ĐI TÌM NGUỒN GỐC VÀ TÁC GIẢ CỦA HAI CÂU THƠ NỔI TIẾNG VỀ TÌNH CẢM ĐỒNG ĐỘI CỦA NGƯỜI LÍNH TÂY NGUYÊN THỜI CHỐNG MỸ

ĐI TÌM NGUỒN GỐC VÀ TÁC GIẢ CỦA HAI CÂU THƠ NỔI TIẾNG VỀ TÌNH CẢM ĐỒNG ĐỘI CỦA NGƯỜI LÍNH TÂY NGUYÊN THỜI CHỐNG MỸ

Từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước cho đến bây giờ chiến tranh đã lùi xa 50 năm, ở Tây Nguyên và trong các tổ chức Liên lạc Mặt trận Tây Nguyên B3 - QĐ3 xuất hiện hai câu thơ mà mỗi khi đọc lên mọi người đều xúc động, đồng cảm, đồng thời người đọc cũng cảm thấy nhẹ lòng vì đã nói lên được lòng mình với đồng đội còn nằm lại chiến trường và người đã trở về tìm lại thăm nhau.
Tây Nguyên ơi! Ai đã từng qua đó
Suốt cuộc đời nhớ lại vẫn thương nhau.
Hai câu thơ tuy không nói gì đến bom đạn, đến thương vong, bệnh tật, đói khát, song từng chữ đã gợi cho người lính Tây Nguyên hình dung ra tất cả mà cuộc đời của họ đã trải qua.Tây Nguyên ơi! Ai đã từng qua đó. Trước hết là tiếng gọi Tây Nguyên ơi! Ôi, sao hai chữ Tây Nguyên nó tha thiết, thiêng liêng đến thế! Không phải chỉ là địa danh, không phải chỉ là một vùng rừng núi cao nguyên, mà với người lính Tây Nguyên thì đây là cuộc sống chiến đấu của họ, của đồng đội, của người đã nằm lại và những người đã trở về và bây giờ ở đâu? Nó là nơi bom đạn ác liệt, nơi đói khát, bệnh tật mà họ đã vượt qua tất cả để chiến thắng kẻ thù, chiến thắng bệnh tật, chiến thắng cả bản thân mình, chiến thắng cả thần chết để cùng đồng đội lập nên chiến công hiển hách một thời. Những năm 60-70 ấy có ai chỉ cần qua đó, hành quân qua, gặp một trận oanh tạc của địch, phi pháo, B52, dự một trận đánh hoặc qua vài cơn sốt rét ác tính… cũng đã hiểu một phần về Tây Nguyên. Thế mà có các vị tướng Tây Nguyên, nhiều chiến sĩ Tây Nguyên đã bám trụ ở chiến trường Tây Nguyên từ năm 1964 đến sau năm 1975 của thế kỷ trước. Cho nên tình cảm đồng đội của người lính Tây Nguyên: Suốt cuộc đời nhớ lại vẫn thương nhau.
Người lính Tây Nguyên không thể quên những ký ức một thời ở Tây Nguyên và nhớ lại những năm tháng sống chết bên nhau, gian khổ, đói khát có nhau, nay may mắn trở về làm sao quên nhau được và nhớ lại thời gian ấy mới thấy thương nhau, vẫn thương nhau không phải chỉ 40 năm, 50 năm mà suốt cuộc đời vẫn thương nhau!Rất nhiều người yêu thích 2 câu thơ này, đưa vào bài nói, bài viết của mình mỗi khi nhắc đến tình cảm của người lính Tây Nguyên, nhưng hầu hết không ai biết 2 câu thơ này của ai? Nó ra đời từ bao giờ? Nhiều người tuổi về già, trí nhớ đã giảm, thời gian quá lâu nên quên vài chữ trong câu thơ. Mặt khác, có người vẫn giữ cốt lõi của 2 câu thơ, song sửa đi vài chữ cho phù hợp với ý của mình, và như để rõ hơn, sâu sắc hơn, có người mở đầu bài viết, hoặc có người kết thúc bài viết bằng 2 câu thơ này:
“Tây Nguyên (?) Ai đã từng qua đó,
Suốt cả cuộc đời mắc nợ nhớ thương nhau”
