ĐƯỜNG VÀO SÀI GÒN

                                                              ĐƯỜNG VÀO SÀI GÒN

Hoàng Bá Quế - E24
( Kính tặng các Bác sĩ, Y sĩ, Y tá, Cứu thương, Lực lượng vận tải chuyển thương, Trung đoàn bộ binh 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 )


Từ biệt Kon Tum, từ biệt những địa danh gắn bó bao năm với những người Lính Tây Nguyên, đây Ngã ba 90, Điểm 5, đường 50k, Đăk Tô, Tân Cảnh, Võ Định, Diên Bình, Tri Đạo...đây dãy 1015, xa kia Ngọc Rinh Rua vời vợi, nào Trung Nghĩa, Kroong, tiếng gầm muôn đời của Thác Yaly vọng cùng pháo ngụy Lôi Hổ...
Và những Nghĩa trang dã chiến, nơi anh em Y tá Luyên, Viện, Kế, Liền...và bao đồng đội khác hy sinh trên mảnh đất này.
Chúng tôi đi về hướng Nam...đi trên đường Đông Trường Sơn, đi trên ngàn chiếc xe bập bùng biển bụi, đi qua ngầm Sêrêpôk ngập lút vành xe, lúc lắc lùi dưới lòng nước sâu, in bóng muôn mũ tai bèo cùng những khẩu đại pháo ngụy trang khô cành quăn lá...
Đường chúng tôi đi, đường chúng tôi ra trận, đường đại quân, đẹp vô cùng và xúc động vô cùng, ký ức cuộc hành quân năm tháng đó không bao giờ quên được.
Đồng đội ơi, nhớ ko - Đăk Đam, nơi âm thầm ủ quân, làm quen chiến trường mới để chuẩn bị thọc mũi lao sắc nhọn vào tử huyệt quân thù...
...Rồi những cái bắt tay rưng rưng níu kéo của chỉ huy cấp chiến dịch tiễn chúng tôi nơi bìa rừng trước khi những đứa em vào trận thọc sâu đánh Sư bộ 23 đêm nay, cái bắt tay như trao thêm quyết tâm và sức mạnh, và cũng chứa ẩn lần cuối biệt ly...ngày mai, ngày mốt, sau trận này, biết có gặp lại những đứa em vào trận đêm nay không... nhớ làm sao, anh em đồng đội tôi, Y sĩ Vĩnh, dược tá Trào, Tám, anh nuôi Te, Thành, Mịn, Y tá Minh, Tầm...một đội phẫu gọn con, mà gánh cả nhiều chục thương binh, dưới làn bom của máy bay A37, đại liên từ khu Mai Hắc Đế, từ căn cứ truyền tin...
Rùng mình nhớ lại đêm lạc sang Sân bay Hòa Bình, nếu không gặp người lính trinh sát chặn lại chắc chỉ vài loạt đại liên địch bên kia dốc quét qua là xong đại đội Quân y...Rồi con đường 21 đầy duyên nợ, những loạt bom xé tai ở khu Nông Trại, những loạt tiểu liên quân dù xỉa vô đội hình chiều xuôi Dục Mỹ, trận bom Ba Ngòi nát cả một rừng dừa, nhớ quân nhu Đào Xuân Quý mảnh bom xé toác bụng , mở hộp sọ chống phù cho thương binh trong rừng chuối Suối Dầu...
Những ngày này tháng tư 45 năm trước, chúng tôi đang cùng những đạo hùng binh đầy ắp súng to, pháo lớn, những đoàn tăng 54, cả vạn Zin 130, 157, GMC, Hồng Hà, Vọt tiến...theo đường 14 vào Nam Bộ, khí thế ngút trời. Chúng tôi Lính Tây Nguyên, sở trường đánh rừng núi, nhưng sau khi đã đánh thắng Buôn Mê Thuột, đánh hành tiến đường 21, bắn cả tàu Hải quân ngụy ở Cam ranh, trị Lữ dù 3 thiện chiến ở đèo Phượng Hoàng nghĩa là bây giờ chiến trường nào cũng chơi tốt, chẳng ngán sắc lính nào, nay đánh thành phố cũng dư thừa bản lĩnh.
