trong tỉnh theo quy định;Hai đơn vị (15 W) và (X 20) thường được bố trí đóng cách Tỉnh Ủy khoảng từ 2 đến 3 giờ đi bộ đường rừng, đây còn được gọi là khoảng cách an toàn, là nguyên tắc bí mật cho cơ quan đầu não của tỉnh, nên cứ mỗi lần Tỉnh Ủy chuyển đi đâu thì hai đơn vị ấy cũng phải kè kè chuyển theo tương ứng cái khoảng cách như thế, kể cả khi di chuyển đến phía trước (phía gần vùng địch kiểm soát) nhằm kịp thời phối hợp với Bộ chỉ huy tiền phương cánh đông Kon Tum của B 3 (Bộ tư lệnh quân đội nhân dân việt nam tại Tây Nguyên) lãnh đạo - chỉ đạo chiến dịch tấn công địch;
          Tuy yêu cầu nhiệm vụ tôi là vậy, nhưng không chỉ có thế, mặc khác đâu có phải lúc nào cũng "chạy" hỏa tốc, nên khi thì trực tiếp phục vụ tại phòng họp, làm việc của Thường vụ Tỉnh Ủy, Bí thư Tỉnh Ủy (Phan Quyết còn có tên Phan Phụ), lúc thì đi cần vụ (bảo đảm cơm no, áo ấm, ngủ ngon và an toàn tính mạng khi có tình huấn xấu xảy ra) cho Bí thư hoặc Ủy viên Thường vụ Tỉnh Ủy trên đường khi đi công tác đâu đó;
          Được chứng kiến phong cách làm việc những tháng năm ấy của các vị, với năng lực tư duy bây giờ, những lần nghĩ đến tôi vẫn cứ không thể không khâm phục các vị, mỗi lần như thế tôi lại thầm nghĩ có lẽ Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam khi gặp hoạn nạn luôn may mắn có nhiều con người xuất chúng, xuất hiện ở khắp mọi nơi, mọi cấp nên đã đánh thắng các đế quốc to là phải thôi! Mặt khác về cái thời giờ, không đêm nào các ổng ngủ trước 22 giờ; là thanh niên đang tuổi ăn - tuổi ngủ đêm về giữa rừng hoang vắng lạnh vậy mà rồi không biết thế nào cái đầu - con mắt tôi cũng luôn tỉnh táo nên luôn kịp thời phục vụ đáp ứng yêu cầu làm việc của các vị, chưa một lần bị phê bình;
          Khoảng cuối tháng 4/1970 được ông Nguyễn Tấn Đức, phụ trách Văn phòng Tỉnh Ủy chọn giao làm cần vụ cho phó Bí thư Tỉnh Ủy A Rék (tên được đặt và thường gọi khi bố trí ở lại Kon Tum nằm vùng hoạt động cách mạng sau 1954 cho phù hợp với kiểu tên của đồng bào địa phươngsau 30/4/1975 mới biết tên thật ông) là Phan Vữngđi dự họp ở B3 (Bộ tư lệnh QĐND Việt Nam tại Tây Nguyên)  đang bí mật đóng trên đất bạn Lào cách biên giới Việt Nam khoảng 20 km, sát biên giới Cam Pu Chia, nay ta đi ô tô theo đường bộ từ thành phố Kon Tum đến vùng ấy chỉ 2 giờ đồng hồ (khoảng 100 km), thế mà ngày ấy phải đi hết sức khẩn trương theo đường vòng cung từ vùng Tu Bâng, đến vùng Đắk Chum nay thuộc xã Tu Mơ Rông, theo đường dây CO.2 đi qua các xã Đắk Sao, Đắk Na, Đắk Ang cắt qua quốc lộ 14 đoạn Đắk Sút (giữa đồn Đắk Siêng nay thuộc huyện Ngọc Hồi - Đắk Pét, nay thuộc huyện Đắk Glei) nay thuộc xã Đắk Roong lên xã Đắk Môn, Đắk Long cùng thuộc huyện Đắk Glei qua đất Bạn Lào gần đến sông Xê Kmán rồi xuôi xuống, đi mất 5 ngày, chờ họp 2 ngày, về 5 ngày, tổng thời gian đợt công tác 12 ngày;
          Mười hai ngày, từ dạo đó đến nay đã 43 năm gần nữa thế kỷ rồi còn gì ! mà nó vẫn chưa chịu phai mờ trong ký ức tôi một nhân viên ngày ấy, một cán bộ bình thường sau 30/4/1975 - tốt nghiệp Trung cấp Thiết kế - Thi công Thủy lợi, rồi Đại học Kinh tế, đến cuối cùng một Trưởng phòng cấp Sở, 60 tuổi nghỉ hưu.
