CÓ MỘT NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH UỶ NHƯ THẾ

CÓ MỘT NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH UỶ NHƯ THẾ

Hẹn hò mãi, hôm nay tôi và Nguyễn Trung Du trong Ban biên tập trang Lính Tây Nguyên mới có dịp lên Hoà Bình thăm các anh trong Ban liên lạc Cựu chiến binh Mặt trận Tây Nguyên tỉnh Hoà Bình. Hoà Bình cách Hà Nội chẳng xa, có 80 km thế mà cũng hơn 10 năm tôi mới có dịp trở lại. Đường lên Hoà Bình giờ khá hơn nhiều nhưng mật độ xe cộ lưu thông giờ đông quá nên xe chỉ chạy được tốc độ 40, 50 km/giờ. Thú thật, với tôi cứ dời khỏi Hà Nội là cảm thấy dễ chịu, là cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản. Được hít thở căng lồng ngực bởi những làn gió trong lành, được hoà mình vào với cảnh sắc thiên nhiên, không còn cảnh ồn ào, chen lấn bởi dòng người, dòng xe cộ dày đặc như vô tận suốt ngày đêm thấy thích làm sao. Mãi trò chuyện chẳng mấy chốc xe chúng tôi cũng đã đến Thành phố. Anh Hoàng Việt Cường - lính Trung đoàn 66, nguyên Bí thư tỉnh Hoà Bình, Trưởng Ban liên lạc Bạn Chiến đấu Mặt trận Tây Nguyên tỉnh Hoà Bình hẹn đón chúng tôi ở toà nhà Viettel. Xe chúng tôi vừa dừng ở toà nhà Viettel chừng dăm phút thì thấy một chiếc xe KIA 4 chỗ ngồi đời cũ dừng lại . Bước ra xe đó là anh Hoàng Việt Cường làm tôi cứ ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì một đồng chí nguyên Bí thư tỉnh ủy đã 66 tuổi rồi mà lái xe rất ngon lành, chả cần người khác lái cho. Ngỡ ngàng nữa là anh đã là Bí thư tỉnh ủy mà vẫn đi "con KIA còi" 4 chỗ . Tôi đã gặp nhiều cán bộ chỉ cấp Phòng thôi thì cũng KIA đời mới không thì cũng Masda hay Cam ry rồi, thế mà anh ... Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên quán chè chén vỉa hè, anh hỏi chương trình mấy anh em lên Hoà Bình như thế nào ? có định đi đâu để anh dẫn. Tôi bảo anh: Hoà Bình nhiều cảnh đẹp lắm song hôm nay bọn em lên thăm các anh thời gian không được dài nên mình gặp nhau trò chuyện anh ạ. Rồi chúng tôi lên xe. Thành phố Hoà Bình trước đây là một thị xã miền núi nghèo, thị xã chỉ có vài dãy phố chạy theo ven quốc lộ 6. Từ ngày có nhà máy thủy điện xây dựng ở đây, thị xã có rất nhiều đổi mới, thành phố giờ mở rộng về phía Bắc sông Đà rộng gấp nhiều lần thành phố cũ, nhìn qua cửa kính xe tôi thấy rất nhiều nhà biệt thự với lối kiến trúc kiểu Pháp đẹp mọc lên, điều này chứng tỏ đời sống người dân nơi đây cũng ngày trở lên khá giả, chứ cách đây 15, 16 năm bạn lên thị xã này có tìm mỏi mắt cũng không thấy một ngôi nhà đẹp. Xe đưa chúng tôi chạy sát chân đập thủy điện Hoà Bình sang phía Bắc thành phố, dịp này hồ đang đang tích nước, nhà máy không chạy nên nhìn dòng sông Đà rất hiền hòa, thơ mộng, nước trong xanh có thể nhìn thấy tận đáy. Chạy hết khu phố mới, xe chúng tôi dừng lại ở một nhà hàng sát ven núi, nghe nói khu vực này khi xây dựng nhà máy thủy điện Sông Đà các chuyên gia Liên Xô sang giúp ta xây dựng ở tại đây. Nhà hàng không cầu kỳ, sang trọng nhưng đẹp, nó đẹp bởi cảnh thiên nhiên thơ mộng, có rừng, có suối, có tiếng hót véo von của chim hoạ my làm cho khách đến đây khá đông. Nhìn dãy ô tô đỗ ngoài bãi chủ yếu là biển xe Hà Nội thì biết dân Hà Nội không lầm khi chọn địa điểm này làm nơi gặp gỡ cuối tuần, mặc dù rất xa. Đón chúng tôi tại nhà hàng là anh Nhuần - Phó ban thường trực Ban liên lạc tỉnh Hoà Bình, một lát sau anh Bùi Tuấn Hải - Nguyên Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh, thường trực Ban liên lạc cũng có mặt, các đồng chí ở Tỉnh đội Hoà Bình nghe tin trong đoàn chúng tôi có Trung tướng Phạm Quang Hợi - nguyên Tư lệnh Quân khu 3 đi cùng cũng đến. Câu chuyện của chúng tôi vẫn xoay quanh về những năm tháng chiến đấu gian khổ ở Tây Nguyên. Trung tướng Phạm Quang Hợi hết sức bất ngờ khi nghe nguyên Bí thư Hoàng Việt Cường kể chuyện trận đánh Play Cần đợt 1 ( tháng 5/1972 ). Hoá ra cả Trung tướng Phạm Quang Hợi và Bí thư Cường đều tham gia trận đánh ngày hôm