THƯỢNG TƯỚNG VŨ LĂNG - NGƯỜI TƯ LỆNH SẮC SẢO.


Chiến thắng Tây Nguyên tháng 3/1975 là một chiến thắng hết sức to lớn . Nó đã tạo nên bước ngoặt mới của cuộc chiến tranh cách mạng của dân tộc ta . Có được chiến công trên chúng ta không thể quên vai trò chỉ huy của cố Thượng tướng VŨ LĂNG - Nguyên Tư lệnh đầu tiên của Quân đoàn . Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Quân đoàn 3 Anh hùng ( 26/3/1975 - 26/3/2020 ) . Trang Lính Tây Nguyên xin giới thiệu cùng bạn đọc bài : THƯỢNG TƯỚNG VŨ LĂNG - NGƯỜI TƯ LỆNH SẮC SẢO , như một lời tri ân gửi tới cố Thượng tướng VŨ LĂNG .


THƯỢNG TƯỚNG VŨ LĂNG - NGƯỜI TƯ LỆNH SẮC SẢO
Cố Thiếu tướng Huỳnh Nghĩ
                                    Nguyên Phó giám đốc Học viện Đà Lạt

Anh Vũ Lăng nguyên là một trong 4 Tư lệnh Quân đoàn chỉ huy một trong những cánh quân chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong chiến dịch này, anh là Tư lệnh Quân đoàn 3, chỉ huy quân đoàn từ Tây Nguyên tiến về Nam Bộ, tiến công vào hướng tây bắc thành phố Hồ Chí Minh, hướng chủ yếu của chiến dịch, diệt Sư đoàn 25 ngụy, đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, sân bay Tân Sơn Nhất và cùng Quân đoàn 1 chiếm Bộ Tổng tham mưu quân ngụy.
Trước khi vào chiến trường, anh là Cục trưởng Cục tác chiến thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Anh kể lại, khi được đồng chí Văn Tiến Dũng cho biết cấp trên có ý định điều động anh vào Tây Nguyên làm Tư lệnh Mặt trận thay anh Hoàng Minh Thảo, anh mừng quá, vì rất phù hợp với nguyện vọng mong muốn đi vào chiến trường đang ấp ủ bấy lâu nay. Cấp trên cho nghỉ một tháng để chuẩn bị, nhưng sợ gặp chuyện đột xuất phải thay đổi nên anh chỉ xin nghỉ có một tuần để chuẩn bị. Anh được Bộ Tổng tham mưu gợi ý sơ bộ về nhiệm vụ tác chiến năm 1975, ý đồ xây dựng khối chủ lực Tây Nguyên. Anh lên đường và chính thức nhận nhiệm vụ Tư lệnh Tây Nguyên vào tháng 6 năm 1974 . Cùng thời gian này, anh Đặng Vũ Hiệp nhận nhiệm vụ Chính ủy Mặt trận.
Tháng 9 năm 1974, Bộ giao cho Tây Nguyên: Trong năm 1975, chiến trường Tây Nguyên là chiến trường chính, trong hoạt động mùa khô ở miền Nam. Mục tiêu chủ yếu là quận lỵ Đức Lập (Đắc Min).
Đến tháng 11 năm 1974, Bộ lại bổ sung nhiệm vụ: Mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Nam Tây Nguyên là thị xã Gia Nghĩa. Cụ thể là “Tiêu diệt và làm bị thương từ 4 đến năm vạn tên địch, trong đó có từ 3 đến 4 trung đoàn, liên đoàn bộ binh, thiết giáp, đánh thiệt hại từ 1 đến 2 sư đoàn chủ lực ngụy. Mở rộng hành lang chiến lược vào đến miền Đông Nam Bộ và các tỉnh đồng bằng Khu 5 (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa). Giải phóng vùng đất bằng nam Plây ku, Cheo Reo và xung quanh Buôn Ma Thuột, đánh bại kế hoạch nống lấn giải tỏa của địch, giữ vững và phát huy quyền làm chủ chiến trường; thực hiện chia cắt chiến lược. Tích cực phối hợp với mặt trận đánh phá “bình định” ô đồng bằng. Cụ thể diệt từ 3 đến 4 tiểu khu, từ 1 đến 2 tỉnh lỵ (Gia Nghĩa, Cheo Reo, chủ yếu là Gia Nghĩa (Đắc Nông -TG) đánh phá giao thông và hậu cứ. Xây dựng ba thứ quân, xây dựng vùng giải phóng, mở đường chiến dịch, đường chiến lược, hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo”.
