43 NGÀY Ở NGÔ THANH
( PHẦN 2 )
Trích hồi ký:  Hoàng Kim Hậu

À này, lúc nãy mình chôn sấp hay ngửa? Phía đằng đầu ông có kiếm tra không?!
- Ừ nhỉ? Quên mất! Vội quá nên không kịp xem lại!
Sau 30 năm hôm nay viết lại những dòng này, tôi cứ thấy có cái gì đó đầy ân hận và tiếc nuối.
Ngày hôm sau chúng tôi tiến về phía Đông. Đào hầm trong một khu rừng le lác đác có vài cây to bóng xen kẽ. Nghe đâu phía trước có một nương lúa rồi lại một khu rừng như thế này.
Trinh sát tiểu đoàn đi bám địch. Chúng tôi củng cố lại hầm và bếp anh nuôi. Tôi tranh thủ đi kiểm tra số bộ đội bị sốt rét và tiêm thuốc cho họ. Gần chiều, được lệnh xuất kích, trung đội 1 do Nguyễn Bá Tẩm (Quê Thái Bình) - Trung đội trưởng chỉ huy. Đại đội bổ sung cho khẩu cối 60 ly do Nguyễn Văn Khoản (Sơn Dương – Lâm Thao) cùng nhập ngũ với tôi tiếp ứng.
Họ loanh quanh xuyên rừng, ra một nương lúa rồi lại vào một cánh rừng khác. Vừa đi, vừa nghe ngóng, hai tai căng ta, cố tìm dấu tích của địch. Ánh chiều chập choạng, xung quanh im lặng, không thấy pháo địch bắn vô tội vạ như mọi khi. Những người có kinh nghiệm trong chiến trường đều hiểu rằng: Nơi nào pháo địch bắn tới là có quân ta ở, còn chỗ nào không có bom địch, pháo địch thì hầu như vị trí địch đóng quân.
Đến một vạt nương lúa đang ở thì con gái, trời  đã nhá nhem tối, trinh sát định quay về nhưng anh Tẩm bảo: “ Dấn vào khu rừng trước mặt, nếu không có địch thì rút quân”.
Gần tới bìa rừng, bống phía trước toé lửa. Đại liên địch bắn ra như vãi đạn. Bị bất ngờ, trung đội tản ra nương lúa đánh trả quyết liệt, tiếng cối bắn, tiếng B40 ùng oàng, tiếng AK đan vào nhau loạn xạ. Địch ném lựu đạn vượt ra phía sau, cả anh  Tẩm và Khoản đều bị thương.
Bộ đội xông vào rừng, địch tháo chạy tán loạn bỏ lại những chiếc võng còn mắc tạm trên cây. Những chiếc ba lô không kịp mang theo đổ ngổn ngang trong rừng. Một vài xác chết bên cạnh những vỏ hộp và gạo sấy tung toé. Hoá ra nó đang ăn cơm, khi thấy bộ đội đột ngột tiến vào, tổ cảnh giới chỉ kịp bắn vài băng đại liên ném mấy quả lựu đạn rồi tháo chạy. Có những sợi dây mìn định hướng địch không kịp bấm điện. May quá! Nếu nó chủ động thì một giàn mìn Claymo này chắc chắn bộ đội không còn ai trở lại.
Một phần vì tối quá không truy kích được, phần nữa sợ địch cậy thế đông phản công, anh Tẩm lại bị thương nên được lệnh rút quân. Thôi thì mạnh ai người nấy chạy, cố bám theo người đi trước không thì lạc đường.
Về đến vị trí đóng quân kiểm tra lại người thấy thiếu mất 4 chiến  sĩ. Tôi và anh Lan chạy đến các hầm:
- Thằng Tám ( Hà Bắc) có lẽ chết rồi! Nó đi đầu đội hình khi loạt đạn đại liên bắn, thấy nằm xuống không động đậy gì cả. Còn thằng Hoạt (Hà Tĩnh) không nhìn thấy đâu! Anh Tẩm và Khoản bị thương đi với nhau chắc còn chưa về kịp.
Trung đội 3 chuẩn bị xuất kích đi tìm thương binh. Tôi về hầm lấy thêm bông băng và thuốc cấp cứu thì thấy anh Lan chạy về bảo:
- Anh Tẩm và Khoản về đến hầm rồi! Hậu sang xem vết thương có nặng lắm không?! Báo Tiểu đoàn cho người cáng ra ngoài!
Tôi cầm túi thuốc chạy sang hầm anh Tẩm. Hai chiến sĩ cùng trung đội đang dìu xuống hầm. Vết thương vào mông nên vẫn tập tễnh đi được. Anh Tẩm bảo:
- Tao và thằng Khoản bị chung một quả US, mẹ nó, đến giáp địch mà không biết! Thằng Khoản bị thương nặng lắm, có khả năng vỡ đầu gối, máu ra rất nhiều. Tao băng và cuốn thêm hai chiếc khăn mặt nữa mà vết thương vẫn chưa cầm máu, dìu nó đi, tối quá lạc lung tung cả. Mày sang bên đó đi.
Băng bó và tiêm thuốc cho anh xong, tôi chạy sang hầm tiểu đội cối. Khoản ngồi vắt vẻo trên cửa hầm, hai chân buông thõng, ở đầu gối ụ lên một đống vừa bông băng, vừa khăn ướt sũng máu. Khẩu đội cối khi xuất kích có ba người, một bị thương từ trận trước, Hoạt đến nay chưa thấy về, còn lại mỗi khẩu đội trưởng bị thương. Tôi đưa Khoản xuống hầm, chân phải thẳng đứng không co lại được. Tôi rửa vết thương và băng lại, tiêm thuốc cầm máu, trợ lực và đặt Khoản nằm xuống nền hầm. Vừa lúc ấy, pháo địch bắn đúng vào đội hình đóng quân. Không hiểu nó căn ke tọa độ thế nào lại biết chúng tôi ở khu rừng này. Cứ nghe tiếng nổ đầu nòng từ phía khẩu pháo quái ác ấy là viên đạn xé không khí vút xuống đầu chúng tôi. Nằm trong tầm pháo, nghe tiếng đạt rít thật ghê sợ, cứ như những ngọn doi khổng lồ vút xuống đầu. Những loạt pháo khoan làm hầm chao đảo kèm theo một loạt pháo phạt toé lửa. Đất đá cây cối đổ rào rào xuống cửa hầm, xung quanh sau hầm, trước hầm chớp  giật liên hồi, tai ù đặc, tôi gù lưng trong hầm tránh đạn.
Hơn nửa tiếng cấp tập, pháo địch im hẳn. Tôi chui ra khỏi cửa hầm, cảnh tượng chung quanh thật khốc liệt. Ba lô để trên cửa hầm bay đi đâu hết. Những bụi le um tùm bị pháo phạt cành lá xơ xác. Cánh rừng ngổn ngang cây đổ như một bãi phát nương. Khoản bảo:
-         Mày về làm gì, ở đây với tao.
Những lúc như thế này ai lại không muốn ở gần nhau, lo cho nhau nhất là đồng hương đồng khói.
-         Không ở lại được đâu! Pháo bắn đúng đội hình của mình rồi, tao phải về xem có ai bị thương hay không.
Tôi cầm túi cứu thương lao ra khỏi hầm. Trăng rất sáng, nhìn cánh nhìn như lạ hẳn đi. Chui qua mấy bụi cây loanh quanh mãi mới nhận ra căn hầm của mình. Anh Lan đang từ dưới hầm chui lên:
- Hậu hả? Thương binh có nặng lắm không? Pháo bắn sập mẹ hầm anh nuôi rồi! Lấy xẻng nhanh lên!
Tôi chạy theo về phía bãi lầy, một toán người đang hì hục đào bới. Có tiếng kêu từ dưới đất vọng lên yếu ớt nghe tưởng như ở phía khu rừng bên kia bãi lầy. Lúng ta lúng túng, không biết đào từ đâu, cứ nhè chỗ có tiếng kêu mà xúc.
- Ấy ấy, khéo sập hầm! Khênh cây đà này lên để thông hơi, kéo người ngoài ra đi! Ai đấy? Ông thông tin à? được rồi!
Người ta túm vào, người đào, kẻ bới gấp gáp, thở hổn hển, không ai buồn nói nữa, đói mệt người muốn lả đi.
- Bỏ xẻng ra ông này! Kéo cái kèo hầm này nữa. Kìa, khéo cuốc vào chân thương binh.
Người thứ hai được kéo ra là Tình ( anh nuôi đại đội). Chúng tôi đưa Tình lên bãi đất bằng phẳng cấp cứu. Người Tình nóng rực, mềm nhũn, không động cựa. Sau cùng là Hợp (Tổ trưởng nuôi quân), Hợp cố nói như cướp không khí:
- Lúc nãy tôi còn thấy nó cựa đấy! Đầu nó ép vào cánh tay của tôi, không làm sao rút tay ra cho nó thở được, có gắng cứu lấy nó!
Người ta dìu Hợp về hầm, nhìn anh ta đi như bơi trong không khí. Lúc này pháo địch im hẳn. Nếu nó cứ bắn như lúc nãy thì chắc không cứu được ai cả. Quả pháo khoan bắn trúng cửa hầm, khẩu AK để dưới hầm bị hất văng lên, mắc tòng teng trên bụi le phía trước. Ba người cùng một hầm thì người ở giữa hi sinh. Nếu hầm đào có hai cửa thì chắc không ai việc gì.
     Lúc này tôi nhận ra trăng rất sáng, có lẽ vừa trung tuần của tháng âm lịch thì phải. Ánh trăng vùng rừng trong vắt và tinh khiết lạ lùng. Xung quanh yên lặng, cây cối xác xơ, mùi nhựa cây hăng hắc xen lẫn mùi khét của thuốc súng. Những chiếc kèo hầm trắng xoá ngổn ngang dưới ánh trăng. Tình nằm đó, yên lặng dưới cánh rừng. Ai đó đã cuốn quanh một tấm vải liệm trắng toát, cảnh vật thật thê thảm và thê lương. Tôi mệt mỏi chống cuốc về hầm, điện quân y tiểu đoàn cho người cáng thương binh về đội phẫu.
     Mờ sáng ngày hôm sau, trung đội 3 được lệnh xuất kích ra khu rừng tối hôm trước đánh nhau để tìm liệt sĩ. Người đầu tiên là Hoạt, khẩu AK được đặt ngay ngắn chèn lên chiếc gùi dùng cho bộ đội khi xuất kích, bên cạnh là vỏ cuộn bông băng Trung Quốc còn dính máu. Vết thương vùng đùi xuyên vào bộ hạ, Hoạt còn đủ thời gian để tự băng bó cho mình. Có lẽ  suốt đêm kêu cứu không thấy ai cả. Hoạt giãy đạp, cào cấu một vạt nương dẹp xuống như tấm chiếu, bê bết máu. Cách Hoạt nằm hơn chục mét là Tám, viên đạn xuyên qua trán và Tám ngã đè lên khẩu AK, máu thấm xuống vạt lúa đang lên xanh mơn mởn. Chúng tôi thu gỡ bốn quả mìn định hướng, mấy chục ba lô Ngụy bỏ lại, cáng liệt sĩ về vị trí đóng quân giao cho vận tải chuyển ra ngoài.
     Biết chắc hôm nay thế nào địch cũng dùng máy bay đánh phá khốc liệt. Chúng tôi được lệnh chuyển sang khu rừng khác. Mặt trời vừa le lói, sương chưa tan hết đã nghe tiếng đại bác bắn cấp tập vào vị trí hôm qua đóng quân. Tan sương, chiếc máy bay OV – 10 lượn mấy vòng trên đầu và bom lại dội xuống cánh rừng không người ấy. Chúng tôi bình tĩnh đào hầm, mặc cho chúng nó thừa bom đạn.