đó, chỉ khác là mỗi người ở một hướng cửa mở, thế mà 46 năm sau 2 người mới biết chuyện này. Ngồi trò chuyện với chúng tôi mà chuông điện thoại của anh Cường chốc chốc lại réo, người thì hẹn anh đi chỗ này, đi chỗ khác, người thì mời anh trưa nay đến chỗ em, người thì hẹn anh buổi chiều ... Anh cứ liên tục trả lời điện thoại. Kể cũng hay một người dời chức vụ đến hơn 4 năm mà vẫn còn nhiều người mời mọc như thế này chứng tỏ khi còn làm việc anh phải xử sự như thế nào mới được thế. Chứ ối người quyền cao, chức trọng hơn anh , về nghỉ một cái là hôm sau chả ma nào đến chơi hoặc hỏi thăm nữa, điều này làm cho tôi càng kính trọng anh hơn. Có lẽ ấn tượng nhất với tôi và mọi người trong đoàn vẫn là chuyện đi tìm hài cốt đồng đội của Ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên tỉnh Hoà Bình. Anh Cường kể: Trăn trở về chuyện vẫn còn nhiều đồng đội nhập ngũ cùng anh hy sinh vẫn còn nằm lại ở chiến trường Tây Nguyên. Năm 2011, lúc đó vẫn còn là Bí thư tỉnh ủy Hoà Binh, anh quyết định cùng mấy anh em trong Ban liên lạc trở lại Kon Tum, vùng đất từng chiến đấu năm xưa để tìm đồng đội. Suốt mấy ngày đi khắp các nghĩa trang trên địa bàn Kon Tum, cứ phần mộ nào có Liệt sỹ quê Hoà Bình là dùng máy ảnh chụp lại, cuối cùng cũng tìm được 233 phần mộ liệt sỹ và hơn 100 danh sách liệt sỹ ở nhà bia tưởng niệm là con em tỉnh Hoà Bình, sau đó về thông báo cho các gia đình. Năm 2012, anh lại cùng anh em trong Ban liên lạc quyết định trở lại Kon Tum khảo sát lần 2. Năm 2017, sau khi nghỉ hưu có thời gian rảnh hơn, anh bàn với Ban liên lạc và một số gia đình đưa hài cốt các Liệt sỹ về quê. Anh trực tiếp cũng 2 anh em trong Ban liên lạc đi vào Kon Tum làm việc này. Ở đất nước mình có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được nghe câu chuyện một nguyên Bí thư tỉnh ủy đi tìm hài cốt đồng đội và đưa hài cốt đồng đội từ chiến trường xưa về quê. Việc đưa hài cốt đồng đội về quê gặp rất nhiều khó khăn, anh em trong Ban liên lạc đều tuổi cao và sức khỏe yếu, tài chính Ban liên lạc không có, gia đình các Liệt sỹ đều nghèo, thân nhân liệt sỹ thì người còn người mất, thủ tục đưa hài cốt Liệt sỹ về quê tưởng đơn giản nhưng cũng không hề đơn giản, đủ các thủ tục rồi lại còn nhũng nhiễu của một số cán bộ phụ trách công việc này. Anh gương mẫu bỏ tiền cá nhân của mình ra góp , trong lúc kể chuyện anh còn nói vui: Nếu các bà vợ không cho thì lấy tiền thương tật Nhà nước hỗ trợ ra góp. Theo gương anh, các anh em khác trong Ban liên lạc cũng làm theo. Kinh phí có hạn không đủ tiền thuê xe, anh vận động anh em trong Ban liên lạc dùng xe của gia đình mình đi chở hài cốt, rồi tự lái. Riêng năm 2017, Ban liên lạc do anh phụ trách đã đưa được 11 hài cốt liệt sỹ từ Tây Nguyên và các chiến trường khác về quê hương trong niềm vui vô hạn của các gia đình Liệt sỹ , đưa tổng số hài cốt liệt sỹ mà các anh đưa về lên con số 15. Có lẽ chưa có Ban liên lạc nào trong cả nước lại đưa được nhiều Liệt sỹ về quê hương như Ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên tỉnh Hoà Bình. Câu chuyện về tìm và đưa liệt sỹ về quê cứ dài mãi cuốn hút chúng tôi. Nhìn đồng hồ đã hơn 14 giờ rồi, đã đến giờ chúng tôi phải về Hà Nội đành xin phép các anh. Suốt chặng đường từ Hoà Bình về Hà Nội chúng tôi vẫn bàn luận xoay quanh chuyện tìm liệt sỹ và đưa liệt sỹ về quê của Nguyên Bí thư tỉnh Hoà Bình - Hoàng Việt Cường. Tôi ao ước giá như cũng có nhiều cán bộ cấp cao của đất nước mình cũng nghĩ được và làm được như bí thư tỉnh Hoà Bình - Hoàng Việt Cường thì các gia đình liệt sỹ sẽ bớt đi được phần nào những đau buồn đằng đẵng suốt bốn mấy năm qua.
Thật kính phục anh và các đồng đội tỉnh Hoà Bình .
Ghi chép: Nguyễn Đình Thi


Nguyên Bí thư tỉnh ủy Hoà Bình trong buổi gặp mặt các Tướng lĩnh Quân đoàn 3 ngày 18/3/2018 

Ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên tỉnh Hoà Bình chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn