NGÀNH XE MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN NHỮNG NĂM KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

                                 Đại tá PHẠM CANG

Tháng 10 năm 1967, ban xăng xe Tây Nguyên ra đời. Tôi được bổ nhiệm làm phó ban, rồi trưởng ban. Nhưng lúc đó cả chiến trường Tây Nguyên chưa có một chiếc ô tô nào, chỉ toàn xe đạp thồ. Đến tháng 11 năm 1967, mới mua được hai xe Lan Rơve của tư thương Cam-pu-chia. Đây là 2 xe đầu tiên của chiến trường Tây Nguyên (anh em gọi là xe Lăng bụi tre). Lực lượng xe cơ giới của B3 phát triển khá nhanh, đến năm 1968, toàn chiến trường đã có các binh chủng kỹ thuật, pháo binh, cao xạ, đã có 84 xe gồm nhiều nhãn hiệu khác nhau. Đặc biệt có 11 xe tăng lội nước PT76, của Đại đội xe tăng 16. Nhân lực có 116 lái xe, 15 đồng chí lái ca nô và 15 đồng chí thợ sửa chữa xe do đồng chí Khánh phụ trách. Như vậy, từ năm 1965, tôi đã có mặt ở chiến trường Tây Nguyên và bền bỉ bám trụ cho đến 1975 tính ra là 10 năm. Ai đã từng ở Mặt trận B3, từng trải qua những mùa mưa mới thấy được hết sự gian khổ của người lính. Bệnh tật, sốt rét rừng và đói, là chuyện thường ngày. Đói khủng khiếp, đói vàng mắt. Vào mùa khô, xe chạy được thì cán bộ, chiến sĩ ở Tây Nguyên mới được no. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, mới biết tình người, tình đồng chí thật quý vô cùng. Chúng tôi chia nhau từng củ khoai, củ sắn, mẩu thuốc vụn. Thèm thuốc quá, phải hút cả râu ngô. Tôi nhớ hồi đó, tôi thường nhờ anh Chấc người ở Ninh Hòa, Khánh Hòa là Đại đội trưởng C141 (Đại đội xe đầu tiên ở chiến trường Tây Nguyên) mang mấy bộ đồ đi đổi thuốc. Sau này gặp, nhắc lại chuyện là nhận ra nhau ngay. Không chỉ đói, và thiếu thốn đủ thứ, B3 còn là một chiến trường không kém phần ác liệt. Địch mở nhiều chiến dịch lớn hòng tiêu diệt các đơn vị chủ lực của ta, cắt đứt hành lang chi viện theo đường mòn Hồ Chí Minh. Trong đó điển hình là chiến dịch Plei Me tháng 10 và 11 năm 1965. Nhiệm vụ vận tải hậu cần cho Mặt trận rất cấp bách, tôi và anh Tổ ở bộ phận kế hoạch phải tìm một con đường ngắn nhất và an toàn nhất. Chúng tôi rất vui mừng vì anh Kiều Tổ là cán bộ hậu cần đầu tiên, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, vì là người đã có công soi đường, tìm ra con đường đó.
Sau Tết Mậu Thân 1968, địch đã hoàn hồn và quay sang càn quét dữ dội. Để bảo toàn lực lượng, toàn bộ xe tăng và xe pháo hạng nặng cùng các loại binh khí, khí tài không chuyển về hậu cứ được, phải đào hầm cất giấu. Các Trường Quân chính, Trường Thiếu nhi dân tộc, Trường Đào tạo y sĩ và cán bộ, chiến sĩ bệnh tật, ốm yếu đều được chuyển ra miền Bắc. Các đơn vị còn lại đều được chuyển vê khu cầu Lầy, nằm sát biên giới Cam-pu-chia, là trung độ tuyến hành lang chiến lược qua Tây Nguyên, nối liền với cửa khẩu VQ5, để học tập và tăng gia sản xuất, sắn (củ mỳ) là cây rất dễ trồng và rất thích hợp với vùng đất Tây Nguyên. Các đơn vị được giao chỉ tiêu mỗi người trồng 500 gốc. Nhưng Trung đoàn 66 đã trồng mỗi người 1.000 gốc. Các cơ quan ở Mặt trận B3 đều thành lập bộ phận chỉ huy tăng gia sản xuất. Bộ Tư lệnh B3 thành lập Ban sản xuất do đồng chí Đặng Văn Lục làm Trưởng ban. Mỗi lần xuống đơn vị kiểm tra, anh Lục không tài nào đếm được số lượng chính xác gốc sắn đã trồng. Anh liền nghĩ ra một sáng kiến, người đi kiểm tra rẫy sắn của các đơn vị phải mang theo một bó lạt (chẻ từ cây nứa) đã đếm trước, mỗi bó 500 sợi, cứ một gốc sắn lại cột một sợi giây. Cách này có vẻ hơi "thủ công", nhưng khá chính xác. Sau khi tổng hợp, đơn vị có cá nhân không đạt chỉ tiêu sẽ bị phê bình nặng, cán bộ phụ trách bị giáng chức và phải kiểm điểm trong chi bộ. Thời kỳ đó, lương thực của B3 chủ yếu là sắn, còn gọi là "cơm to". Còn "cơm nhỏ" là gạo dành cho bệnh xá, cho người ốm. Mặc dù anh em rất tự giác, nhưng vẫn phải kiểm tra chặt chẽ và kỷ luật nghiêm khắc. Nếu không, sẽ không có gì ăn để bám trụ. Ngày ấy, anh em hay nói vui "ăn để mà sống, chứ đâu phải sống để ăn".