     Đại đội im lặng chốt lại trong cánh rừng ấy. Hàng ngày các Trung đội cùng trinh sát đi bám địch về các hướng. Bên phải, bên trái đâu đâu cũng thấy pháo địch. Trong tiểu đoàn, Đại đội 5, Đại đội 6 đều gặp địch bắn nhau dữ dội. Riêng phía cao điểm 518 của Đại đội 19 đặc công là ác liệt hơn cả. Bom pháo suốt ngày, nghe đâu địch dùng cả xe tăng phản kích.
     Sáng ngày hôm sau, chúng tôi được lệnh hành quân giải vây cho đại đội 19. Đồng chí Tạ Ngọc Oanh – Tham mưu phó Trung đoàn vừa tròn 22 tuổi trực tiếp chỉ huy. Đại đội được tăng cường khẩu cối 82 ly của một đơn vị pháo. Đội hình theo trinh sát dẫn đường cắt rừng về phía súng nổ. Đi khoảng 30 phút thì gặp một Đại đội địch chặn đường. Bộ đội dừng lại, tản ra các gốc cây chuẩn bị chiến đấu. Người tham mưu phó báo cáo về Trung đoàn bộ và xin thực hiện phương án 2: Đánh địch dã ngoại.
     Tiếng xì xào điều B40, B41 lên đầu đội hình, các trung đội theo chiến thuật của người chỉ huy tản ra theo hình vòng cung tiến về phía trước. Khẩu cối 82 được dựng lên bãi Tráng bên cạnh lấy xạ giới bắn ứng dụng. Tôi cùng anh Oanh và anh Lan nằm dưới một bụi le to nín thở, tim đập thình thịch, ngực nghẹn lại. Trinh sát quay về báo cáo khoảng cách giữa ta và địch. Lệnh nổ súng, khẩu cối cứ kịch- kịch chắc nịch, đẩy tiếng nổ chết chóc về phía địch nghe đã lắm. Người tham mưu phó ra lệnh:
-         Bắn 20 quả cấp tập, khẩn trương chuyển làn chặn đầu địch cho bộ đội xung phong. Anh Lan đâu? Cho bộ đội lên đi!
Tiếng ùng oàng của B40, B41, tiếng AK bắn từng chập liên hồi. Không thấy địch bắn trả, chúng tôi xông vào vị trí của địch.
      Cối của ta bắn ứng dụng nhưng rất chính xác, hầm hố của địch đào dở dang tung toé. Những chiếc võng dù và ba lô Ngụy rách bươm lăn lông lốc. Nhìn qua đếm được hơn chục xác chết tại chỗ, chưa kể số lính Ngụy chạy vào rừng bị đạn thằng và cối bắn chặn. Mấy tên lính bị thương còn lại cũng cho đi luôn. Chúng tôi thu súng đạn, quân tư trang, quân dụng và cả máy vô tuyến PRC25 của địch, rút quân tránh địch phản pháo, không một ai bị thương. Về đến vị trí tập kết, không thấy pháo địch bắn, có lẽ do mất thông tin, số tàn binh Nguỵ chạy vào rừng cho nên địch không biết đàng nào mà phản pháo.
      Tối Trung đoàn gọi điện khen ngợi Đại đội tôi tiêu diệt gọn 1 Đại đội của Trung đoàn 53 Ngụy mới tăng cường. Do gặp địch ngoài dự kiến, không có lực lượng giải vây cho Đại đội 19 nên phần cao điểm 518 địch lấy mất một nửa. Đại đội đặc công có mấy đồng chí hi sinh.
     Dạo này trời mưa nhiều, những đám mây đen kịt sà xuống rồi đổ nước không cần cơn cớ gì cả. Đánh nhau dã ngoại, xa hậu cứ, rõ ràng phía chúng tôi thật bất lợi. Đi đến đâu cũng phải đào hầm cho dù chỉ dừng lại có vài tiếng đồng hồ. Trong rừng, dưới hầm bùn đất lép nhép thật khó chịu. Phía địch lại vô cùng thuận lợi, gần thị xã, gần các khu căn cứ của địch, có trục đường 14 cơ giới di chuyển nhanh, tập trung ồ ạt, xe tăng, pháo binh, máy bay yểm trợ tối đa, đạn Mỹ thoải mái. Hôm nay đánh nhau với Trung đoàn 44. Ngày mai lại thấy phiên hiệu Trung đoàn 53. Mấy hôm sau lấy được ba lô của địch lại là quân 45 rồi. Vậy thì hơn một Trung đoàn chúng tôi chọi nhau với 3 Trung đoàn bộ binh ngụy chưa kể hoả lực tăng cường. Trung đoàn cho tiểu đoàn 9 cùng đại đội hoả lực sang tiếp viện, ứng cứu.
     Hơn nửa tháng hành quân đánh nhau liên tục, số thương vong và bị thương quá nửa. Lúc thì đi bám địch bị pháo, khi đi gùi đạn, tải thương bị phục kích, quân số cứ hao hụt dần. Đại đội trưởng Choóng cũng bị thương đi viện. Tổng số còn lại từ tướng đến quân không đủ 20 người. Từ lúc bám địch để đánh nay chúng tôi chuyển sang thế phòng ngự.
     Đại đội nhận lệnh áp sát cao điểm 518 giữ thế chân kiềng và sẵn sàng chi viện cho Đại đội 19. Đó là một cao điểm nằm cạnh con sông Pô Kô án ngữ không cho địch đánh vu hồi vào sau lưng chúng tôi. Nhiệm vụ bảo vệ các bến đò tải đạn sang sông, con đường huyết mạch cáng thương về hậu cứ. Bởi thế, cao điểm này giao cho đại đội đặc công và một Trung đội công binh chuyên cắt đường đảm nhận.
     Địch cũng nhận thấy vị trí của cao điểm này nên tập trung quân và hoả lực tối đa để san phẳng.
     Từ sáng đến tối, hết bom lại pháo không lúc nào trên cao điểm tan khói. Tiếng bom vừa dứt, bộ binh địch phản công. Tiếng ĐKZ nổ đanh gọn, tiếng ùng oàng của B40, B41 và từng loạt AK lại rộ lên. Cứ mỗi đợt như vậy bộ binh địch lùi ra, pháo bầy bắn tới, máy bay OV-10 nghiêng ngó chỉnh pháo rồi gọi bom đánh vô tội vạ. Xung quanh cao điểm, rừng bị san bằng như phát nương, không nhìn thấy màu xanh đâu nữa. Trên cao điểm đất đỏ au, nát bét không còn gốc cây nào nguyên vẹn. Cứ chập tối chúng tôi cùng vận tải chuyển đạn ra, cáng thương và đưa tử sĩ về, ngày này qua ngày khác giằng co căng thẳng.
     Hôm ấy, bom đánh trúng công sự của Đại đội 19, một số hy sinh và bị thương. Lệnh tiểu đoàn điều Đại đội tôi phải ra cáng thương về đội phẫu. Các trung đội còn lại có mấy người đều giữ các điểm chốt trên đường ra cao điểm. Chỉ có tôi (y tá), Sang (quản lý) và Trần Xuân Thu (người Tuyên Quang) làm văn thư Đại đội ở nhà. Thấy chiến sự ác liệt như vậy, Sang hoảng sợ đùn đẩy:
     -Thôi! Bây giờ Hậu và Thu chuẩn bị cáng ra chốt lấy thương binh.
Thấy Sang thoái thác, hèn nhát, tôi bảo:
    - Hôm qua thằng Thu đã gùi đạn ra chốt suốt đêm rồi! Cho nó nghỉ! Tôi và anh đi!
     - Nếu thế thì cả ba người!
Chúng tôi lục tục cầm võng và cáng tiến ra cao điểm. Khoảng vài chục mét lại gặp một điểm chốt của đại đội, họ nhìn theo và vẫy tay, tôi cũng yên bụng một phần. Ra đến bìa rừng, nhìn sang 518 thấy nó chỏng chơ, bé nhỏ và trống hoác. Phía trước cây rừng đổ ngổn ngang không thấy đường lối đâu cả. Chiếc OV-10 lượn sát đầu, xịt đạn khói và từ đâu sầm sầm hai chiếc A37 lao đến bổ nhào xuống cao điểm. Từng cột khói lại dựng lên, đất đá bay tơi tả. Chúng tôi rúc vào một hố cá nhân bỏ không để tránh bom. Hết 12 quả, máy bay cút chỉ còn tiếng OV-10 rả rích, tức lộn ruột.
