NHỚ GÌ KỂ NẤY - CHUYỆN CỦA LÍNH TÂY NGUYÊN

NHỚ GÌ KỂ NẤY - CHUYỆN CỦA LÍNH TÂY NGUYÊN
                                    Nguyễn Thanh Bình - E66


Trong cuộc sống của mỗi cá nhân,luôn cần phải có sự tư duy sáng tạo, học hỏi, tích lũy những kinh nghiệm hay của mọi người xung quanh và những người đi trước để lại.Đúc rút thành những kỹ năng cho bản thân để khi gặp phải những khó khăn khốc liệt trong cuộc sống họ vẫn lựa chọn cho mình cách giải quyết
Để SINH TỒN , những người lính TÂY NGUYÊN họ đã làm muôn vàn chuyện , nhiều câu chuyện như chuyện thần thoại và chỉ những người ở trong cuộc mới hiểu . Hôm nay tôi xin “nhớ gì kể nấy” trong cái muôn vàn chuyện của họ mà chính bản thân mình đã từng trải .
* Tháng 5 năm 1971 , tiểu đoàn tân binh chúng tôi tạm biệt mảnh đất Phú Bình –Bắc Thái sau hơn 3 tháng huấn luyện chúng tôi được lệnh hành quân vào miền Nam. Sau mấy ngày hành quân bằng các phương tiện xe lửa,ô tô,ca nô chúng tôi đã đến mảnh đất Quảng bình . Đến chiều ngày hôm sau đoàn chúng tôi được ô tô của đoàn 559 chở dến Binh trạm 5 đóng trên đất bạn Lào.Khi đến đất Lào thì trời đã tối. Tháng 5 , rừng Trường sơn đã bắt đầu vào mùa mưa.Đêm đó ô tô chỉ chở chúng tôi đi một đoạn trên đất bạn Lào thì dừng lại , yêu cầu xuống xe để hành quân bộ.Trời mưa nặng hạt, đường trơn lính đi dép đúc cao su của Trung quốc cấp cho bộ đội Việt Nam,kể ra mà nói nó tốt thật,vừa nhẹ vừa bền.Hôm nay hành quân trong đêm,bùn đất trên đường nhão nhoét , đỏ au như bùn ruộng mạ .Mọi người đi dép cao su lội trong bùn nó trơn tuột ,dép một nơi ,bàn chân đi một nẻo,trượt chân ngã liên tục,ba lô quần áo lấm lem bùn đất.Cách tốt nhất là tháo dép xách tay đi chân trần ,dùng mười ngón chân bấm xuống đường dò dẫm đi từng bước một trong đêm tối mịt mùng , không một ánh đèn , ngọn đuốc nào được thắp sáng.Trên trời máy bay địch luôn quần thảo , gầm rít.Toàn là lính mới tò te ,lần đầu mới biết thế nào là chiến trường , thế nào là rừng núi Trường sơn.Lúc này chỉ cần anh bật máy lửa hút thuốc là bị lính quát,chửi tục mặc dù lúc đó không còn nghe tiếng máy bay nữa.Đi cạnh chiến sỹ giao liên tôi hỏi anh!
Sắp dến trạm chưa anh?
Còn khoảng hơn hai tiếng nữa thì tới; anh đáp!.
Tôi chỉ mong nhanh đến trạm để được nghỉ ngơi vì người đã thấm mệt.Đi thêm một đoạn tôi ngửi thấy mùi khét lẹt của đạn bom,mùi cây cỏ ngai ngái bị đạn bom xé nát.Nhìn thấy khẩu pháo cao xạ 57mm bị trúng bom nằm biến dạng ngay cạnh đường chúng tôi hành quân. Anh giao liên nói :
- Tối qua máy bay địch vừa oanh tạc trận địa pháo của ta ,gây cho ta những thiệt hại đáng kể !
