43 NGÀY Ở NGÔ THANH
( PHẦN 3 )
 
  
 Trích hồi ký:  Hoàng Kim Hậu
 
     - Hậu ơi, Thu ơi cáng thương binh về đội phẫu!
Và cái dây truyền ấy cuối cùng đến chúng tôi phải thừa hành công vụ.
Không có ngày nào bom pháo dừng trên đỉnh chốt. Đại đội 19 vẫn kiên cường bám trụ, thương vong ngày càng nhiều. Đại đội 7 của tôi được lệnh ra chốt thay thế cho Đại đội 19.
Đêm ấy, trinh sát dẫn chúng tôi luồn rừng ra cao điểm. Trămg sáng nhờ, những vì sao rất thưa, buổi chiều có một cơn mưa nên trời se lạnh, xung quanh hơi nước bốc lên mờ mờ ẩn hiện một vài cây to dưới chân điểm chốt. Xung quanh vắng lặng, có tiếng lách cách của súng va vào nhau, tiếng xì xào bàn giao hầm hào và hướng địch.
Hầm ở đây be bét bùn đất, nước dột tong tỏng, múc nước ra liên tục, dưới sàn hầm, bùn lội đến mắt cá chân, bộ đội phải lấy những khúc cây bị bom cắt cụt kê xuống bùn làm chỗ ngủ ngồi. Ở trong hầm cũng phải choàng áo mưa trên cổ.
Mới tang tảng sáng đã xúc miệng một loạt pháo bầy, không ai việc gì. 9 giờ, địch tổ chức phản kích, chúng đứng rất xa, lao xao dưới chân đồi trong rừng cây “cộng sản” bắn cối và M79 lên chốt. Một toán bò lên bị tổ tiền tiêu bắn hất xuống chân đồi. Tiếng miền Nam léo nhéo gọi bộ đàm.
Pháo và cối lại câu đến, pháo khoan, pháo phạt mù mịt. Một quả cối rơi trúng cửa hầm bên cạnh. Hai chiến sĩ hy sinh.
Buổi chiều, sau đợt pháo kích, địch hai hướng bò lên. Chúng tôi đánh trả quyết liệt. Địch dùng phóng lựu bắn vào cây cụt trên điểm chốt, mảnh bay xuống làm chiến sĩ Trần Quốc Thắng (Gia Lâm – Hà Nội) bị thương. Chiến sĩ trẻ măng người Cẩm Khê – Phú Thọ bị ba viên xuyên lưng thấu phổi. Vết thương sùi bọt và máu, tôi băng chặt lại chờ đến tối cho cáng ra ngoài.
Chưa qua một ngày chúng tôi đã mất bốn chiến sĩ. Chập tối, tiểu đoàn lệnh cho đại đội tiến xuống sát với địch, chỗ rừng cây “công sản” chia làm bốn  tổ đào hầm.
Sáng hôm sau địch dùng cối, pháo và cả bom cháy đánh vào điểm chốt cũ, lửa bám vào cành cây khô cháy rừng rực. Chúng tôi ung dung bình an vô sự cạnh nách địch.
Hai ngày sau, chúng chỉ dùng cối và pháo bắn lên cao điểm. Phía nam, máy bay quần đảo chắc là đơn vị bạn chạm địch. Không thấy bộ binh lên, hay chúng nó luồn rừng vòng ra sau lưng mình rồi. Có một xác lính nguỵ chết cách cửa hầm vài mét đang thối ruỗng, cây cỏ xung quanh đen sì như hắc ín, mùi khẳm xông lên rất khó chịu. Tôi và chiến sĩ thông tin lấy xẻng phủ đất lên trên.
Chiều ngày thứ ba địch thay đổi chiến thuật đánh vào khoảng 5 giờ chiều đến tối. Sau một đợt pháo và cối tưởng như sới tung cả cao điểm, bộ binh địch hò nhau lên. Những thằng to mồm đều là nhừng thằng hèn nhát, chúng đứng trong rừng cây cách hầm tôi khoảng 10 mét gì đó. Nghe thấy tiếng sột sệt và tiếng hô: Zô lên! Zô đi! Nhưng không thấy ló mặt thằng nào ra cả. Tiếng quả cối va vào nhau leng keng, tiếng loang xang của viên đạn chui vào nòng và tiếng nổ liều phóng. Sau tiếng kậm kịch của súng phóng lựu là một loạt tiếng nổ ùng oàng sau lưng chúng tôi. Khẩu đại liên trước mặt kéo hàng băng dài lên đỉnh cao điểm. Tôi bảo anh Lan:
-         Đừng có bắn! Lộ điểm chốt của mình! Dùng lựu đạn thôi!
Tôi cầm quả lựu đạn ra hiệu cho các hầm bên cạnh cùng làm theo và tương US xuống chỗ địch đang bắn.
Im lặng, hai bên cùng nhau nghe ngóng, không thấy tiếng AK bắn trả, địch lại bắn, lại hò nhau lên. Chúng tôi cứ lựu đạn mà chọi, có tiếng gọi nhau chí choé. Cứ thế địch bắn thì chúng tôi chọi lựu đạn, địch im thì chúng tôi nghỉ tay. Có lẽ chúng nghi ngờ một lực lượng áp sát nên nằm im nghe ngóng. Sẩm tối, một cơn mưa ào qua, anh Lan lấy tấm tăng che lại cửa hầm, tôi ở ngách dưới gần địch hơn kéo anh xuống hầm và bảo:
-         Địch nó chưa rút đâu! Em không nghe thấy tiếng bò quay ra của chúng!
Cũng lúc ấy tiếng miền Nam: Bắn đi! Zô lên! Cách hầm tôi không xa lắm. Đại liên địch đã hạ thấp nòng bắn quét sát sạt cửa hầm tiện đứt những thân cây đổ xuống. Anh Lan điên tiết bắn một quả B40 vào chỗ khẩu đại liên ấy. Địch im hẳn. Tôi định đứng dậy quan sát xem quả B40 đó nổ ở khoảng nào thì nghe tiếng ầm, oắc! Một vầng lửa màu da cam chụp lấy căn hầm. Hơi nổ hất tôi ngã nhào vào phía trong, đầu va vào kèo hầm tóe máu, tai ù đặc, miệng hớp khói đắng ngắt. Quả đạn chống tăng địch bắn trả vào đúng cửa hầm tôi đứng. Đang định thần kiểm tra xem mình bị thương có nặng lắm không thì thấy anh Lan kéo áo:
-         Hậu! Tao bị thương rồi!
Trong hầm tối đen như mực, không dám bật đèn pin. Tôi sờ lên đầu anh thấy máu chảy nhầy nhụa, xé băng quấn đại xung quanh trán, đặt anh dưới sàn hầm. Thò đầu lên quan sát, xung quanh im lặng, có tiếng lách cách của súng và tiếng lê trên lá rừng. Địch đã biết vị trí mới của chúng tôi và lặng lẽ rút quân. Có tiếng chân chạy thình thịch và một bóng người lom khom từ phía sau lao đến. Tôi quát:
-         Ai?
-   Lĩnh đây! Lĩnh thông tin đây! Lĩnh, bộ đội thông tin quê Hà Tĩnh. Pháo bắn đứt đường dây, người thông tin phải đi kiểm tra và nối lại. Tránh một bên cho anh ta chui xuống hầm, tôi bảo:
-         Địch ở gần đây lắm! Ông cứ “ trọ trẹ” lính với lịnh đây kiểu ấy có lúc quân ta chiến thắng quân mình đấy!
Đúng lúc ấy, chính trị viên Tiểu đoàn gọi điện ra yêu cầu báo cáo lại trận đánh ban chiều. Tôi bảo anh Lan bị thương rất nặng. Ông bảo tôi báo cáo cụ thể. Tôi nói mạch lạc, tường tận trận đánh và cố ý đề cao việc chính trị viên Đại đội bị thương nặng không thể chỉ huy được, xin đơn vị khác ra thay thế. Ông bảo: “Để còn nghiên cứu!”.
Gần sáng, Tiểu đoàn lệnh bàn giao điểm chốt cho Đại đội 5. Tôi thay mặt anh Lan đi bàn giao hầm hào và hướng địch cho đơn vị bạn rồi vội vàng dìu anh rút lui trước khi trời sáng. Qua cao điểm, tàn lửa đã bị cơn mưa dập tắt, sợi kếp của bom Na pan chưa cháy hết, mắc trên cành cây như mạng nhện. Về đến vị trí tập kết, tôi bảo Sang và Thu:
-   Hôm nay sẽ ác liệt lắm! Hầm hố của mình bị lộ hết rồi. Lại quay đúng về hướng pháo! Thằng Đại đội 5 chắc không giữ được!
Như tôi dự đoán, khoảng 9 giờ địch cho bộ binh lên thăm dò. Đại đội 5 đáp lại bằng B40 và AK có vẻ oai hùng lắm. Địch rút quân ra xa. Chúng cho một đài quan sát leo lên cây cao đối diện với hầm của Đại đội 5 mà chỉnh pháo. Thế là pháo từ những điểm cao tập trung vào bốn cái hầm cỏn con ấy. Pháo phạt làm quang tinh vạt rừng “Cộng sản” và trơ ra miệng hầm lố nhố quân “Việt cộng”. Sang phải, sang trái toàn pháo khoan, có bốn chiếc hầm thì sập ba chiếc. Bộ đội đào bới nhau tập tễnh tháo lui, bỏ cả cối 60 ly và điện đài trong hầm. Mất chốt hoàn toàn.
Thấy bộ đội tập tễnh cõng nhau về, ông Chính trị viên Tiểu đoàn quát:
-         Ối giời ơi! Nhìn không khác gì quân thất trận!
 Lực lượng của địch mạnh như vậy thắng làm sao được.
Ngày hôm sau, Trung đoàn cho Lập một đài quan sát, dùng pháo 85ly nòng dài từ bờ sông bên kia bắn sang vị trí đóng quân của địch. Nhưng do pháo của ta di chuyển bằng tháo rời, mang vác, bệ bắn xạ giới kém nên hiệu quả không cao.
Địch đã vòng ra sau lưng chúng tôi, chiều qua phục mìn đoàn vận tải mang đạn ra chốt, sáu người hi sinh. Tiểu đoàn bộ đứng trước vòng vây của địch. Ngay hôm ấy, đơn vị được lệnh  bỏ chốt, cắt rừng về Tiểu đoàn bộ. Đến Tiểu đoàn, anh nuôi, văn thư, quản lý ở lại. Anh Lan chính trị viên, Đại đội phó Thấu, tôi (y tá ) cùng 7 chiến sĩ nữa lên chốt giữ đồ tròn, cách Tiểu đoàn khoảng 15 phút đi bộ.
     Vừa ra khỏi tiểu đoàn vài phút, địch cắt đường bắn chết chiến sĩ thông tin đi sau, cắt đường dây điện thoại ra cao điểm. Coi như chúng tôi bị bao vây từ đấy. Đến điểm chốt, tập trung củng cố công sự, hầm hào chiến đấu. Chờ đến chiều không thấy anh nuôi đem cơm.
Ngày thứ nhất qua đi, không thấy thông tin nối dây, mọi liên lạc về phía sau mù mịt, bộ đội ăn gạo rang.
     Ngày thứ hai đói, khát. Anh nuôi không đem cơm ra được, chúng tôi phải dùng thuốc mìn claymon đốt cơm trong ống coóng. Cũng may đang là mùa mưa, bộ đội lấy tăng hứng nước để nấu cơm và chống lại cái khát.
