TRÒ CHUYỆN VỚI 2 NHÀ VĂN LÍNH TÂY NGUYÊN

TRÒ CHUYỆN VỚI 2 NHÀ VĂN LÍNH TÂY NGUYÊN
             Nguyễn Đình Thi

Sau tết năm 2018, nhà văn Nguyễn Trọng Luân nhắn tin hẹn tôi:
- Anh Thi ơi! Hôm nào rảnh, anh rủ Bảo Ninh mình ngồi với nhau nhé !
   Tôi đồng ý và nhận đứng ra tổ chức buổi gặp này. Tưởng rằng tôi, nhà văn Bảo Ninh, nhà văn Nguyễn Trọng Luân đều ở nội thành Hà Nội chắc chẳng khó khăn gì, a lô một cái là gặp nhau được ngay thế mà hoá ra lại rất khó. Khi tôi gọi điện cho nhà văn Bảo Ninh, lúc nhà văn Bảo Ninh đi công tác nước ngoài, lúc thì Nhà văn về quê có việc dòng họ ở tận Quảng Bình, lúc thì ốm. Khi nhà văn Bảo Ninh có mặt ở Hà Nội lại đến lượt nhà văn Nguyễn Trọng Luân bận, lúc thì anh đi Tây Nguyên lo việc xây nhà bia ở Chư Bồ, rồi lại xây nhà bia ở điểm cao 1015, rồi việc của đồng đội Sư đoàn 320. Nói chung, cả 2 ông nhà văn này tuy tuổi đã cao, tưởng chừng an nhàn ở nhà thế mà chẳng mấy khi rảnh rỗi. Mãi đến hôm nay , sau đến 3 tháng hẹn hò chúng tôi mới ngồi được với nhau. Nhà văn Bảo Ninh với tôi thì rất gần gũi vì chúng tôi cùng sống, chiến đấu ở Trung đoàn 24 - Sư đoàn 10 nên thường xuyên gặp nhau. Còn nhà văn Nguyễn Trọng Luân ở Sư đoàn 320, cùng Lính Tây Nguyên với tôi và Bảo Ninh, tôi nghe tên anh đã lâu nhưng mới quen thân anh khoảng 2 năm nay. Thời gian chúng tôi giao tiếp với nhau chưa nhiều nhưng tôi rất quý mến anh bởi nhân cách và tài năng của anh .
      Với độc giả Việt Nam, tên tuổi nhà văn Bảo Ninh đã trở nên quá quen thuộc, anh không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn khá nổi tiếng trên văn đàn thế giới. Anh là nhà văn duy nhất của Việt Nam cho đến nay nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Châu Á. Tác phẩm NỖI BUỒN CHIẾN TRANH của anh đến nay được phát hành tới 16 nước trên thế giới, được Hội đồng dịch giả thuộc Hội nhà văn Anh đánh giá là tiểu thuyết đương đại viết về đề tài chiến tranh hay nhất và được xếp thứ 37 trong số 50 tác phẩm xuất sắc nhất dịch sang tiếng Anh nửa thế kỷ qua như : CHIẾN TRANH VÀ HOÀ BÌNH, TRĂM NĂM CÔ ĐƠN, NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PA RI ...
Cùng xuất thân từ lính trinh sát , Bảo Ninh là trinh sát của Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 , còn Nguyễn Trọng Luân là trinh sát của Trung đoàn 64 - Sư đoàn 320. Nhà văn Nguyễn Trọng Luân tuy không có tác phẩm được giải cao như nhà văn Bảo Ninh nhưng anh cũng có nhiều tác phẩm được nhận giải thưởng: Giải tư cuộc thi truyện ngắn và ký trên tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2012 – 2013; Giải nhì cuộc thi truyện ngắn và ký trên tạp chí Cửa Việt năm 2012; Giải nhà văn xuất sắc trong năm của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2007 – 2008. Nguyễn Trọng Luân không chỉ sáng tác văn xuôi mà anh còn sáng tác cả thơ, nhạc, kịch. Đến nay anh đã có tới 12 đầu truyện. Văn của Trọng Luân nhẹ nhàng mà sâu sắc. Cách viết, cách kể của anh cứ như chơi chơi nhưng rất cuốn hút người đọc. Anh không viết theo kiểu “hô khẩu hiệu” một cách sáo rỗng, nhàm chán mà chân thật và thấm đẫm chất nhân văn. Bài nào của anh tôi đọc cũng cảm nhận được một nỗi đau thời đại, nỗi xót thương đến tột cùng đối với anh em, đồng đội và một nỗi thương cảm bao la đối với số phận thiệt thòi, bi thảm của những nạn nhân chiến tranh.