Ý định của Bộ là Tây Nguyên cần xây dựng kế hoạch cơ bản và kế hoạch thời cơ. Chiến dịch này rất kiên quyết, trường hợp nào cũng phải giành thắng lợi. Nhằm thực hiện ý định trên, từ tháng 4 năm 1974, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Tây Nguyên đã quyết định xây dựng các lực lượng vũ trang Tây Nguyên theo phương hướng thành quân đoàn cơ động tác chiến quy mô lớn. Đây là một công việc khá phức tạp. Trước nay Tây Nguyên là một Mặt trận, ngoài các đơn vị chủ lực còn có các bộ phận sản xuất, các binh trạm, kho tàng nằm trải dài khắp các tỉnh, nay phải thu cho gọn lại. Để thành binh đoàn cơ động mạnh, mỗi sư đoàn phải có đủ 3 trung đoàn bộ binh và 1 trung đoàn pháo binh, mỗi tiểu đoàn có 400 quân; tổ chức thêm các trung đoàn binh chủng trực thuộc: pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh, đặc công, thông tin. Tiến hành xây dựng gần 400km mạng đường sá giao thông, tổ chức các trạm tiếp nhận vật chất hậu cần, bến bãi, kho tàng dự trữ chiến dịch - chiến lược. Chỉ tính riêng việc sửa chữa và khôi phục hàng trăm chiếc xe cơ giới để có thể cơ động được đã là chuyện rất khó. Anh Đỗ Thuyên, Cục trưởng Cục kỹ thuật hứa với anh Vũ Lăng là sẽ sẽ nổ lực cao nhất bảo đảm trên 95% đầu xe cơ động tốt.
Công việc chuẩn bị cho chiến dịch Nam Tây Nguyên hết sức nặng nề đè nặng lên vai người Tư lệnh. Trong xử lý công việc, anh Vũ Lăng giải quyết khá cụ thể, đầy đủ và chính xác. Kiến thức về tổ chức và chỉ huy một binh đoàn cơ động của anh thật phong phú, sắc sảo đã giúp chúng tôi học tập được rất nhiều.
Công tác quan trọng nhất của quá trình chuẩn bị là việc đi nghiên cứu chiến trường. Anh Nguyễn Năng, phó Tư lệnh được phân công đi chuẩn bị ở Gia Nghĩa. Anh Vũ Lăng đi chuẩn bị ở đường 14. Tôi có may mắn được đi cùng anh Vũ Lăng trong lần chuẩn bị này. Đó là vào cuối năm 1974, lúc này Sở chỉ huy Mặt trận đóng ở phía tây sông Ea D'rang. Rời Sở chỉ huy vào buổi chiều khi mặt trời sắp lặn, vượt qua khu rừng le, chúng tôi chia làm 2 đoàn đi hai đường khác nhau và hẹn gặp tại đường ô tô. Mới vào mùa khô, Tây Nguyên đã hết mưa, nhưng đường sá còn lầy lội. Để giữ bí mật, chúng tôi hành quân vào ban đêm. Đường quân sự làm gấp từ Gia Lai đi vào Đắc Lắc xuyên qua các khu rừng, nhiều đoạn phải lót bằng cây mới qua được các bãi lầy. Có những đoạn xe bị sa lầy, chúng tôi phải xuống đẩy xe qua. Trên đường, những chiếc U-oát lắc lư, nghiêng ngã. Khi đến bờ sông Pô Cô, các chiến sĩ công binh bắc cầu phao qua sông vui mừng đón chúng tôi. Dưới ánh sao đêm, những chàng chiến sĩ dũng cảm đang trực chiến bên dòng Pô Cô. Bài hát “Cô lái đò trên sông Pô Cô” đêm nay như vẫn ngân vang ca ngợi anh bộ đội Cụ Hồ bám trụ kiên cường bên chiếc cầu phao 50 tấn giữa núi rừng Tây Nguyên. Các anh cho biết, máy bay địch bắn phá bến vuợt suốt ngày đêm. Xe băng qua cầu, tạm biệt các anh, tạm biệt dòng Pô Cô.