- Nhanh lên đi! Nó quay lại bây giờ!
Vừa chui qua những thân cây đổ ngổn ngang, vừa nhìn thằng OV-10 rà sát trên đầu, nó vòng đi là chúng tôi lại chạy lúp xúp.
Đến điểm chốt không thấy một bóng người, không còn nhận ra hầm hố nào cả. Hỏi ai bây giờ? Xung quanh chỗ nào cũng hố bom, đất phủ lên nhão nhoét. Thấy có tiếng động, một chiến sĩ lấm lem như từ âm phủ chui ra khỏi hầm. Tôi hỏi:
      - Này! Thương binh đâu?
      - Phía trước, chỗ chiến hào bị sập ấy! – Anh ta nói mấy câu gấp gáp rồi lại chui vào hầm.
Chạy dọc theo một đoạn chiến hào bị bom đánh sập, một chiến sĩ nằm ngửa dọc theo chiến hào, mắt vẫn mở, môi hé để hở chiếc răng bịt vàng đỏ choé. Phần dưới chân đất phủ kín, ổ bụng lầy nhầy một đống ruột lùng thùng đất và cát. Leo lên tránh đoạn chiến hào ấy thì gặp một người nằm trên mặt đất, đầu cuốn băng trắng xoá. Hai đùi để hở các vết thương be bét máu và bùn đất, nằm thẳng cẳng. Tôi nghĩ bị nặng như vậy ai đó đang băng dở dang lại bỏ cho các vết thương se lại dưới ánh mặt trời chắc là chết rồi. Tôi bảo Sang và Thu chờ rồi chạy quay về đoạn hầm ban nãy:
     - Có điện thoại không? Cho tôi gọi về tiểu đoàn bộ! Thương binh của các ông chết mẹ rồi!
Mọi người dẹp sang một bên. Tôi cầm máy:
     - A lô! Thủ trưởng Lợi đấy ạ! Chúng tôi ra lấy thương binh nhưng đồng chí ấy đã hy sinh rồi! Vậy có đem về hay để luôn ngoài này ạ!
     - Thương binh hay tử sĩ các anh cũng phải mang về! - Người chính trị viên phó tiểu đoàn quát lên trong máy.
Tôi chạy quay ra:
     - Nhanh lên! Tiểu đoàn không cho để ngoài này đâu! Đặt cáng xuống đất, bỗng người thương binh đó ngóc đầu dậy.
     - Ai đấy! Cho em hớp nước!
     - Ồ! Nó chưa chết, khẩn trương lên! Thôi cố gắng về đến đội phẫu rồi uống nước sau! – Tôi động viên người thương binh ấy.
Buộc võng vội vàng, xốc xa xốc xếch, chúng tôi cáng ra khỏi chốt. Chiếc OV-10 vẫn lởn nhởn, vòng đi vòng lại nghiêng ngó. Tôi lấy một cành cây khô, lá úa vàng che vòng băng trắng cho thương binh. Chui rồi trèo qua các bụi cây đổ, lúc đi lúc dừng lại tránh máy bay trinh sát. Vào đến bìa rừng lại nghe thấy tiếng đạn khói bắn xuống, bom tiếp tục dội trên chốt, thật hú vía.
Về đến điểm tập kết nóng quá, cho thương binh uống nước dấp miệng rồi chui xuống hầm quạt thốc quạt tháo. Người chính trị viên Đại đội 19 thấy thương binh của mình còn nằm lại, kêu lên:
- Báo cáo thủ trưởng Lợi: Thương binh của em không có ai đưa đi đâu ạ!
Và thế là ông Lợi gầm lên:
      - Anh Lan đâu?
Anh Lan quát:
     - Ới Sang ơi để thương binh ở đây à?
Và Sang thở hổn hển:
( Còn nữa )