MỘT KỶ NIỆM VỚI TƯ LỆNH KIM TUẤN


MỘT KỶ NIỆM VỚI TƯ LỆNH KIM TUẤN
 Đại tá Khuất Duy Hoan - nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 


Đầu năm 1973 chúng tôi lớp tân binh thời Tổng động viên được bổ sung về Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 đứng chân tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai làm nhiệm vụ bảo vệ vùng giải phóng sau hiệp định Pari. Một hôm bạn tôi là Nguyễn Trọng Luân cùng nhập ngũ và huấn luyện tại Sư đoàn 304B, cùng được biên chế về Trung đoàn 64 đang công tác trên trung đoàn bộ về thăm Đại đội 7 nói với tôi: “Tớ nhìn thấy Sư trưởng rồi nhé”. Tôi trừng mắt: “Bốc phét”, nó khảng định: “Thật mà, ông ấy xuống trung đoàn ,mà cậu biết không, ông ấy nói chuyện với Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến toàn bằng tiếng Pháp”. Hôm sau, Luân về trung đoàn bộ. Tôi cứ vẩn vơ suy nghĩ, Sư trưởng bằng tuổi cha mình, đi đánh giặc mấy mươi năm mà vẫn giỏi tiếng Pháp. Kỳ thật rồi bâng khuâng nghĩ tới cái vốn tiếng Nga mấy năm học cấp 2 chỉ đọc giỏi chứ nghe người khác nói thì có hiểu được mấy từ đâu. Mùa xuân năm 1975, khi chúng tôi đang truy kích quân ngụy đang rút chạy trên đường 7 – Cheo Reo. Tại ngầm Củng Sơn, chúng tôi tạm dừng ở Nam sông Ba. Anh Kiều Thế người Thái Nguyên đang là trợ lý chính trị trung đoàn từng chỉ đạo mấy mùa chúng tôi tham gia hội diễn văn nghệ của trung đoàn 64 với mặt trận đường 19 kéo dài. Gặp tôi anh ấy bảo: “Hoan này, Sư đoàn mình nằm trong đội hình Quân đoàn 3 rồi đấy nhé”. Quân đoàn! Ôi cái tên nghe như hồi còn nhỏ xem phim, đọc chuyện của Liên Xô chống phát xít Đức ấy. Anh Thế còn nói: “Cậu biết ai là tư lệnh không? Thiếu tướng Vũ Lăng đấy, cụ Kim Tuấn nhà mình là Tư lệnh phó”. Suốt chặng đường đuổi địch trên đường 7 về đến Phú Yên, tôi cứ lâng lâng khi nghĩ rằng mình là lính Quân đoàn mới tinh thành lập chưa được một tuần. Sư trưởng nhà mình là Tư lệnh phó, bọn cùng trung đội với mình chưa cậu nào biết tin này, oai phết. Cái đêm nằm trong hang đá gần đèo Cả trước trận đánh giải phóng thị xã Tuy Hòa, tưởng tượng ra “Cụ Tuấn” dáng to cao, phúc hậu nói tiếng Pháp mà Luân đã kể lại, cứ hình dung bố mình nếu không đau dạ dày phải phục viên chuyển ngành từ 1956 thì biết đâu cũng vào đây thành ra hai cha con chung một chiến trường… Rồi chiến tranh kết thúc ở Sài Gòn ngày 30/4/1975 lịch sử. tôi đi học trường Hạ sĩ quan Quân đoàn và trở về đại đội 7, tiểu đoàn 8, trung đoàn 64 làm Quản trị trưởng. Suốt thời gian ở Đồng dù chỉ nhìn thấy Sư đoàn trưởng Bùi Đình Hòe là to nhất thôi. Thật may ngày Sư đoàn 320 đón danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang tôi mới được nhìn thấy Tư lệnh Kim Tuấn khi cùng đội Tuyên văn của Sư đoàn múa hát chào mừng lúc diễu qua lễ đài. Trong bộn bề vui sướng, hân hoan, chỉ nhìn thấy ông tươi cười vẫy tay chào mọi người mà cảm thấy phấn khích như ông vẫy tay động viên mình ấy thôi. Vài năm sau, trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây nam và làm nghĩa vụ Quốc tế trên đất nước Chùa tháp, tôi cũng chỉ được gặp ông một lần và rồi ông ra đi mãi mãi như bao người lính của ông trên chính chiến trường Cam Pu Chia, ông hy sinh lẫm liệt như những người lính trận. Tôi cũng trưởng thành trong cuộc chiến này, từ những trận đầu ở Sa Mát, Đà Ha tới Phum Sâm, Công Pông Chàm, Nông Pênh…từ chính trị viên đại đội lên Tham mưu trưởng trung đoàn. Mỗi trận đánh, mỗi mùa chiến dịch, người lính Trung đoàn chúng tôi luôn nhận được sự dìu dắt ân tình của các thủ trưởng như Tư lệnh Sư đoàn Khuất Duy Tiến đến Tư lệnh Quân đoàn Kim Tuấn. Càng về sau tôi càng thấm thía, để làm người chỉ huy đến cấp sư đoàn, quân đoàn phải có cái đầu chịu đựng được mọi thứ, vui mừng đau thương, mất mát…Sau trận vượt sông Công Pông Chàm bằng sức mạnh đầu năm 1979, khi về lại hậu phương Tư lệnh Sư đoàn Khuất Duy Tiến kể lại “ Trước giờ G (giờ nổ súng), Tư lệnh Kim Tuấn hỏi tớ: Ai chỉ huy bến vượt bí mật? Tớ trả lời: Đồng chí Khuất Duy Hoan – Tham mưu phó trung đoàn 64. Tư lệnh lại hỏi: Có phải Hoan Phum Sâm không?...”