Đi suốt đêm, sáng hôm sau đoàn xe chúng tôi dừng lại giữa một khu rừng khá kín đáo. Các đồng chí trinh sát đón anh Vũ Lăng và trình bày kế hoạch đi trinh sát đường 14, trên đoạn từ cầu Srêpok (cầu 14) đi Đắc Min. Ý định của chiến dịch là sau khi ta đánh chiếm thị xã Gia Nghĩa, Sư đoàn 23 quân ngụy sẽ lên tiếp viện và ta sẽ sử dụng 1 sư đoàn chặn đánh lực lượng ứng viện của Sư đoàn 23 trên đoạn đường này. Địa điểm quan sát là đỉnh một quả đồi le dốc đứng thuộc vùng Cư Jút hiện nay. Thời đó rừng ở đây còn kín đáo, hoang sơ. Để đưa anh Vũ Lăng lên được đỉnh, các đồng chí trinh sát phải đẩy anh lên. Sau khi quan sát mặt đường xong, đoàn tiếp tục đi nghiên cứu phía sau.
Vừa rời khỏi đường số 14, thì phát hiện phía trước có xe kéo gỗ, đoàn tạm dừng và tạt vào rừng để nắm tình hình. Sau một lúc, đoàn lại tiếp tục lên đường. Khi đi được một quãng khá xa, mới phát hiện thiếu một bác sĩ của đoàn. Thế là anh Vũ Lăng cho đoàn tạm dừng và tung các toán trinh sát đi tìm bác sĩ suốt cả chiều và đêm hôm đó, mà vẫn không tìm thấy. Đúng là một mất, mười ngờ, suốt đêm cả đoàn lo lắng bác sĩ bị địch bắt , mọi người thao thức không ai ngủ được. Mãi đến 8 giờ sáng hôm sau, trinh sát mới tìm thấy bác sĩ đang đi thất thểu trong rừng. Hóa ra, lúc đoàn tạm dừng, bác sĩ xuống suối rửa chân, khi trở lên thì đoàn đã đi rồi, nên lạc trong rừng suốt đêm.
Tinh hình chiến trường cuối năm phát triển rất nhanh. Thắng lợi toàn Miền, nhất là chiến thắng giải phóng toàn tỉnh Phước Long của Nam Bộ, càng cho thấy quân ngụy Sài Gòn đã suy yếu rõ rệt, còn Mỹ khó quay trở lại. Điều đó càng củng cố quyết tâm giải phóng miền Marn. Ngày 8 tháng 1 năm 1975, Bộ Chính trị đã có quyết định quan trọng cho Tây Nguyên: “ Chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Nam Tây Nguyên”. Sau đó, Bộ đã điện cho Bộ tư lệnh chiến dịch: “Chuyển mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Nam Tây Nguyên về Buôn Ma Thuật”.
Việc quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Nam Tây Nguyên phản ánh sự nắm bắt nhạy bén tình hình chiến lược và sự quyết đoán đúng đắn của cơ quan lãnh đạo cấp cao.Tuy nhiên, việc chuyển mục tiêu chủ yếu về Buôn Ma Thuột đã làm thay đổi cơ bản mọi kế hoạch chuẩn bị của chiến dịch. Có thể nói, công tác chuẩn bị hầu như phải làm lại từ đầu. Từ việc chuẩn bị kế hoạch tiến công, đi nghiên cứu chiến trường đến việc xây dựng lại hệ thống đường giao thông, vận chuyển hậu cần, nhưng khó khăn nhất là việc đưa xe tăng và pháo xe kéo vào thị xã. Một khó khăn khác là cách đánh thị xã. Thị xã Buôn Ma Thuột rộng 25 km vuông, trong thị xã có đến 8.000 tên dịch phòng thủ. Sau nhiều lần tranh luận dân chủ, cuối cùng anh Vũ Lăng kết luận và được Thường vụ chuẩn y cách đánh thị xã là dùng sức mạnh đột phá binh chủng hợp thành là chính, kết hợp với lực lượng đặc công luồn sâu, lót sẵn bất ngờ đánh chiếm trước một số mục tiêu bên trong, kết hợp trong ngoài cùng đánh.
