LÍNH ĐOÀN ĐẮC TÔ KỂ CHUYỆN ĐÁNH CHIẾM SỞ CHỈ HUY SƯ ĐOÀN 23 NGỤY

LÍNH ĐOÀN ĐẮC TÔ KỂ CHUYỆN ĐÁNH CHIẾM SỞ CHỈ HUY SƯ ĐOÀN 23 NGỤY
                                                Đinh Lương Nhới - chiến sỹ đại đội 2 - Trung đoàn 24

Phần 1: TRỞ THÀNH LÍNH ĐOÀN ĐẮC TÔ

Tôi nhập ngũ tháng 4 năm 1974, vào chiến trường tháng 11/1974. Đi B sau Hiệp định Pari nên chúng tôi được hành quân bằng cơ giới.
Từ Ga Lương Sơn Thái Nguyên vào Vinh đi tàu hỏa; từ Vinh đi ô tô qua cầu Hiền Lương, Đông Hà, Quảng Trị rồi rẽ phải theo đường số 9, rồi lần lượt qua các binh trạm trên đường Trường Sơn. Dọc đường, gặp nhiều xe ra. Gặp xe nào chúng tôi cũng cứ hỏi bằng tiếng Mường là ”Có ai là người dân tộc Mường không?” Họ nhìn chúng tôi không hiểu gì, chắc họ nghĩ chúng tôi là bộ đội ở hành tinh khác đến!
Rồi chúng tôi vượt ngã ba Đông Dương đến địa bàn thuộc tỉnh Kom Tum, đây sẽ là địa điểm giao quân. Đại đa số chúng tôi được bổ sung về d4/e24/fBB10. Riêng tôi và một số anh em được về Đại đội 2. Ra binh trạm đón chúng tôi là một số cán bộ Đại đội. Trong số cán bộ này, có anh Đàm chính trị viên sau khi gặp nhau hỏi truyện biết anh Đàm là người cùng xã, anh đi bộ đội năm 1965. Mừng quá gặp được người đồng hương lại là người cùng xã nên rất mừng. Cái lạ đầu tiên là cán bộ ở đây không đeo xà cột da như ở ngoài Bắc mà họ đeo túi đựng mìn claymo của Mỹ.
Chúng tôi bắt đầu hành quân đi bộ. Khi leo qua cao điểm 1015, nhìn thấy dấu vết những trận đánh của bộ đội ta với quân địch những năm trước, mũ sắt vẫn ngổn ngang. Đối với chúng tôi rừng núi không có gì là lạ vì đa số chúng tôi là người dân tộc, nhưng leo núi mà phải mang vác nặng theo đội hình cự ly, tốc độ đều phải tuân thủ nghiêm ngặt. Hơn nữa, đây là chiến trường đã nghe tiếng máy bay pháo bắn cầm canh nên cũng có phần căng thẳng.
Về tới đơn vị sau khi nghỉ ngơi, làm công tác ổn định biên chế, tôi được về a1của trung đội 1, do anh Lập làm B trưởng, Anh Thảo người Lập Thạch làm B phó. Anh Luyện lính 1972 người Vĩnh Tường làm A trưởng. Thời gian này, đơn vị chủ yếu là học chính trị, ổn định tổ chức, chuẩn bị vào mùa khô.
Mấy hôm sau tôi cùng một số anh em được phân công đi cải thiện giúp anh nuôi.Một điều lạ nữa là nếu ở ngoài Bắc đi cải thiện tức là mổ lợn là có bữa ăn tươi nhưng ở đây đi cải thiện là được các anh lính cũ dẫn đi hái mít non, hoặc đi nhổ sắn về nấu canh. Là lính mới không quen nên thật khó nuốt nhưng vẫn phải ăn. Sau đó tôi được cử đi học lớp trinh sát cấp tốc do trung đoàn mở. Đơn vị trinh sát có sân bóng chuyền,buổi chiều hết giờ hành chính anh em tập trung chơi thể thao. Ban ngày học lý thuyết,tối ra thao trường tập khắc phục vật cản. Thời tiết ở Tây Nguyên ban ngày thì nắng,đêm thì lạnh, tập vất vả nhưng khi về được bồi dưỡng xôi lạc ăn rất ngon.
Cùng tổ với tôi có anh Khang lính 1973, người Yên Bái. Anh ấy ở C3, có tài làm thơ và kể chuyện rất hay. Anh đã hy sinh ngay ngày đầu tiên (11/3/1975) khi tham gia đánh vào SCH Sư đoàn 23 ngụy trong thị xã Buôn Mê Thuột. Nếu anh còn sống, tôi tin rằng, chắc chắn rằng anh sẽ trở thành cán bộ xuất sắc của Quân đội.
Kết thúc khóa học tôi lại trở về đơn vị lại học chiến thuật đánh công sự vững chắc, học đủ các thứ mà người lính trận cần biết. Lúc nào rỗi là anh em lại chuẩn bị những thứ cho cá nhân mình như vót tăm. Mỗi người lính chúng tôi có một cái ống tăm bằng nhôm, mài dũa rất đẹp. Rồi cắt ca INOX ra làm thành hai mảnh, một đầu có lỗ dùng vòng rút chốt quả lựu đạn US một đầu thì móc vào làm quai rút dép hoặc đan rổ giá đựng cơm. Lính ta vót nan đan rất khéo, cạp vành thì đã có dây điện thông tin vừa chắc vừa đẹp. Còn đèn thắp sáng thì xin lọ thuốc của y tá, tim đèn được luồn vào một cái ống có gờ uốn 1 cái lò xo (như lò xo bút bi bây giờ ), khi hành quân ấn bấc xuống,đậy nắp lại, vặn kỹ… thế là không lo đổ dầu, rất tiện. Rồi còn giã gạo làm bánh tráng, phở nữa chứ. Hôm đầu tiên được phân công đi giã gạo tôi cứ phân vân giữa rừng núi này lấy đâu ra chày cối mà giã gạo? Hóa ra lính cũ rất khéo, chày thì tìm một cây vừa ý, cưa ngang, lấy ni lông quấn quanh buộc dây chun thật chắc; còn cối thì mũ sắt ngụy nhiều vô thiên lủng. Còn muốn bột mịn thì rây bằng màn tuyn.
Rồi đơn vị tổ chức ăn tết trước để đi chiến dịch cũng có bánh chưng, đỗ xanh, thịt lợn, kẹo lạc. Bộ đội mình làm lấy hết, nguyên liệu thì trên cấp.
Ăn tết xong, đơn vị chuyển đi cánh Nam hành quân bằng cơ giới, không phải cuốc bộ nên lính rất sướng. Hành quân đến một khu rừng thì mới biết hôm đó mới là đến tết Nguyên đán thật. Đơn vị dừng lại, rồi đến đêm 30 tết cũng hái hoa dân chủ văn nghệ rất vui, giao thừa anh em đi chúc tết nhau một năm mới vui vẻ bình an.
Sáng ra lại lên xe hành quân tiếp mấy hôm sau đến một khu rừng khộp cạnh con suối. Tôi không biết khu vực này ở đâu, nhưng thấy dấu vết thú rừng rất nhiều, đặc biệt là trâu rừng, có hẳn một bãi phân trâu 30 – 40 phân. Tại vị trí mới, lính thông tin rải dây xuống các đơn vị (để đảm bảo bí mật vì thời gian này thông tin vô tuyến không được dùng). Quả đúng như vậy, chúng tôi được lệnh dựng lán ở cạnh bờ suối. Những ngày sau đó, chúng tôi tổ chức đi tát cá cải thiện bữa ăn. Lính chọn chỗ nào suối cua có vũng, xẻ một đường rãnh tránh qua vũng đó sau đó lấy ni lông đắp phần trên cho nước chảy theo rãnh đào rồi tát phần vũng, nói hơi quá nhưng mà thượng vàng hạ cám có gì chúng tôi nhặt tất miễn là sinh vật đó ăn được. Thời gian này các tiểu đội tự nấu cơm lấy, nên số chiến lợi phẩm thu được ở suối thì bữa ăn chúng tôi cùng rôm rả.
Rồi chúng tôi được học đánh thành phố. Không biết công binh hay đơn vị nào đã làm sẵn thao trường nhà 2 tầng, có cầu thang lên xuống toàn bằng gỗ! Cứ nhớ anh Đàm, chính trị viên, cầm loa định vận đến từng phòng gọi hàng mệt mà vui đáo để. Rồi học lên xuống xe tăng, xe bọc thép, học sa bàn đánh thành phố nhưng có một điều đặc biệt là lính không được biết sa bàn mình học là ở đâu? Thành phố nào? (mãi sau này khi vào tiền nhập đào hầm xong tôi ngồi hầm cùng anh Lập B trưởng có anh Đại đội trưởng ngồi cùng các anh giở bản đồ ra tôi mới biết đó là Buôn Mê Thuột).

Phần 2: VÀO TRẬN VÀ NHỮNG KỈ NIỆM CƯỜI RA NƯỚC MẮT


Rồi giờ G ngày N cũng đến chúng tôi hành quân tiền nhập vào vị trí quy định đêm tối hành quân đi qua rẫy cà phê của dân những vườn cà phê lúp súp ngang đầu người nhìn vào Thị xã Buôn Mê Thuột, điện sáng chưng. Khoảng 12h đêm, đơn vị tôi cũng vào đến vị trí qui định, nhưng do bộ phận trinh sát dẫn đường đưa bộ đội đi quá vào đến tận hàng rào nên lại phải lùi ra khoảng 200m cạnh vườn chuối, đào hầm chờ lệnh.
Khoảng 2h sáng phía sân bay Hòa Bình đã rộ lên tiếng súng các loại, đạn lửa xen nhau trên không trung. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi. Khi trời sang, sương mù tan dần nhìn vào phía địch thấy một cái chòi canh có thằng lính Ngụy không biết nó có nhìn thấy chúng tôi không mà nó cứ bắn hàng loạt AR15 lóp bóp. Một tình huống bất ngờ xảy ra, do sương mù nên xe tăng không xác định được vị trí hướng tiến nên yêu cầu bộ binh cắm cờ để xe tăng làm chuẩn tiến vào. Lập tức tổ cắm cờ được giao nhiệm vụ lên cắm cờ chuẩn gồm Kiều Hải Âu A phó và là Tổ trưởng Tôi và Cảnh người Yên Lập,Phú Thọ. Chúng tôi bò lên tìm vị trí thích hợp anh Âu trực tiếp cắm cờ, tôi mang AK, Cảnh mang B40 cảnh giới. Cắm cờ xong chúng tôi trở về hầm (chi tiết này sau được nhắc đến trong vở chèo “Bức tranh dũng sĩ ” phát trên đài tiếng nói Việt Nam).
Nhìn thấy cờ xe Tăng lao vào. Đến nơi anh em chỉ chiếc chòi canh cho xe tăng. Pháo tăng hướng nòng bắn một phát tung chiếc chòi canh rồi chúng tôi được lệnh vận động lên phá cửa mở. Vì c2 được giao nhiệm vụ là đơn vị mở cửa của Tiểu đoàn mà tôi ở a1/b1, chúng tôi ôm bộc phá lao lên. Rất may cửa mở hướng này không khó khăn kiên cố như những gì chúng tội đã được học, chỉ có mấy lớp hàng rào đơn. Chúng tôi nhanh chóng chiếm khu đầu cầu (không có lô cốt), lúc đó anh Đàm chính trị viên và anh Chuyển - Đại đội trưởng lấy pháo hiệu ra bắn, ba phát pháo hiệu vụt lên trời báo hiệu cửa mở đã thông (mặc dù trước đó các anh đã báo cáo bằng vô tuyến điện và điện hữu tuyến cho cấp trên và các đơn vị bạn phối thuộc).
Theo qui định, đơn vị mở cửa sẽ chốt lại đầu cầu để đơn vị bạn phát triển vào trung tâm. Chúng tôi ở lại khu đầu cầu cả ngày, hình như bên cạnh là khu gia bình vì thấy có dân. Đến chiều, khoảng tầm 5h30p tôi cùng một số anh em được giao nhiệm vụ đi vận chuyển tử sỹ. Khi đến cổng kho Mai Hắc Đế, nhìn vào bên trong cổng thấy 3, 4 liệt sỹ nằm cạnh chiếc K63. Đây là lần đầu tiên nhìn thấy đồng đội hy sinh, tôi cũng sợ.Trong số liệt sĩ hi sinh, có một anh đeo sắc cốt hay túi mìn mo gì đó. Than ôi, sau này tôi mới được biết, đó là anh Trương Ngọc Oánh, Tiểu đoàn trưởng cùng một số cán bộ đi theo K63 vào đến đấy thì hy sinh. Chúng tôi đưa các anh ra ngoài bàn giao cho bộ phận làm công tác tử sỹ rồi trở về làm công tác ổn định bổ sung vũ khí đạn dược chuẩn bị sáng ngày 11/3 đánh tiếp. Mục tiêu được giao vẫn là đánh chiếm Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy.
Những chuyện cười ra nước mắt
Nói về những người lính ở C2, K4 ở đơn vị lúc đó thì chúng tôi là lính mới tò te. Xin được kể lại một vài kỷ niệm cười ra nước mắt trong trận này.
(1) Sáng ngày 11/3 chúng tôi được lệnh hành tiến vượt qua khu truyền tin, kho xăng. Lúc này kho xăng đang bốc cháy, khói mù mịt, trên đầu máy bay địch gầm rú thả bom loạn xạ. Nhưng khói đã vô tình làm màn ngụy trang cho chúng tôi. Trung đội tôi vận động theo xe tăng. Lần đầu tiên đi cạnh xe tăng, tiếng gầm rú xe tăng nhức óc. Bỗng tôi nghe một tiếng rầm rất to. Tôi run bắn người, tưởng xe tăng bị vấp mìn, nhìn lại thấy anh em không ai việc gì, xe tăng vẫn chạy sau đó tôi mới biết đó là tiếng nổ đầu nòng của pháo tăng. Chúng tôi theo đường nhựa một đoạn rồi rẽ trái cắt đường đột phá thẳng vào Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23. Bỗng phía bên phải hướng đối diện xuất hiện một chiếc xe tăng, anh Luyện Tiểu đội trưởng hô: “đ/c Nhới tiêu diệt xe tăng” (lúc này tôi đang giữ B40 vì hôm 10/3 a hỏa lực bị thương gần hết nên hỏa lực được giao về các trung đội). Đang loay hoay tháo bảo hiểm quả đạn B40 thì anh Âu, a trưởng giật lấy khẩu súng của tôi nói: “để tao bắn cho”, chắc anh sợ tôi lính mới, run tay không bắn trúng, vừa lúc đó có một người hét lên: xe tăng ta có cắm cờ giải phóng mọi người đều nhìn lại thì đúng là xe tăng có cắm cờ giải phóng thật. Hú vía, nếu lúc đó không phát hiện kịp thời thì đúng là “quân ta chiến thắng quân mình”, hậu quả sẽ không biết thế nào? Một kỷ niệm nhớ đời!
(2) Sau khi làm chủ Bộ Tư Lệnh sư đoàn 23, chúng tôi chốt ở lại đó khoảng ngày 13, 14 gì đó thì rời mục tiêu, hành quân ra đồn điền cà phê để đến tối hành quân đi đánh trung đoàn 45 ngụy tiếp viện hòng tái chiến BMT. Khi đến vườn cà phê, đơn vị đào hầm, nghỉ ngơi ăn cơm trưa xong anh em nằm nghỉ. Còn lại một mình, tôi lấy súng ra lau chùi. Lúc này tôi được đổi khẩu B40 bằng khẩu B41. Ngồi cạnh miệng hầm, tôi ấn túm giẻ vào nòng súng rồi lấy que ấn nút giẻ vào, không ngờ súng B41 không như súng B40, mà phần giữa của súng rỗng nên khi giẻ vào đến đó phình ra không thể nào lấy giẻ ra được. Loay hoay cả buổi trưa, suốt gần 4 tiếng đồng hồ tôi đã khóc vừa sợ bị kỷ luật, vừa sợ không có vũ khí chiến đấu. Cuối cùng tôi vào trong hầm lấy thông nòng súng AK ra thọc vào xoay theo chiều kim đồng hồ, rất may giẻ đã cuốn vào rãnh xoắn thông nòng, tôi rút được túm rẻ ra. Thật là một bài học nhớ đời cho cánh lính mới chúng tôi!
(3) Không biết có chỉ điểm hay không, mà vừa tập trung đại đội chuẩn bị hành quân thì máy bay địch đến ném bom. May mà bộ đội có hầm trú ẩn nên không có thiệt hại gì đáng kể, nhưng cũng phải mất một thời gian mới ổn định được đội hình tiếp tục hành quân. Chập tối lính buồn ngủ vô cùng, nhất là lính mới chúng tôi. Đang đi chợt có tiếng nổ “ bép” vang lên (như tiếng nổ của nụ xòe lựu đạn), cả đơn vị nằm rạp xuống hai bên vệ đường nhưng chờ mãi không thấy có tiếng nổ nào nữa, cũng không thấy gì lạ, hóa ra một anh lính mang cục pin cối (mà lính gọi là pin cặc ngựa ) bị chập nên phát ra tiếng nổ ấy. Số là sau khi vào Buôn Mê Thuột, lính ta bỏ hết đèn dầu lấy pin chiến lợi phẩm để thắp sang, không cẩn thận nên bị chập. Đúng là “chẳng có cái dại nào giống cái dại nào” lại thêm một bài học nhớ đời cho cánh lính mới chúng tôi!
Những chuyện cười ra nước mắt như thể này, kể lại, hi vọng những đồng đội có mặt hôm đó sẽ cùng nhớ lại.