Tôi nghĩ chắc đây là lý do mà cánh lái xe thả quân giữa đường,vì chúng tôi hành quân hoàn toàn trên đường ô tô chứ đâu phải đường mòn.Đêm đó chúng tôi hành quân suốt đêm đến gần sáng mới đến bãi tập kết. Đúng là giờ cao su của lính giao liên.Được nghỉ một ngày ở trạm 5 Đúng là:
Cái đêm trạm 5 để nhớ suốt đời
Cái đêm TRường sơn chúng tôi mới biết
Đường Trường sơn mưa lầy ,máy bay gầm rít
Chiến trườngđây ,tiếng bom pháo dội về……
Sáng hôm sau , 6 giờ chúng tôi tiếp tục hành quân theo đường mòn .Trời thi thoảng lại có cơn mưa ập đến , đường trơn lại ngã bậm bạch , vì là mùa mưa nên vắt ,muỗi nhiều vô kể . Cứ khi nào chúng tôi được giải lao 10 phút liền tìm những hòn đá to hoặc những thân cây gỗ khô ven đường trèo lên ngồi đó nghỉ . Nhìn những con vắt thấy hơi người chúng vươn cái đầu và người lên để định hướng lúc nhúc trông như những chiếc gai bất chợt được mọc lên trên mặt đất vậy.Nhìn cảnh đó ai chưa từng tiếp súc với loài vật này cũng cảm thấy rùng mình . Chỗ nghỉ giải lao của chúng tôi cũng cùng với chỗ nghỉ của anh em từ trong miền nam ra miền bắc, họ đều là lính cũ đã dạn dày trong chiến trận. Cánh lính chúng tôi hỏi han nhau về quê quán để nhận đồng hương.Tôi thấy họ đi dép cao su tự cắt từ lốp ô tô, chân anh nào cũng đi tất.Tôi phỏng đoán chắc để chống muỗi và vắt.Rồi tò mò hỏi một anh ngồi cạnh tôi:
- Sao các anh đều phải đi tất thế?
Anh cười và nói :
- Để chống muỗi và vắt , nhưng cái chính là để chống trơn, lội bùn thoải mái không bị trơn,bị ngã.Tôi cảm ơn anh và nhận được BÀI HỌC ĐẦU TIÊN.
Tôi vội lục ba lô lấy ra đôi tất còn mới thực hành ngay. Thật hiệu quả ngoài sức mong đợi. Ồ tại sao khi huấn luyện tân binh họ không phổ biến kinh nghiệm này nhỉ?
…. Đã hơn một tuần hành quân bộ vượt suối, trèo đèo theo đường mòn có giao liên dẫn đường.Chúng tôi bước đầu đã dần thích nghi với điều kiện cuộc sống mới. Có ông nhạc sỹ nào đã viết trong ca từ có cụm từ :ĐỜI BỘ ĐỘI QUEN VỚI GIAN LAO,song thật lòng, chẳng ai thích, chẳng ai muốn cứ phải quen với gian lao làm gì cả ! Lịch trình hành quân hàng ngày 5 giờ sáng báo thức sau đó ăn uống, 6 giờ hành quân,thường là khoảng 3đến 4 giờ chiều mới đến trạm giao liên mới.Ngày hôm sau lại vẫn tiếp tục diễn ra như vậy.Hôm đó chúng tôi hành quân đến trạm nghỉ thì trời nhá nhem tối bộ đội tản ra tìm chỗ mắc võng .Trời hôm đó không mưa thật may mắn .Tôi cũng tìm được chỗ ngủ cho mình cạnh đó có một búi luồng to bằng bắp tay,tôi chặt chừa phần gốc khoản 1,4m để lại để buộc dây võng vào đó còn phần câyluồng còn lại buộc lên trên làm đòn nóc để căng tăng che mưa.Sau khi ăn cơm tối xong nhanh chóng vể võng của mình nghỉ ngơi sau một ngày hành quân vất vả . Giấc ngủ đến với tôi có lẽ rất nhanh . Gần nửa đêm tôi thấy lành lạnh dưới lưng mơ mơ màng màng kéo vỏ chăn đang đắp độn xuống dưới và ngủ tiếp. Đến quá nửa đêm lại thấy lạnh lưng tôi kéo nốt màn vùi xuống và ngủ thiếp đi .Có lẽ thời gian cũng chẳng được lâu võng và chăn màn,áo quần phần sau lưng đều ướt dẫm nước.Lúc đó tôi cũng chẳng hiểu vì sao ,trời không mưa mà tôi lại bị ướt như vậy.Tôi co do vì rét nên ngồi thức đến sáng không tài nào ngủ được.Sáng tôi tìm thủ phạm gây ra sự cố trên không ai khác chính là phần gốc của cây luồng còn lại sau một đêm nó đã cung cấp một lượng nước để đủ làm ướt chăn màn,võng ,quần aó của tôi.Sự cố trên đã dạy cho tôi MỘT BÀI HỌC NHỚ ĐỜI về việc mắc võng thế nào không bị nước chảy vào .