     Ngày thứ ba, địch vây chặt điểm chốt. Hướng nào cũng thấy nó gọi bộ đàm, gần lắm. Nhiều khi chúng ăn cơm, vứt vỏ hộp đánh coong một cái vào gốc cây, rất ngạo mạn. Anh Lan bảo Thấu đại đội phó đi bám địch, tìm cách liên lạc về Tiểu đoàn.
Thấu từ chối, ngồi dưới hầm, lãn binh, không đi đâu cả.
Anh Lan bảo tôi chú ý cảnh giới, anh đi bám địch một mình, khi trở về anh bảo tôi:
-         Địch đào hầm rất gần mình! Khả năng ác liệt lắm! Nếu có gì cứ bám theo con suối dưới chân cao điểm này là về đến Tiểu đoàn bộ.
Cả tôi và anh đều linh cảm thấy một cái gì đó chuẩn bị  xảy ra. Một sự mất mát rất lớn mà không sao thoát ra được. Tất cả lúc này mọi hành động đều là lí trí chi phối, chỉ có nhiệm vụ trước mắt và sẵn sàng hi sinh. Chúng tôi đã vậy, còn lại bảy chiến sĩ kia thì sao? Họ còn trẻ quá! Ngây thơ quá! Tôi năm ấy cũng chỉ vừa tròn 20 tuổi, nhưng dù sao cũng đã có 3 tuổi quân, đã tham gia nhiều chiến dịch và qua nhiều trận đánh. Còn họ, có chiến sĩ mới vào chiến trường chưa được nửa năm.
Càng ngóng tin tiểu đoàn càng biệt tích, không có một mệnh lệnh nào để hành động.  Ở lại hay phá vây? Anh Lan gầy sọp đi, gương mặt hốc hác, trên đầu vẫn cuốn băng trắng.
Sáng ngày thứ tư, có toán địch lọt vào điểm chốt. Anh Lan phát hiện và bắn hai loạt AK không chết tên địch nào cả. Chúng chạy ào vào rừng, vị trí của chúng tôi bại lộ. Địch áp sát đỉnh đồi, khép chặt vòng vây. Do quá gần nên chúng không gọi pháo tầm xa bắn đến mà dùng cối 81ly lắp ngòi khoan tấn công. Cối bắn từ chỗ toán Nguỵ xuất hiện chuyển làn đến gần hầm của tôi thì dừng lại. Hầm tiền tiêu gồm: Toàn ( chiến sĩ B40) và Phòng bị dính cối. Toàn chết ngay trong hầm, Phòng bỏ chạy về cuối điểm chốt. Địch bắn hú họa mấy băng đại liên, không thấy xông vào. Hầm của tôi trở thành vị trí tiền tiêu.
Chiều tối, tôi và anh Lan cùng Bình đen bò lên hầm Phía trước, đưa Toàn lên và chôn cất  cạnh gốc cây to ở giữa điểm chốt, cách hầm tôi 4 mét.
Sáng hôm sau, địch ồ ạt tấn công. Đại liên bắn loạn xạ, đạn vàng chóe tiện đứt dây leo trong rừng. Đạn pháo lựu nổ vung vãi. Anh Lan và tôi bắn mấy loại AK rồi quay về sau hầm. Vòng sang bên phải thấy địch hô nhau xông lên, đại liên bắn về phía trước. Tôi ném hai quả lựu đạn về phía địch, anh Lan bắn một loạt AK. Địch quay súng về phía chúng tôi, hai người tháo lui quay về hầm.
Thấy khẩu B40 của Toàn dựa vào gốc cây to phía trước, anh Lan bò lên lấy xuống. Vừa khom lưng đi được một đoạn tôi thấy anh chạy về, một tay xách súng, một tay bịt mồm, máu ra loang lổ:
-         Hậu! Tao bị thương!
Mặc cho địch bắn loạn xạ, bộ đội hoảng sợ tập trung vào hai hầm sau cùng. Tôi kéo anh Lan xuống một hố đất sau hầm. Viên đại liên của địch bắn gẫy hai răng cửa trước, xuyên qua quai hàm làm máu ra thành dòng. Tôi dùng cuộn băng vê chặt như chiếc nút chai, xoáy từ bên ngoài vào và băng chặt qua tai lên đỉnh đầu:
-         Anh bị rất nặng! Không ở đây được đâu! Anh về ngay đi, càng nhanh càng tốt!
-         Tao về còn chúng mày làm thế nào?
-         Anh cứ đi đi, em sẽ liệu!
Nhìn anh xộc xệch vội vàng tụt xuống dốc, tôi lo cho anh quá! Không biết có về được đến tiểu đoàn bộ hay không?
Quay về căn hầm cuối cùng, bộ đội tập trung chui rúc ở đấy. trong đó có cả đại phó Thấu. Tôi bảo:
-         Tất cả lên hết! Không ai ở dưới hầm cả. Không đánh địch thì cũng chết, cố gắng cầm cự chờ anh Lan về gọi người lên phá vây.
Thấu, Tròn, Bình, Phòng lục tục chui lên nằm soài sau hầm. Địch đã ngớt bắn, chắc nó đang củng cố để tấn công đợt khác. Cùng lúc ấy anh Lan lếch thếch từ dưới dốc chạy lên. Anh vẫy tôi lại:
-         Cho anh em rút theo suối!
Sau đó anh quay đi luôn.
-         Thôi, rút! – Tôi ra lệnh.
Một vài người định nhảy xuống hầm lấy ba lô mang theo. Tôi nổi cáu:
-         Chắc gì còn sống mà ba lô, ba đồ! Cầm súng và đạn đi!
Tụt xuôi theo vết máu, qua mấy điểm chốt của địch vừa bỏ đi xong, vết giày của địch còn in trên đất ướt. Bám theo vết máu một đoạn thấy có tiếng địch gọi bộ đàm phía trước. Tròn kéo áo tôi lại:
-         Đừng đi theo anh Lan nữa! Ông ấy cuống lên có khi lao vào vị trí địch rồi!
Bỏ vết máu, tôi cắt rừng xuống suối, lội qua một bãi gai xấu hổ sang bờ suối bên kia, chúng tôi dừng lại. Phía trước, phía sau  đều thấy địch gọi nhau bằng bộ đàm. Trên điểm chốt, đại liên địch lại rộ lên từng chập, tiếng phóng lựu, tiếng cối loạn xạ. Chúng đang đánh vào chỗ không người. Tôi bảo:
-         Bây giờ thế này! Tôi đi đầu, Tròn cầm B41 đi cùng tôi. Mỗi người cách nhau 4 mét. Nếu gặp địch, tôi bắn thì tất cả cùng bắn, còn không cứ để địch đi qua hoặc cố gắng tránh né. Nếu không may bị thất lạc thì cứ xuôi theo con suối này là về đến tiểu đoàn bộ!
Chúng tôi cứ bám suối cắt rừng mà đi, phía phải có địch thì cắt sang bên trái, phía này có súng nổ lại quay sang hướng khác. Có khi cắt qua một con đường mòn phía trên chắc có địch. Chúng vừa xuống suối lấy nước, một vệt nước còn đọng trên đường. Lúc này tôi mới mong mưa làm sao, mong đến cháy ruột. Nhìn lại đội hình chỉ còn mấy người, tất cả như gà con lạc mẹ, nhớn nha nhớn nhác. Thấu - Đại đội phó mặt cắt không còn giọt máu, lủi thủi đi sau cùng, nếu gặp địch là sẵn sàng bỏ chạy. Nhìn anh em ngơ ngác tôi thấy thương họ quá. Nếu mình mắc mìn, người đi đầu bao giờ cũng chết, còn lại họ làm sao? Bây giờ mà mưa xuống địch sẽ co cụm lại trú mưa và chúng tôi xuyên rừng trong tiếng mưa đại ngàn ấy... Nhưng trên trời chỉ có một vài cụm mây đen bảng lảng như thách thức lòng can đảm của lính.
Bỏ chốt khoảng 10 giờ sáng, xuyên rừng đến 15 giờ chiều thì ra một vạt nương cũ của dân, có mấy bụi chuối mọc xen trong nương ngô đứng chênh vênh bên sườn dốc. Hình như đến Tiểu đoàn bộ rồi thì phải, mấy lần cáng thương binh về đây tôi nhớ có vạt nương như thế kia nhưng liệu Tiểu đoàn còn ở lại hay đã di chuyển sang sông rồi? Tôi thấy lo quá! Có một bụi mía ven đường, bộ đội đói quá tranh nhau bẻ nhai xì xụp. Tôi lắc đầu chán nản, vừa đói, vừa mệt, vừa sốt ruột. Thấy một đoạn dây thông tin của ta bỏ lại vệ đường, tôi thấy hy vọng:
-               Thôi! Anh em nghỉ đi! Ngồi tản ra! Có lẽ về đến Tiểu đoàn bộ rồi! Để tôi sang bên kia suối xem sao.
Lội ào qua con suối sang bờ bên thấy một vết giày Ngụy in đậm trên bậc lên xuống. Tôi giật mình định tháo lui thì có tiếng ai đó huýt sáo. Không biết là ta hay địch, tôi cũng quýt quýt trả lời. Bên một bụi le thấp thoáng bóng áo xanh vẫy vẫy. Tôi không kìm được niềm vui tột cùng kêu to:
-         Về Tiểu đoàn bộ rồi! Bộ đội chạy ào sang suối nước bắn tung toé.
-         Khẽ thôi! Vừa mới bắn chết tên Ngụy cách đây vài mét. Nó bám theo đường điện thoại của ta và bị tổ thông tin bắn chết!
-         Anh Lan về chưa?
-               Về rồi. Đang cấp cứu ở hầm quân y, anh ấy bị thương nặng lắm, không còn nói được chỉ viết vào lòng bàn tay mấy chữ: “Đại đội 7 chết hết rồi! Các anh là đồ cõng con bỏ chợ!”... Xong rồi ngất đi. Tất cả chúng tôi lặng đi: Thế là hết! Cả ông Hậu nữa, không còn ai!
Phải thôi, chỉ có một mình chính trị viên chạy về đến nhà, máu me đầy mặt thì còn ai nghĩ đến chúng tôi sống mà trở lại.
Tôi chạy lên hầm phẫu, anh Lan nằm đó vết thương được khâu kín, máu không ra ngoài được tích lại ở trong cơ mặt căng ra như quả bóng, mặt nóng rực, thở gấp gáp yếu ớt. Tôi gọi nhưng anh không trả lời, nhưng tôi biết anh còn tỉnh. Anh đã nhận ra tôi và rất vui khi chúng tôi an toàn trở về. Tôi được gọi lên gặp anh Sơn – chính trị viên Tiểu đoàn (người Thanh Hoá), anh ôm lấy tôi và bảo:
Đưa nhau về được là may mắn lắm rồi! Trinh sát đi tìm các đồng chí nhưng địch đông quá, không vào được! Thôi cho anh em nghỉ ngơi rồi tính sau!
Chiều tối anh Lan tắt thở. Chôn cất anh ở phía sau vị trí đóng quân của Tiểu đoàn bộ. Ở đấy người ta đã đào sẵn 10 chiếc huyệt cho chúng tôi nhưng rồi không dùng cho ai cả.
Pháo địch bắn cấp tập vào chỉ huy sở Tiểu đoàn, có nghĩa là chúng sẵn sàng đánh tập hậu và cô lập chúng tôi hoàn toàn. Khoảng 2 giờ sáng toàn bộ Tiểu đoàn rút ra bờ sông, chỉ để lại một đơn vị nhỏ đánh địch vu hồi. Số gạo và đạn không đem theo hết vùi tạm trong hầm, nếu được có thể sẽ lấy về sau.