Để giữ bí mật ý định đánh thị xã, vấn đề nghi binh thu hút , kìm chân đại bộ phận chủ lực ở lại Bắc Tây Nguyên là rất quan trọng. Tuy Bộ tư lệnh chiến dịch đã thực hiện khá nhiều biện pháp nghi binh đánh lừa địch, nhưng do địch phát hiện một số triệu chứng hoài nghi, nên ngày 19 tháng 2 năm 1975, tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy quyết định đưa trung đoàn 45 thuộc Sư đoàn 23 từ Piây ku đổ bộ xuống Eạ H' Leo lùng sục vào khu vực mà chúng nghi ngờ có Sư đoàn 320 của ta đang tập kết ở đó. Để xử trí tình huống khó khăn này, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định cho Sư đoàn 320 lùi về phía sau, tránh đụng độ với địch, đồng thời ra lệnh cho các đơn vị ở phía Bắc tích cực nghi binh kéo trung đoàn 45 ngụy trở lại Plây ku. Đồng thời, anh Vũ Lăng chỉ thị cho cơ quan tham mưu phát đi bức điện giả gửi cho các đơn vị với nội dung: “Địch đã bị ta nghi binh, cho rằng ta sẽ đánh, Buôn Ma Thuột, nến đã đưa trung đoàn 45 xuống Ea H'Leo”. Địch đã nhận được bức điện giả đó. Trong cuốn “Cuộc, tháo chạy tán loạn, Frank Snepp đã viết: “Mưu này đã đánh lừa tất cả chúng tôi, với hậu quả tai hại cho chính phủ”.
Để tăng cường lực lượng cho chiến dịch, Bộ đã điều động sư đoàn 316, lực lượng dự bị của Bộ vào tăng cường cho Tây Nguyên. Một buổi tối, anh Vũ Lăng cho gọi tôi lên. Anh giao cho tôi nhiệm vụ làm phái viên đến giúp Sư đoàn 316 đi nghiên cứu thị xã Buôn Ma Thuột và xây dựng kế hoạch tiến công thị xã. Anh dặn dò tôi rất kỹ về chuyện tuyệt đối giữ bí mật, vì hiện nay địch chưa biết gì về việc Sư đoàn 316 đã đến Tây Nguyên.
Do tầm quan trọng của chiến dịch, ngày 7 tháng 2 năm 1975, anh Hoàng Minh Thảo được quyết định của cấp trên về làm Tư lệnh chiến dịch. Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã cử anh Văn Tiến Dũng làm đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh vào Tây Nguyên tổ chức Sở chỉ huy tiền phương của Bộ chỉ đạo trực tiếp chiến dịch.
Khi vào chiến trường, anh Văn Tiến Dũng triệu tập Bộ tư lệnh chiến dịch đến báo cáo tình hình. Anh Dũng đặt vấn đề: Vì sao Sư đoàn 10, một đơn vị có kinh nghiệm đánh công sự vững chắc lại sử dụng để đánh Đức Lập mà không sử dụng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột?
Anh Vũ Lăng kể lại: Buổi sáng hôm đó anh bị sốt rét rất nặng, người run lẩy bẩy, mặt tím bầm nên không dự buổi báo cáo được. Anh Thảo mới về còn đang nắm tình hình. Trong lúc đó, anh Văn Tiến Dũng cứ xoay về chuyện sử dụng Sư đoàn 10. Trưa hôm đó, anh Đặng Vũ Hiệp đề nghị anh Vũ Lăng cố gắng chiều đến báo cáo cho anh Dũng. Anh Đặng Vũ Hiệp nói bác sĩ tiêm cho anh Vũ Lăng liều thuốc chống sốt rét cao, hạ bớt cơn sốt để anh có thể đi dự họp được. Mặc dù trong người còn rất mệt, nhưng chiều hôm đó anh đã cố gắng đến dự họp và báo cáo cho anh Dũng ý định của Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch về việc sử dụng Sư đoàn 10. Đức Lập là một cụm cứ điểm phòng ngự vững chắc, án ngữ sát biên giới Việt Nam- Campuchia, án ngữ con đường chiến lược vào Nam Bộ, nên việc đánh Đức Lập cần giao cho Sư đoàn 10, hơn nữa Sư đoàn 10 đã chuẩn bị từ lâu theo nhiệm vụ được giao ban đầu (Đức Lập là mục tiêu chủ yếu); Sư đoàn 10 chỉ đánh Đức Lập trong ngày 9 tháng 3, rồi nhanh chóng quay về Buôn Ma Thuột sẵn sàng đánh phản kích; trong tình hình hiện nay địch đang theo dõi ta ráo riết, nếu cơ động Sư 10 sẽ dễ lộ bí mật. Báo cáo của anh khá thuyết phục nên cuối cùng đã được anh Dũng nhất trí phê chuẩn kế hoạch đó. Anh Dũng nhắc nhở cần chuẩn bị thật đầy đủ phương tiện để đưa nhanh Sư đoàn 10 về Buôn Ma Thuột. Cả Bộ tư lệnh chiến dịch thở phào nhẹ nhỏm. Trong tiến trình diễn biến chiến dịch Tây Nguyên, anh Vũ Lăng đã góp sức xứng đáng cùng các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch chỉ huy đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, nhất là trong việc sử dụng trung đoàn 66 Sư đoàn 10 vào tăng cường cho Sư đọàn 316 đánh chiếm căn cứ 53.
Ngày 21 tháng 3 năm 1975, anh Văn Tiến Dũng chuyền đạt cho Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên lệnh bổ sung nhiệm vụ của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh: “ Tiếp tục phát triển chiến đấu trên 3 trục đường 19, 7 và 21 giải phóng Phú Yên, Khánh Hòa, phối hợp với Sư đoàn 3 Quân khu 5 giải phóng Bình Định. Mục tiêu chủ yếu là diệt lữ đoàn dù 3 ở đèo Phượng Hoàng - Ma Đrắc và tiến xuống giải phóng Nha Trang, Cam Ranh”.
Thực hiện nhiệm vụ trên, Sư đoàn 10, trung đoàn 25, trung đoàn pháo binh 40, sau khi diệt xong Sư đoàn 23 ngụy đã tiến theo đường 21 (nay là đương 26) từ Buôn Ma Thuột xuống Khánh Hòa, anh Vũ Lăng và anh Đặng Vũ Hiệp được phân công trực tiếp đi đốc chiến cánh quân này. Lúc này, lữ đoàn dù 3 quân ngụy đã lên chốt ở đèo Phượng Hoàng hòng ngăn chặn Sư đoàn 10. Đèo Phượng Hoàng là một ngọn đèo quanh co, hiểm trở, dài ngót 10 km. Lữ đoàn 3 tổ chức thành nhiều cụm phòng ngự dã chiến mà địch gọi là phòng ngự di tản, được 24 khẩu pháo và rất nhiều máy bay chi viện, hình thành cánh cửa thép Phượng Hoàng (như chúng nói) quyết chặn đứng Sư đoàn 10.