          Kon Tum tháng 4 hàng năm thời tiết vẫn thường diễn ra những trận mưa rào, năm nay cũng thế, mọi người đều phải đi dưới nắng, dưới mưa, dưới "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù", mặc bùn lầy (bởi là tuyến đường dùng chungđang nhiều người đi - lại, Quân Bưu (CO.2), Giao bưu, Giao thông vận tải) và mặc cho chốc chốc là tiếng gào thét của các loại máy bay, đạn pháo mỹ bay ra, bắn ra vùng ta;
          Hai thầy trò chúng tôi ăn - ngủ theo hệ thống trạm của ngành Giao thông vận tải, ngày thứ nhất phải đi 11 tiếng đồng hồ mới tới được K 4 (nay thuộc khu vực xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông) do ông Hiển làm trạm trưởng (nghe đâu cuối năm 1971 ông về Ban tuyên giáo Tỉnh Ủy, đã mất trong những năm 1980 do bệnh), sang ngày thứ 2 từ K 4 đến K 2 (nay thuộc địa phận xã Đắk Loong huyện Đắk Glei không có K 3) sau 2 giờ rời trạm lại gặp mưa, đường thêm lầy lội, trơn trượt hơn, đồng thời mỗi lúc tiếng gầm thét của các loại máy bay phản lực, trực thăng HU1A (máy bay chiến đấu), L 19 (máy bay trinh sát) nghe càng dữ dội hơn, thủ trưởng hỏi tôi có sợ không ? tôi trả lời không, rồi thủ trưởng nói bộ đội chủ lực ta đang kéo địch ra xung quanh đồn Đắk Siêng để tiêu diệt nên nó phản ứng đấy, không phải sợ sệt gì, nhưng đề cao cảnh giác luôn chắc tay súng, phòng bọn biệt kích hoặc tàn quân bỏ chạy lạc ra vùng mình, khoảng 10 giờ gặp nhiều bộ đội ta và tù - hàng binh ngụy, mỹ (là phi công nhảy dù sau khi bị ta bắn rơi máy bay, bắt được), vùng ấy nay thuộc xã Đắk Ang nằm về phía đông Đắk Siêng khoảng 10 km đang nghỉ ngơi, chúng tôi cùng nghỉ, thăm hỏi, chuyện trò, trời vẫn còn mưa nhẹ ;
          Thời thơ ấu nơi quê nhà tôi từng chứng kiến các cảnh chính quyền Sài gòn bắt bớ tra tấn vô cùng dã man, tàn bạo, ngang nhiên trước mặt nhân dân đối với những người Cộng sản và nghi là có tham gia Cộng sản;
          Từ lúc 14 tuổi thoát ly (tức đi theo hẳn các tổ chức của Cộng sản) từ
Quảng Ngãi rồi được đưa lên Kon Tum, vẫn biên chế chính thức là giao liên song hay được điều đi phục vụ lãnh đạo Tỉnh Ủy nên cũng thường được từng chứng kiến tinh thần nhân đạo, hành động chính nghĩa cao cả của những người Cộng sản, theo Cộng sản khai thác, quản lý đối xử với tù - hàng binh, nhưng chưa chứng kiến được cái cảnh bộ đội chủ lực ta vừa rời ra khỏi các trận ác chiến, khốc liệt, dưới mưa bom, bão đạn của đối phương và đang đói rách, thiếu thốn đủ thứ mà vẫn san sẻ phần ăn, áo mưa, thuốc hút của mình cho tù - hàng binh, tôi còn thấy tù binh mỹ người đang hút sữa hộp, người đang hút thuốc lá sợi bằng tẩu nữa chứ; gần đây được đọc hồi ức của thiếu tướng Phùng Bá Thường, do đại tá Lê Hải Triều thể hiện biết được lúc bây giờ ông với tư cách là Trung đoàn phó Trung đoàn 66 trực tiếp chỉ huy đánh trận này cùng với Trung đoàn 28, ông có nhắc đến sự thật đã tiêu diệt rất nhiều sinh lực địch, có cả xác Cố vấn Mỹ ngay tại trận, nhưng không thấy ông nêu lên kết quả bộ đội còn bắt sống được cả tù binh là phi công Mỹ.
           Không biết sau 30/4/1975 những tù - hàng binh ngày ấy về đâu ! làm gì ! họ có còn nhớ những người lính của Phùng Bá Thường, lính của TĐ 28 trong bối cảnh lúc bây giờ như thế mà sao đối xử với mình quá tốt, quá quân tử, quá vĩ đại thế không!?,...