... Trên đường hành quân chúng tôi nấu ăn theo tiểu đội.M ỗi tiểu đội được biên chế một soong 50 và một soong 25,chúng tôi phân công nhau nấu nướng.
Đến chỗ nghỉ nhanh chóng triển khai mỗi người một việc .chúng tôi không đào bếp Hoàng Cầm mà chặt 3đoạn cây tươi đóng xuống đất làm như kiềng 3 chân rồi đặt nồi lên nấu. phân công một anhchuẩn bị một ít nước thi thoảng lại dội vào 3 chân kiềng bằng gỗ để chống cháy đến khi nào cơm chín thì thôi.Hôm nay mới đi được 20 phút chúng tôi đã phải leo một con dốc gần như thẳng đứng . Đường mòn chỉ đủ cho một người đi, leo lên gần như đầu anh nọ chạm vào đít ba lô anh kia chậm chạp bò lên trông như đàn kiến vậy.Mệt muốn đứt hơi,tôi không dám ngước nhìn lên trên nữa vì càng nhìn lên trên càng ngại leo,thôi thì cứ cắm mặt xuống chậm trãi leo lên. Bỗng nghe thấy tiếng chim hót:
‘ Bắt cô trói cột’
Một anh nào đó đi trước tôi một đoạn quay xuống nói to :
‘Cấp trên bắt buộc’.
Tôi nghe thấy tiếng ông Huấn chính trị viên tiểu đoàn đang ở phía dưới dốc cách tôi chừng 70m quát to.
Đồng chí nào nói đấy?
Anh chàng nào đó đâu có chịu im,mà lại càng nói to như thách thức:
‘Cấp trên bắt buộc’
Lính lại được một trận cười nghiêng ngả thế là cũng vơi đi cơn mệt nhọc trong người. Đường chúng tôi hành quân chỉ thấy núi và núi,leo rồi lại leo rất ít khi được đi trên đường bằng.Đến 4 giờ chiều đến vị chí tập kết hý hửng tìm chỗ để mắc võng.Lệnh của tiểu đoàn yêu cầu các đơn vị nhanh chóng cho bộ đội nấu ăn sớm.
Đúng 6 giờ tối tiếp tục hành quân vì phải cắt qua quốc lộ 9 không thể đi vào ban ngày vì sợ địch phát hiên được. Tiểu đội tôi hôm nay được bố trí đi đầu tiên trong đội hình tiểu đoàn ,nên cùng đi với anh giao liên dẫn đường.Lúc triển khai nấu cơm tôi tranh thủ tìm hiểu về anh
Anh tên Thắng , quê ở thị xã Phú Thọ,anh vào Nam từ năm 1967, tôi vội bắt tay anh và nói em cũng ở Vĩnh Phú đây và toàn bộ tiểu đoàn toàn quân Vĩnh Phú cả anh ạ . Em ở Lâm Thao , cách nhà anh gần 20km.