Và Quân y cũng vậy, chúng tôi cũng thích nghi với mọi địa hình, mọi phương thức tác chiến. Nhớ ngày còn ở trường thầy Phong của chúng tôi nói " người quân y phải trên thông thiên văn, dưới tường địa lý " nay chuẩn bị đánh Sài Gòn chúng tôi cũng ko lo lắng gì nhiều.
Còn nhớ Hậu cần - Quân y mang mã hiệu B100, mé trái nẹp áo ngang túi ngực may một dải vải trắng rộng hơn cm, dài chừng 12 cm. Và trên đường, xe cứ theo bảng hướng dẫn B100 mà chạy sẽ về đến nơi tập kết của đơn vị.
Dầu Tiếng, nơi dừng cuối cùng, chuẩn bị vào trận.
...ngày 27.4, trung đoàn bộ đóng quân trong một cánh rừng non, nơi đây chi chít hố bom B52 cũ, nhưng chỉ có một hố sâu là có nước, miền Đông cuối mùa khô trời nóng hầm hập, nước đục chia nhau từng bi đông, Y sĩ Lương đi trinh sát theo Trung đoàn, ngoài bờ sông Vàm Cỏ pháo địch bắn rất dữ, ko thể lấy được nước, đành nhẫn nhịn cả ngày 01 bi đông thôi. Chiều 27, các chỉ huy nghe phổ biến kế hoạch, nhiệm vụ tại hầm Chính ủy, đang chờ đủ thành phần tại hầm âm, bất ngờ một tiếng nổ lớn, khói, đất, lá mù mịt, theo phản xạ mọi người nhảy vào hầm chữ A, tưởng pháo địch bắn tiếp, nhưng chỉ một tiếng nổ đó mà thôi. Tôi lên khỏi hầm thì anh Thang - tham mưu phó gục xuống, anh Nông Ích Rẫy - C phó vận tải 25 máu đầy mặt, sờ khắp người ko thấy máu mới biết mình ko bị thương, qua đỡ anh Thang thì thấy một mảnh găm vào gáy, vài chục phút sau hy sinh

...chiều 27.4, Chính ủy Trung đoàn Bùi Văn Hòe khái quát nhiệm vụ chiến dịch, hướng tấn công, lực lượng tham chiến, các đơn vị phối thuộc, hợp đồng binh chủng...và nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị.
Đại đội quân y của tôi được chia làm hai, nửa còn lại là lực lượng dự bị. Tôi được phép lựa chọn ai đi trước và những ai tiếp theo. Cấp trên đã tính toán, dự kiến tình huống trận đánh khó khăn, ác liệt, thương vong, tổn thất lớn thì đội thứ hai sẽ bổ sung để giải quyết thương binh. Miền Đông cuối mùa khô nóng khủng khiếp, hành quân liên tục nhiều ngày đói ngủ, khát uống, quần áo đỏ quạch, hôi hám, tóc tai dày cộm , bẩn thỉu đến khó chịu...nhưng hễ ngơi một chút là gục lên ba lô ngủ liền.
28/4/75
Suốt ngày lo sắp đặt, bổ sung dụng cụ, thuốc men, dây truyền, cáng, nẹp...phân công anh em kiểm tra bông băng, đóng gói, súng ống, cơ số đạn, xẻng cuốc...mới tuổi 26 mà mắt mặt thâm trọm, hốc hác đến cười cũng chẳng còn hơi.
...từng tiếng đồng hồ trôi đi, mặt trời xiêu dần về hướng tây, công việc chuẩn bị thì cái gì cũng lo thiếu mà ba lô của ai cũng chẳng còn chỗ nhét thêm.
Dầu Tiếng tối 28/4/75
Theo chân liên lạc Trung đoàn xuống hầm âm Sở chỉ huy, bên dưới đã có mặt cán bộ các đơn vị đến nghe lệnh lần cuối trước giờ xuất kích. Điều nhập tâm phải ghi nhớ để về phổ biến lại với cấp dưới - có tính đến tình huống lỡ như năm 68, nếu tan lạc ( giữa Sài Gòn và trong lòng địch ) thì tìm chỗ có ám hiệu cơ sở của ta trong nội thành mà trú tránh rồi tìm cách thoát ra ngoài ( giờ thì tôi không còn nhớ ám hiệu phổ biến đêm đó như thế nào nữa ).