    Cũng lấy làm lạ, thường các ông nhà văn, nhà thơ ngồi với nhau là trên trời, dưới biển chuyện văn chương, thế mà chúng tôi ngồi với nhau, không ai đả động gì chuyện văn chương, rặt chuyện lính. Nhà văn Nguyễn Trọng Luân bảo: Cũng là lính nhưng lính Tây Nguyên vẫn có một cái gì đó khác biệt với lính ở chiến trường khác, chỉ cần nhìn cách họ đào hầm, cách họ cắm cọc đun nấu cũng biết ngay là Lính Tây Nguyên. Đúng vậy! Có lẽ do chiến trường ở đây khắc nghiệt quá nên người lính Tây Nguyên phải thích nghi với hoàn cảnh để tồn tại. Chính vì vậy cái gì người lính Tây Nguyên cũng biết làm và làm thành thạo, từ việc dựng nhà, tăng gia , làm nương rẫy, đan lát đến khâu vá ... tất tật . Đặc biệt là ca cóng thì rất tài. Họ có thể vừa hành quân mà vẫn nấu được cơm, dừng nghỉ một lát là có thể chặn suối bắt cua, bắt cá cải thiện bữa ăn ngay. Nghe tiếng pháo địch bắn biết là tiếp tục đi hay nằm, nhìn bom địch thả từ máy bay biết nó nổ chỗ mình hay rơi chỗ khác. Nói chung họ là những người lính rất năng động, tháo vát.
    Nhớ lại những ngày ở Tây Nguyên, nhà văn Bảo Ninh bảo : Sao những ngày sống ở Tây Nguyên mình chịu đựng giỏi thật, bao nhiêu là khó khăn, gian khổ vẫn chịu đựng được. Riêng chịu đựng sốt rét thôi cũng đã thấy ghê rồi. Tôi mấy lần phải đi Viện 211 vì sốt rét. Có lần bị sốt rét ác tính, cận kề cái chết, phải điều trị hàng tháng trời. Nghĩa trang của Viện 211 hồi đó có tới hàng ngàn bộ đội ta chết, chôn ở đây, trong đó có khá nhiều người chết do sốt rét, không hiểu số anh em này sau đã chuyển về nghĩa trang Liệt sỹ chưa? Nhà văn Nguyễn Trọng Luân thì kể: Vào tới chiến trường tôi tưởng được ra Mặt trận ngay, ai dè cả Tiểu đoàn phải đi làm nhiệm vụ thu hoạch sắn tận 2 tháng trời, tiêu chuẩn được 2 lạng gạo mỗi ngày, còn toàn sắn. Sau này mới hiểu sắn đối với bộ đội Tây Nguyên quan trọng như thế nào. Có một sự kiện nhà văn Nguyễn Trọng Luân kể bây giờ tôi mới được biết. Anh bảo: Khoảng hơn 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, Trung đoàn 64 của anh đang ở khu vực Cầu Bông ( cầu An Hạ bây giờ ) thì nhận lệnh của Quân đoàn cơ động cấp tốc đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. Phó chính ủy Quân đoàn Phí Triệu Hàm trực tiếp chỉ huy cánh quân này. Đến ngã tư Bảy Hiền do đường tắc, mũi Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 đánh theo đường Lê Văn Duyệt, mũi Tiểu đoàn 8 tiến theo đường Võ Tánh, Trương Minh Giảng. Chừng hơn 10 giờ, mũi đi đầu của Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 tiến tới khu vực phía sau Dinh Độc Lập. Vào thời gian đó, Quân đoàn 2 vẫn chưa tới Dinh Độc Lập nhưng vì khu vực phía sau Dinh Độc Lập địch lập nhiều lô cốt, ụ súng chúng chống trả quyết liệt. Cánh quân của Tiểu đoàn 7 và 9 đánh nhau ở đây mất khá nhiều thời gian nên khi vào được Dinh Độc Lập thì Quân đoàn 2 đã chiếm xong rồi. Hoá ra ngày 30/4/1975 , Quân đoàn 3 có tới 3 cánh quân đánh vào 3 mục tiêu quan trọng nhất Sài Gòn (Sư đoàn 10 có Trung đoàn 24 đánh Sân bay Tân Sơn Nhất, Trung đoàn 28 đánh Bộ Tổng Tham mưu, Sư đoàn 320 có Trung đoàn 64 đánh Dinh Độc Lập). Thế mới biết Tướng Vũ Lăng thật sắc xảo và quyết đoán , chỉ tiếc ông chưa gặp thời .