Sau khi nghiên, cứu tình hình, anh Vũ Lăng chỉ đạo cho Sư đoàn 10, trung đoàn pháo binh 40 tập trung pháo binh diệt từng trận địa pháo địch, hạn chế thấp nhất hỏa lực chi viện cho địch. Một số pháo, đạn thu được của địch ở Buôn Ma Thuột đã được sử dụng trong trận này. Sau hai ngày pháo binh ta đánh quyết liệt, 12 khẩu pháo của địch đã bị phá hủy, địch phải co lại và cuối cùng lữ đoàn 3 đã bị Sư đoàn 10 đánh cho tan tác sau 2 giờ tiến công. Địch phải bỏ đèo Phượng Hoàng tháo chạy. Từ trên đỉnh đèo, đã nhìn thấy biển xanh lấp lánh phía đằng đông như vẫy gọi quân ta tiếp tục tiến xuống đồng bằng. Thừa thắng Sư đoàn 10 tiến xuống giải phóng thị xã Nha Trang và tiến vào chiếm bán đảo Cam Ranh. Qua trận này, càng thấy tài chỉ huy sắc sảo của anh Vũ Lăng trong việc diệt lữ dù 3, đặc biệt là cách sử dụng pháo binh.
Sau khi Tây Nguyên được hoàn toàn giải phóng, ngày 26 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân đoàn 3. Anh Vũ Lăng làm Tư lệnh, anh Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy Quân đoàn. Các anh Nguyễn Năng và Kim Tuấn làm phó Tư lệnh, anh Phí Triệu Hàm làm phó Chính ủy.
Quân đoàn 3 sau khi đánh chiếm Phụ Yên, Khánh Hòa đã được lệnh tiến vào Nam Bộ tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Tin vui trên đã làm nức lòng cán bộ và chiến sĩ trong Quân đoàn. Hàng chục năm sống và chiến đấu với các dân tộc Tây Nguyên, được nhân dân nuôi dưỡng đùm bọc, nay sắp phải đi đến một chiến trường mới, cán bộ và chiến sĩ Quân đoàn bùi ngùi xúc động, lưu luyến chia tay nhân dân và hẹn ngày trở lại.
Cơ quan quân đoàn rời Buôn Ma Thuột vào một buổi chiều. Khi ánh nắng vàng vừa tắt trên những rặng cây cao su, thì đoàn xe lên đường. Chúng tôi vẫy tay, chào Tây Nguyên, chào dòng sông Srêpok.
Ngày 12 tháng 4 năm 1975, anh Vũ Lăng và anh Đặng Vũ Hiệp nhận nhiệm vụ ở sở chỉ huy Bộ Tư lệnh chiến dịch. Theo anh Vũ Lăng kể lại: Anh có kiến nghị nên đặt tên cho chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn là chiến dịch Hồ Chí Minh, nhằm tôn vinh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Bộ Chính trị đã đồng ý kiến nghị này.
Sau khi nhận nhiệm vụ ở Bộ tư lệnh chiến dịch, ngày 14 và 15 tháng 4 năm 197.5, Bộ Tư lệnh Quân đoàn giao nhiệm vụ cho các Sư đoàn 316, 320 và các trung đoàn binh chủng. Riêng sư đoàn 10 còn đang hành quận dọc đường Bộ Tư lệnh Quân đoàn rất lo lắng và đang tìm cách để đưa sư đoàn 10 về nhanh cho kịp thời gian.
Theo kế hoạch của Quân đoàn, Sư đoàn 316 cắt đường và diệt địch trên đoạn từ Củ Chi đi Trảng Bàng, sư đoàn 320 đánh chiếm căn cứ Đồng Dừ diệt sở chỉ huy Sư đoàn 25 ngụy, Sư đoàn 10 làm nhiệm vụ thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất.
Anh Vũ Lăng kể lại: Trong khi thấy Sư đoàn 10 về muộn, có người đã nói với anh, hay là thay đổi nhiệm vụ giao cho Sư đoàn 10 đánh một mục tiêu khác, giao cho một sư đoàn khác đánh chiếm Tân Sơn Nhất? Anh Vũ Lăng không đồng ý. Anh nói cứ để Sư đoàn 10 đánh Tân Sơn Nhất, nếu rủi ro không thắng thì chỉ có Sư đoàn 10 thua, nhưng bây giờ thay đổi thì sẽ có 2 Sư đoàn thua, vì cả 2 đều chưa được chuẩn bị chu đáo từ trước. Và anh quyết định giữ nguyên ý định của Thường vụ và Bộ Tư lệnh Quân đoàn.
