TRÒ CHUYỆN CÙNG CÁC CON THƯỢNG TƯỚNG VŨ LĂNG

TRÒ CHUYỆN CÙNG CÁC CON THƯỢNG TƯỚNG VŨ LĂNG
                                                      Nguyễn Đình Thi

Buổi chiều đi chơi quần vợt , tôi thường bỏ điện thoại vào ba lô , không để ý tới các cuộc gọi điện . Tối , giở điện thoại thấy cuộc gọi nhỡ của Vũ Thị Phương Mai - con gái Thượng tướng Vũ Lăng . Tôi gọi lại . Từ đầu dây bên kia Vũ Thị Phương Mai vừa nghe tôi gọi đã lên tiếng :
- Ủa ! Thế anh chưa đọc tin nhắn của em à !
Thực tình tôi cũng chưa vào mục tin nhắn nên không biết Phương Mai nhắn gì . Chưa kịp hỏi nội dung tin nhắn , Phương Mai đã nhanh nhảu nói luôn
- Vợ chồng em và anh trai em từ Sài Gòn mới ra Hà Nội . Anh Vũ Dũng chưa gặp anh , chúng em muốn mời anh tối nay đến nhà hàng HOA VIÊN anh em mình trò chuyện !
Đúng hẹn , 19 giờ tôi có mặt ở nhà hàng HOA VIÊN . Anh trai Phương Mai - Vũ Dũng cùng Minh Cầm bạn thân của Phương Mai , con gái đại tá Lê Ốc - nguyên Cục phó Cục Quân y đã có mặt ở nhà hàng đón tôi . Phương Mai cùng chồng do có việc bận , một lát sau cũng có mặt . Nhà văn Nguyễn Trọng Luân - Lính Sư đoàn 320 do phải tìm nhà hàng nên đến chậm một chút . Buổi gặp có 7 anh em , tất cả đều là lính và con nhà lính nên chuyện của chúng tôi đều xoay quanh chuyện lính và chuyện chiến trường . Phương Mai tính cách nhanh nhẹn , xởi lởi tuy không đi bộ đội ngày nào nhưng Phương Mai có kiến thức quân sự rất tốt , bình luận quân sự khá sắc sảo . Mỗi lần kể chuyện về Ba - tướng Vũ Lăng cô đều không giấu nổi nghẹn nghào :
- Cha em là một vị tướng , Cụ nghiêm khắc nhưng rất tình cảm với các con . Cụ luôn dạy các con phải sống giản dị , gương mẫu . Thời bao cấp , gia đình em cũng sống như tất cả các gia đình khác , cũng xếp hàng mua gạo , mua rau , mua thực phẩm , không bao giờ Ba lợi dụng chức vụ , địa vị để mang cái gì về cho gia đình . Ba luôn dạy bọn em sống phải giản dị , gương mẫu . Đã ngoài 50 tuổi nhưng những ký ức , những câu chuyện về Ba -Vũ Lăng cứ ùa về. Mai kể : Hồi còn nhỏ , em và các anh có lần được Ba cho xuống Đồ Sơn nghỉ mát . Hồi đó có biết gì đâu , thực ra mấy Cụ ở Bộ Tổng tham mưu đưa gia đình xuống Đồ Sơn nghỉ mát là để che giấu địch , còn các Cụ xuống đó để bàn kế hoạch tác chiến . Ba em lúc đó được giao nhiệm vụ đặc biệt vào Tổ Trung tâm . Đây là một tổ tuyệt mật , tổ chỉ có 4 người . Nhiệm vụ của Tổ là soạn thảo kế hoạch giải phóng Miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976 và tổ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ . Hồi đánh quân Dù ở đèo Phượng Hoàng , Ba em chết hụt khi xe của ông đang đi thì bị pháo địch bắn , xe thông tin đi cùng trúng đạn pháo , xe cháy , người trên xe hy sinh , may xe của Cụ thoát . Khi tôi kể mũi thọc sâu của Tiểu đoàn tôi được trang bị hỏa lực mạnh , bỏ qua những mục tiêu không quan trọng ở vòng ngoài , đánh thẳng vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 - mục tiêu quan trọng nhất của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 , Phương Mai rất thích thú - Phương Mai bảo : Ông Cụ nhà em rất thích cách đánh đó . Rồi Phương Mai kể câu chuyện về chiến dịch Hồ Chí Minh mà tôi giờ mới biết : Chiến dịch Hồ Chí Minh lúc đầu đặt tên là chiến dịch Sài Gòn - Gia Định . Ba em đề nghị đổi tên thành chiến dịch Hồ Chí Minh , ý kiến đó của Ba được Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh và Bộ chính trị đồng ý . Cả câu chuyện về sử dụng lực lượng của Quân đoàn 3 trong chiến dịch Hồ Chí Minh , Phương Mai cũng rất nhớ . Cô bảo : em nghe một số các chú ở cùng Cụ kể - khi báo cáo Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh phương án sử dụng Sư đoàn 10 làm mũi thọc sâu chính , đánh thẳng vào nội độ Sài Gòn . Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh rất phân vân , đặt lại vấn đề : Tại sao Sư đoàn 10 hiện vẫn đang trên đường hành quân , chưa về tới vị trí tập kết , trong khi đó Sư đoàn 320 đã về tập kết rồi lại không dùng Sư đoàn 320 đánh thọc sâu mà lại dùng Sư 10 . Cụ kiên quyết bảo vệ phương án dùng Sư 10 thọc sâu . Trước lập luận của Cụ , cuối cùng Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng đồng ý . Thực tế trong chiến dịch Hồ Chí Minh Sư đoàn 10 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ , là mũi thọc sâu vào Sài Gòn sớm nhất trong ngày 29/4/1975 . Khác với Phương Mai sôi nổi , mạnh mẽ , anh trai Vũ Dũng lại nhẹ nhàng , lành như con gái , không có tướng nhà quân sự giống cha . Vũ Dũng kể : giải phóng được khoảng 15 ngày , nghe tin em đỗ đại học , Cụ thưởng cho một chuyến vào Nam . Xuống sân bay Tân Sơn Nhất bơ vơ một mình , lúc đó Cụ đang bận họp , chẳng ai đón , may gặp Cụ Kim Tuấn cho đi nhờ xe về trạm của Quân đoàn ở phố Hai Bà Trưng . Đến trưa Cụ họp vẫn chưa xong , mấy anh em cảnh vệ thấy em mặc quân phục tưởng lính mới , gọi đi ăn , em cũng đi , bữa ăn hôm đó chỉ có rau muống luộc chấm muối ớt , nước rau muống thì vắt chanh làm canh , em nhớ mãi . Đến trưa trợ lý của Cụ Kim Tuấn xuống tìm em đi ăn , không thấy em đâu , hốt hoảng báo Cụ Tuấn . Cụ Tuấn vội vã đi tìm ,cuối cùng thấy em đang đứng ăn cùng mấy anh em phục vụ . Cụ bảo : Sao cháu lại ăn ở đây ? Em bảo : Không sao chú ạ , cháu ăn ở đây cũng được ! Lúc đó mọi người mới biết em là con Tư lệnh Quân đoàn .
Với tôi trong suốt những năm sống chiến đấu ở Quân đoàn 3 , tôi chưa bao giờ được gặp mặt tướng Vũ Lăng , duy nhất một lần trong lúc chuẩn bị đánh Lữ Dù 3 , chiều hôm đó 27 hay 28/3 tôi không nhớ rõ thấy một chiếc xe con chạy vượt lên hàng quân , một cán bộ nhận ra Cụ nói với tôi : Cụ Vũ Lăng đó . Đấy là lần duy nhất tôi nhìn thấy Cụ . Sau này có thời gian làm công tác nghiên cứu lịch sử tôi càng khâm phục và kính trọng Cụ , một vị tướng trận mạc tài giỏi , can trường . Thành tích và công lao đóng góp của Cụ cho Quân đội và Đất nước ta là rất lớn . Tiếc rằng việc ghi nhận đó vẫn chưa được thỏa đáng . Đúng như Trung tướng Khuất Duy Tiến phát biểu trong buổi gặp mặt các tướng lĩnh Quân đoàn 3 vừa qua : Lẽ ra các tướng như thượng tướng Hoàng Minh Thảo , thượng tướng Vũ Lăng , thượng tướng Đặng Vũ Hiệp là những vị tướng rất tài giỏi , rất mẫu mực , xứng đáng được tuyên dương ANH HÙNG trước tôi mới đúng . Tiếc rằng cả 3 vị tướng đó đến nay vẫn chưa được tuyên dương ANH HÙNG . Đây là một điều tôi rất trăn trở . Tác giả bài viết này cũng mong các vị tướng tài giỏi này sớm được Nhà Nước tuyên dương ANH HÙNG

Ảnh: Vũ Thị Phương Mai, Vũ Dũng ( đứng hàng sau- con thượng tướng Vũ Lăng ), hàng trên từ phải qua trái Nguyễn Đình Thi, nhà văn Nguyễn Trọng Luân và anh Minh ( chồng Phương Mai )