Cuối tháng 2 năm 1971, xe ô tô không chạy được từ cánh Nam ra cánh Bắc. Để đảm bảo nhu cầu vật chất cho chiến dịch, phải vận chuyển bằng xe đạp thồ. Các đơn vị vận tải bộ được cấp khoảng 100 chiếc. Từng đoàn xe đạp thồ nối đuôi nhau đông vui như trẩy hội. Sức chở ngày càng được nâng cao, từ 100kg/xe lên 150kg/xe, vậy mà vẫn chưa bảo đảm nhu cầu cho chiến dịch. Trong cái khó ló cái khôn. Ban Xăng xe có sáng kiến, tháo rời 2 chiếc xe ô tô ra từng bộ phận, giao cho bộ đội vận tải khiêng, vác qua đèo cao, dốc đứng. Đến đoạn có đường xe thồ, thì anh em mở rộng thêm đường, lắp xe vào chạy. Xe Gaz chạy suốt đoạn đường từ trạm Q8 đến Qll dài khoảng 20km. Xăng dầu phải mua từ Cam-pu-chia, vận chuyển bằng đương bộ về cung cấp cho xe chạy. Đã có 2 đồng chí hy sinh bị xăng đốt cháy. Trong khu rừng rậm gần biên giới Cam-pu-chia, từng đoàn người xuôi ngược nối tiếp nhau đi giữa ban ngày, lại có tiếng máy nổ của xe ô tô, thấy thật khí thế. Đúng là "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù".
Trong năm 1971, Bộ tiếp tục bổ sung cán bộ kỹ thuật và trang bị cho chiến trường Tây Nguyên. Ban Xăng xe B3 được bổ sung hai kỹ sư ô tô, là các anh Lê Hồng Thái; Nguyễn Văn Minh và một số cán bộ kỹ thuật: các anh Cương; anh Hải; anh Quân; anh Xoa... Anh Nguyễn Văn Nhã và anh Tường phụ trách xăng dầu, còn anh Hồng phụ trách xe đạp. Thêm một Tiểu đoàn vận tải ô tô 827 do anh Nàm phụ trách và một đại đội ô tô ở cánh Bắc. Thêm một trạm tiểu tu ô tô, một trạm tiểu tu xe xích và một Trạm sửa chữa xe đạp thồ. Như vậy lực lượng vận tải do hậu cần quản lý có gần 600 chiếc xe đạp thồ, 23 ca nô các loại, tập trung ở cánh Trung và trên 106 xe ô tô các loại ở cánh Bắc, kho chứa xăng dầu khoét sâu trong lòng núi, lắp đặt bế sắt to ở cánh Bắc một kho và ở cánh Nam một kho. Đến thời điểm này, đường vận chuyển ta còn mở rộng sang hướng đoàn 671 (Cam-pu-chia). Tuyến cơ giới kết hợp đường sông và đưòng bộ dài khoảng 300km.
Mùa mưa năm 1971, công tác hậu cần gặp nhiều khó khăn. Bộ Tư lệnh B3 cử tôi và anh Nguyễn Khoách mang theo máy bộ đàm 15W, cùng 5 chiến sĩ bảo vệ đi đến đồn điển cao su ở Bản Lung Cam-pu-chia bắt liên lạc Đoàn 671. Sau khi xác định tọa độ điểm đến trên bản đồ, chúng tôi xuyên rừng từ căn cứ B3 đến đồn điển cao su ỏ Bản Lung, tỉnh Monđunkiri nước Cam-pu-chia. Hơn 10 ngày đêm vất vả, khi bắt được liên lạc với người của Đoàn 671 mới cho một số anh em về hậu cứ xin lực lượng mở đường xe thồ, dài khoảng 30km. Đoàn 671 do ông Dũng (Dũng méo) Phó Tư lệnh B3 phụ trách đóng ở khu rừng ngoại ô thị xã Strung Treng, tiếp nhận hàng viện trợ của miền Bắc và mua hàng từ Phnôm Pênh, chuyển ra bằng xe máy. Tôi và anh Khoách ở lại. Anh Khoách phụ trách kế hoạch, tôi phụ trách công tác vận tải hàng. Nhờ sự giúp đỡ của một số Việt kiểu ở đó, chúng tôi đã thuê được 2 xe tải lớn chở hàng tập kết ở bờ sông Xêrêpốc. Còn bờ sông bên kia cũng có một tiểu đoàn vận tải bộ, tiếp nhận và dùng nhiều phương tiện khác nhau đưa hàng vể binh trạm Trung. Sau khi ta giúp bạn giải phóng Bản Lung, địch bỏ chạy để lại một số phương tiện. Trong đó, có cả xe khai thác gỗ của dân, chúng không dám quay lại lấy xe. Tôi tổ chức thu hồi trên 20 xe. Để đảm bảo có hai xe chạy thường xuyên, chúng tôi có phương châm hỏng đâu thay đó, râu ông nọ cắm cằm bà kia, miễn là xe chạy được. Trong hoàn cảnh khó khăn lúc ấy, nhìn xe chạy mà cười ra nước mắt. Việc làm tuy nhỏ, nhưng đã chuyển hàng về kho của Binh trạm Trung, nhanh hơn và nhất là giảm được gần một tiểu đoàn vận chuyển bộ. Đầu mùa khô năm 1972 tôi về lại đơn vị, cùng với ngành Xe B3 chuẩn bị kỹ thuật cho nhiệm vụ mới.