Ra đến bờ sông, Đại đội phó Nguyễn Văn Thấu bị đình chỉ chức vụ gọi về hậu cứ cách chức xuống hàng Trung đội, chuyển về K thu dung xét sau. Mười anh em chúng tôi đào hầm và mắc võng trong một bãi le bằng phẳng gần bờ sông. Một hôm đi xuống bếp ăn cơm, Mậu vừa mở vung nồi nước mắm ra thì có một con nhện rất to rơi xuống, chết co quắp. Tôi bảo:
-   À, nhện sa vào nồi nước mắm thế nào cũng có thịt! Thôi, chờ mấy “bố kia” về rồi hãy ăn cơm.
Vừa dứt lời thấy Sang chạy hớt hải về bảo:
-         Có con nai bị pháo địch bắn chết, Tiểu đoàn đang chia nhau ngoài kia kìa, nhanh lên!
Chiều hôm ấy, chúng tôi được bữa thịt tươi nhớ đời. Hơn một tháng hành quân đánh nhau liên tục, rau xanh nằm mơ cũng không thấy huống gì thịt tươi như thế! Bữa nào cũng chỉ có nắm cơm, muối vừng và ít ruốc. Hôm nay địch tặng cho một bữa nai rừng làm kỷ niệm.
Pháo địch chuyển làn cấp tập ra bờ sông, K9 vừa đánh vừa rút. Chúng tôi được lệnh vượt sông, chuyển quân về hậu cứ dưới chân núi Chư Mom Ray chờ bổ sung quân. Rõ ràng, địch đã tận dụng hết thế mạnh của chúng: Gần thị xã và quận lỵ, có đường 14 di chuyển thuận lợi, tập trung nhanh. Các khu vực khác cắm cờ bàn chuyện hiệp thương để cầm chân lực lượng của ta. Vị trí nào địch lấn chiếm là tập trung tất cả máy bay, pháo đủ các loại theo kiểu “Vết dầu loang” đánh chiếm ác liệt vùng giải phóng. Phía chúng tôi xa hậu cứ, chúng chọn chiến dịch vào mùa mưa. Vô cùng phức tạp, nhất là chuyển quân và súng đạn sang sông, lực lượng đang dàn đều từ Bắc xuống Nam nên di chuyển ứng cứu nhau không phải dễ.
Đại đội tôi trước khi xuất kích gần 60 cán bộ, chiến sĩ, khi đặt chân về hậu cứ còn đúng mười người kể cả anh nuôi. Trong mười đồng chí đó có một số đồng chí mới bổ sung tôi không nhớ tên. Sau chiến tranh, những người lính bước ra ngoài cuộc chiến họ tìm gặp lại nhau tay bắt mặt mừng nghẹn ngào xúc động.
* * *
Tôi gặp lại Nguyễn Kiến Đào -Y sĩ tiểu đoàn 8 (nay là phó viện trưởng bệnh viện tỉnh Yên Bái), Nguyễn Văn Khoản (bác sĩ bệnh viện Việt Trì) gặp Mậu (nay ở tỉnh uỷ Lạng Sơn), Lý Sài Quẩy (thanh tra huyện Sa Pa – Lào Cai), Thu phục viên về Sơn Dương – Tuyên Quang, Sang về Hưng Hà – Thái Bình và người tổ trưởng nuôi quân Trần Văn Hợp về Thanh Sơn – Phú Thọ. Có một chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn đã từng cắt rừng đưa chúng tôi bám địch – Cũng đã từng cắt rừng để vào chốt liên lạc với chúng tôi ở trận cuối cùng nhưng không thể vào được vì địch bao vây rất đông đó là Đinh Ngọc Lánh nay ở Xuân Đài – Thanh Sơn – Phú Thọ. Riêng Tròn (Vô Tranh - Hạ Hoà) hy sinh tháng 10 năm 1974 ở một trận đánh chốt. Còn lại Bình đen, Phòng và những người khác chắc họ đang tần tảo với cuộc sống riêng của gia đình. Họ không bao giờ quên những kỷ niệm ấy.
                  Xin chúc họ luôn may mắn và hạnh phúc!