. Tôi bồi hồi nhớ lại trận chốt giữ Ph.Sâm hồi đầu tháng 8-1978 của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 do tôi làm Tiểu đoàn trưởng. Trong giây phút cam go nguy kịch nhất của trận chiến, khi xe tăng và lính Pôn Pốt đã tràn vào trận địa chốt của toàn tiểu đoàn chỉ còn vài tay súng chiến đấu. Chúng tôi hội ý và quyết định xin pháo binh cấp trên bắn chi viện trực tiếp vào trận địa chốt của tiểu đoàn. Tư lệnh Sư đoàn báo cáo lên Quân đoàn. Tư lệnh Kim Tuấn đắn đo hồi lâu rồi ra lệnh chỉ được bắn pháo đạn nổ trên không khi chắc chắn bộ đội đã xuống công sự có nắp an toàn. Cũng nhờ vậy mà quân địch phải giãn ra cho lực lực lượng tăng viện vào hỗ trợ chúng tôi giũ vững trận địa. Thế đấy, một trận đánh mà người chỉ huy cấp trên lo đến từng chiến sĩ, sâu sát hiểu đến từng chỉ huy hai, ba cấp dưới như ông thì lẽ nào mà Trung đoàn, Sư đoàn, Quân đoàn tôi không luôn đánh thắng. Tôi gặp Tư lệnh Kim Tuấn chỉ ít ngày trước khi ông hy sinh. Khi ấy đơn vị tôi đang làm nhiệm vụ truy quét tàn quân địch ở Công Pông XPư…Trận đánh vừa kết thúc thắng lợi thì cơn mưa giông ập tới. Tôi cùng các sĩ quan trên trung đoàn đi kiểm tra trận địa và bổ sung nhiệm vụ cho đơn vị thì nghe báo Tư Lệnh Kim Tuấn xuống thăm, kiếm tra và đang hỏi các chiến sĩ: “Đây là đơn vị nào…chính trị viên đâu…gọi cán bộ tiểu đoàn cho tôi…”. Được tin Tư lệnh Quân đoàn tới, tôi và anh Nguyễn Thái Hiển chính trị viên tiểu đoàn vội vàng chạy lại, thoáng thấy nét mặt Tư lệnh buồn buồn. Ông hỏi: “Cậu là chính trị viên à?”. “ Vâng ạ”, (anh Hiển trả lời). “ Bộ đội cậu đây phải không”. “Vâng ạ”. “ Bộ đội cậu là Phỉ”. “ Vâng ạ”. “ Cậu cũng là Phỉ”. “Vâng ạ”. Anh Hiển biết mình lỡ lời rồi mà cứ đứng ngây đơ ra, tôi cũng đứng ngây đơ ra…Tư lệnh quay mặt đi trong dáng vẻ buồn rầu, tôi chợt thấy trên gương mặt trận mạc của ông giọt nước mắt lăn nhanh. Ông đã không kìm được bực tức khi nhìn thấy các chiến sĩ đang cầm trên tay những trái xoài, trái vú sữa chín mọng vừa rụng xuống trong cơn mưa giông, dù biết rằng những trái cây ấy lính ta nhặt về cho anh em thương binh ăn tạm trong khi chờ xe đưa về tuyến sau cứu chữa. Vì ngày ấy theo quy định của cấp trên, chúng tôi chỉ được sử dụng không khí, nước lã và củi đun trên đất bạn mà thôi. Đã bốn mươi năm qua rồi. Tôi cũng đã trưởng thành đến cán bộ Quân đoàn.Càng nghĩ càng thấy thương yêu và kính trọng nhưng người chỉ huy cấp trên của mình trước đây. Khi bước vào tuổi ngoài năm mươi, mắt phải đeo kính, xương cốt đã bắt đầu nhức mỏi mỗi khi trái gió trở trời, nghĩ lại cũng ở cái tuổi ấy mà các thủ trưởng ngày xưa vẫn xông pha trận mạc, đi nhiều, lo nhiều mà các ông vẫn vượt qua. Cái lúc Tư lệnh Kim Tuấn nhìn những người lính trẻ như con trai mình đang đói, đang kiệt sức sau trận đánh, tôi bỗng nghĩ người cha trong ông thương chúng tôi lắm. Ông hy sinh ngày 17/3/1979 trên đất nước Chùa Tháp khi chỉ huy chúng tôi làm nhiệm vụ Quốc tế thiêng liêng, cao cả của những người lính tình nguyện. Đầu năm 2017. Cùng với Trung Tướng Khuất Duy Tiến và đại diện Thường trực Ban liên lạc Đại đoàn Đồng Bằng – Sư đoàn 320 tại Hà nội đến thắp hương tưởng nhớ và kính tặng gia đình biểu tượng của Đại đoàn. Thiếu tướng Nguyễn Thị Thanh Hà, người con gái đầu của ông và Đại tá Nguyễn Công Hiệu, con trai thứ hai của ông đưa chúng tôi lên phòng thờ của gia đình. Đứng trước di ảnh của ông, tôi bất chợt bồi hồi sống lại kỷ niệm lần gặp ông ở chiến trường năm nào. Viết những dòng kỷ niệm về ông,về người Tư lệnh Quân đoàn một thời được sống, chiến đấu và trưởng thành. Tôi như đang nghĩ về chính người cha của mình.

Thiếu tướng Kim Tuấn ( bên trái ảnh ) đang trình bày phương án tác chiến .