Mùa xuân năm 1972, với khẩu hiệu "Trường Sơn chuyển mình, Pô Cô dậy sóng", xe tăng, xe tải phủ kín lá ngụy trang, len lỏi trên những con đường mới mở vượt núi, băng đèo. Bộ đội hành quân bí mật đêm ngày, theo kế hoạch. Ngày 24 tháng 4 năm 1972, cứ điểm Đắk Tô, Tân Cảnh bị tiêu diệt. Cờ giải phóng tung bay trên các công sở và các tòa nhà chính của thị trấn, địch hoang mang. Bộ đội ta đánh đuổi địch đến chân cầu sắt cách thị xã Kon Tum không xa. Ngành xe chúng tôi phấn khởi lắm. Đường 18, rồi đường 14 được giải phóng rộng thênh thang. Phải có nhiều xe chạy, thì cả miền Nam mới mau giải phóng. Nghĩ như vậy, nên không cần ai động viên: Cán bộ, thợ, lái chúng tôi đều sục sạo, lùng tìm xe máy khắp nơi, tranh thủ lôi kéo cho bằng được về đơn vị. Thời ấy đã có xe hệ 2 do các nước tư bản sản xuất nhưng mà có được học đâu mà biết cách sử dụng, sửa chữa mò mẫm mãi rồi anh em thợ, lái cũng sử dụng được, tuy không thành thạo lắm. Cuối cùng, toàn ngành cũng thu được trên 20 xe. Trước mắt, trang bị cho mỗi Ban một xe Jeep chạy cái đã, rồi sẽ tính sau. Nhiều dụng cụ máy móc khác sửa chữa đỡ khó khăn hơn. Nghe một lái xe ở chế độ Sài Gòn nói, trong các loại xe GMC có loại rất hiện đại, có thể chạy được cả xăng và dầu. Nhưng bản thân anh này cũng không biết rõ nguyên lý cấu tạo hoạt động ra sao? Tính tò mò, tôi bảo anh em đổ xăng chạy thử xem ra sao. Xe chạy đi, chạy lại trên đường 14 chưa được 10km thì chết máy, đề không nổ, đẩy không đi, kéo cũng không chạy, nhiệt độ máy rất cao, đành phải tháo trục truyền mới kéo về được. Sau ngày giải phóng Sài Gòn, tôi mới được anh Vinh kỹ sư của Cục ô tô giải thích, loại xe này có bộ phận điều chỉnh trị số ốc tan kích nổ, không cần tia lửa điện, nhưng chỉ sử dụng cấp bách khoảng 5km thôi.
Chiến trường B3 có độ ẩm cao, thời tiết khắc nghiệt, xe để trong hầm phân tán khắp nơi. Các đơn vị đóng quân xa cách nhau từ một đến vài ngày đường đi bộ. Gian khổ cơ cực vô cùng, nhưng chúng tôi vẫn làm tốt nhiệm vụ. Vì so với các đơn vị chiến đấu ngày đêm ở phía trước có thấm thìa gì đâu. Khó đến mấy, thiếu thốn đến mấy cũng phải khắc phục bằng được. Đơn vị có 26 xe xích kéo pháo Đ74. Loại xe ATC-59 của Liên Xô thì ít bị hỏng bộ phận ly hợp. Còn xe xích của Trung Quốc K-60 thì thường hỏng bộ phận này. Anh Tuyển kỹ sư đã mày mò nghiên cứu, dùng ly hợp xe Liên Xô lắp thế vào xe Trung Quốc thành công. Mừng quá, anh em chuyển cho nhau điếu thuốc lá Điện Biên còn sót lại ỏ cốp xe. Má phanh xe URAN mòn hết đinh tán, phanh không ăn, vật tư không có để thay. Anh em lái xe đề nghị anh Tuyến chủ nhiệm xe 234, dùng gỗ Bằng Lăng thay thế, vì quá bức xúc mà nghĩ quẩn thế thôi, cuối cùng cách tốt nhất là lấy má phanh trước đổi cho phanh sau chạy tạm. Bình điện yếu khởi động xe không nổ được, thì dùng nhiều bình đấu lại hoặc lấy bình điện tốt của xe này, để nổ cho xe khác, cứ thế cho đến khi hết xe thì thôi.