Việc thứ 2, mỗi người được phát mấy tờ bản đồ phố phường, đường sá... khu vực đơn vị sẽ tác chiến ( bản đồ in li tô đen kít, đường sá là màu của giấy chỗ không bôi đen - rất tiếc, rất tiếc không hiểu sao tôi không lưu giữ được - hỡi ai Lính Trung đoàn 24 năm đó có giữ được thì chụp cho tôi tấm ảnh gửi qua Zalo hay Messenge Hoàng Bá Quế tấm bản đồ này - tôi khát kỷ vật này đây.
...và có 3 Biệt động nội thành dẫn đường, 2 nam 1 nữ. Họ ngồi trong bóng tối - nguyên tắc hoạt động bí mật.
Xong lệnh, ai về đơn vị ấy - kiểm tra công tác chuẩn bị lần cuối - nhận xe, sắp xếp bộ đội - chờ xuất kích.
- Chính xác giờ G đêm 28 - 29 ấy ? - quên nốt - ai ở E 24, nhớ thì nhắc.
Chắc cũng hơn kém 3 giờ sáng gì đó ngày 29.4 lịch sử, Đội 1, một nửa quân số Đại đội quân y ,Trung đoàn 24 ( Đoàn Trung Dũng ) do Bác sĩ đại đội trưởng Hoàng Bá Quế ngồi trên chiếc xe Dodge chiến lợi phẩm, màu xanh chiến tranh, mui bạt ( to bằng xe bán tải ngày nay ) do chiến sĩ Hòa, C25 vận tải cầm lái, ngồi giữa là Quân Y sĩ Nguyễn Văn Cẩn, quê Kim Anh, Vĩnh Phúc và một GMC đại xa, ( cán bộ Hậu cần ngồi K63 ) trong đội hình thọc sâu Trung đoàn bộ binh 24, xuất kích.
Tháng tư miền Đông, đồng khô nứt nẻ, xe gạt Công binh đi trước , bờ ruộng, cồn mối.. thành đường, các loại xe rùng rập bám nhau mà đi.
Rõ mặt người, Trung đoàn 24 đã tiến sát rìa căn cứ Đồng Dù. Tại đây, lúc này Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 đang quây diệt Sư đoàn 25 ngụy. Chiến sự cực kỳ ác liệt, tiếng rít bổ nhào của máy bay địch, pháo lớn hướng Sài Gòn bắn ra dày đặc, khói trắng khói đen mịt mù. 45 năm, và giây phút đang viết những dòng này, hình ảnh một chiến sĩ ta đang quằn quại, một đùi dập dính, cố nhô người, chấp chới, tay xin xe dừng cứu, tôi kêu Hòa dừng xe để xuống sơ cứu. Một tiếng quát to, nghiêm gọn, của ai đó lối xe chỉ huy : " Đi - sẽ có bộ phận khác giải quyết ".
Pháo địch bắn cứu Đồng Dù nhưng đoàn cơ giới chúng tôi vòng sát căn cứ nên đạn nổ quanh tứ bề. Cũng lạ, pháo dày đặc, chát chúa mịt mù vậy mà không có quả nào trúng xe, không có mảnh nào găm vào anh em chúng tôi. Giờ phút mong manh quá chừng, sực nhớ hồi ở Kon Tum tôi đã xử lý vết khinh thương cho một trường hợp mảnh cối xuyên qua bi đông một chiến sĩ khi vận động chiến, nếu ko có cái bi đông chắn bớt thì chắc chắn chết. Bèn tháo băng súng khẩu K54 treo chéo bên trước lách, quàng bi đông nước chắn bên gan, ngực trái - tim, bỏ ngỏ - trúng đó thì chết khỏe, ( nói thật sợ nhất là bị thương mất mắt, bỏng napalm, bom Phospho cháy mặt, mất hàm, cụt cả chân cả tay khổ hơn chết, là khi ấy nghĩ vậy )
- Cầu Bông, chắc hơn 9 giờ sáng. Từ đêm 27, đặc công 198, biệt động ta đã chiếm giữ và chiến đấu cực kỳ anh dũng, cùng những đơn vị của Sư đoàn 320, xe tăng 273..đánh bật và tiêu diệt bộ binh, cơ giới địch giữ vững cầu. Lúc mũi trung đoàn chúng tôi đến thì xe tăng địch đang cháy hoặc phải lao xuống bùn, trên đường 1 rất nhiều xe zeep, xe GMC...còn đỏ đèn, nổ máy, quần áo, mũ giày đầy đường, hàng dài tù binh léo chút quần đùi, 2 tay chắp gáy đi ngược về hướng Tây Ninh.