Nhắc tới cuộc chiến ở Cam Pu Chia, nhà văn Bảo Ninh thắc mắc. Anh bảo: Vừa rồi tôi có đọc bài viết của anh gửi cho tôi ( bài tôi viết về cuộc chiến ở CPC ), không hiểu mình đánh đấm thế nào mà quân mình lại hy sinh nhiều như thế nhỉ? Quân Miên có gì ghê gớm đâu! tôi thật sự không hiểu nổi! Nghe nhà văn Bảo Ninh thắc mắc , nhà văn Trọng Luân kể : Một lần tìm tư liệu để viết bài , tôi được biết suốt những năm đánh Mỹ - Ngụy, Trung đoàn 64 của tôi hy sinh khoảng hơn 800 người, thế mà đánh Miên chưa đầy 2 năm, Trung đoàn của tôi hy sinh hơn 2800 người ! Thật quá sức tưởng tượng . Với tôi người trực tiếp tham gia cả hai cuộc chiến nên tôi hiểu rõ điều hai nhà văn thắc mắc. Hoàn cảnh cuộc chiến ở CPC hoàn toàn khác cuộc chiến trước đây mà 2 anh đã tham gia. Cuộc chiến này ta không có hậu phương liền kề. Ta phải đối phó với một cuộc chiến mới, một kiểu đánh mới. Kẻ địch vừa ở phía trước, vừa ở cả phía sau. Ngày trước đánh Mỹ - Ngụy, lính ở phía sau là yên tâm, là an toàn. Còn đánh nhau ở CPC thì ở phía sau cũng không an toàn. Rất nhiều lần các bộ phận đi sau bị tập kích. Sư 10 của tôi có lần lực lượng hậu cần, vận tải, quân y đi sau bị chúng tập kích, cháy gần chục xe, bị thương và hy sinh tới dăm chục, đến cả Tư lệnh Quân đoàn đi ở phía sau cũng còn hy sinh nữa là lính. Cuộc chiến ở CPC là vậy. Một cuộc chiến mà chúng ta phải trả cái giá rất đắt.
      Lan man chuyện, chúng tôi quay sang chuyện cuộc chiến ở biên giới phía Bắc. Tôi bảo cuối năm 1985 ,Sư đoàn 31 của Quân đoàn mình cũng lên tham chiến ở Hà Giang , Trung đoàn 24 - Sư đoàn 10 cũng có một tiểu đoàn lên đây tháng 3/1986 . Nhiều đồng đội Quân đoàn 3 cũng đổ máu hy sinh tại đây . Cuộc chiến ở biên giới Hà Giang kéo dài suốt từ 1984 sang tới năm 1986 mà người dân  trong nước như mình hầu như không biết gì . Sau này mới biết cuộc chiến ở đây thật ác liệt . Bộ đội ta hy sinh có tới hàng ngàn . Cũng chuyện biên giới phía Bắc . Tôi kể: tôi vừa có chuyến đi thăm tuyến vành đai biên giới phía Bắc. Khi đến Đài tưởng niệm Pò Hèn, nơi có các cô gái ở lâm trường Hải Ninh - Quảng Ninh và các chiến sỹ đồn biên phòng hy sinh khi đánh nhau với quân Trung Quốc tháng 2/1979. Đến đây thấy vắng vẻ, hiu quạnh, thương thương làm sao. Trong khi Đài tưởng niệm các cô gái ở ngã 3 Đồng Lộc quanh năm có người đến thắp hương, thăm viếng. Có thể ở đây một phần đường xá chưa thuận tiện, nhưng cái chính là sự đầu tư của Nhà nước và công tác truyền thông về địa danh này còn quá ít. Rất nhiều người dân trong nước không biết đến Đài tưởng niệm Pò Hèn . Theo tôi đây mới là nơi Nhà nước cần quan tâm đầu tư và thông tin nhiều hơn nữa để ngàn đời sau con cháu chúng ta không bao giờ quên kẻ gây ra cuộc chiến này .
     Vẫn lan man chuyện về Lính, chả mấy chốc trời đã sang chiều. Cơn mưa bất chợt làm trời Hà Nội dịu hẳn đi sau mấy ngày oi bức. Chúng tôi chia tay nhau nhưng dư âm của những câu chuyện tản mạn về Lính vẫn để lại trong lòng tôi một nỗi niềm khó tả.

Từ trái sang: Nhà văn Bảo Ninh, nhà văn Trọng Luân, Nguyễn Đình Thi