Cố thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên trong “Ký ức Tây Nguyên” của mình, ông cũng đưa hai câu thơ này vào. Ông viết: … “Trong suốt chặng đường chinh chiến hơn 10 năm trên đất Tây Nguyên, với tôi có biết bao kỷ niệm vui buồn. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày toàn thắng, nhớ làm sao hết, ghi làm sao đầy đủ được, nhưng chúng tôi rất tự hào vì đã một thời được làm người chiến sĩ Tây Nguyên, được vinh dự là “Bộ đội B3”… Những năm tháng gian khổ cơ hàn chỉ còn trong dĩ vãng. Rồi đây những Plei-me, Sa Thầy, Măng Yang, An Khê, Đắc Tô - Tân Cảnh, Ban Mê Thuột, Đường 7… sẽ đổi thay, những “Cổng trời”, “Bãi C1”, “Dốc trăm bậc”, “Cây đa gió lộng”, “Cầu lây” và cả bài ca “Cây sắn tiến công” sẽ đi vào sử sách. Song với người lính Tây Nguyên năm xưa thì dù ở cương vị nào và đang ở đâu, những năm tháng ấy vẫn thật gần gũi biết bao:Tây Nguyên ơi, ai một lần qua đó/Suốt cuộc đời nhớ lại vẫn thương nhau”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 và Trung tướng Tiêu Văn Mẫn, nguyên Phó tư lệnh chính trị QĐ3, Trưởng Ban liên lạc Bạn chiến đấu Mặt trận Tây Nguyên B3 - QĐ3, trong các bài diễn văn, bài viết về Tây Nguyên của mình, các ông đều nhắc đến 2 câu thơ này.Cố GS.BS Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Cao Đài đã ở Tây Nguyên từ năm 1966 đến năm 1973, ông là một thầy thuốc nổi tiếng ở Chiến trường Tây Nguyên và cả nước. Sau khi ra Bắc, ông xuất bản cuốn Truyện ký“Tây Nguyên ngày ấy”, Nxb Lao động, 1997, trang bìa 1 ông in hai câu thơ:Tây Nguyên ơi, ai đã từng qua đó/Trọn cuộc đời mãi mãi vẫn thương nhau”. Còn rất nhiều người khác cũng đã sử dụng 2 câu thơ trên trong bài viết , bài nói của mình. Cũng như các đồng đội Tây Nguyên khác, tôi đồng cảm và rất thích hai câu thơ, lâu nay nó trở thành câu thơ của mọi người lính Tây Nguyên nhưng chắc chắn không phải thơ khuyết danh.Từ đó tôi có ý nghĩ và đã đi tìm nguồn gốc và người làm ra hai câu thơ này đầu tiên…
Rất may mắn và cũng tình cờ, trong buổi gặp mặt truyền thống của chiến sĩ Mặt trận Tây Nguyên B3 - QĐ3vừa qua ở Hà Nội (22/3/2015) tôi đã gặp người đồng đội thời ở Tây Nguyên. Qua chuyện trò, ông khoe hai câu thơ của mình đã được các tướng lĩnh và đồng đội nhắc đến nhiều… Tôi vô cùng mừng rỡ và hẹn gặp ông để tìm hiểu về hai câu thơ này…Nhà ông ở Khu tập thể Nam Đồng - Hà Nội. Đó là Trung tá Đỗ Tiến Ruyện, ông đã 85 tuổi (sinh 1930), nhưng còn rất khỏe, nhanh nhẹn và minh mẫn. Ông nhập ngũ từ Kháng chiến chống Pháp (3/1954). Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), ông vẫn ở trong quân ngũ liên tục. Tháng 4/1965 ông vào Trị Thiên và Tây Nguyên chiến đấu, sau đó vào miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Ông từng là lính bộ binh, pháo binh và lính cao xạ, cuối cùng là giảng dạy tại Trường Sĩ quan Binh chủng Quân khu 1. Nghỉ hưu, ông không về quê Thái Bình mà cư trú tại Nam Đồng - Hà Nội.Trở lại với hai câu thơ của Đại tá Đỗ Tiến Ruyện mà lâu nay nhiều người yêu thích, đặc biệt lính Tây Nguyên rất đồng cảm nhưng nhiều người chưa rõ ai làm ra hai câu thơ đó, thậm chí còn tưởng lầm là của một người khác . Hai câu thơ này là hai câu đầu của bài thơ “Tây Nguyên”, ông làm tháng 4/1966, sau một năm ông chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Đây là toàn văn bài thơ hồi đó:

TÂY NGUYÊN
Tây Nguyên ơi, ai đã từng qua đó
Suốt cuộc đời nhớ lại vẫn thương nhau
Đào mài, nhặt gắm, hái rau
Kim cang, môn thục, măng vầu… đắng cay
Muỗi như trấu suốt đêm ngày
Vắt xanh vắt đỏ từng bầy ngo ngoe.
Sốt gì mà sốt gớm ghê
Rét run cầm cập, nóng kề lò nung
Ngửi cơm đã thấy buồn nôn
Ho dập, ho dồn, miệng đắng ngực đau.
Bước đi phải dắt dìu nhau
Nằm lâu nhức đầu, ác tính mắt hoa…
Tây Nguyên ai đã từng qua
Trọn đời thương nhớ về ta với mình.
                                                        4-1966

 Bài thơ này ông đã đọc lần đầu tại Tây Nguyên trong buổi liên hoan văn nghệ của Nông trường 10 (Sư đoàn 10 năm 1966), có đồng chí Thái Bá Nhiệm - Chủ nhiệm chính trị và đồng chí Hội - trợ lý tuyên huấn B3 xuống dự. Sau đó bài thơ này có đăng ở Báo Mặt trận Tây Nguyên hồi đó. Thời gian đến nay đã quá lâu nên còn rất ít người nhớ bài thơ này, một số đồng chí dự buổi liên hoan hôm đó đã hy sinh hoặc qua đời vì bệnh tật và già yếu. Qua mấy buổi làm việc trao đổi với ông và xem thơ ông, tôi hỏi ông sao không tập hợp thơ cho xuất bản và công bố để mọi người biết hai câu thơ nổi tiếng này là của ông chứ không phải của người khác. Ông Ruyện cười rất hồn nhiên, vui vẻ nói: “Việc ấy không quan trọng, tôi rất hạnh phúc và cảm ơn mọi người đã đọc và thích thơ tôi”. Đến đây, tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ ông viết ở trang đầu của tập thơ ông mới gom được một số bài:
 Thơ tôi viết chẳng có hồn
Việc làm thời chiến góp dồn là thơ
Mong sao trong lúc đợi chờ
Tiếng cười nho nhỏ trước giờ xuất quân
 Cảm ơn các chị, các anh
Bạn bè chân thành xem đọc thơ tôi.
                                                                 
                                                                                            Đỗ Tiến Ruyện

Chia tay ông vào một buổi chiều ở khu tập thể “nhà binh” Nam Đồng, ông rất vui và cảm ơn tôi đã thích, đọc và chép thơ ông. Còn tôi, thực sự kính nể và … thương yêu ông - Người đồng đội già, cả đời trận mạc từ đánh Pháp, đánh Mỹ, qua Mặt trận Điện Biên Phủ, Mặt trận Trị Thiên, Tây Nguyên, Miền Đông, Miền Tây Nam Bộ… và đã đem những gian khổ, đói khát, bệnh tật và bom đạn ác liệt tại các chiến trường từ Bắc chí Nam hơn nửa thế kỷ qua “góp dồn” lại cho đồng đội, cho đời những bài thơ, câu thơ để đời…

Bùi Lô - Điện thoại: 024 38360225(Ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên B3-QĐ3)

Địa chỉ tác giả : Trung tá  Đỗ Tiến Ruyện ( sinh năm 1930) thuộc lữ đoàn pháo binh 40. Phòng 106 nhà A7 Tập thể quân đội Nam Đồng, Quận Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại : 024 35332895.