Trong tình hình khẩn trương đó, anh Vũ Lăng gọi tôi đến và giao cho tôi xây dựng kế hoạch thọc sâu giúp Sư đoán 10. Tôi cùng anh em trong phòng quân huấn suốt mấy ngày đêm tập trung xây dựng kế hoạch Sư đoàn 10 thọc sâu vào Tân Sơn Nhất thật cụ thể. Kế hoạch trên đã được Bộ Tư lệnh quân đoàn phê chuẩn.
Ngày 25 tháng 4, Sư đoàn 10 mới về đến khu tập kết Dầu Tiếng. Anh Vũ Lăng lại giao cho tôi xuống phổ biến cho hội nghị quân chính của Sư đoàn 10 về kế hoạch tiến công Tân Sơn Nhất mà Bộ tư lệnh Quân đoàn đã phê chuẩn. Anh Nguyễn Văn Kiệp, tham mưu phó Sư đoàn 10 ra đón tôi tận ngoài ngõ rẽ. Sau khi nghe phổ biến kế hoạch, anh Hồng Sơn Sư đoàn trưởng và anh Lã Ngọc Châu Chính ủy sư đoàn rất vui mừng và cám ơn. Tôi được giao tiếp nhiệm vụ đi cùng Sư đoàn 10 vào đánh chiếm sân bay.
Từ ngày 25 tháng 4, Bộ tư lệnh Quân đoàn ra lệnh cho các trận địa pháo của ta (27 khẩu đánh vào hàng loạt các trận địa pháo địch ở tây sông Sài Gòn- Suốt 4 ngày ròng rã, các trận địa pháo của ta đã đánh quyết liệt, 11 trên 18 trận địa pháo địch đã bị tê liệt, tạo điều kiện thuận lợi cho Quân đoàn 3 vào triển khai tiến công ở tây sông Sài Gòn. Một lần nữa, tài năng sử dụng pháo binh của anh Vũ Lăng đã phát huy hiệu quả.
Khoảng 2, giờ sáng ngày 30 tháng 4, trong khi Sư đoàn 10 đã đến nga ba Bà Quẹo, anh Vũ Lăng nhận được điện: Quân đoàn 3 có thêm nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, coi nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tông tham mưu ngụy là nhiệm vụ chính thức như nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhật.
Một nhiệm vụ mới nảy sinh trong quá trình tiến công; Anh giao cho Sư đoàn 10 phái trung đoàn 28 đảm nhiệm tiến công vào Bộ Tổng tham mưu ngụy. Sau này trung đoàn 28 đã đánh chiếm cơ quan Bộ Tổng tham mưu ngụy cùng lúc Sư đoàn 320 tiến vào đánh chiếm sở chỉ huy hành quân.
Hồi 9 giờ sáng 30 tháng 4, trung đoàn 24 Sư đoàn 10 hình thành 2 mũi tấn công đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất . Tuy bị địch ngăn chặn quyết liệt ở khu vực Lăng Cha Cả đến 11 giờ 30 , Trung đoàn đã làm chủ hoàn toàn sân bay . Anh Vũ Lăng mất năm 1989 vì một căn bệnh quái ác. Những ngày anh lâm bệnh, thường vào ban đêm tôi lên ngồi nói chuyện cũ với anh. Có những buổi anh giữ tôi ngồi lại rất khuya. Anh nói đùa: Cúc cụ Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn đã đi trước, ở dưới đó đã đủ cả bộ sâu, chỉ còn thiếu anh tác chiến, nên tớ xuống là đủ bộ. Vậy mà anh đi thật. Hôm đón quan tài anh từ Nga chở về, chúng tôi không ai cầm được nước mắt tiếc thương người. Tư lệnh tài năng, sắc sảo, người Viện trưởng Học viện uyên thâm.
TP HCM, tháng 12 năm 2003