TÔI NGHĨ : Đại bộ phận lực lượng tham gia kháng chiến người mất, người còn, sống trong âm thầm đau đớn,đều mong ước có được xã hội "làm tùy sức, ăn tiêu tùy tài sức", "người không có sức lao động được xã hội bảo trợ" mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc no đủ, nhà ở, học hành, chữa bệnh không mất tiền theo quy luật ngày càng sung sướng hơn;
          Qua hai ngày trèo đèo, vượt suối mang theo trên lưng hơn 30 kg hành lý và ý chí luôn chắc tay súng sẵn sàng chết để bảo vệ thủ trưởng khi gặp tình huấn xấu nhất mà lòng cứ mãi lân lân niềm vui ta chiến thắng lớn, nên chẳng biết mệt là gì ! cuối cùng đến khoảng 17g hai thầy trò cũng tới được K 2, được anh em tiếp đón, chăm lo chu đáo nên càng thấy khỏe hơn.
          Ngày thứ 3, từ K2 đến K1 mất 9 tiếng đồng hồ, khá thấm mệt có lẽ bởi những vất vã của 2 ngày qua dồn lại, nhưng được bù đắp cái không gian tương đối thanh bình hơn nên khí thế vẫn cứ hiên ngang dẫu vẫn lên đèo - xuống suối, bước trên con đường mòn nghiêng nghiêng, ngoằn ngoèo dưới tán rừng cao vút (rừng già) bạt ngàn xanh;
          Khoảng 16g đến K1 thấy có nhiều lán (nhà dã chiến làm bằng tranh, tre, gỗ rừng) anh Hoài Thanh làm trạm trưởng, nay còn sống thường trú đường Trần Hưng Đạo (đoạn cách đường Trần Phú về phía tây khoảng 30 mét), anh đón tiếp bố trí nơi ăn, nghỉ xong rồi tranh thủ báo cáo với thủ trưởng Rék: đây là đất bạn Lào rồi (trong tôi chợt nghĩ hóa ra là mình đang xuất ngoại), tình hình chính trị, tư tưởng của anh, em ở đây đang rất tốt, trạm có gần 100 anh - em tù - hàng binh ngụy được giác ngộ đưa về đây cùng tham gia sản xuất, vận tải hàng hóa, qua quan sát thấy thái độ anh, em khá yên tâm, phấn khởi, hành động hăng hái, bên cạnh đó do chưa thích nghi cuộc sống trong rừng nên hay sốt rét, trạm có y tá, có thuốc, sản xuất được nhiều lúa, ngô, chăn nuôi được nhiều lợn, gà, trứng gà nên được chăm sóc rất chu đáo, ai muốn ăn gì có nấy, đến 17 giờ mặc dù vẫn còn rất mệt nhưng thủ trưởng Rék vẫn đi đến từng lán thăm hỏi, động viên, mọi người vô cùng xúc động, mừng rỡ, ai cũng nói lời tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng và hứa thường xuyên tập thể dục buối sáng, làm tốt công tác vệ sinh, rèn luyện thân thể để mau thích nghi với môi trường rừng núi, bảo đảm bí mật, vận tải được nhiều hàng hóa ra chiến trường, từ nay quyết sống chết như anh - em cách mạng, cùng Cách mạng;
          7 giờ sáng hôm sau, chúng tôi rời K1 theo đường dây CO.1 đến Binh trạm Bắc cũng trên đất Lào gặp nhiêu quân ta, đoàn ra - đoàn vào nghe rất khí thế, đoàn ra nói với đoàn vào không nhanh chân lên thì vào chỉ còn có nước nhặt ống bơ thôi đấy (ý nói Miền Nam sắp được giãi phóng hết rồi), đoàn vào nói với đoàn ra hãy ra nhanh dưỡng thương, dưỡng bệnh cho tốt để mà còn tham gia xây dựng xã hội chủ nghĩa không ngừng giàu, mạnh, và rồi vô vàng các chuyện tiếu tâm làm cho không khí những nơi nghỉ giải lao nơi nào cũng hào hứng, sôi động cả, mặc cho trên bầu trời tuyến chúng tôi đi, thỉnh thoảng cũng xuất hiện tiếng máy bay phản lực gào thét đinh tai, nhức óc, tiếng máy bay trinh sát L19 rè rè, mặc cho trên vai ai ai cũng trĩu nặng ba lô, súng, đạn;
          Khoảng 14 giờ đến khu vực Binh trạm Bắc, gặp ngay cái vọng gác bằng tranh, tre, nứa, lá, có 2 lính đón mời nghỉ ngơi, uống nước, rồi hỏi giấy giới thiệu, tôi xuất trình, xem xong họ tiếp tục lễ phép mời nghỉ, họ điện thoại báo cáo về sự có mặt chúng tôi, khoảng 10 phút sau có 2 vệ binh đến đón, đưa thẳng vào lán Thủ trưởng Binh trạm (rất tiếc không còn nhớ tên ông), ông tiếp Thủ trưởng Rék rất nồng hậu, tôi cũng được bộ phận phục vụ ứng xử như người thân lâu ngày gặp lại; cơm, rau, thịt hộp, sữa, đường thoải mái dùng, thời đó được như thế là thuộc vào loại "tiêu chuẩn tiên" đấy (cao cấp);