Tôi cũng không biết lúc này đơn vị nào đã ở phía trước, phía Sài Gòn nhưng rải rác bắt đầu có thương binh, một số bị thương, bỏng đen do đạn súng B90 chống tăng của địch bắn, tất cả số thươbg binh này đặt trên xe GMC vừa chạy vừa xử trí.
Trưa, qua Củ Chi.
Lương khô và khát.
Dân ra hai bên đường vẫy tay reo gọi, dưa hấu, nước ngọt, mía...tung dúi lên xe, sợ kỷ luật chiến trường, sợ " đầu độc " đành nhịn khát.
Đầu chiều, qua trại Quang Trung, hình như chưa ai đánh, cổng đóng nhưng chúng cũng không dám nổ súng về phía chúng tôi.
Khoảng 16 giờ, trên truyền xuống địch đánh hóa học, tôi, Đoàn Xuân Chiến dược trung ( mất 2018 ), Học anh nuôi..cùng đội phẫu nhảy xuống xe, nước hết, tất cả quay lưng đái vào khăn mặt, nằm úp...nồng độ không đáng kể, nó đánh CS, biết liền, món này hồi ở trường ( ĐHQY ) cánh tôi học kỹ.
Liền đó, một quả pháo, pháo mồ côi nổ cách chừng dăm mét, lại cũng lạ, không mảnh nào trúng chúng tôi, số đỏ ( không phải của Vũ Trọng Phụng )
Chừng 7,8 giờ tối, xe, pháo, pháo cao xạ dừng chờ lệnh, bộ binh đến đâu không rõ, nhưng Tân Sơn Nhất đã rất gần, máy bay trực thăng đèn nhấp nháy, vần vũ lên xuống phành phạch bay về hướng đông.
Có lệnh dừng lại, bố trí đội hình sáng mai đánh tiếp. Chủ nhiệm Quân y Bác sĩ Nguyễn Thái bố trí phẫu chúng tôi triển khai trong nhà máy dệt Vinatexco nhưng pháo từ phía nội thành địch bắn ra dữ dội, nổ chát chúa quá gần, phần thì trong đó rất nhiều dân thường ẩn nấp. Lùi lại vài trăm mét, bên phải hướng ngược Tây Ninh, chúng tôi tìm được một lớp học nhỏ , biển bên ngoài viết Trường Tiểu học Mai Hương. Đêm tối, mò mẫm lấy bàn học quây chung quanh đặt bàn mổ ở giữa, hy vọng chắn bớt mảnh. Thương binh nhiều, cũng chỉ có nến, đèn pin là nguồn sáng để xử lý vết thương. Quái ác có một khẩu cối 81 địch cứ nhằm chỗ chúng tôi bắn liên tục, mỗi lần nghe tiếng xoáy của đuôi cối lại cúi người, hạ thương binh xuống nền, mỏi quá thì quì chân trước chân sau mà mổ. Hàng chục quả cối xăm nát xung quanh mà ko quả nào trúng phẫu. Thì ra một tên địch đặt máy PRC 25 chỉ điểm cho cối bắn, sáng anh em trinh sát phát hiện tiêu diệt, từ đó yên ắng
Ngày 30.4, sáng - trời Sài Gòn trên đầu chúng tôi như có ngàn vạn đàn ong bay. Đó là tiếng đại pháo quân ta bao năm chờ đợi, mới tối qua phơi mình chịu trận, rụt người né mảnh, sáng nay tiếng nổ chỉ ở phía quân thù...
Hết.