Nhận ra đồng hương chúng tôi nhanh chóng trở nên thân mật hơn.Anh nhìn chúng tôi triển khai nấu cơm anh góp ý . Các em đóng cọc để kê bếp nấu cơm đóng rộng nó ra ,hơi chếch 60 độ để đầu cọc chống vào mép cuả nồi. Thay vì chống vào đáy nồi như các em vẫn làm như vậy khi nấu lửa không bao giờ cháy đượcvào cọc.Qủa thực đúng như vậy dù có nấu đến 4 hoặc 5 nồi nữa vẫn vô tư không bị cọc cháy.A nh còn dạy chúng tôi cách cho củi vào đun để không khói với các loại tre nứa khi cho vào chẻ ra cho bụng ngửa lên không được úp xuống .khi bếp khói nhanh chóng dùng cành lá cây xua bên trên để khói tản ra.vào đây bầu trời không lúc nào vắng các loại máy bay trinh sát ov10 hoặc L19 của địch.Những điều anh chỉ bảo đó là những BÀI HỌC VÔ CÙNG HỮU ÍCH cho chúng tôi sau này.
…..Sau gần 3 tháng hành quân bộ chúng tôi đến huyện Sa Thầy phía bắc thị xã KON TUM.Anh em trong tiểu đoàn lính mới được phân bổ xuống các đơn vị trong toàn trung đoàn.Tôi cùng bốn anh em đoàn Lâm Thao được bổ xung vào đại đội thông tin C16 của e66-f10.Về đơn vị mới hoàn toàn bỡ ngỡ và mới lạ,nhưng tình cảm cán bộ chiến sỹ gắn bó thân thiết như anh em ruột thịt trong một gia đình.phần nào đã động viên giúp chúng tôi nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở đơn vị mới . Các anh lính cũ luôn lấy sự gương mẫu của mình là mệnh lệnh không lời cho chúng tôi chấp hành và học tập.Dạy bảo chúng tôi cặn kẽ những kỹ năng trong chiến đấu,trong cuộc sống hàng ngày của người lính chiến .Ở với các anh mới có thời gian ngắn tôi thấy mình thay đổi và trưởng thành lên nhiều. Các anh lính cũ trong đơn vị ngoài võng ra thì 100 phần trăm đều có chiếc bọc võng bằng dù do các anh tự khâu lấy để trang bị cho mình.Đây cũng là lần đầu tiên vào chiến trường tôi được biết chiếc bọc võng thay màn chống muỗi rất tốt.duy nhất tại thời điểm này chỉ có cánh lính mới chúng tôi là còn dùng màn để ngủ.Tôi cũng ao ước làm sao có được chiếc bọc võng như các anh.Một chiếc bọc võng phải cần 6 múi dù pháo sáng mà dù pháo sáng phải loại máy bay thả ấy thì mới làm đủ.Bản thân dù pháo sáng là màu trắng phải tìm thuốc mìn pháo sáng của địch. Chọn thuốc mìn pháo sáng có mầu tím hoa cà là đẹp nhất. Mang về tháo ra lấy thuốc hòa vào nước rồi đun sôisau đó cho dù vào nhuộm màu vừa đẹp vừa bền. Ở Tây nguyên muỗi nhiều,nhưng khi nào mà ở gần vùng lầy lội buổi tối khổ nhất là bị dĩn đốt nó khó chịu gấp nhiều lần so với muỗi đốt chúng chỉ đốt vào ban đêm .Cứ chỗ nào da thịt hở ra là chúng bâu lại tấn công,mặt mũi rát ràn rạt khó chịu vô cùng lúc này có nằm màn cũng vô tác dụng vì chúng chui vào được hết.chỉ có mỗi bọc võng là trị được.Những chiếc BỌC VÕNG đối với người lính chiến ở những vùng rừng núi tác dụng của nó tuyệt vời như vậy mà sao Cục quân nhu - Tổng cục hậu cần không nghiên cứu trang bị cho bộ đội thay cho chiếc màn.?? Hầu hết những chiếc màn sau này lính ta đều bỏ hết,thay vào đó là những chiếc BỌC VÕNG cho mình.
Nhớ lại những năm tháng không thể nào quên.Những mẩu chuyện không đầu không đuôi của người lính Tây nguyên một thời như thế đó các bạn ạ .