          Vẫn theo lịch trình 7 giờ sáng hôm sau, lên đường 13 giờ đến nơi đón tiếp của Bộ tư lệnh B3, lán nằm dưới tán rừng già cao vút nên rất thoáng, giường ngủ, bàn, ghế toàn bằng lồ ô (họ tre, nứa), chân chôn xuống nền đất tất cả đều là giã chiến cả, nhưng kiểu - cách làm khá đẹp, tôi thầm nghĩ đúng là bộ đội chủ lực, là Bộ tư lệnh B3 họ quá khéo tay, đồng thời cũng chợt cảm thấy xấu hổ bởi đội quân dân chính chúng tôi không thể làm được như thế, ngay giường, ghế, bàn làm việc của Bí thư Tỉnh Ủy Kon Tum cũng không đẹp bằng;
          Hơn 2 ngày, 3 đêm ở B3 cứ như được đi an dưỡng, ngày 3 bữa cơm ngon, nước chè thái nguyên thoải mái dùng, tối xem văn công;
          Nói thật, tôi là dân nam, quê Quảng Ngãi, khi mở đài nghe hát chèo là tôi chúa ghét do cái cảm giác mỗi lần nghe nó cứ i í ì i thế nào ấy, nhưng nhờ nhân dịp này được trực tiếp xem văn công B3 biểu diễn  đầu tôi bị thay đổi 180 độ liền, từng bối cảnh, động tác, làn điệu, diễn xuất của diễn viên làm tôi chợt thấy và rồi đến nhận thấy chèo sao mà nó sinh động thế, ca từ triết lý, thâm thúy đến thế, nhất là tiết mục chèo văn, khiến tôi thích nghe chèo từ đó;
          Đến chiều ngày họp thứ 2, một cán bộ B3 đến gặp tôi qua chuyện trò biết chú ấy người quê Long Phụng, Đức Thắng, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, cán bộ tập kết về, chú nói: tôi là đồng hương hàng con cháu chú; sau thăm hỏi chú giao tôi khoảng 5 kg quà B3 cấp cho Thủ trưởng Rék, nào  sữa - thịt - cá hộp, bột trứng, đặc biệt là sữa ong chúa, cao băng long; chú giao riêng tôi 2 lọ sữa ong chúa, 1 lạng cao băng long rồi cứ nói đi, nói lại: đây là phần cho cháu nghe không, cháu phải dùng ngay để có sức bảo vệ Thủ trưởng về đến nơi, chứ trông cháu yếu quá đấy!
          Xong họp, Thủ trưởng về, tôi báo cáo rành rọt mọi thứ, rõ cả phần cho tôi, ông động viên tôi: đúng đấy ! cháu phải dùng như chú ấy đã nói ! tôi nêu thắc mắc, cháu nghe nói thuốc bổ ấy người trẻ không được dùng mà chú, ông giải thích, đó là những loại thuốc quí hiếm, đắt tiền nên nếu có thì cũng chỉ ưu tiên cho người già, mà là nhà giàu mới mua nổi nên người ta nói thế thôi, chứ nếu có trẻ mà được dùng thì càng tốt cho sức khỏe, thể lực phát triển chứ hại gì đâu.
          Đã 43 năm, sau những ngày đi B3, rời B3 Tây Nguyên ấy luôn cứ đọng trong tôi những kỉ niệm đẹp: Trận Đắk Siêng ta chiến thắng lớn; bộ đội ta, tài trí, kỉ cương, kiên cường, nhân đạo; các đội quân K4, K2, K1 dân chính của Tỉnh Ủy Kon Tum cũng không thua; chí khí chiến đấu hào hùng của các đoàn quân ta vào nam ra bắc; tác phong ứng xử từ người Lãnh đạo đến lính B3 nhanh chóng, nồng hậu; nơi ăn, chốn ở sạch, đẹp, tiếng hát hào hùng, ca từ triết lý - thâm thúy của đoàn văn công ấy. Tất cả, tất cả cứ mãi theo hồn tôi!
          Sắp 40 năm giải phóng hoàn toàn Miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2015), tôi nghĩ cả nước tự hào, Tây Nguyên tự hào, Kon Tum tự hào, trong thế kỷ 20 đã có cán bộ, chiến sĩ B3 hơn 10 năm gắn bó với Tây nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng và đã lập nên những chiến công hiển hách, lịch sử đã khắc ghi hàng chục trận đánh lớn;
          Tôi nghĩ Kon Tum mãi nhớ B3, nhớ mãi hàng vạn liệt sĩ - thương binh B3, hàng vạn người lính B3 đã từng đổ mồ hôi trên chiến trường này. B3 luôn lưu luyến về chiến trường xưa./.